Trung thu | Lm. Stêphanô Huỳnh Trụ

76

Bài viết của Cha Stêphanô Huỳnh Trụ có sự đóng góp ý kiến và sửa lỗi của anh Tâm Thành và bà Bernadette Pauline Ngọc Tuyết.
______________

1.

Ngày 15 tháng 8 âm lịch hằng năm là tết Trung Thu truyền thống. Trong âm lịch mỗi năm có 4 mùa, mỗi mùa chia thành 3 phần. Tháng đầu mùa gọi là mạnh (孟), giữa mùa gọi là trọng (仲), cuối mùa gọi là quí (季). Tháng 8 âm lịch ở giữa mùa thu, nên gọi là trọng thu (仲 秋), vì ngày 15 tháng 8 ở giữa mùa thu, nên cũng gọi là trung thu (中 秋), hiện nay người ta chỉ còn gọi trung thu thôi.

Nay chúng ta tìm hiểu từ Trung Thu.

2. Tìm hiểu từ Trung Thu.

2.1 Trung: Chữ Hán có những chữ này:

[1] 中 (dt.): (1) Tên về phương vị: giữa, trong, trên, dưới; (2) Họ Trung; (3) Trung Quốc; (4) (tt.): Nửa; (5) Vừa; (6) Thích hợp. (7) (pt.): Đang. Tiếng Nôm có 2 nghĩa: (1) (tt.): Vừa vừa, vừa chừng. (tđ.): Trẻ trung.

[2] 忠 (tt.): (1) Ngay thật, chân thành; (2) Hết lòng. Tiếng Nôm có nghĩa: Trung hiếu.

[3] 衷 (dt.): Lòng thành, cảm nghĩa sâu trong lòng; (tt.): Vừa phải không lệch. Tiếng Nôm có nghĩa: Trung khuất (cảm nghĩ sâu trong lòng).

[4] 盅 (1) Cốc nhỏ, chén: cốc rượu; chén nước; (2) (văn) Đồ đựng để không (chưa đựng gì). Tiếng Nôm có nghĩa: Trung (chung: đồ không đựng gì).

2.2 ThuChữ Hán có những chữ sau đây:

[1] 秋 (dt.): (1) Mùa thứ ba trong bốn mùa; (2) Một năm; (3) Lúc, thời buổi; (4) Họ Thu. (5) (tt.): Lúa chín; (6) Buồn bã; (7) Suy yếu.

[2] 收 (đt.): (1) Nhận; (2) Cất, giữ; (3) Triệu hồi, rút về; (4) Co lại, lành (vết); (5) Kết thúc; (6) Gặt hái; (7) Gom lại.

[3] 楸 (dt.): Cây thu.

[4] 鞦 (dt.): Cái đu (thu thiên).

[5] 鰍 (dt.): (1) Cá rê thu; (2) Cá chạch, thường chui trong bùn.

[6] 鶖 (dt.): Chim thu, loại chim nước, giống dạng cò, đầu cổ không có lông, thích bắt rắn ăn.

Tiếng Nôm:

[1] 收 (đt.): Xếp đặt cho gọn, hay nhỏ lại: thu dọn hành lý.

[2] 鰍 (dt.): Cá thu (cá macquerel).

3.

Trung Thu là 2 chữ Hán này 中 秋: Nghĩa là giữa mùa thu. Người Trung Hoa xưa cho rằng trăng rằm tháng tám tròn nhất, trông thấy trăng thì mong ước được đoàn tụ gia đình, cho nên tết Trung Thu cũng gọi tết Đoàn tụ. Dân gian ngày nay cả gia đình đoàn tụ, ngắm trăng, ăn bánh trung thu. Tết Trung Thu trở thành một trong ba ngày lễ quan trọng. Ba ngày lễ đó là tết Nguyên Đán, tết Trung Thu và tết Đoan Ngọ.

