Bài giảng Chúa Nhật III Mùa Vọng năm B

2529

Tóm ý:

Tôi không là Đấng Ki-tô
Không là Êlia! xưng hô danh hiệu.
Không là tiên tri kỳ diệu
Chỉ là tiếng kêu âm điệu gọi mời:

Sửa cho ngay chính đường đời
Xứng đáng đón mời Chúa Trời xuất hiện
Ăn năn sám hối cải thiện
Lãnh nhận phép rửa là chuyện phải làm.

Tôi làm phép rửa, người phàm
Đấng đến sau tôi, phẩm hàm Tạo Hoá
Thân tôi, mọn hèn, sỏi đá
Tháo giày cởi dép còn quá lắm thay!

Phúc thay nhân loại ngày nay
Trời xuống tại thế vận may nào bằng:
Bỏ đi lối sống nhọc nhằn:
Hoà chung tiếng hát: Nhân trần bình an.
Amen

CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG, NĂM B

Sách Ngôn Sứ Isaia 61.1-2;10-11;
Thư Thứ I Thánh Phaolô Tông Đồ gửi tín hữu Tessalonica 5.16-24
và Phúc Âm Thánh Gioan 1.6-8, 19-28

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.
Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gio-an. Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là ánh sáng,  nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng… Và đây là lời chứng của ông Gio-an, khi người Do-thái từ Giê-ru-sa-lem cử một số tư tế và mấy thầy Lê-vi đến hỏi ông: “Ông là ai?” Ông tuyên bố thẳng thắn, ông tuyên bố rằng: “Tôi không phải là Đấng Ki-tô.” Họ lại hỏi ông: “Vậy thì thế nào? Ông có phải là ông Ê-li-a không?” Ông nói: “Không phải.” – “Ông có phải là vị ngôn sứ chăng?” Ông đáp: “Không.” Họ liền nói với ông: “Thế ông là ai, để chúng tôi còn trả lời cho những người đã cử chúng tôi đến? Ông nói gì về chính ông?” Ông nói: Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ I-sai-a đã nói. Trong nhóm được cử đi, có mấy người thuộc phái Pha-ri-sêu. Họ hỏi ông: “Vậy tại sao ông làm phép rửa, nếu ông không phải là Đấng Ki-tô, cũng không phải là ông Ê-li-a hay vị ngôn sứ?” Ông Gio-an trả lời: “Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người.” Các việc đó đã xảy ra tại Bê-ta-ni-a, bên kia sông Gio-đan, nơi ông Gio-an làm phép rửa. Đó là lời Chúa.

I. Giáo Huấn Phúc Âm:

Giáo huấn của các bài đọc trong Chúa Nhật III Mùa Vọng năm B là ‘hãy vui mừng’.

Tiên tri Isaia vui mừng vì Thiên chúa tuyển chọn ông, xức dầu cho ông và sai ông đem Tin Mừng cho người nghèo khó, băng bó tâm hồn đau thương, báo tin ân xá cho kẻ lưu đày, phóng thích cho tù nhân, công bố năm hồng ân của Thiên Chúa.

Hãy cầu nguyện luôn để có niềm vui như Thánh Phaolô khuyên trong bài đọc hai.
Niềm vui làm sứ giả dọn đường cho Ánh Sáng, cho Đấng Cứu Thế nơi Gioan Tiền Hô và nơi mọi người chúng ta: chứng nhân cho ánh sáng, cho Đấng Cứu Thế cao trọng.

II. Vấn nạn Phúc Âm:

“Thế Ông là ai? Ông nói gì về chính Ông?” Ông nói: Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ Isaia đã nói”

Phúc Âm Matcô viết cho người Kitô hữu ở Rôma thời Giáo Hội Sơ khai. Matcô không là tông đồ, Ông có họ hàng với Barnabê, Ông theo Phaolô đi truyền giáo và nhất là rất gần với tông đồ Phêrô. Phêrô giảng chứ không có viết. Giáo đoàn Rôma biết Phêrô nhiều và ngưỡng mộ Phêrô hơn tất cả. Nên Matcô đóng vai trò ghi lại những gì Phêrô giảng tức giáo lý Phêrô dạy và làm thành Phúc Âm Matcô sau nầy. Do đó, Phúc Âm Matcô ngắn gọn và đơn giản như con người bộc trực và ít suy luận của Phêrô.

