Bài giảng Chúa Nhật 18 Thường Niên năm C

1249

Thơ diễn ý:

Anh em cẩn thận coi chừng,
Giữ mình thoát khỏi lọng thừng tham lam.
Giàu có dư giả đừng ham,
Tiền bạc vật chất tiêu tan phần hồn.

Phú hộ đêm vắng bồn chồn,
Làm thêm kho chứa của tồn bội thu.
Chúa bảo: Ôi hỡi thằng ngu!
Đêm nay ngươi chết hu hu… tiêu đời.

Suốt đời thu tích sinh lời,
Keo kiệt chắt mót tưởng đời không “die”
Ngờ đâu cuộc sống không dài,
Vào hòm tay trắng tiếc hoài luống công.

Của cải do Chúa cho không,
Làm việc bác ái lập công đời nầy.
Chúa gọi! Dạ có con đây!
Cống hiến đời nầy! Con lấy đời sau.
Amen.

1. Video bài giảng

CHÚA NHẬT XVIII QUANH NĂM

Sách Giảng Viên 1.2; 2, 21-23;
Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Côlôssê 3.1-5.9-11
và Phúc Âm Thánh Luca 12. 13-21

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca

Có người trong đám đông nói với Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi.”  Người đáp: “Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh?” Và Người nói với họ: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu.”

Sau đó Người nói với họ dụ ngôn này : “Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, mới nghĩ bụng rằng: ‘Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu !’ Rồi ông ta tự bảo: ‘Mình sẽ làm thế này : phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng : hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!’ Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: ‘Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?’ Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó.”

Đó là Lời Chúa! – Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa!

I. Giáo huấn Phúc Âm:

Mạng sống không bảo đảm nhờ của cải: Tiền của dư dả không làm con người ta sống lâu, sống an toàn hay sống hạnh phúc.

Thiên Chúa là chủ cả của cải vật chất và mạng sống con người:

Của cải được ban cho để làm giàu trước mặt Thiên chúa tức phải dùng của cải làm việc từ thiện bác ái và lập công phúc trước mặt Chúa.

II. Diễn giải Phúc Âm:  

1. Vấn đề chia gia tài trong Kinh Thánh Cựu Ước như thế nào?

Trong sách Đệ Nhị Luật chương 21 từ câu 15-17 nói về quyền trưởng nam trong việc phân chia gia tài như thế nầy:

15 Khi một người đàn ông có hai vợ, một vợ được yêu, một vợ không được yêu, và cả người được yêu lẫn người không được yêu đều sinh con cho người ấy, mà con trai trưởng lại là con của người không được yêu,

16 thì khi chia gia tài cho các con, người đàn ông ấy không được dành quyền trưởng nam cho đứa con của người vợ mình yêu, khiến đứa con của người vợ không được yêu, là con trai trưởng, bị thiệt.  17 Trái lại người đàn ông ấy phải nhìn nhận đứa con của người vợ không được yêu là trưởng nam, mà chia cho nó hai phần sản nghiệp: nó là hoa quả đầu đời trai tráng của người ấy, nên nó được quyền trưởng nam.

Như vậy theo Kinh Thánh Cựu Ước, con trưởng nam không thừa hưởng toàn bộ sản nghiệp nhưng là gấp đôi so với những đứa con trai khác. Thí dụ, nếu gia đình có bốn con trai, con trai trưởng nam được hưởng 40% gia sản, ba con trai còn lại mỗi người được 20%.

Người ta cho rằng không công bình. Nhưng đó là luật chia gia tài được qui định trong Đệ Nhị Luật. Xét về mặt đời sống, trưởng nam là người cao tuổi nhất. Người cao tuổi nhất bình thường là người chết trước. Nên thời gian hưởng gia tài không dài bằng những đứa em của mình. Do đó, phần nào hợp lý khi anh con trưởng nam được hưởng nhiều gấp đôi so với người khác.

Phúc Âm Thánh Luca tường thuật: Có người trong đám đông yêu cầu “Thưa thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia gia tài cho tôi!” Chúa không thoả đáp yêu cầu vì “ai đã đặt tôi làm người xử kiện và chia gia tài!” Nhân yêu cầu làm người xử kiện trong việc chia gia tài, Chúa dạy rằng:

Phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam.