Người Hoa cổ xưa đã có tập tục tế nguyệt thần. Đến đời nhà Châu (năm 1121 TCN) tết Trung Thu hằng năm đều phải tế nguyệt, lễ vật phải có bánh Trung Thu và dưa hấu. Năm 27 Tần Thuỷ Hoàng (năm 221 TCN) đã có các loại vui chơi và hội họp mừng tết Trung Thu. Truyền thuyết về trung thu rất nhiều, như: bánh Trung Thu, Hằng Nga, Ngô Cương (Chú Cuội), thỏ ngọc…

3.1. Bánh Trung Thu[1].

Ăn bánh Trung Thu vào tết Trung Thu khởi đầu từ thời nhà Nguyên (1206-1367) bên Trung Quốc. Vào thời đó người Trung Hoa chịu không nổi ách thống trị tàn bạo của triều Nguyên, dân chúng khởi nghĩa khắp nơi, Ngô vương Chu Nguyên Chương (1328-1398) muốn tập hợp lực lượng khởi nghĩa, nhưng triều Nguyên kiểm soát rất chặt chẽ, không thể thông tin được. Quân sư Lưu Bá Ôn đã nghĩ ra cách giấu mảnh giấy viết “Đêm 15 tháng 8 khởi nghĩa” trong bánh Trung Thu và kêu gọi mọi người ăn bánh vào tết Trung Thu để tránh hoạ. Nhờ vậy mà khởi nghĩa thành công và thiết lập triều Minh. Năm sau (năm 1369) Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương cho quân và dân cùng mừng Trung Thu, thưởng bánh Trung Thu cho bá quan. Từ đó, tục ăn bánh Trung Thu trong dịp tết Trung Thu lan rộng trong dân gian.

3.2. Hằng Nga[2].

Thời cổ xưa trên trời cùng lúc xuất hiện 10 mặt trời, làm cho biển hồ khô cạn, người dân không sống nổi. Vì thương dân, Anh hùng Hậu Nghệ đã trèo lên đỉnh núi Côn Lôn, dùng thần lực giương cung, liên tục bắn hạ chín mặt trời, và ra lệnh mặt trời còn lại phải mọc và lặn đúng giờ đúng lúc. Anh vì thế mà được mọi người kính trọng và mến thương. Hậu Nghệ sau này cưới được Hằng Nga, người vợ vừa đẹp vừa hiền.

Một hôm, Hậu Nghệ đến núi Côn Lôn tìm thầy học đạo, tình cờ gặp Vương Mẫu nương nương và xin được thuốc trường sinh. Nếu uống thuốc này thì lập tức lên trời thành tiên. Nhưng Hậu Nghệ không nỡ bỏ vợ hiền, nên giao thuốc trường sinh cho Hằng Nga cất giữ, không ngờ bị Bồng Mông, một môn đệ bất lương của Hậu Nghệ biết được. Bồng Mông thừa dịp Hậu Nghệ vắng nhà ép Hằng Nga đưa thuốc trường sinh, trong lúc nguy cấp, Hằng Nga uống hết thuốc trường sinh. Hằng Nga uống thuốc xong, bỗng thấy nhẹ người và bay lên trời. Nhưng bởi còn thương nhớ chồng, nên Hằng Nga chỉ bay đến mặt trăng rồi dừng lại trở thành tiên ở đó.

Tối hôm đó, Hậu Nghệ về đến nhà biết được sự việc. Hậu Nghệ muốn giết Bồng Mông, nhưng Bồng Mông đã trốn đi từ lâu. Hậu Nghệ sai người ra sau vườn lập bàn hương án để tế Hằng Nga. Từ đó, người dân cũng tế nguyệt vào tết Trung Thu[3].

3.3. Ngô Cương (Chú Cuội) đốn cây quế.

Ngô Cương là hạ thần của Diêm Đế, đi học đạo nhưng không chuyên tâm. Ngọc Hoàng tức giận, phạt Ngô Cương phải đốn ngã cây quế ở mặt trăng mới được về nhà. Cây quế trên mặt trăng cao đến 500 trượng, mà mỗi khi bị chém, thân cây bị chém lập tức lành lại liền. Thế thì Ngô Cương phải ở lại mặt trăng, không thể về nhà được.

