Vườn Nho Mới Và Tá Điền Khắp Thế Giới | Vô Hạ

841

vô hạ

Minh họa: Sathish Paul sdb

Cây Nho trong mảnh vườn thạnh mậu trên sườn đồi xinh tươi là những hình ảnh rất quen thuộc, đã đi vào văn hoá phổ thông của những dân tộc vùng Trung Đông mà thổ nhưỡng thích hợp. Đã có không ít những câu ca dao và bài hát về tình và nho như “Chuyện tình dưới dàn nho thiên lý hay dàn nho máu tím. Bài khác: “Tình anh, tình em kết giao như nho cùng giàn, từ thưa đến dầy, làm cho đầy tràn cả kho”… Nên Trong Thánh Kinh, Giavê Thiên Chúa và Chúa Giêsu cũng đã dùng những hình ảnh thuộc văn hóa nền tảng nầy, để giáo hóa dân của Người.

Trong Bài Đọc I,  Ngôn Sứ Isaia còn lưu lại ít là một bản tình ca câu chuyện về vườn nho, được đọc trong Chúa Nhật 27 Thường Niên A: Hãy để tôi hát cho người  tôi yêu (Chúa)  bản tình ca của tôi về vườn nho của chàng”  (5:1) cũng lại là Chúa. Let me sing for my beloved my love song concerning his vineyard (Thánh Kinh Anh Ngữ ESV có vẻ rõ hơn). Nhưng từ nửa bài ca về sau tiếng hát trở thành bi ai thống thiết với cảnh vườn nho không, kho trống, đổ vở hoang tàn. Tại vì đâu?

Hơn 700 năm sau Chúa Giêsu tới và cũng dùng dụ ngôn vườn nho, bị tá điền gian ác thuê bao, để giải thích rõ ràng lý do tại sao vườn nho bị huỷ hoại năm xưa, rồi cả trong thời gian Chúa đang sống tại thế trên đất Do Thái và làm cho phát sinh chương trình mới của Thiên Chúa. Để được Chúa soi sáng thêm, xin đọc kỷ 4 bài Thánh Kinh bên dưới và đem suy tư, xem Chúa muốn mình cảm nghiệm ra sao và còn làm gì hơn nữa?

Bài Ðọc I: Is 5, 1-7.  Trích sách Tiên tri Isaia.

Tôi sẽ ca tặng người yêu bài hát của cô bác tôi về vườn nho.

Người tôi yêu có một vườn nho trên đồi xinh tươi. Người rào giậu, nhặt đá, trồng cây chọn lọc, xây tháp giữa vườn, lập máy ép trong vườn, và trông mong nó sinh quả nho, nhưng nó lại sinh toàn nho dại.

Vậy giờ đây, hỡi dân cư Giêrusalem và người Giuđa, hãy luận xét giữa ta và vườn nho ta. Nào còn việc gì phải làm cho vườn nho ta mà ta đã không làm? Sao ta trông mong nó sinh quả nho, mà nó lại sinh quả nho dại!

Giờ đây ta tỏ bày cho các ngươi biết ta sẽ làm gì đối với vườn nho ta: Ta sẽ phá hàng rào, để nó bị tàn phá, sẽ phá tường để nó phải bị giầy đạp. Ta sẽ bỏ nó hoang vu, không cắt tỉa, không vun xới; gai góc sẽ mọc lên, và ta sẽ khiến mây không mưa xuống trên nó. Vườn nho của Chúa các đạo binh là nhà Israel, và người Giuđa là chồi cây Chúa vui thích. Ta trông mong nó thực hành điều chính trực, nhưng đây toàn sự gian ác. Ta trông mong nó thực hành đức công bình, nhưng đây toàn là tiếng kêu oan.

Đáp  Ca: Tv 79, 9 và 12. 13-14. 15-16. 19-20

Ðáp: Vườn nho của Chúa là nhà Israel

Xướng: Từ Ai-cập Chúa đã mang về một gốc nho. Chúa đã đuổi chư dân đi để ương trồng nó. Nó vươn ngành ra cho tới nơi biển cả, vươn chồi non cho tới chỗ đại giang.

Xướng: Tại sao Ngài phá vỡ hàng rào, để bao khách qua đường đều lảy hái nó, để lợn rừng xông ra tàn phá, và muông thú ngoài đồng dùng nó làm cỏ nuôi thân?

Xướng: Lạy Chúa thiên binh, xin thương trở lại; từ trời cao xin nhìn coi và thăm viếng vườn nho này. Xin bảo vệ vườn nho mà tay hữu Ngài đã cấy, bảo vệ ngành nho mà Ngài đã củng cố cho mình.

Xướng: Chúng con sẽ không còn rời xa Chúa nữa. Chúa cho chúng con được sống, và chúng con ca tụng danh Ngài. Lạy Chúa thiên binh, xin cho chúng con được phục hồi, xin tỏ thiên nhan hiền từ Chúa ra, hầu cho chúng con được ơn cứu sống.

Bài Ðọc IIPl 4, 6-9.  Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philipphê.

