Bài giảng Chúa Nhật IV Phục Sinh | Chúa Chiên Lành | Lm Peter Trần Thế Tuyên

1717

CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH

Chúa Nhật Chúa Chiên Lành – Ngày cầu cho ơn Thiên Triệu
Sách Tông Đồ Công Vụ 2,14.36-41;
Thư Thứ I của Thánh Phêrô Tông Đồ 2,20-25
và Phúc Âm Thánh Gioan 10,1-10

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: “Thật, Ta bảo thật cùng các ngươi, ai không qua cửa mà vào chuồng chiên, nhưng trèo vào lối khác, thì người ấy là kẻ trộm cướp. Còn ai qua cửa mà vào, thì là kẻ chăn chiên. Kẻ ấy sẽ được người giữ cửa mở cho, và chiên nghe theo tiếng kẻ ấy. Kẻ ấy sẽ gọi đích danh từng con chiên mình và dẫn ra. Khi đã lùa chiên mình ra ngoài, kẻ ấy đi trước, và chiên theo sau, vì chúng quen tiếng kẻ ấy. Chúng sẽ không theo người lạ, trái lại, còn trốn tránh, vì chúng không quen tiếng người lạ”. Chúa Giêsu phán dụ ngôn này, nhưng họ không hiểu Người muốn nói gì. Bấy giờ Chúa Giêsu nói thêm: “Thật, Ta bảo thật các ngươi: Ta là cửa chuồng chiên. Tất cả những kẻ đã đến trước đều là trộm cướp, và chiên đã không nghe chúng. Ta là cửa, ai qua Ta mà vào, thì sẽ được cứu rỗi, người ấy sẽ ra vào và tìm thấy của nuôi thân. Kẻ trộm có đến thì chỉ đến để ăn trộm, để sát hại và phá huỷ. Còn Ta, Ta đến để cho chúng được sống và được sống dồi dào”. Đó là lời Chúa.

Diễn ý Phúc Âm

Chủ chiên cửa chính mà vào,
Được người giữ cửa đón chào mời vô.
Chiên vừa nghe tiếng sáp vô,
Điểm danh nghe ngóng đổ xô ra đồng.

Chủ chiên gậy gộc tiên phong,
Đồng xanh, nước mát phỉ mong yên hàn.
Sói dữ xấn tới hại đàn,
Chủ chiên thí mạng gậy phang giữ gìn.

Ta là cửa, luôn ngó nhìn,
Vào ra kiểm soát tận tình lo chiên.
Dồi dào sự sống triền miên,
Chiên lạc, chiên bệnh thương riêng vỗ về.

Đàn chiên khốn khổ trăm bề,
Ban thêm mục tử không nề khó khan.
Siêng năng đạo đức ân cần,
Có mùi hôi hám, ân cần cảm thông. Amen.

I. Giáo Lý Phúc Âm:

Mục tử là:
Người đi qua cửa mà vào ràn chiên.
Được người giữ cửa mở cửa cho vào.
Chiên nhận ra tiếng mục tử và mục tử biết tên chiên mình.
Đi trước để dẫn chiên và chiên đi theo.
Chúa Giêsu là cửa cho chiên ra vào.
Mục tử và chiên phải ra vào bằng cửa ràn chiên.

II. Diễn giải Phúc Âm:

Hình ảnh mục tử:

Do Thái, xứ sở du mục, hình ảnh mục tử đi trước hướng dẫn đàn chiên từ đồng cỏ nầy sang đồng cỏ khác, cũng như đi tìm suối nước mát giữa sa mạc nắng cháy rất quen thuộc và được sử dụng để so sánh giữa Thiên Chúa là Mục Tử nhân hậu trong Cựu Ước và Chúa Giêsu là Mục Tử hy sinh mạng sống cho đàn chiên trong Tân Ước.

