Giáo lý Phúc Âm Chúa Nhật XX Quanh Năm năm B

1288

Tóm ý:

Khi Chúa Giê-su phán rằng:
Ta là bánh từ Trời hằng sống đây.
Bánh ấy là thịt Ta đây
Ai ăn được sống đời nầy đời sau

Do Thái tranh luận với nhau:
Lấy thịt nuôi sống làm sao thế nào?
Chúa không giải thích tại sao
Mà còn khẳng quyết: Nói sao nghe vầy.

Xin so để biết thế nầy
Man-na sa mạc trưng bày hình thôi
Ăn rồi cũng chết vậy thôi
Còn bánh “hằng sống” song đôi “đời đời”

Giêsu Thiên Chúa Ngôi Lời
Lời thành bánh thánh cho đời trường sinh.
Lời là Thánh Thể Thánh Kinh
Thức ăn cần thiết phúc vinh đời đời.
Amen.

CHÚA NHẬT XX QUANH NĂM B

Sách Châm Ngôn Ca 9.1-6;
Thư Thánh Phaolô Tông Đồ gửi tín hữu Êphêsô 5.15-20
và Phúc Âm Thánh Gioan 6. 51-58

Nghe hoặc Download Bài Tin Mừng MP3 Tại đây

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân Do-thái rằng: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống”.
Vậy người Do-thái tranh luận với nhau rằng: “Làm sao ông này có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn được?” Bấy giờ Chúa Giêsu nói với họ: “Thật, Ta bảo thật các ngươi: Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết. Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy. Cũng như Cha, là Ðấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính người ấy cũng sẽ sống nhờ Ta. Ðây là bánh bởi trời xuống. Không phải như cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết, ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời”.

I. Sứ điệp Phúc Âm:

Chúa trực tiếp mạc khải về Bí Tích Thánh Thể một cách rõ ràng và kiên quyết: Thịt Máu Chúa là lương thực trường sinh cho nhân loại. Ai ăn thì sống, ai không ăn thì chết.

Chúa Con liên kết mật thiết với Cha. Ai ăn thịt máu Chúa Kitô thì thành một với Chúa giống như Cha và Con. Ăn uống Mình Máu Chúa là một kết hợp mật thiết, là thành MỘT

Đây là mầu nhiệm đức tin, không là đối tượng của trí hiểu. Giáo huấn không bao giờ thay đổi cho phù hợp với sự hiểu biết của con người.

II. Dẫn giải liên quan Phúc Âm:

Mạc Khải:
Toàn bộ chương 6 phúc Âm Gioan được gọi là mạc khải về bánh hằng sống. Sao gọi là mạc khải? Bách khoa tự điển định nghĩa mạc khải.

Mặc khải (Hán tự: 默 啟) có nghĩa là mở ra cho biết một điều thiêng liêng mầu nhiệm trong sự tĩnh lặng mà lý trí con người không thể giải thích được.

Mạc khải (Hán tự: 漠 啟) là sự tác động trong yên lặng của Thiên Chúa làm bộc lộ những điều vượt tầm hiểu biết của con người.

Hai từ trên được dùng tương đương. Người ta tốn rất nhiều công sức để phân biệt giữa MẶC và MẠC. Tôi xin căn cứ trên ý nghĩa thần học của từ relevatio trong tiếng latinh để có một định nghĩa được nhiều người chấp nhận rằng: Mạc khải là việc Thiên Chúa bày tỏ hay chỉ dạy cho con người về những mấu nhiệm đức tin vượt quá sự hiểu biết của con người như trong Phúc Âm hôm nay, Chúa mạc khải rằng: Thịt máu Chúa là lương thực hằng sống cho con người. Ai ăn thịt máu Chúa thì sống. Ai không ăn thì chết.

Điều nầy không ai hiểu, vì không là đối tượng của trí khôn con người nhưng là mầu nhiệm đức tin.

Xin nói thêm một chút về mạc khải như sau: Thiên Chúa mạc khải về Thiên Chúa cho con người qua:

Vũ trụ và tạo vật: Nhìn thấy vũ trụ vạn vật, con người phải hướng về và tin Thiên Chúa là Đấng toàn năng.

Lịch sử cứu độ trong Kinh Thánh: ghi lại những điều Thiên Chúa muốn cho ta biết về ý định của Người đối với ta, nên Kinh thánh được viết ra trong ơn thần hứng, nghĩa là do sự linh hứng của Người. Thiên Chúa nói về chính mình qua Kinh Thánh, qua Lời Chúa.

Đức Giêsu Kitô: Đức Giêsu là trung gian mà Chúa Cha đã sai đến với loài người để thực hiện chương trình cứu độ. Chính Người là Đấng mà ai thấy tức là thấy Chúa Cha. Người đã đến trần gian để bổ túc và hoàn tất mặc khải về Thiên Chúa bằng sự hiện diện của chính Người; bằng việc tỏ mình qua lời nói, việc làm, các dấu chỉ, các phép lạ và nhất là qua cái chết trên thập giá, sự sống lại và vinh quang từ trong kẻ chết; sau cùng bằng việc phái thần chân lý đến. Ngài chính là Đấng mà Thánh Phalô nói: Kê cỗ tiên hiền truyền chủ dụ – Nhi kim Thánh Tử đối dân đàm – Ngài xưa Chúa đến với dân qua trung gian của tổ phụ, tiên tri, vua Chúa… nhưng ngày nay Thiên Chúa trực tiếp với chúng ta qua Con của Ngài.

Nên đạo Công Giáo gọi là đạo mạc khải: Chúng ta tin những gì Chúa dạy và Hội Thánh truyền.

Sự hiện diện thực của Chúa Kitô trong bí tích Thánh Thể nói gì với chúng ta?

Thưa nói rằng: Thiên Chúa trở nên nhỏ bé thấp hèn như chúng ta.     

Thiên Chúa trong Cựu Ước  đã hạ mình ngỏ lời với Dân Israel qua ông Môsê và đã tỏ ra gần gũi với Dân. Giờ đây chính Thiên Chúa đã trở thành xác phàm, đã làm người để ở giữa loài người. Người gần chúng ta đến mức hòa nhập thành một trong thân thể chúng ta. Khi đã rước lấy Mình Máu Thánh chúa, chúng ta có thể nói rằng: Chúa trong ta hay ta với Chúa là một. Nơi nhiều tôn giáo, thần linh hay ông trời ở trên cao xanh thăm thẩm chứ làm sao có thể hòa nhập và hoà tan trong con người thấp hèn của chúng ta!  Tôi dùng từ thấp hèn, hay hơn nữa là tội lỗi….Thật vậy, dù sạch tội chúng ta vẫn bất xứng với Thiên Chúa thiện hảo, huống chi rất nhiều người rước Chúa trong tình trạng có tội trọng… Chúa vẫn trở nên một trong thân phận thấp hèn và tội lỗi ấy. Tôi thật cảm động khi nghĩ đến sự thành một nầy. Nó giống như sự hòa tan của đôi vợ chồng khi trao toàn thân cho nhau. Chúa thật sống đúng tên Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta, thân phận thấp hèn và tội lỗi.

Năng quyền dâng lễ của linh mục.

Dâng lễ là năng quyền đi liền với thánh chức linh mục. Thụ phong linh mục là đương nhiên có quyền dâng lễ. Hay nói đúng hơn làm linh mục để dâng lễ. Nên dù linh mục bị phạt treo chén, tức không có quyền dâng lễ cho cộng đoàn dân Chúa công khai nơi nhà thờ, nhưng ngài vẫn có quyền dâng lễ riêng. Linh mục không được quyền dâng lễ khi bị phạt vạ huyền chức hay sa thải khỏi bậc giáo sĩ như Giáo Luật số 1395 qui định. Tuy nhiên năng quyền giải tội và xức đâu bệnh nhân khi lâm tử vẫn còn.

Linh mục chỉ được dâng lễ mỗi ngày một lần, trừ khi được phép dâng lễ nhiều lần vì nhu cầu mục vụ mang phúc lợi cho các linh hồn. Linh mục chỉ nên dâng lễ trong nhà thờ hay nơi xứng đáng trong lãnh thổ mình chịu trách nhiệm như trong giáo xứ của mình. Nếu muốn dâng lễ nơi khác, không thuộc thẩm quyền của mình, linh mục phải có phép của Cha Sở nơi mình muốn dâng lễ. Cha Sở địa phương, nếu không quen biết với linh mục xin dâng lễ, thì cần thẻ celebret, chứng nhận linh mục và cần giấy xác nhận là linh mục in good standing của Giám Mục có thẩm quyền trên linh mục.