Phải biết giá trị đích thật của tiền của:

Tiền của không làm con người sống thọ

Tiền của không làm con người hạnh phúc.

Thiên Chúa là chủ của tiền của và cũng là chủ của mạng sống.

Vì Chúa Giêsu chỉ mượn việc yêu cầu chia gia tài để nói về giá trị của tiền của. Nên chúng ta không giải đáp được vấn nạn: Tại sao “người trong đám đông” nầy lại yêu cầu Chúa phân xử chuyện chia gia tài? Anh ta được chia hay không được chia? Hay anh ta được chia, nhưng không hài lòng chăng? Những vấn nạn không có giải đáp. Vì Phúc Âm cho một giải đáp ở bình diện siêu nhiêu: Tiền của tạm bợ chóng qua và không đem hạnh phúc vĩnh cửu. Cũng có thể qua lời giảng và dụ ngôn người phú hộ toan tính xây thêm nhà kho mà Chúa muốn trả lời cho người yêu cầu làm quan xét chia của là: Bỏ quách đi! Không sống lâu đâu! Tranh phần hơn thua chút ít mà làm gì!

2. Tại sao ông nhà giàu dự tính xây thêm nhà kho chứa thóc lúa và bị quở mắng là “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?”

Ông ngu ngốc vì lầm tưởng rằng: Của cải vật chất là cùng đích và ông làm chủ hoàn toàn của cải và mạng sống mình. Nhưng kỳ thực, Chúa là chủ của của cải vật chất và làm chủ cả mạng sống con người. Cái ngu ngốc của ông nhà giàu là không biết mình là ai và mình được ban của cải vật chất để làm gì?

Giáo Lý Công Giáo dạy rằng: Ta sống ở đời này để tìm hạnh phúc, và hạnh phúc thật là được hiệp thông với Thiên Chúa. Hạnh phúc ấy chỉ có nơi Thiên Chúa, Vì ta được Thiên Chúa tạo dựng, nên khao khát hiệp thông với Người, như lời Thánh Augustinô nói: “Lạy Chúa, Chúa đã tạo dựng con cho Chúa, và lòng con những khắc khoải cho tới khi được an nghỉ trong Chúa”. (Giáo Lý Công Giáo Chương I, số 27-49)

Không có hạnh phúc thật và trọn vẹn trong cuộc sống trần gian. Ai tưởng rằng của cải vật chất trần gian là hạnh phúc trọn vẹn của thiên quốc là đồ ngốc như Ông Phú Hộ trong dụ ngôn hôm nay. Thật sự chúng ta không làm chủ của cải vật chất, nhưng quản lý những của cải Chúa ban để nuôi sống bản thân và phân phát cho những ai cần. Điều nầy được tìm thấy trong nhiều chương, đoạn trong Kinh Thánh.

Phúc Âm Matthêô 25.15-30, dụ ngôn về những nén bạc. Chúng ta là những người được nhận những của cải vật chất để sinh lời cho Chúa. Phúc Âm Matthêô 6. 20, đề cập đến kho tàng không hư mất trên thiên đàng. Người khôn là người dùng những gì hay hư mất, tức của cải trần gian để mua lấy của cải không hư mất trên thiên đàng. Phúc Âm Luca 10. 30-37 nói về dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu. Anh ta biết dùng những gì mình có để giúp người lâm nạn cần giúp đỡ.

Ai nghĩ mình làm chủ hoàn toàn trên của cải vật chất, sống ích kỷ chỉ biết lo cho bản thân mình và không biết chia sẻ với người chung quanh giống như Ông nhà giàu trong dụ ngôn là người ngu ngốc. Trong thực tế không thiếu người ngu ngốc như Ông nhà giàu trong Phúc Âm hôm nay vì lầm tưởng rằng:

Mình giàu có, dư dật của cải vật chất là hoàn toàn do tài kinh bang tế thế của mình. Mình có quyền xử dụng của cải vật chất cho bất cứ mục đích nào mình muốn, dù là tội lỗi hay bất nhân. Nhiều người ngu ngốc không nghĩ là mình có thể chết bất cứ lúc nào, vì “đêm nay, mạng sống người sẽ bị đòi lại!”. Ai đòi? Ai cho thì người ấy đòi. Chúa ban cho sự sống và Chúa là người có thể kết thúc hay “đòi lại mạng sống người ngay đêm nay!”