Vì viết cho những tín hữu đầu tiên ở Roma với mục đích chứng minh Chúa Giêsu thành Nagiarét là con Thiên Chúa thật như đã được tiên báo trong các sách tiên tri. Nên Matcô hay dùng thuật ngữ “ngay tức khắc” để diễn tả Lời Chúa phán có hiệu quả ngay khi chữa bệnh, hay khi trừ tà. Do đó, chúng ta luôn đọc thấy “ngay tức khắc” cơn sốt biến khỏi bà nhạc của Phêrô, ngay tức khắc quỉ ra khỏi người nầy, hay ngay tức khắc họ bỏ chài lưới theo Chúa.

Ông Gioan Tẩy Giả không phải đột nhiên xuất hiện. Nhưng Tiên Tri Isaia đã tiên báo về “sứ giả của Đấng Cứu Thế” đến để dọn đường Chúa gần 800 năm trước. Nên khi người ta hỏi Ông là ai, Gioan đã mạnh dạn trả lời: Tôi không là Đấng CứuThế, nhưng chỉ là tiếng kêu trong hoang địa: Hãy dọn đường Chúa đến như Isaia loan báo hàng 800 năm trước. Như vậy, quí Ông thấy tôi đang làm chuyện của Thiên Chúa xếp đặt. Người đang đến là Con Thiên Chúa thật. Con Thiên Chúa cao trọng đến nỗi tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép Ngài…Tôi phải làm cho người lớn lên còn tôi phải nhỏ lại… đó là ơn gọi của tôi đã được tiên báo trong Is.40.3.

“Nhưng có một vị đang ở giữa các Ông mà các Ông không biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cổi quai dép cho Người!”

Tôi xin dùng kiểu diễn tả tượng hình của người Việt Nam mình để giải thích câu nói về bản tính Thiên Chúa cao cả nơi Đức Kitô của Gioan Tiền Hô.

Để diễn tả cảnh chen chút đông người chật chội, người Việt Nam hay nói: đông nghẹt người, hay đông như nêm hay đông như bánh canh.

Để diễn tả Tỉnh Bặc Liêu vừa có nhiều cá chốt mà cũng có nhiều người Tàu Triều Châu thì người ta bảo: Dưới sông cá chốt trên bờ Triều Châu.

Để diễn tả về sang hèn giữa khách mời và gia chủ thì người ta nói: Cám ơn đã dời gót ngọc đến tệ xá.

Để diễn tả về vẻ đẹp của một phụ nữ thì người ta bào: sắc đẹp làm chim sa cá lặn hay hoa nhường nguyệt thẹn hay nghiêng thành đổ nước.

Mới đây, một người bạn linh mục đã diễn tả xứ đạo khỉ ho có gáy của Cha ấy bằng một diễn tả thật gợi hình như thấy được. Cha ấy nói: Chỗ tôi muốn mua cục kẹo cũng không có hay chỗ tôi, lúc chín giờ tối chạy xe tìm người đụng cũng không thầy. Còn chỗ nào vắng hơn!

“Người đến sau tôi và tôi không đáng cổi quai dép người” Đây là cách diễn tả của Gioan Tẩy Giả để chứng mình Thiên Tính nơi Chúa Giêsu. Gioan Tẩy giả được xếp vào hạng tiên tri và người ta những tưởng Ông là Đấng Messiah, vậy mà so sánh với Chúa Giêsu, ông không đáng cổi dây dép cho Người. Đấng Cứu Thế đang ở giữa chúng ta là Thiên chúa, là Con Thiên Chúa, giữa Chúa và con người, dù là tiên tri như Gioan cũng không thể so sánh. Hoàn toàn khác biệt như chủ nô. Gioan so với Chúa không bằng tên nô lệ với Ông chủ mình, nô lệ còn có thể cổi dép cho chủ, đàng nầy Gioan “không đáng cúi xuống cổi dép Ngài”.

Cách diễn tả để tuyên xưng Thiên Tính cao trọng nơi con người Chúa Giêsu, thành Nagiarét, Ngài là Con Thiên Chúa, sinh làm người và ở giữa phàm nhân.

III. Thực hành Phúc Âm:   

Cao ngạo đáng ghét, ai cũng biết! nhưng chúng ta hay tự cao.

Cựu Tổng thống Mỹ George Bush đến thăm Canada và bị dân chúng Calgary AB., chưởi bới rồi xua duổi phải tức tốc lên xe về khách sạn và rời Canada trước dự định. Coi tin tức, tôi thắc mắc why? Người coi TV chung với tôi giải thích: He is so arrogant! He is so haughty!  Ông ta cao ngạo quá!

