Theo gương Thánh Cả Giuse: Hướng dẫn đời sống tâm linh

637

James & Joseph Lập chuyển ngữ
Lễ Quan thầy Thánh Cả Giuse 19.03.2022

Sự thánh đức của Thánh Cả Giuse bao gồm những gì? Chỉ riêng câu hỏi này đủ nêu lên một số vấn đề. Thật vậy, lòng sùng kính phổ biến cuối cùng đã trở nên tốt hơn trong phạm vi văn bản rất hiếm liên quan đến Thánh Cả Giuse trong Kinh thánh. Sau đó, chúng ta có thể xem lại các tước hiệu và Kinh thánh về Thánh Cả Giuse. Nhưng chúng ta cần xem lại Tin Mừng trước tiên. Ngay cả khi “mầu nhiệm bao quanh siêu nhiên và những dấu hiệu bên ngoài giải thích tại sao cư dân Nazarét không biết thần tính Chúa Giêsu, hơn là sự thánh khiết cao cả của Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse.” Chúng ta tin rằng việc chăm chú đọc Kinh Thánh có thể dạy chúng ta nhiều hơn những gì chúng ta cảm nhận được ngay từ cái nhìn đầu tiên. Chúng ta thực hiện cuộc hành trình này theo cách thức chiêm ngưỡng những mầu nhiệm thời thơ ấu Chúa Giêsu.

Suy niệm chiều sâu của đời sống tâm linh Thánh Cả Giuse

Chúng ta chọn 10 động từ chia thành 2 nhóm: 7 động từ đầu cho thấy chiều sâu đời sống nội tâm của Thánh Cả Giuse và 3 từ khuyên cuối từ Phúc âm. Bằng cách này, chúng ta hy vọng có thể cân nhắc kỹ lưỡng để tìm thấy nơi Thánh Cả Giuse sự hướng dẫn chắc chắn cho đời sống tâm linh chúng ta. Nào, chúng ta hãy bắt đầu!

7 động từ đầu giúp hành động:

1. Sống trong Chúa – Báo tin cho Thánh Cả Giuse (Mt 1: 16, 18-25)

Chúng ta bắt đầu cuộc hành trình từ Nazarét, nơi “Thánh Cả Giuse, Phu quân Đức Maria, là người công chính không muốn công khai tố giác bà nên đã quyết định âm thầm ra đi cách kín đáo ” (Mt 1: 19). Không phải vì sự chính trực của Đức Maria mà Thánh Cả Giuse phản ứng như thế. Đúng ra, Ngài tự đặt mình vào bàn tay Thiên Chúa quan phòng “trong sâu kín” (Mt 6: 6) để phân biệt thái độ mà Ngài phải chấp nhận khi đối mặt với mầu nhiệm mà Ngài là nhân chứng duy nhất. Không theo cách chạy trốn Chúa như Ađam, Thánh Cả Giuse giống Môise đối mặt với bụi cây đang bốc cháy. Ngài nhận thức được sự hiện diện của Chúa Trời và cởi giày ra trước mặt Người với ý định không can thiệp vào kế hoạch của Chúa. Do đó, sứ mệnh của Thánh Cả Giuse bắt đầu trong thái độ phân định để tự tinh luyện mình cho phù hợp với ý muốn Thiên Chúa.

2. Thờ lạy – Giêsu giáng sinh (Lc 2: 1-14*)

9 tháng sau, chính tại Bétlêhem chúng ta gặp lại Thánh Cả Giuse. Điều khiến chúng ta chú ý ở đây là thái độ của Ngài khi đối mặt với những nghịch cảnh đầu tiên. Chuyến vượt biên lang thang (sang Ai Cập*) không nơi cư trú… Dù thế, chúng ta không nghe thấy Ngài phàn nàn một tiếng nào. Trái lại, Ngài hoạt động để tìm ra giải pháp với các phương tiện đang có. Chúng ta có thể thấy nơi Ngài một tấm gương như lời Thánh Gioan Thánh Giá khuyên: “Cầu nguyện, quên đi bản tính tạo vật của mình, nhớ đến Đấng Tạo Hóa, chú ý đến nội tâm mình và yêu thương người thân yêu. ” Ngài không đánh mất điều chính yếu: Chúa Giêsu ra đời, và Ngài là người đầu tiên cùng Mẹ Maria thờ lạy Con Thiên Chúa.

