Bài giảng Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi

2718

1. Bài giảng dạng Video

Tóm Ý:

Môn đồ đi lên núi cao
Điểm hẹn gặp gỡ ban trao uỷ quyền
Trời cao đất thấp nối liền
Quyền năng thu tóm giao truyền môn sinh

Hãy đi tận chốn phồn vinh
Tận nơi cùng khổ môn sinh cho nhiều
Thanh tẩy tuân giữ mọi điều
Nhân danh Thiên Chúa Cha Con Thánh Thần.

Lên trời không bỏ gian trần
Mọi ngày mọi lúc thông phần đỡ nâng
Môn đồ không phải cô thân
Gian nan thử thách vững chân đường dài

Lời Chúa là một gia tài
Suy tư nghiền ngẫm thấy ngày vinh quang
Mình Chúa sức sống trao ban
Tăng sức no phỉ chứa chan ơn Trời. Amen

CHÚA NHẬT LỄ CHÚA BA NGÔI

Sách Đệ Nhị Luật 4.32-34.39-40; Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Roma 8.14-17
và Phúc Âm Thánh Matthêô 28.16-20

Bài trích Phúc Âm theo Thánh Matthêu
Khi ấy, mười một môn đệ đi về Galilêa, đến núi Chúa Giêsu chỉ trước. Khi thấy Người, các ông thờ lạy Người, nhưng có ít kẻ còn hoài nghi. Chúa Giêsu tiến lại nói với các ông rằng: “Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy. Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần; giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”.
Đó là Lời Chúa – Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa.

I. Giáo Huấn Phúc Âm:

Chúa Giêsu Phục Sinh “được trao toàn quyền trên Trời dưới đất” tức quyền cứu độ, quyền mang con người từ đất lên Trời.

Muốn được ơn cứu độ, muốn được lên trời phải nghe giảng dạy và chịu phép rửa “nhân danh chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần!”

Muốn được ơn cứu độ, muốn được lên trời như Chúa Giêsu Phục Sinh, phải “tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em!”

“Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế!” Truyền giáo là rao giảng về Chúa. Truyền giáo là công việc của Chúa. Nên Chúa “luôn ở cùng” nhà truyền đạo: Cầu nguyện với Chúa., xin Chúa hướng dẫn và xin cho người ta nhận ra Chúa qua lời mình giảng.

II. Vấn nạn Phúc Âm:

“Thầy được trao quyền trên Trời dưới đất” nghĩa là gì? Từ trước tới ngày Chúa Giêsu Phục Sinh và lên trời, quyền trên trời dưới đất thuộc về ai mà bây giờ lại trao cho chúa Giêsu?

Phục Sinh, Chúa Giêsu chiến thắng tử thần, chiến thắng cái chết, chiến thắng mưu chước của thế gian ma quỉ. Chúa Phục Sinh là một tuyên cáo Nước Thiên chúa đã đến và thống trị vũ trụ. Chúa là Chúa tể vũ trụ vạn vật, nên Chúa có toàn quyền trên trời dưới đất. Tuy nhiên, quyền thống trị nầy bây giờ được trao cho một Thiên chúa làm người, Đấng đã chết và đã phục sinh vinh hiển. Thánh Phaolô nói “Người là trưởng tử giữa một đàn em đông đúc” (Rm. 8:29). Chúng ta chính là đàn em đông đúc của Ngài. Ðối với chúng ta, Phục Sinh cho thấy cuộc đời là một tiến trình khởi sự từ Phép Rửa để đi vào cuộc sống trường sinh.

Nên “Thầy được trao quyền trên trời dưới đất” có nghĩa: Chúa Giêsu, Con Thiên chúa làm người sinh bởi người phụ nữ, làm con bác thợ mộc Giuse và bà Maria trong làng Nadarét, người đã bị trao nộp, bị xỉ nhục, bị giết chết… bây giờ phục sinh chiến thắng nắm trọn quyền hành trên trời dưới đất. Chính con người nầy được trao quyền thống trị trời đất. Con người nầy là trưởng tử của đàn em nhân loại. Con người nầy trao quyền cho đàn em, để đi rao giảng tin mừng cứu độ, làm phép rửa nhân danh Ba Ngôi Thiên chúa. Tất cả những ai đã được rửa tội thì thành đàn em của anh cả Giêsu và có quyền lên trời. “Được trao quyền trên trời dưới đất có nghĩa là trao quyền rao giảng tin mừng làm phép rửa và ban ơn cứu độ. Nên Chúa Giêsu Phục Sinh gọi là cứu Chúa hay Đấng Cứu Thế. Đấng có quyền cho thế gian lên trời. Vì Ngài đã lên Trời.

Chúng ta được rửa tội nhân danh Cha, nhân danh Con và nhân danh Chúa Thánh Thần nghĩa là gì?