Trong Kinh Thánh Cựu Ước         
Rất nhiều nhân vật Cựu Ước là những người chăn chiên:

https://www.learnreligions.com/thmb/gHGV_u6eBlrUtZLwGUwtVu3KIss=/1500x844/smart/filters:no_upscale()/Cain-GettyImages-166466276-5899f4913df78caebc1a7e82.jpg

Abel em của Cain, con Adam và Evà sinh sống bằng nghề chăn chiên và đã giết chiên béo tốt nhất bầy đàn để tế lễ Chúa. (Sáng Thế Ký 4:2).

Tổ phụ Abraham trong Sáng Thế Ký 12:16 mô tả là một mục tử.

Giacóp hay cũng gọi là Israel trong Sáng Thế Ký 30:31 cũng là mục tử.

Môsê chăn chiên cho nhạc phụ Giêthrô suốt 40 năm sau khi giết chết người Ai Cập và trốn vào sa mạc. (Sách Xuất Hành 3:1).

Thánh Vương Đavít làm nghề chăn chiên: Ông không có mặt khi Samuel đến nhà cha ông là Jesse để xức đầu phong vương. Sách Samuel quyển I, chương 16. Ông đã giết chết tướng Goliát bằng ná bắn chim được xử dụng khi lang thang trong đồng vắng. (Sách Samuel quyển I, chương 17).

Do đó Đavít đã sáng tác Thánh vịnh 23, Mục tử nhân hậu thật ý nghĩa về tình thương Chúa như một mục tử chăm lo cho đàn chiên. Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người. Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm.

Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù.

Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm, ly rượu con đầy tràn chan chứa.

Lòng nhân hậu và tình thương Chúa ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời, và tôi được ở đền Người những ngày tháng, những năm dài triền miên.

Cựu Ước rất dồi dào hình ảnh mục tử qua các tổ phụ cũng như qua Thánh Vịnh, qua các Tiên Tri diễn tả: Thiên Chúa là Mục tử nhân hậu và quyền năng, sẵn sàng bảo vệ đàn chiên “Còn dân Chúa, Người dẫn đi như thể đàn cừu, đem họ vào sa mạc chẳng khác bầy chiên, đưa họ đi an toàn, chẳng có chi phải sợ…” (Tv 78: 52-53), hay: “Như mục tử, Chúa chăn giữ đoàn chiên của Chúa, tập trung cả đoàn dưới cánh tay. Lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt” (Is 40: 11).

Trong Kinh Thánh Tân Uớc:

Những người chăn chiên nghèo khổ đã được thiên sứ báo tin vui Đấng Cứu Thế giáng sinh được tường thuật trong Luca 2:8-20.

Nhiều bản văn Kinh Thánh qui hướng về Chúa Giêsu như mục tử nhân hậu: Biết chiên, chiên nghe tiếng chủ chiên, chủ chiên đi trước hướng dẫn chiên, bảo vệ chiên và hy sinh mạng sống cho đàn chiên. (Phúc Âm Thánh Gioan 10,11-18).

Mục tử nhân hậu quí trọng chiên, đi tìm chiên lạc và vui mừng khi chiên an toàn trong bầy đàn, diễn tả trong Phúc Âm Thánh Luca 15,4-10: “Người nào trong các ông có 100 con chiên mà bị mất một con, lại không để 99 con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất? Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: ‘Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó.’ Vậy, tôi nói cho các ông hay: Trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì 99 người công chính không cần phải sám hối ăn năn.

Thường người ta thấy người chăn chiên thường được trang bị như sau:

  • Một túi làm bằng da thú để đựng đồ ăn khô cho nhiều ngày lang thang trong đồng vắ
  • Ná bắn đá (dây da có túi đựng đá) dùng chống thủ rừng bảo vệ bản thân và đàn chiên.
  • Ống sáo để thổi giải trí và mua vui cho đàn chiên.
  • Một áo khoác dày để đắp ban đêm.
  • Một gậy có ngoéo ở đầu để lôi chiên rơi xuống hố sâu.

Vai trò mục tử được mô tả trong Kinh Thánh:

Người chăn chiên phải mang gậy, nhận quyền lãnh đạo để dẫn dắt chiên và bảo vệ chiên:

Mọi thuế thập phân đánh vào bò và chiên dê, tức là một phần mười của mọi vật đi qua dưới cây gậy người chăn, đều là của rất thánh dâng Đức Chúa. (Sách Lê vi 27,32).

Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm. (Thánh Vịnh 23,4).

Người chăn chiên phải yêu thương và chăm sóc chiên:

Biết chiên mình: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Phúc Âm Gioan 10,14-15).

Đi trước hướng dẫn chiên:

“Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh. Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ” (Gioan 10, 4-5).

Tìm đồng cỏ xanh và suối nước trong cho đàn chiên:

Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người. (Thánh Vịnh 23,20).

Kiểm soát cho đủ số chiên khi trở về ràn:

Tại các thành miền núi, các thành vùng Sơphêla, và các thành vùng Neghép, trong đất Bengiamin, vùng phụ cận Giêrusalem và tại các thành Giuđa, chiên cừu vẫn còn được lùa qua, dưới bàn tay của người kiểm số chiên – Đức Chúa phán như vậy (Giêmia 33,13).

Người chăm chiên không bỏ chiên mà giữ mạng sống, nhưng phải hy sinh mạng sống vì đàn chiên, phải chống dã thú bảo vệ đàn chiên:

Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, vì anh ta là kẻ làm thuê, và không thiết gì đến chiên.

Đây là những hình ảnh quen thuộc xảy ra hàng ngày trên đất Do Thái, một đất nước cằn cỗi, đá nhiều hơn đất, nên số khá đông dân chúng sống về chăn nuôi bầy đàn.

Đây là một hình ảnh đẹp nói lên sự gắn bó giữa người chăn chiên và đàn chiên.

Đây là một hình ảnh hoàn hảo để diễn đạt Chúa Giêsu, như mục tử nhân hậu dám hy sinh mạng sống để bảo vệ đàn chiên Giáo Hội.

III. Thực hành Phúc Âm:

Giáo dân có quyền được chăm sóc: 

Xin trưng dẫn những khoản Giáo Luật sau đây để cho giáo dân và linh mục, chiên và chủ chiên thấy rõ nhiệm vụ và quyền hạn của mình trong giáo xứ hay nói theo Phúc Âm hôm nay là trong ràn chiên. Thấy rõ để tôn trọng và mang lại lợi ích cho nhau.

Cá nhân của mọi tín hữu kể cả các Giáo Hoàng và Giám Mục được gọi chung là Christi fideles, Christian faithful hay người tin Chúa Kitô. Những tín hữu nầy hiện diện thể lý trong Giáo Hội nhờ bí tích Rửa tội. Nên Đức Giáo Hoàng, Giám Mục, linh mục và giáo dân không ai có tư cách pháp nhân cả. Juridicial person hay tư cách pháp nhân là người vô hình thí dụ Giáo triều Rôma, Hội Đồng Giám Mục hay Dòng Tu… Người có tư cách pháp nhân được làm chủ tài sản của Giáo Hội. Nên linh mục không bao giờ làm chủ nhà thờ hay nhà xứ mà là Giáo xứ hay Địa phận.

Nên Cha Xứ không tự quyền sang nhượng hay mua bán tài sản của Giáo Hội.

Ðiều 96: Do Bí tích Rửa tội, con người được sát nhập vào Giáo Hội của Ðức Kitô và thủ đắc nhân cách trong Giáo Hội, với những nghĩa vụ và quyền lợi riêng của các tín hữu Kitô, chiếu theo điều kiện của mỗi người, miễn là họ duy trì sự hiệp thông Giáo Hội và không bị ngăn trở bởi một chế tài đã được tuyên một cách hợp lệ.

Ðiều 208: Giữa các tín hữu, nhờ sự tái sinh trong Ðức Kitô, mọi người đều bình đẳng với nhau về phẩm giá và hành động. Nhờ sự bình đẳng này, các tín hữu cộng tác với nhau xây dựng thân thể Ðức Kitô, tùy theo điều kiện và chức vụ riêng của từng người.

Chúng ta thuộc giáo xứ nào? Có hai loại giáo xứ:

Tòng thổ: Giáo dân được qui định theo lãnh thổ phân chia của giáo xứ.