3. Nói về Bé Giêsu – Phép cắt bì (Lc 2: 21)

8 ngày sau khi sinh là vấn để cắt bì và “đứa trẻ đã được đặt tên là Giêsu. ” Việc đặt tên cho con tùy thuộc vào người cha gia đình. Phân đoạn này cho phép chúng ta nghe lời duy nhất Thánh Cả Giuse thốt ra. Cũng giống như Cha Hằng hữu, Ngài chỉ có một từ (Lời duy nhất*), một danh xưng duy nhất: đó là Giêsu. Điều này làm sáng tỏ sự im lặng của Thánh Cả Giuse. Đó không phải là vấn đề tính cách mà là định hướng và lựa chọn: Thánh Cả Giuse chỉ có thể nói với chúng ta về Chúa Giêsu. Chúng ta gần như có thể nói Ngài là người khởi xướng lời cầu thánh danh Chúa Giêsu. Ngài đã lập lại nhiều lần trong sự pha lẫn giữa tự nhiên (nhân tính *) và tôn kính (thiên tính *).

4. Dẫn đến Thiên Chúa – Ba vua thờ lạy (Mt 2: 9-11)

Nói về Chúa Giêsu vẫn không đủ đối với Thánh Cả Giuse. Ngài còn dẫn đưa chúng ta (như Ba vua*) đến với Chúa Giêsu. Đây là tình tiết Ba vua tiết lộ cho chúng ta tuy không nhắc đến Thánh Cả Giuse, nhưng Ngài không vắng mặt đâu. Chính Ngài là người chu cấp cho Thánh gia một mái ấm gia đình. Khi các đạo sĩ (Ba vua*) đến, có lẽ họ không tự do đến gần Đức Maria và Chúa Giêsu ngay đâu. Đúng hơn họ “đến với Giuse,” (St 41: 55). Ngài là người với tư cách là “quản gia trung tín, khôn ngoan mà chủ đã giao trọng trách phân phát cho nhân viên của mình đúng giờ đúng lúc” (Lc. 12*: 42). Chính Ngài đã giới thiệu họ đến với sự thân mật của ngôi nhà ở Bếtlêhem.

5. Bảo vệ – Chuyến vượt biên sang Ai Cập (Mt 2: 13-23)

Thánh Cả Giuse không cho mọi người đến gần (Chúa Giêsu*) đâu. Có khi Ngài phải lẫn trốn để cứu Hài nhi Giêsu khỏi những nguy cơ đe dọa. Đấy là tình tiết chuyến vượt biên sang Ai Cập. ĐTC Phanxicô bảo chúng ta “Như chúng ta dùng hết sức bảo vệ Chúa Giêsu và Mẹ Maria, những người được giao phó trách nhiệm cho chúng ta cách bí ẩn, để chăm sóc và trông nom. ” Trong trường hợp Thánh Cả Giuse, chúng ta thấy Ngài hành động nhanh chóng: Ngài thức dậy lúc nửa đêm, dù còn buồn ngủ nhưng rất bình tĩnh. Ngài cũng không tính toán: Ngài vượt biên rất xa (ra nước ngoài: sang Ai Cập*) như thiên sứ bảo, xa hơn những gì có vẻ cần thiết, miễn là cần phải làm. Thánh Cả Giuse nêu gương cho chúng ta về việc “Dấn thân mạnh mẽ và can đảm: Chấp nhận là phương pháp mà món quà sức mạnh sẽ đến với chúng ta từ Chúa Thánh Thần thể hiện trong cuộc sống. Chỉ có Chúa mới có thể ban cho chúng ta sức mạnh để đón nhận cuộc sống như nó vốn có, cũng như nhường chỗ cho sự tồn tại có phần mâu thuẫn, bất ngờ, đôi khi có vẻ tuyệt vọng nữa.”