Nên Ông nhà giàu trong dụ ngôn bị mắng ngu ngốc vì: tưởng rằng của cải vật chất là lẽ sống và là cùng đích đời sống. Vì những tưởng rằng mình làm chủ hoàn toàn trên của cải và mạng sống. Vì tiêu pha cả đời, thu tích nhiều của cải vật chất để rồi bỏ lại cho người khác hưởng. Vì không lo làm giàu trước mặt Chúa tức không chia sẻ cho người cùng khổ đang cần.

III. Thực hành Phúc Âm:    

Việt Nam phô bày rõ rệt 2 giai cấp giàu nghèo. 

Ngồi ăn sáng trong một nhà hàng bên đường phố Sàigòn cho tôi cơ hội chứng kiến tận mắt cảnh giàu nghèo. Một cán bộ nhà nước chỉ chừng bốn mươi tuổi, mặt veston, rời khỏi xe hơi, tháp tùng bởi ba người khác. Tất cả, béo tốt, trịnh trọng bước vào quán. Bồi bàn đon đã cúi mọp chào lễ phép và kéo ghế mời “quan lớn” ngồi. Thức ăn đã chuẩn bị trước, chỉ chừng đôi ba phút sau, bàn dành riêng đã đầy thức ăn ngon bốc khói. Những thực khách sang trọng bắt đầu ăn uống thật hùng hồn như sắp vào trận chiến. Những tiếng húp nước hủ tiếu xì sụp, những âm thanh nhai nhóc nhách nghe rõ mồn một. Họ thật giàu sang nhưng xem chừng chưa hề học cách ăn uống sao cho có lịch sự. Họ là những người giàu có, nhiều tiền lắm của và đang tìm cách để phân tán tài sản nhằm tìm một bảo đảm cho tương lai lâu dài.

Anh tài xế cho quan lớn thật tội nghiệp. Thân gầy teo, nhưng quan lớn không cho bước vào trong quán. Anh ngồi chồm hổm bên lể đường trông chừng chiếc xe hơi bóng láng của ông chủ. Thỉnh thoảng anh lấy giẽ lau những chỗ bám bụi. Gần với anh tài xế làm công nầy là vài người ăn xin, đang xoè tay xin tiền thực khách. Những người ăn xin tự động bưng húp những tô hủ tiếu khách ăn bỏ dỡ. Những người ăn xin tự nhiên chụp lấy và nhai ngấu nghiến những xương heo, những cù lẵng mà thực khách đã ăn và bỏ lại trong tô.

Tôi buồn vô hạn khi chứng kiến cảnh đời đầy trớ trêu và cay đắng giữ giàu và nghèo nầy. Tại sao anh cán bộ chính phủ kia lại giàu có, ăn uống thừa mứa, đi xe hơi có tài xế và mặt mày kênh kiệu coi thường mọi người? Tại sao anh kia lại phải làm tài xế, trông chừng xe cho chủ ăn sáng. Tại sao lại có cảnh ăn xin quá thương tâm thế nầy?

Tôi thầm kêu trách Chúa: Chúa có thấy cảnh thưong tâm nầy không? Ai tạo nên cảnh bất công nầy? Chắc chắn là Chúa không tạo nên. Tất cả là con cái Chúa thì làm sao Chúa đối xử thiên vị với con cái mình, cho đứa thật giàu và cho đứa thật nghèo. Không! Bất công do con người gây ra, do tham sân si, do con người ngu ngốc nghĩ rằng: Mình làm chủ hoàn toàn trên của cải vật chất, mình tiêu xài hay xử dụng như thế nào tuỳ ý và quên chia sớt cho người đói khổ. Anh cán bộ chính phủ kia đáng để bị mắng “ngu ngốc” vì đã không biết tích chứa cho mình của cải đời sau hay làm giàu trước mặt Thiên Chúa.

Trông người mà nghĩ đến ta. Tôi cũng ngu ngốc khi quên rằng mình có ngày chết và cứ mong sao cho đủ tiền để hưu trí. Không chừng ngay đêm nay, Chúa sẽ bào tôi “Ta sẽ đòi mạng người”! Chương trình hưu trí tương lai sụp đổ!

2. Bản văn bài giảng. Download File Word tại đây