Tòng nhân: Không lãnh thổ, nhưng giáo xứ căn cứ trên sắc dân cùng ngôn ngữ, thí dụ Việt, Khmer, Tàu…

Có rất nhiều linh mục dòng được làm Cha Sở chăm sóc giáo xứ.
Có vài cách hiểu không đúng hay gặp phải:

Linh mục dòng hiểu là mình phải lãnh đạo giáo xứ theo ý bề trên dòng mình. Không đúng! Dòng tu có nhà dòng chứ không có giáo xứ. Giáo xứ thuộc Giám Mục địa phận. Nên Cha xứ phải dưới quyền lãnh đạo của Giám Mục địa phận (GL. 515).

Khi có Cha xứ là Cha dòng. Giáo dân gọi là “giáo xứ dòng” Không đúng! Có 2 loại giáo xứ thôi: Tòng nhân và tòng thổ, có giáo xứ trao phó cho nhà dòng, nhưng không có giáo xứ dòng.

Không nhất thiết phải thuộc giáo xứ tòng nhân, nhưng buộc phải thuộc giáo xứ tòng thổ. Thí dụ: Giáo dân Việt Nam sống cách xa nhà thờ Việt Nam 50 hay 100 cây số. Nên sinh hoạt và theo giáo xứ mà người đó đang có cư sở.

Khi có cư sở nơi nào là thuộc giáo xứ đó và có quyền lợi của một giáo dân. Ghi danh hay làm Sổ gia đình Công giáo là điều tốt, nhưng không là luật đòi buộc để thành giáo dân của giáo xứ. Tôi ở đâu là tôi thuộc giáo xứ đó và tôi có quyền hưởng ân huệ thiêng liêng từ cha sở đó. Cha sở phải rửa tội hay chôn cất hay làm hôn phối cho ai có cư sở trong giáo xứ mình. Không có quyền từ chối vì lý do không ghi danh hay không đóng góp.

Ðiều 102: (1) Cư-sở được thủ đắc do việc trú ngụ trong lãnh thổ của một giáo xứ, hay ít là trong lãnh thổ của một giáo phận, kèm theo ý định ở lại đó vĩnh viễn nếu không có gì ngăn trở, hoặc việc trú ngụ đã kéo dài trên năm năm tròn.

Ðiều 107: (1) Do cư sở và bán cư sở mà mỗi người có cha sở và Bản Quyền riêng.

Ðiều 515: (1) Giáo xứ là một cộng đoàn tín hữu được thiết lập cách bền vững ở trong Giáo Hội địa phương, và việc săn sóc mục vụ được ủy thác cho Cha Sở làm chủ chăn riêng, dưới quyền của Giám Mục giáo phận.

Ðiều 518: Theo luật chung, giáo xứ phải có tính cách tòng thổ, nghĩa là bao gồm tất cả các tín hữu thuộc một địa sở nhất định; tuy nhiên ở đâu thấy thuận lợi, cũng có thể thiết lập các giáo xứ tòng nhân xét vì ly do lễ điển, ngôn ngữ, quốc tịch của các tín hữu thuộc về một lãnh thổ hay kể cả vì một lý do nào khác.

Ðiều 212: (2) Các tín hữu có quyền trình bày cho các Chủ chăn của Giáo Hội, các nhu cầu của mình, nhất là các nhu cầu thiêng liêng, và các ước vọng của mình.

 (3) Tùy theo kiến thức, chuyên môn và tài ba của mình, họ có quyền, và đôi khi kể cả bổn phận, bày tỏ cho các Chủ chăn có chức thánh biết ý kiến của mình liên quan tới lợi ích của Giáo Hội. Họ cũng có quyền biểu lộ ý kiến của mình cho các tín hữu khác, miễn là bảo vệ sự vẹn toàn của đức tin và luân lý, cũng như sự tôn kính đối với các Chủ chăn, và để ý đến công ích và phẩm giá của tha nhân.

Ðiều 213: Các tín hữu có quyền được lãnh nhận từ các Chủ chăn sự hỗ trợ nhờ các của cải thiêng liêng của Giáo Hội, nhất là Lời Chúa và các Bí tích.