6. Tìm kiếm – Hài Nhi thất lạc được tìm gặp lại trong Đền thánh (Lc 2:41-52*)

Đặt tên cho Giêsu dẫn chúng ta đến với Ngài. Sự kiện Hài nhi bị thất lạc và được tìm thấy trong Đền thờ làm chúng ta hơi buồn lòng. Cũng như chúng ta, Thánh Cả Giuse nghĩ rằng mình đã mất Giêsu, đau khổ vì Người vắng mặt cần phải tìm kiếm Người. Thánh Cả Giuse có cảm giác không hiểu Người. Đúng thế, Chúa Giêsu có thể ẩn mình trong giây lát. Cho dù nguyên nhân sự mất mát này là gì, Thánh Cả Giuse cũng dạy chúng ta cách duy nhất để trải qua thử thách này là: Hãy trở về Giêrusalem. Đến Đền thờ, tiếp tục tìm kiếm Người, đừng dừng lại cho đến khi tìm thấy Người, có nghĩa là tìm kiếm sự hiện diện của Thiên Chúa thì chúng ta phải cố gắng: Bằng đời sống ân sủng, cầu nguyện và các nhân đức thần linh. Đó là phản ứng của Thánh Cả Giuse và Mẹ Maria.

7. Canh thức – Ban đêm

Để kết thúc phần đầu loạt bài suy ngẫm này, chúng ta muốn nhấn mạnh khía cạnh cuối cùng đó là Ban Đêm. Thật vậy, một số đoạn văn đề cập đến việc thiên sứ hiện ra với Thánh Cả Giuse ban đêm, hoặc thiên sứ bảo Ngài trỗi dậy ban đêm để vượt biên. Chi tiết này cho chúng ta biết điều gì? Theo nghĩa đen, chủ yếu là chỉ thời gian để làm sáng tỏ hành động của Chúa Trời và sự cảnh giác của Thánh Cà Giuse. Một mặt, ngay cả ban đêm Chúa Trời cũng luôn hướng dẫn người công chính. Mặt khác, ngay cả trong giấc ngủ Thánh Cả Giuse cũng lắng nghe tiếng Chúa. Theo nghĩa tâm linh, Ban Đêm cũng có thể gợi lên 2 tình thế khác nhau: Một mặt, sự thiếu vắng các giác quan để hiểu hành động của Chúa Trời. Mặt khác, sự bình an hoàn toàn trong tâm hồn, nơi không có gì có thể chống lại hoạt động của ân sủng. Bằng cách nào đó, ban đêm này hiện diện trong cuộc đời của Thánh Cả Giuse mỗi khi dâng lên Thiên Chúa sự đáp trả hoàn toàn và hiếu thảo đối với ý muốn của Người.

Cuối đoạn đầu này, chúng ta có thể thấy tâm hồn vĩ đại và chiều sâu tâm linh của Thánh cả Giuse. Ngài đã nhận và sống sứ mệnh của mình được kết hợp trong Thiên Chúa, và Ngài xuất hiện như mẫu gương và hướng dẫn chắc chắn trong cách tiếp cận đời sống tâm linh của chính chúng ta.

3 Từ cuối để thực hành lời khuyên Phúc âm theo Thánh Cả Giuse

Dưới ánh sáng cuộc đời Thánh Cả Giuse, bây giờ chúng ta xét tầm quan trọng thực hành các lời khuyên Phúc Âm trong việc theo chân Chúa Kitô trên đường nên thánh. Chắc chắn sẽ lạc hậu nếu gán cho Thánh Cả Giuse ý định đưa chúng ta vào thực tế ngay. Thực ra cuộc đời Ngài là mẫu gương hùng hồn về đức khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục.

8. Mở lòng ra để được đơm hoa kết quả – Đức khiết tịnh

Hãy bắt đầu bằng suy ngẫm về đức khiết tịnh, đặc biệt được nhấn mạnh vào 3 thời điểm trong đời Thánh Cả Giuse.

Đầu tiên chúng ta hãy quay về Lễ Truyền tin. Khó khăn Đức Maria bày tỏ với sứ thần về vấn đề “không biết đến việc vợ chồng” (Lc 1: 34) cho thấy quyết định trước của đôi nam nữ (Do thái này*) là kết hôn trong lúc giữ mình trong trắng. Với tư cách là vị hôn thê, Maria không thể cam kết chấp nhận nếu không có sự đồng ý của người hôn phu. Điều này chứng tỏ Thánh Cả Giuse đã nhận thức được mong muốn của Maria: Ngài đã chấp nhận và chia sẻ. Như thế, sự trong trắng và trinh khiết của Thánh Giuse không phải là hệ quả của Lễ Truyền Tin. Cả Chúa Trời lẫn Đức Maria đều không áp đặt lối sống này trên Thánh Cả Giuse, ngoại trừ chính Ngài đã tự do chấp nhận.