Rửa tội nhân danh Cha, tức Đức Chúa Cha mà Kinh Thánh đã mạc khải và chính  Chúa Giêsu mạc khải là: “Thiên Chúa là Cha Toàn Năng!” Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng, Ðấng tạo thành trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình. Thiên Chúa được gọi là Cha vì Ngài là Đấng tạo thành nên thế gian, như trong Sách Nhị Luật 32.6 hay tiên tri Malakia 2.10. Hơn thế nữa, Thiên Chúa là Cha vì giao ước và vì đã ban lề luật cho dân Do Thái, là ‘trưởng tử của Ngài’ như trong Xuất Hành 4.24. Thiên Chúa cũng được gọi là Cha của các vua chúa. Thiên Chúa là Cha của kẻ nghèo khổ, của kẻ mồ côi và kẻ góa bụa, thành phần được Ngài yêu thương che chở như trong quyển II Samuel 7.14 hay Thánh Vịnh 68.6

Rửa tội nhân danh Con, nghĩa là nhân danh chúa Giêsu, Con Một Thiên Chúa, Sinh bởi Ðức Chúa Cha từ trước muôn đời. Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Ánh sáng bởi Ánh Sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Ðức Chúa Cha:nhờ Người mà muôn vật được tạo thành. Vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta, Người đã từ trời xuống thế.Bởi phép Ðức Chúa Thánh Thần,Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria, và đã làm người.Người chịu đóng đinh vào thập giá vì chúng ta,thời quan Phongxiô Philatô;Người chịu khổ hình và mai táng,ngày thứ ba Người sống lại như lời Thánh Kinh.Người lên trời, ngự bên hữu Ðức Chúa Cha,và Người sẽ lại đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết,Nước Người sẽ không bao giờ cùng.

Rửa tội nhân danh Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa và là Ðấng ban sự sống, Người bởi Ðức Chúa Cha và Ðức Chúa Con mà ra, Người được phụng thờ và tôn vinh cùng với Ðức Chúa Cha và Ðức Chúa Con: Người đã dùng các tiên tri mà phán dạy. Tức chúng ta chỉ được rửa tội khi tuyên xưng mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi như chính Chúa Giêsu mạc khải.

III. Thực hành Phúc Âm:       

Cô đơn:
Tôi đọc được những tự thuật ngắn gọn như sau về một thằng bé được gọi là NÓ.
Ba nó bỏ đi lúc nó còn đò hỏn. Ngoại và mẹ nuôi nó trong nghèo khó.
Đau khổ và cả hạnh phúc. Được vài năm, cái đói nghèo cướp mất ngoại.
Thiếu hơi bà, nó ngằn ngặt khóc đêm.
Mẹ chỉ ôm nó vào lòng, để tay lên ngực trái, dỗ dành “Ngoại có đi đâu! Ngoại ở đây mà!”. Vậy là nó nín. Rồi mẹ cũng theo bà.
Hôm tang mẹ, thấy dì khóc, nó bảo: “Mẹ có đi đâu! Mẹ ở đây mà!”, rồi lấy tay đặt lên trên ngực trái, chỗ trái tim. Nó dỗ thế mà dì chẳng nín, lại ôm nó khóc to hơn!

NÓ ngôi thứ ba để gọi ai đó.
NÓ mông lung mù mờ xa lạ.
NÓ lờ mờ không định danh định tánh.
NÓ có đó, nhưng không cận thân gần gũi.

Tôi không sống một mình, nhưng nhiều khi thật cô đơn. Chung quanh toàn NÓ. Tức ngôi thứ ba, vừa xa, vừa lạ. Không ai chia sẻ được với người xa và lạ. Đời sẽ rất cô đơn nếu không có chia sẻ hay cảm thông. Không cảm thông, không chia sẻ là căng thẳng, là lạc lõng, lẻ loi và lạc loài… Xã hội càng nhiều NÓ càng gây nhiều nạn nhân tâm thần.

Lễ Chúa Ba Ngôi, cầu cho sự hiệp nhất như mẫu gương Thiên Chúa Ba Ngôi

Nghe điều nầy, không mấy ai tin là việc cầu nguyện cho hiệp nhất trong Giáo Hội hay trong giáo phận, giáo xứ có kết quả.

Nhìn Giáo Hội Công Giáo thấy nói về tinh thần hiệp nhất sao thấy oải quá. Coi các Cha kìa: họ chia rẽ còn hơn dân thường. Cha Triều không thích Cha dòng và Cha dòng đố kỵ Cha triều. Các Cha trong một hạt, trong một khu vực không sao ngồi chung với nhau để bàn làm việc gì chung có ích cho giáo dân. Ai làm được gì thì làm.

Trong giáo xứ: Phân chia nhiều đoàn hội, kẻ ham chức nầy kẻ đòi quyền kia….Cầu nguyện cho hiệp nhất…. cầu nhiều… cầu lâu rồi nhưng xem chừng không bao giờ có NHẤT mà có năm bè bảy mối.

Xin đừng ngao ngán. Xin đừng thất vọng. Chúng ta còn ổ gian trần. Vì không hợp nhất được nên chúng ta phải cầu nguyện. Tuy nhiên chúng ta cũng nên tự xét mình: Chúng ta có làm gì để mang hiệp nhất trong giáo xứ không?  Xin đề nghị: Ít nói hay nói ít nhưng hy sinh giúp đỡ nhiều… Hiệp nhất sẽ đến nhờ lời cầu và nhờ bỏ đi những gì dễ gây bất hoà. Một điều dễ gây bất hoà nhất là: Nói nhiều và nói thêm…

— — —

2. Bài giảng dưới dạng Audio: Download File MP3

ooo
3. Bài giảng dưới dạng Văn Bản: Download File Word

4. Bài chia sẻ: Download Sao anh lại đánh tôi? PDF