3.4. Thỏ Ngọc.

Truyện kể có ba vị thần tiên hoá thành ba ông già tội nghiệp đến nhân gian xin ăn của cáo, khỉ và thỏ. Cáo và khỉ có sẵn thức ăn để cứu giúp, còn thỏ thì không có gì. Sau đó, thỏ nghĩ đến hy sinh chính mình, liền nhảy vào lửa, tự nướng mình cho ba ông già ăn. Các vị thần vô cùng cảm động đã đưa thỏ lên cung trăng trở thành Thỏ Ngọc.

4.

Tết Trung Thu pha trộn rất nhiều thần thoại và truyền thuyết, nhưng đối với người Hoa, ngày này đã trở thành ngày lễ gia đình và gắn bó với Phật giáo rất nhiều: người Hoa thường đi chùa vào tết Trung Thu, đây chính là thành công của Phật giáo trong việc hội nhập văn hoá. Ngoài việc đi chùa, còn có múa lân, múa rồng, treo lồng đèn, rước đèn, bày cỗ, tặng quà cho nhau mà thông thường là phải có bánh Trung Thu. Chính vì thế những người giàu có ở Trung Quốc tặng bánh Trung Thu làm bằng vàng hay bằng bạc để hối lộ cách trá hình.

Các nước chịu ảnh hưởng của Trung Quốc đều có mừng tết Trung Thu, như Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc.

4.1. Ở Việt Nam.

Tết Trung Thu trở thành lễ thiếu nhi. Trẻ em đón tết có đèn xếp, đèn lồng, đèn điện tử Trung Quốc, những cỗ đèn muôn màu muôn sắc, muôn hình dáng với bánh Trung Thu. Gần đây các nhà thờ, các đoàn thể thường tổ chức các cuộc vui chơi cho các em. Ở miền Bắc còn có tục hát trống quân. Thật ra, người lớn có cuộc vui của người lớn, trẻ em có cuộc vui của trẻ em.

4.2. Nhật Bản.

Hằng năm, nước Nhật có hai hội thưởng trăng. Hội đầu là Yyuyoga, ngắm trăng vào ngày rằm giữa mùa thu, kế đến là hội Zyusanya nhằm ngày 13 tháng 10 (âm lịch). Theo tục lệ, hễ ai dự hội thưởng trăng đầu thì cũng phải dự hội thưởng trăng sau, nếu không sẽ gặp xui xẻo. Trẻ em Nhật rước đèn cá chép trong các đêm hội thưởng trăng. Cá chép tượng trưng cho lòng can đảm, vì nó dám lội ngược dòng thác nước. Đêm Zyuyoga, mọi gia đnh đều dùng cỏ bông bạc để cắm thay hoa trong nhà. Mâm cỗ gồm: bánh nhân táo, dưa hấu, hạt dẻ và các loại hoa quả

4.3. Hàn Quốc.

Gọi là Chusok còn gọi là lễ Tạ Ơn được tổ chức vào ngày rằm tháng tám là một trong những ngày lễ lớn nhất ở Hàn Quốc. Lễ hội được tổ chức đêm trước ngày rằm và sẽ kết thúc sau ngày 15/8 âm lịch. Trong dịp này, người Hàn Quốc luôn dành 3 ngày nghỉ để quây quần bên gia đình và bè bạn. Mọi người cùng nhau ăn bánh Songphyun, là loại bánh làm từ gạo, đậu xanh, mè và hạt dẻ. Sau đó, cả gia đình đi thăm mồ mả của tổ tiên. Buổi tối, trẻ em mặc Hanbok, là loại trang phục truyền thống của Hàn Quốc, và cùng nhảy múa dưới ánh trăng.

5. Tóm lại.

Tết Trung Thu gồm nhiều truyền thuyết có tính cách mê tín, nhưng cũng là một nét văn hoá đẹp của các nước Đông Á, thay vì loại bỏ nên chăng chúng ta “rửa tội” cho nó, để trở thành một ngày hội thiếu nhi cùng nhau tạ ơn Chúa. Cũng có thể vài ba năm một lần tổ chức vui Trung Thu cho thiếu nhi cấp giáo phận với cuộc rước đèn và sinh hoạt văn nghệ tôn giáo.

___________________________________

[1] Đây là một trong hai truyền thuyết về bánh Trung Thu.

[2] Tên Hán là Thường Nga.

[3] Đây là một trong bốn truyền thuyết về Hằng Nga.