Việc thứ 2 và thứ 3 chúng ta ghi nhận là các giai đoạn cuộc vượt biên sang Ai Cập và sự tìm gặp trong Đền thánh. Trong chuyến vượt biên, Thánh Cả Giuse đã “mang theo cả mẹ con” với thái độ không có bất cứ dấu hiệu chiếm hữu nào. Khoảng mươi năm sau, khi tìm gặp trẻ Giêsu (trong Đền thánh*), Ngài từ Giêrusalem trở về Nazarét với cùng thái độ tách biệt này. ĐTC Phanxicô xác nhận điều này như sau:

“Làm cha có nghĩa là giới thiệu và dạy cho đứa trẻ kinh nghiệm cuộc sống với cuộc đời thực tế. Không phải ôm giữ con, không phải giam cầm con, không phải chiếm hữu con, nhưng giúp nó có khả năng lựa chọn, tự do, và ra đi lúc trưởng thành. Đó là lý do tại sao, cùng với danh nghĩa người cha, truyền thống đã gọi Thánh Cả Giuse là “rất thanh khiết.” Không đơn thuần là dấu hiệu tình cảm, mà là sự tổng hợp thái độ thể hiện điều ngược lại sự chiếm hữu. Trinh khiết là sự tự do không chiếm hữu trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.”

Chúng ta hãy chiêm ngưỡng thành quả này nảy sinh từ cuộc sống Thánh Cả Giuse và Mẹ Maria. Qua sự dâng hiến trinh nguyên trong hôn nhân, hai Đấng đã hiến dâng cho Chúa Trời những điều kiện lý tưởng để nhận được lời mời gọi trở thành cha mẹ Ngôi Lời Nhập Thể.

9. Chấp nhận và Dâng hiến – Sự Khó nghèo

Bây giờ chúng ta chuyển sang Khó Nghèo. Trước hết, Thánh Cả Giuse cho chúng ta mẫu gương về sự khó nghèo vật chất. Nơi cư ngụ ở Nazarét dường như không có điều gì tốt đẹp có thể đến (Ga 1: 46): Xưởng mộc, máng cỏ, đôi chim câu, 3 chuyến đi trong đó có chuyến vượt biên ra nước ngoài (Ai Cập*). Mỗi lần đều liên quan đến việc xây dựng lại hoàn cảnh Thánh gia và nghề nghiệp… Thánh Cả Giuse có thể không phải sống trong cảnh quá nghèo túng, nhưng việc đảm bảo Thánh gia được phục vụ tốt không phải ít nỗ lực và dễ dàng.

Ngài cũng nêu cho chúng ta tấm gương về sự nghèo khó tâm linh. Một mặt được phản ánh trong việc Ngài quyết định thực hiện vai trò làm cha trong một gia đình mà con trai và hiền thê Ngài vượt trổi Ngài về sự thánh thiện. Mặt khác, Ngài luôn có thái độ chấp nhận và đón lấy những thay đổi trong cuộc sống:

“Nhiều lần, những sự kiện mà chúng ta không hiểu ý nghĩa xảy ra trong cuộc sống chúng ta. Phản ứng đầu tiên của chúng ta thường là thất vọng và muốn nổi loạn. Thánh Cả Giuse gạt lý trí sang một bên để nhường chỗ cho những gì đang xảy ra dù có vẻ huyền bí đối với Ngài: Ngài chấp nhận và lãnh lấy trách nhiệm.»

Cuối cùng, cũng tội nghiệp cho chính mình, Thánh Cả Giuse quyết tâm hoàn toàn tự hiến. Đây là cách mà sự nghèo khó Ngài tiếp nhận những phẩm chất của món quà tự hiến mà Lm Marie Eugène đề cập đến trong “ Tôi muốn nhìn thấy Thiên Chúa”: Tuyệt đối vì Ngài không giữ gì cho riêng mình. Không xác định vì Ngài không biết trước kế hoạch của Thiên Chúa sẽ đòi hỏi những gì. Và thường được đổi mới thể hiện qua những cuộc hành hương truyền thống đến Giêrusalem (“họ đi hành hương theo tục lệ” Lc 2: 42). Trong khi Thánh Têrêxa Avila cảnh báo chúng ta rằng “chúng ta quá chậm chạp trong việc dâng hiến món quà tuyệt đối của bản thân mình cho Thiên Chúa, đến nỗi chúng ta không ngừng chuẩn bị cho mình để đón nhận ân sủng của tình yêu đích thực. Đối với chúng ta, dường như chúng ta dâng cho Chúa phần lợi tức và kết quả, trong khi giữ tiền bạc và tài sản lại cho mình. ” Chúng ta hãy nhìn nơi Thánh Cả Giuse tấm gương của người không bao giờ mệt mỏi dâng hiến tất cả những gì mình có cho Thiên Chúa.

