Tổ chức các bữa ăn trong nhà thờ có thích ứng không?

1314

by phanxicovn

fr.aleteia.org, Isabelle Cousturié, 2017-10-04

Chia sẻ bữa ăn trong nhà thờ hay ở hai gian bên vẫn chưa được chấp nhận mấy. Đây là cuộc tranh luận mà các người Ý nắm giữ chìa khóa. Ở Ý, nhiều người phản hồi bữa ăn của Đức Phanxicô ở nhà thờ Thánh Phêrô với các tù nhân, các người tị nạn, người nghèo cuối tuần vừa qua ở giáo phận Bologna. Đây là nơi thiêng liêng và tại nơi đây đã thực hiện tình bác ái tương thân tương trợ. Linh mục Dòng Tên người Ý Antonio Spadaro giải thích trên Radio Vatican, ở đây không có sự vi phạm tính cách thiêng liêng trong việc Đức Phanxicô cùng ăn với các người kém may mắn.

Linh mục Spadaro, giám đốc La Civiltà Cattolica nhắc lại, đức ái là “nền tảng cơ bản của kitô giáo” và việc thực hiện đức ái ở đây chỉ làm tăng thêm thiêng liêng tính của nơi này. Đây không phải là một bữa ăn bình thường chỉ có ăn và uống, nhưng đây là hành vi liên kết với những người mình cùng chia sẻ, trong tinh thần cộng đồng, tạo tình thân đoàn kết, thương yêu với những người mình cùng ngồi ăn. 

Bữa ăn trần thế, bữa ăn trên trời

Như thế, không phải là làm mất đi thiêng liêng tính của nhà thờ, nhưng Đức Phanxicô đã nâng thiêng liêng tính lên một mức cao hơn, nêu bật sứ mệnh đầu tiên của Giáo hội là: phục vụ! Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dùng rất nhiều dụ ngôn có bữa ăn để minh họa cho Nước Trời. Quanh bàn ăn với các tông đồ trong bữa tiệc lần cuối ở trần thế, Chúa Giêsu đã không gắn chặt thêm tình thương của mình với các tông đồ đó sao? Linh mục Antonio Spadaro xác nhận, qua hành vi này là sự “nối tiếp hai bữa ăn: bữa ăn Thánh Thể và bữa ăn chia sẻ với những người khốn cùng”. Nếu Chúa Giêsu đã chọn hình ảnh bữa ăn để nói lên bí tích Thánh Thể thì đúng là trong nghĩa này: “Làm nổi bật lên cái đẹp và ân sủng của Phép Thánh Thể”, làm cho Chúa hiện diện trong bánh được bẻ ra và chia sẻ cho tất cả mọi người.

Họ là hàng ngàn người nghèo cùng ăn với Đức Phanxicô ngày chúa nhật 1 tháng 10 sau khi nghe giảng bài giáo lý. Linh mục Stefano Ottani, linh mục tổng đại diện giáo phận Bologna trả lời cho hãng tin Avvenire: “Giáo lý và ăn trưa, lời và bánh… sự phối hợp này là một trong các truyền thống xưa cổ nhất và nền tảng nhất của căn tính kitô giáo chúng ta. Và các tín hữu kitô đầu tiên đã thực hiện một cách rõ ràng. Các bữa ăn cộng đồng ở nơi mang tính thiêng liêng, tình tương thân tương ái là nguồn đức hạnh cho mỗi chúng ta”.

Vào thế kỷ thứ 4, Đức Giáo hoàng Grégoire Thánh cả đã mở cửa nhà thờ cho những người nghèo nhất đến ăn. Tổng Giám mục giáo phận Bologna, Giám mục  Matteo Maria Zuppi, người có sáng kiến tổ chức bữa ăn giải thích: “Bữa ăn không làm mất đi thiêng liêng tính của nhà thờ, nhưng ngược lại giúp chúng ta hiểu hơn Phép Thánh Thể, cảm nhận Phép Thánh Thể mang tính nhân bản hơn”. 

Đâu là điều tốt đẹp cho Chúa Kitô?

Quả thật, đối với một tín hữu kitô, điều vinh dự nhất để ca tụng Chúa không phải làm những gì mình nghĩ là tốt nhất để ca tụng Ngài, nhưng làm những gì Ngài mong muốn. Trong trường hợp này là, không ca tụng Chúa trong nhà thờ với áo quần nhung lụa mà ra ngoài nhà thờ thì quên đi người nghèo, quên họ đang bị đói lạnh, không có cơm ăn áo mặc. Trả lời báo Aleteia, ký giả Giovanni Marcotullio cho biết: “Nhiệm thể Chúa Kitô trên bàn thờ không cần áo măng-tô nhưng cần những tâm hồn trong sạch. Chúa Kitô sẽ có lợi gì khi bàn thánh hiến tế mình đầy bình vàng chén bạc, trong khi bên ngoài người nghèo chết vì đói, vì lạnh? Vào thời của Chúa Giêsu, người pharisêu cũng đã chỉ trích Ngài và Ngài trả lời: “Ông chưa đọc chuyện này trong Sách sao? Ông Đa-vít đã làm gì khi ông và thuộc hạ đói bụng. Ông vào nhà Thiên Chúa, lấy bánh tiến mà ăn và cho thuộc hạ ăn. Thứ bánh này chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi” (Lc 6, 4-5).

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch