Thợ dệt và những chiếc khung cửi | Đời sống thời Kinh Thánh

2264

Scarlett Le & Tam Le | Đời Sống Thời Kinh Thánh

Từ Kinh Thánh thời Cựu Ước đã thấy nói đến nghề nầy (Người đã cho họ lòng trí dồi dào khôn ngoan để thực hiện mọi tác phẩm của thợ chạm, của người nghệ sĩ, của thợ thêu dùng chỉ đỏ tía, chỉ điều, chỉ đỏ thẫm, sợi gai mịn, cũng như của thợ dệt: tất cả những người thực hiện mọi công việc, và nghĩ ra những tác phẩm nghệ thuật Xh 35,35). Người Ai Cập đặc biệt có tay nghề khéo léo ở nghề dệt (Is 19,9, Ed 27,7) và người Israel có lẽ đã học nghề này từ người Ai Cập. Có ghi chép là ông Giuse thời đó đã mặc một loại vải lanh đẹp (Pharaon rút nhẫn ra khỏi tay mình và xỏ vào tay ông Giuse, mặc cho ông y phục vải gai mịn. St 41,42).

Vào thời cổ đại, đàn ông cũng làm công việc dệt vải (I Sb 4,21) và ông Bezaleel đã rất khéo léo trong nghệ thuật dệt (Xh 35,35). Tuy nhiên, nhìn chung thì nghề dệt được xem là công việc dành cho phụ nữ làm (1 Sm 2,19, Cn 31,13).

Sách Châm Ngôn kể về một người  phụ nữ mà “đôi tay luôn bận rộn quay chỉ, những ngón tay thoăn thoát xe sợi” (Nàng tra tay vào guồng kéo sợi, và cầm chắc suốt chỉ trong tay. Cn 31,19).

Len được dùng phổ biến để làm trang phục (Lv 13,47, Cn 27,26, Ed 27,18) trong khi để làm loại vải tốt hơn, người ta dùng sợi lanh. Đôi khi sợi lanh và sợi len cũng được đan chung với nhau “Ngươi không được gieo trong cánh đồng của ngươi hai thứ hạt khác nhau, không được mặc áo vải hỗn hợp, dệt bằng hai thứ sợi khác nhau.’ (Lv 19,19).

Những loại vải thô chất lượng kém hơn như vải làm lều bạt, vải bố và “vải đổ lông” dành cho dân nghèo mặc được làm từ lông dê hay lông lạc đà. Tiên tri Êlia và ông Gioan Tẩy Giả đã mặc loại quần áo như vậy.

Lông được lấy từ những con cừu dùng để làm len.

Một trục suốt được dùng để xe chỉ làm thành sợi có độ dài cần thiết cho việc dệt vải.

Những cái giá treo chỉ dẫn chỉ vào trục suốt bằng gỗ.

Rồi trục suốt xoay tròn…

… để xe thành những cuộn chỉ.

Khung cửi là chiếc khung dựng đứng dệt ra len. Nàng Đalila đã sử dụng khung củi như vậy để dệt những sợi tóc dài cắt từ đầu của anh hùng Samson (Tl 16,13-14)

(Theo Cựu Ước, Samson là người bảo vệ dân tộc Israel, một chiến binh có sức mạnh siêu phàm. Samson yêu nàng Đalila – một cô gái dân tộc Philistine đang giao chiến với người Israel. Vi thế, nàng Đalila được người Philistine giao nhiệm vụ tìm ra điểm yếu để đánh bại Samson. Tin người yêu, Samson đã tiết lộ mái tóc dài của mình là nguồn gốc của sức mạnh vô song. Nên khi Samson ngủ, Đalila đã cắt đi mái tóc của anh, làm biến mất sức mạnh bất khả chiến bại, hạ gục Samson, móc mắt rồi biến anh thành nô lệ.)

Những sợi chỉ dài được treo từ trên đầu khung, thả cho buông rũ xuống đất.

Những vật nặng nhỏ được cột vào đoạn bên dưới  các sợi chỉ này, giữ chúng căng ra thật thẳng.

Sau đó, người thợ dệt dùng một con thoi bằng gỗ để làm những sợi chỉ theo chiều ngang luồn qua rồi luồn lại, đan vào những sợi chỉ được căng theo chiều dọc. Chúng ta có thể xem đoạn nói về con thoi trong sách Gióp: Ngày đời tôi thấm thoát hơn cả thoi đưa, và chấm dứt, không một tia hy vọng.“ (G 7,6)

Sử dụng cách làm tỉ mỉ công phu này, người thợ dệt có thể dùng những sợi len đã nhuộm màu để dệt ra đa dạng mẫu hình. Người Babylon còn dệt ra cả những bức tranh về người và muông thú trên trang phục của họ. Những loại vải có kết cấu dệt dùng sợi chỉ bằng vàng được xem là vô cùng giá trị (Thiếu nữ thành Tia mang lễ tới, phú hào trong xứ đến cầu ân. Đẹp lộng lẫy, này đây công chúa, mặc xiêm y dệt gấm thêu vàng. Tv 45:13).

Vài loại trang phục được dệt nguyên không có đường ráp mối. Trang phục dành cho giáo sĩ được dệt theo cách này. Chúa Giêsu đã mặc chiếc áo không có mối ráp. Đó là một món đồ có giá trị, nên những tên lính đóng đinh Chúa Giêsu lên cây thập giá đã bắt thăm xem ai trúng thì có thể lấy được áo Người (Đóng đinh Đức Giêsu vào thập giá xong, lính tráng lấy áo xống của Người chia làm bốn phần, mỗi người một phần; họ lấy cả chiếc áo dài nữa. Nhưng chiếc áo dài này không có đường khâu, dệt liền từ trên xuống dưới. Vậy họ nói với nhau: “Đừng xé áo ra, cứ bắt thăm xem ai được.” Ga 19:23).

Scarlett Le & Tam Le