Anh em thân mến, anh em đừng lo lắng gì hết, nhưng trong khi cầu nguyện, anh em hãy trình bày những ước vọng lên cùng Chúa, bằng kinh nguyện và lời cầu xin đi đôi với lời cảm tạ. Và bình an của Thiên Chúa vượt mọi trí hiểu, sẽ giữ gìn lòng trí anh em trong Chúa Giêsu Kitô.

Vả lại, hỡi anh em, những gì là chân thật, trong sạch, công chính, là thánh thiện, đáng yêu chuộng, danh thơm tiếng tốt, là nhân đức, là luật pháp đáng khen, thì anh em hãy tưởng nghĩ những sự ấy. Những điều anh em đã học biết, đã lãnh nhận, đã nghe và đã thấy nơi tôi, anh em hãy đem những điều đó ra thực hành, thì Thiên Chúa bình an sẽ ở cùng anh em.

Phúc Âm.  Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu 21: 33-43

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các thượng tế và các kỳ lão trong dân rằng: “Các ông hãy nghe dụ ngôn này: Có ông chủ nhà kia trồng được một vườn nho. Ông rào dậu chung quanh, đào hầm ép rượu và xây tháp canh, đoạn ông cho tá điền thuê, rồi đi phương xa. Ðến mùa nho, ông sai đầy tớ đến nhà tá điền để thu phần hoa lợi. Nhưng những người làm vườn nho bắt các đầy tớ ông: đánh đứa này, giết đứa kia và ném đá đứa khác. Chủ lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước, nhưng họ cũng xử với chúng như vậy. Sau cùng chủ sai chính con trai mình đến với họ, vì nghĩ rằng: Họ sẽ kính nể con trai mình. Nhưng bọn làm vườn vừa thấy con trai ông chủ liền bảo nhau: “Ðứa con thừa tự kia rồi, nào anh em! Chúng ta hãy giết nó đi và chiếm lấy gia tài của nó”. Rồi họ bắt cậu, lôi ra khỏi vườn nho mà giết. Vậy khi chủ về, ông sẽ xử trí với bọn họ thế nào?” Các ông trả lời, “Ông sẽ tru diệt bọn hung ác đó, và sẽ cho người khác thuê vườn nho để cứ mùa nộp phần hoa lợi”.

Chúa Giêsu phán: “Các ông chưa bao giờ đọc thấy trong Kinh Thánh: “Chính viên đá bọn thợ loại ra, đã trở nên viên đá góc. Ðó là việc Chúa làm và là việc lạ lùng trước mắt chúng ta!” Bởi vậy, Tôi bảo các ông: Nước Thiên Chúa sẽ cất khỏi các ông để trao cho dân tộc khác biết làm cho trổ sinh hoa trái”.

Vài hàng ghi chú và tâm tình. 

Nhân tiện cũng nên biết, những sự kiện, những biến cố đạo và đời của lịch sử Israel, có khi như bóng với hình, được sưu tập dưới danh Đại Ngôn Sứ Isaia, trong khoãng thời gian hơn 200 năm từ 740 BC – 450 BC, tới sau khi dân Do Thái còn sót lại trở về Giêrusalem (538 BC) xây lại đền thờ. Tiên Tri không bị bắt đi lưu đầy (586 BC) mà ở lại trong xứ để nâng đỡ tinh thần cho giới nông dân và những người không có tay nghề chuyên môn, bị vua Nabucôđônôsor của Babylon chê, bỏ lại.

Trước khi  hai chi tộc miền Nam bị xâm lăng và lưu đày,  TiênTri Isaia đã truyền Chủ dụ của Giavê, mong giới lãnh đạo tinh thần và quân dân cán chính Giuđa làm điều chính trực,  thực hành đức công chính để xứ sở hưng thịnh như vườn nho tươi tốt, mà tránh bị  Chúa sẽ bỏ rơi, cho kẻ thù tàn phá xứ sở tan hoang như vườn nho trong phần sau của bài Đọc I.

Kế đến, Bài Đáp Ca theo Thánh Vịnh 79 (80). Câu đầu nêu lên chủ đề, trực tiếp giải thích vườn nho Chúa là Nhà Israel.  Chúa đã mang từ ai Cập về với giống nho tuyển chọn thật kỷ (Is. 5:3)

Rồi tiếp theo, có những Thánh Vịnh với câu hay đoạn kế, làm như chất vấn, phiền trách có khi khích bác  Chúa tại sao phá rào, để kẻ bộ hành hái nó, lợn rừng tàn phá muông thú nuôi thân … làm ô danh Chúa các thiên binh … (TV 10, TV 13).

Nhưng câu hay đoạn bốn thì rút lui lại , vuốt ve, vỗ nhẹ Chúa dần dần : xin thương trở lại, xin nhìn coi và thăm viếng, xin bảo vệ, vì lòng thương xót hải hà …

Và câu hay đoạn  cuối thì tự nhận biết lý do, hứa hẹn, dốc lòng chừa: vì lỗi phạm nên bị tai hoạ, nên sẽ không xa rời Chúa nữa, xin Chúa phục hồi và cho chúng con ơn được sống… TV 118: 22-23.

Qua tới bài Phúc Âm.  Chúa Giêsu nêu thẳng một dụ ngôn cho các kỳ lão và thượng tế rồi cũng giải thích và hoạch định tương lai cho họ và tá điền mới.

Ông chủ là Thiên Chúa trồng một vườn nho với đầy đủ phương cách sinh lợi. Đó là đất nước và con người Israel làm tá điền,  với giao ước và những lời chỉ dạy của những bậc tiên hiền, để họ sinh những hoa trái tinh thần. Đến mùa, Chủ sai các đầy tớ đi thu hoa lợi. Đầy tớ là các tiên tri.  Tất cả đều bị hại.  Sau cùng Chủ sai con trai thừa tự đến với họ, hi vọng tá điền nể nang, nhưng rồi họ cũng lôi con ông Chủ ra khỏi vườn nho mà giết. Đây được coi là lời tiên báo Chúa Giêsu bị chết ngoài thành Giêrusalem.

Đá gốc tường. Chúa Giêsu dùng Thánh Vịnh 118, là viên đá nối kết từ cũ sang mới, từ cái chết qua phục sinh, để xây dựng một đền thờ mới là Giáo Hội của Người. Chúa  mời gọi hết mọi người thiện chí gia nhập, gồm những ai muốn vào vườn nho nầy mà sinh huê lợi cho Chúa  và cũng cho chính mình nữa.

Còn Bài Đọc II. Thánh Phaolô dặn dò tín hữu Philip anh em đừng xao xuyến, là dựa vào vang âm Chúa Giêsu giảng trên núi trong Mt. 6:25-34.   Hãy tin tưởng vào Cha trên trời, Đấng gìn giữ anh em trong Đức Kitô. Thánh Phaolô dùng từ “gìn giữ” là phản ảnh của thời kỳ Ngài bị cầm tù và cũng vì dân chúng trong thuộc địa của Roma luôn bị lính canh giữ. Trong cả hai trường họp trên, về tinh thần,  không phải lính Roma gìn giữ  tín hữu mà là bình an của Thiên Chúa toàn năng.  Nên Kitô  hữu tín thác những khó khăn vào Chúa vì Ngài yêu thương và khôn ngoan theo cách thế của Ngài (Rm. 8: 31-39). Ngoài ra tín hữu Philip cũng nghĩ đến những điều tôn thờ Chúa và phục vụ anh em nhờ thấy việc làm của Thánh Phaolô. Khi tiến bộ trên đường thánh thiện, không phải chỉ bình an của Chúa mà chính Chúa của bình an sẽ ở với họ.

Tóm lại. Chính Chúa Giêsu cũng đã báo trước,  giới lãnh đạo tôn giáo Do Thái bất trung, bất nghĩa, nên Chúa sẽ trao vườn nho là Hội Thánh Chúa cho các dân tộc khác. Giáo Hội  Công Giáo Roma gồm “dân của Chúa”  (1 Thư Phêrô 2:9) và các Kitô hữu của các Hội Thánh Kitô Giáo khác, qua hơn hai ngàn năm với biết sóng gió, nhưng vẫn tồn tại và phát triển, vì vườn nho  nầy là của Chúa.

Là thành viên nhỏ trong Giáo Hội, mình yêu thương và tin tưởng Giáo Hội mẹ với vị Đại Diện Chúa ở trần gian hiện nay là Đức Giáo Hoàng Phaxicô, rồi các cấp thẩm quyền tinh thần địa phương. Mình cũng có bổn phận làm cho vườn nho Giáo Hội phát triển thêm bằng gương sống hằng ngày.

Nếu có tham gia chức vụ nào trong giáo xứ thì theo nguyên tắc góp công sức vì danh Chúa chớ không phải để cho tiếng tăm mặt mũi của mình che khuất Chúa, tức là luôn giữ khiêm tốn. Thêm nữa, ở đâu và lúc nào thiểu số phục tùng đa số, thì mới mong có yên bình, trật tự, dĩ nhiên mình cũng được góp ý một cách ôn hoà, xây dựng, theo Sắc lệnh Tông Đồ Giáo Dân.

Kinh nguyện.

Xin Chúa cho vua chúa quan quyền các cấp trên trần thế được khôn ngoan, biết cách cai trị hợp lòng dân và phân phối hoa lợi cách hợp lý,  cho mọi người an bình hạnh phúc.

Xin cho những vị lãnh đạo các cấp trong Giáo Hội Chúa chu toàn nhiệm vụ để nước Chúa càng ngày càng thêm rộng mở. 

Xin cho những người giàu sang sung túc biết thêm quảng đại chia sẻ huê lợi Chúa ban cho những người túng thiếu.  

Xin cho cộng đoàn Giáo Xứ chúng con tích cực sinh nhiều hoa trái trong vườn nho và nộp phần cho Chúa bằng những việc lành thường xuyên hằng ngày. 

Xin giúp chúng con thấy mình thiếu sót trong vườn nho Chúa, để từ nay tích cực hơn trong bổn phận của mình.