Nhưng thú thật cả người giải thích cho tôi “vì ông ta cao ngạo quá!” cũng không thiếu những kiểu cách cao ngạo trong cuộc sống. Cả tôi, người được nghe giải thích cũng không được khiêm tốn. Nên xem chừng cao ngạo thật đáng ghét nhưng trong cuộc sống, còn quá nhiều đồi núi phải san bằng.

Tính cao ngạo có rất nhiều ở những bậc tu trì, những người dạy người khác sống khiêm nhường. Khó có ai tránh khỏi bị các linh mục chỉ trích là thiếu hiểu biết hay ăn học chưa tới. Ít có một linh mục cao niên hay chức cao quyền trọng mà đến ân cần thăm hỏi một anh em khác ít tuổi hay kém thế giá hơn mình. Ít có linh mục nào khen anh em linh mục khác giảng hay. Thường bảo “nghe cũng tàm tạm, nhưng… thế nầy, thế nọ…” Các linh mục ở ngoại quốc thường ít nhận ra khả năng nói tiếng Anh hay tiếng Pháp rất giới hạn của mình.

Gia đình ông chủ tịch Hội Đồng Giáo Xứ đã trở nên lạnh nhạt với một Cha khách vì cha nầy không biết nói nịnh theo kiểu “thưa Ông Chánh! hay xin trình với Ông chánh thế nầy thế nọ…” Ông chủ tịch khen lấy khen để Cha Xứ để Cha cho phép xuất hiện trước công chúng và tuyên bố điều nọ, điều kia… Cũng có những Ông chủ tịch đã tuyên bố bãi chức người nầy, ngăn cấm nhiệm vụ của người khác… Dường như tội kiêu ngạo luôn đứng đầu trong bảy mối tội đầu cũng như chiếm quá nhiều chỗ trong đời sống của chúng ta. Chúng ta đã thành đáng ghét vì thái độ tự cao, cho mình tài giỏi, vì mặt mày vênh váo tỏ ra quan trọng hơn người, vì những lời phê bình ác ý trên những thành công của người khác. Nhiều khi chúng ta sống rất mâu thuẩn ở chỗ: Ai cũng muốn được người khác thương yêu và kính trọng, nhưng lại cao ngạo và tự phụ là cái làm cho người ta ghét.

Ông không là ánh sáng, nhưng Ông đến để làm chứng về ánh sáng.

Chủ đề ánh sáng được dùng rất nhiều lần trong Phúc Âm Thánh Gioan để mô tả Thiên Chúa là Ánh sáng trần gian. Công trình tạo dựng đầu tiên là cho có ánh sáng trong Sách Sáng Thế Ký. Phúc Âm Thánh Gioan luôn khẳng định Chúa Kitô là ánh sáng trần gian như trong Gioan 9:5. Phúc Âm Thánh Matthêô cũng nói chúng ta phải là ánh sáng cho gian trần và là muối men cho đời (Matt.5.14)

Thiên Chúa là ánh sáng. Chúng ta là con Chúa, tức con của sự sáng.

Tự bản chất chúng ta không có ánh sáng nhưng chúng ta nhận ánh sáng từ Chúa cũng như quả đất được sáng nhờ ánh sáng mặt trời. Ông Gioan đến làm chứng về Chúa Kitô là ánh sáng trần gian, người ta phải Thấy Chúa Kitô là ánh sáng qua Ông Gioan. Đó là vai trò chứng nhân cho ánh sáng.

Tất cả chúng ta được sinh ra làm con Chúa, được rửa tội, được nhận ánh sáng đức tin, chúng ta phải là chứng nhân cho Thiên Chúa là ánh sáng. Đặc tính của ánh sáng là hiện diện và soi dẫn. Khi thấy có ánh sáng, dù từ ngọn đèn leo lét, chúng ta cũng biết là có ai đó hiện diện, Khi thấy có ánh sáng dù yêu ớt như một que diêm, chúng ta cũng được soi dẫn. Không ai có thể an toàn khi đi trong bóng tối. Hãy là ánh sáng của hy vọng, của một hướng dẫn soi đường cho người chung quanh bằng đời sống chịu khó học hỏi và bằng tinh thần phấn khởi, trẻ trung không thất vọng nản chí trước những khó khăn. Tôi chủ trương: Không bao giờ hết khó khăn cuộc đời và không để khó khăn giết chết đời mình. Xin Chúa là ánh sáng hy vọng cho đời con.

1. Audio chung với Thánh ca diễn ý 

000
4. Xin mời hưởng dùng hai website: truongbuudiepapt.net và chadiepucchau.com