Ý nghĩa của danh Đức Trinh nữ Maria

1148

by phanxicovn

Aleteia | Philip Kosloski

Tên của Đức Mẹ là Maria, một cái tên đầy ý nghĩa trong thế giới cổ đại.

Sau khi sinh hạ, ông thánh Gioan Kim và bà thánh Anna, song thân Đức Mẹ, đã quyết định đặt tên cho con mình là Maria. Họ làm thế là cộng tác vào kế hoạch của Thiên Chúa, đặt cho Mẹ một cái tên lưu dấu muôn đời.

Cũng như các tên khác trong kinh thánh, “Maria” có một ý nghĩa và những mối liên kết thiêng liêng.

Trước hết, Maria trong tiếng Do Thái là miryam và một vài học giả kinh thánh cho biết từ này phát xuất từ hai từ Do Thái là mar (cay đắng) và yam (biển). Ý nghĩa đầu tiên có thể nói đến nỗi đau của Mẹ khi đứng dưới chân thánh giá và biển nước mắt đau buồn của Mẹ.

Một diễn giải khác cho rằng từ mar trong Maria có nghĩa là “giọt nước của biển” và thánh Geronimo đã chuyển sang tiếng La Tinh là stilla maris, về sau thành stella (ngôi sao) maris. Đây cũng là nguồn gốc cho danh hiệu phổ biến của Đức Mẹ là “Ngôi sao Biển cả” Các thủy thủ thường nhìn các vì sao để xác định phương hướng, và khi gọi Đức Mẹ là Ngôi sao Biển cả là nói đến việc Mẹ có thể dẫn hướng cho các tội nhân trên đường về với Bờ bến Thiên đường.

Nhưng còn một diễn giải nữa nói rằng từ miryam trong tiếng Do Thái có gốc là mari, nghĩa là “bà” do đó Đức Mẹ là “Đức bà Biển cả.”

Thánh Bonaventura đã quy tụ mọi ý nghĩa này và kết hợp các biểu tượng, cho mỗi biểu tượng một ý nghĩa thiêng liêng. Đức Mẹ là biển cay đắng đối với ma quỷ, là Ngôi Sao Biển cả cho con người, là đèn soi cho các thiên thần, và là Đức Bà của mọi tạo vật.

Thánh Tôma Aquinô cũng diễn giải tương tự, “Maria nghĩa là Ngôi sao Biển cả, như các thủy thủ tìm đường về bến cảng nhờ ngôi sao trên biển, thì các Kitô hữu cũng tìm đến vinh quang bất diệt nhờ sự chuyển cầu mẫu tử của Mẹ.”

Dù các học giả vẫn còn tranh luận về ý nghĩa chính xác của danh Đức Mẹ, nhưng Giáo hội từ lâu đã khẳng định về giá trị các lời chuyển cầu của các thánh, và mỗi khi đấu tranh với các cám dỗ trong đời này, chúng ta có thể hướng về Đức Mẹ, Ngôi sao Biển cả, đấng chỉ đường cho chúng ta về với bến cảng thiên đàng.

 

J.B. Thái Hòa chuyển dịch