Giáo Luật điều 903: Một tư tế có thể được vị quản đốc nhà thờ nhận cho làm lễ tuy không phải là người quen biết, miễn là tư tế xuất trình chứng thư do Bản Quyền hay Bề Trên cấp chưa quá một năm, hoặc có thể nhận định cách khôn ngoan rằng không có gì ngăn trở tư tế ấy được dâng lễ.

III. Thực hành Phúc Âm:   

Thánh Lễ ban thần lương vượt thắng khó khăn cuộc sống

Khi mẹ Têrêsa Calcutta sang Liên Xô xin gia nhập chi nhánh của Dòng ba, bà đã xin cho bằng được có một linh mục để mỗi ngày dâng Thánh lễ cho các nữ tu. Bà giải thích lý do: sở dĩ các nữ tu có đủ tinh thần nghị lực để mỗi ngày đem đến cho những người nghèo khổ sự an ủi, phục vụ và yêu thương, đó là nhờ Mình Máu Chúa mà họ rước mỗi ngày “Thịt Ta thật là của ăn và máu Ta thật là của uống.”

Sau năm 1975, người ta đi tham dự thánh lễ đông thật là đông. Một họ đạo nhỏ trong thành phố nơi tôi ở hàng ngày có đến 150 người tham dự thánh lễ…. Ngày Chúa Nhật thì khỏi nói: Bên trong nhà thờ, bên ngoài nhà thờ… Chính quyền nổi cơn ghen với sự thu hút của Thánh Lễ. Họ không biết lý do tại sao người ta đi dự lễ đông? Thánh Lễ nào cũng có người của công an đến tham dự và báo cáo… Người ta thử cấm giựt chuông trước lễ, người ta giới hạn giờ lễ… nhà thờ vẫn đông… Người ta cho người đứng ra âm thầm ghi danh người dự lễ và làm việc với họ… cấm họ vô biên chế… nhưng nhà thờ vẫn đông người dự lễ.

Sau cùng, dù vô thần đi nữa thì cũng phải nhận rằng: Thánh lễ ban sức mạnh cho người rước lấy Chúa. Sức mạnh nầy mạnh hơn hăm dọa không cho vô biên chế hay mạnh hơn cả những khống chế, bắt bớ và tù tội. Đức HY. Thuận đã sống và vượt thắng mọi đày đọa của lao tù nhờ một giọt rượu và một mụn bánh trên lòng bàn tay… Chúa thành một với Ngài và không ai thắng nổi Chúa.

Mình ơi!

Trong một gia đình người Miền Nam, tôi nghe nhiều lần Cha Má tôi gọi nhau và xưng hô MÌNH ƠI! Khi còn nhỏ tôi chỉ hơi lấy làm lạ, nhưng không thắc mắc gì về kiểu danh xưng MÌNH ƠI nầy…Nhưng càng lớn và càng có tuổi, tôi thấy cách xưng hô MÌNH ƠI giữa vợ chồng là một triết lý chiều sâu và thật trọn vẹn ý nghĩa thuộc về. Vợ Chồng là bản thân mình của nhau. MÌNH ƠI! Nói lên sự trao thân trọn vẹn và chấp nhận quyền của chồng hay vợ trên bản thân của nhau. Đẹp và ý nghĩa tuyệt với.

Trong thánh lễ, trong sự hòa nhập trọn vẹn với Chúa trong hình bánh rượi, chúa và ta có thể gọi nhau là MÌNH ƠI! Niềm vui nỗi buồn của Chúa chính là của mình và những ưu tư lo lắng của mình cũng là của Chúa. Nên thật là MÌNH ƠI! Có mình nào ta lo lắng chi, nhất là Mình là Thiên chúa toàn năng. Tôi nhớ tiếng gọi MÌNH ƠI của Cha Má tôi và tôi thấy bình an khi Chúa thành MÌNH ƠI của tôi.