Thiên thần và thành phố

1042

by phanxicovn

Ronald Rolheiser, 07-24-2017

Vài năm trước, Hollywood có làm một bộ phim mang tên Thành phố của Thiên thần (City of Angles), kể về một thiên thần tên là Seth với nhiệm vụ là đưa linh hồn những người vừa qua đời đến cõi sau. Trong một nhiệm vụ, khi đang chờ ở bệnh viện, anh phải lòng một nữ bác sĩ phẫu thuật trẻ tuổi thông minh. Là một thiên thần, Seth chưa từng cảm nhận được sự động chạm hay cảm nếm nào, và giờ đây khi yêu say đắm, anh khao khát được thực sự chạm vào người mình yêu. Nhưng anh rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Là một thiên thần với ý chí tự do, anh có thể chọn lựa bỏ đi địa vị thiên thần của mình và trở thành con người, nhưng đồng thời anh không còn được bất tử.

Thật là một lựa chọn khó khăn. Bất tử nhưng không được cảm nghiệm, hoặc cảm nghiệm nhưng đồng thời phải chịu những hệ quả của sự khả tử trần tục là già nua, bệnh tật, và cuối cùng là cái chết? Anh đã chọn cái thứ hai, từ bỏ địa vị thiên thần bất tử để chọn lấy hoan lạc của cảm nghiệm trần gian.

Tôi cho rằng, đại đa số người xem bộ phim này sẽ khen ngợi sự lựa chọn này của anh. Hầu hết mọi cảm thức trong lòng chúng ta đều khiến chúng ta tin rằng, nếu không đưa ra lựa chọn như thế thì thật là lạnh lùng và phi nhân. Cái cảm giác quá mạnh mẽ, nhất là khi đang yêu, có thể biến mọi thứ khác trở nên vô thực, và chỉ là lựa chọn thứ yếu. Với chúng ta, điều chúng ta cảm nhận được, điều chúng ta nghe, thấy, nếm, và chạm vào được mới là điều có thật. Chúng ta có một tuyên bố theo kiểu Descartes của riêng mình: Tôi cảm giác, bởi thế, tôi tồn tại.

Còn linh đạo, trong mọi truyền thống tôn giáo lớn, dường như lại nói ngược lại. Các khái niệm phổ biến trong những tôn giáo lớn khẳng định tinh thần thì cao hơn cảm giác, và là một người hộ vệ cao hơn canh giữ cảm giác. Hoan lạc cảm giác, thường xuyên bị xem là hời hợt và chướng ngại cho cuộc sống thiêng liêng. Chúng ta thấy trong thư gởi Tín hữu Hy Lạp, thánh Phaolô đã nói “nhục dục thì đi ngược thần khí”, xem thân xác là xấu và linh hồn là tốt.

Ngày nay, trong thế giới thế tục hóa, thì ngược lại. Cảm giác đang lấn át tinh thần. Các thiên thần của thế giới thế tục hóa, không như các thiên thần của tôn giáo thời trước, và họ đưa ra những lựa chọn giống như Seth vậy. Sự mơ hồ của tinh thần không bằng được với sự hiện thực của cảm giác.

Vậy, sự nào thật hơn?

Xét cho cùng, đây là một sự phân chia sai lầm. Cảm giác và tinh thần của chúng ta đều đem lại sự sống, cả hai đều quan trọng, và điều không thể thiếu lẫn nhau.

Là Kitô hữu, chúng ta tin rằng chúng ta có cả thể xác lẫn linh hồn, xác thịt lẫn tinh thần, và cả hai đều không thể tách biệt lẫn nhau. Chúng ta vừa là động vật vừa là thiên thần, và trong hành trình tìm kiếm sự sống, ý nghĩa, hạnh phúc và Thiên Chúa, chúng ta không được quên đi mình có cả hai điều này. Tinh thần của chúng ta chỉ mở ra với cuộc đời qua cảm giác, và cảm giác đem lại ý nghĩa chỉ bởi chúng được sống động nhờ tinh thần.

William Auden đã chỉ ra những điều mà trong số mọi loài động vật, chỉ có con người làm được. Ông đúng, nhưng chúng ta không chỉ là động vật, mà chúng ta có phần thiên thần tương đương trong bản thân mình, và một khi chúng ta có đủ cả hai thì những vui thú có giới hạn của động vật có thể trở thành những niềm vui thú vô giới hạn mà con người chúng ta có thể cảm nghiệm trong tình yêu, tình bạn, lòng vị tha, tình dục, huyền bí, đồ ăn thức uống, sự khôi hài. Cảm giác của chúng ta khiến chúng trở nên hiện thực, nhưng chính tinh thần cho chúng ý nghĩa.

Và vì thế một linh đạo lành mạnh cần phải tôn vinh cả cảm giác lẫn tinh thần. Những vui thú thông thường của cuộc sống có thể nông cạn mà cũng có thể sâu sắc, thiên về thần bí hay là thú vật, và theo đó là mức độ chúng ta tôn vinh tinh thần và tính thiên thần trong con người mình. Ngược lại, linh đạo và đời sống cầu nguyện của chúng ta, có thể chân thật hơn hoặc ảo tưởng hơn, tùy vào mức độ chúng ta thể hiện chúng trong cảm giác và tính “con” của mình.

Và điều này đúng trong lĩnh vực đời sống. Ví dụ như, tình dục có thể nông cạn hay sâu sắc, tùy vào mức độ tinh thần hay cảm giác trong đó. Cũng vậy trong cảm nghiệm về vẻ đẹp, về những gì chúng ta thấy, nghe, sờ, nếm hoặc ngửi. Bất kỳ cảm nghiệm cảm giác nào đều có thể nông cạn hoặc sâu sắc tùy vào mức độ phần tinh thần trong đó, và cũng như thế bất kỳ cảm nghiệm nào về vẻ đẹp đều có thể thiếu chân thật và mang tính tưởng tượng nếu nó quá xa lìa các cảm giác.

Vài năm trước, tôi có dự một hội nghị chuyên đề về nhân học. Diễn giả có nói rằng: “Một điều mà tâm lý học và linh đạo cứ quên suốt, đó là chúng ta là động vật.” Là một nhà thần học và ngòi bút thiêng liêng, tôi thấy đánh động vì những lời này. Ông ấy đã nói đúng! Ở trong một tôn giáo, chúng ta quá dễ dàng quên mất điều này. Nhưng các nhóm tôn giáo cũng đúng khi liên tục nhắc cho chúng ta nhớ rằng chúng ta có phần thiên thần trong mình.

Tội nghiệp cho Seth, thiên thần bị giằng xé trong phim, bởi anh ấy đâu cần phải ra lựa chọn đó.

J.B. Thái Hòa dịch