10. Tuân lệnh – Vâng phục

Chúng ta dành lời cuối cho sự vâng phục của Thánh Cả Giuse. Đó là hằng số (tức là không thay đổi*) trong cuộc đời Ngài. Các sách Phúc âm kể lại điều đó thật rõ ràng. Từ Lễ Truyền Tin cho đến khi tìm gặp lại trong đền thánh, chúng ta quan sát thấy Thánh Cả Giuse lần lượt tuân theo lương tâm, các lề luật, truyền thống dân sự và tôn giáo cũng như lời Thiên sứ bảo. Sự vâng phục của Ngài không mù quáng cũng không thụ động: Thánh Cả Giuse áp dụng tất cả sự hiểu biết của mình để giải quyết các hoàn cảnh. Vâng phục khiêm tốn và ngoan ngoãn: Ngài để mình được hướng dẫn, mà không phụ thuộc hoặc đánh giá phẩm chất các sứ giả thiên ý. Những lời của Lm Caffarel* về công lý có thể được chuyển thành sự vâng phục của Thánh Cả Giuse:

“Chúng ta còn quá xa sự tôn trọng chính thức đối với luật pháp, tức chủ nghĩa luật pháp vô hồn. Thánh Cả Giuse là người “công chính” vì không ngừng nỗ lực tìm kiếm tình yêu trong lề luật. Vì thế, công lý của Ngài là một thái độ thường xuyên im lặng và lắng nghe trước mặt Chúa, một ý chí sống theo Chúa cách vô điều kiện.»

Sự vâng phục của Thánh Cả Giuse lên đến tột đỉnh khi Ngài qua đời, điều mà các sách Phúc âm không tường thuật lại. Đối với các tín hữu, Thánh Cả Giuse là người bảo trợ sự chết lành vì Ngài đã đi từ thế giới này sang thế giới bên kia có Chúa Giêsu và Mẹ Maria bao quanh. Vì vậy, Ngài đã tận hưởng cùng nhóm với các đấng tuyệt vời. Nhưng đồng thời luôn tách biệt và từ bỏ thế nào ấy… Để chấp nhận sự chia ly khỏi những người yêu quý và đáng yêu mến nhất, chấp nhận kết thúc sứ mệnh mình với tư cách là người giám hộ và người bảo vệ Thánh Gia nơi trần thế, để đi dần vào im lặng, đáp lại tiếng Chúa Cha kêu Ngài sang bên kia thế giới. Vì thế, cái chết của Thánh Cả Giuse hoàn toàn là hành động từ bỏ và điều này càng góp phần vào sự vĩ đại của Ngài.

“Quả thực không phải là những ân sủng của lời cầu nguyện dù cao cả nhất có ý nghĩa về sự thánh thiện của đời sống, mà là sự sẵn sàng tuyệt đối với mọi ý muốn Thiên Chúa trong việc từ bỏ tuyệt đối chính mình.

Đây là những gì sự thánh thiện của Thánh Cả Giuse bao gồm: Sự tách rời tuyệt đối Ngài thực hiện ân sủng phi thường nhất mà Thiên Chúa đã từng ban cho Ngài để trở thành Phu quân Mẹ Maria và cha nuôi Chúa Giêsu.

Kết luận

Đã đến lúc kết thúc cuộc hành trình của chúng ta. Sau khi nêu ra mối liên hệ giữa các đặc quyền của Chúa Trời và sự đáp trả tự do của Thánh Cả Giuse, chúng ta tiếp tục mô tả một số đặc điểm nhất định về sự thánh thiện của Ngài: Chiều sâu đời sống tâm linh của Ngài và việc thực hành các lời khuyên Phúc âm. Điều này sẽ khuyến khích chúng ta tìm thấy nơi Thánh Cả Giuse mẫu gương, người hướng dẫn, người cha trong đời sống tâm linh chúng ta. Mục tiêu của Ngài là “kết hiệp mật thiết hơn bao giờ hết với Chúa Giêsu ” Hãy đến với Chúa Giêsu: Đến với Chúa Giêsu qua Mẹ Maria. Đến với Chúa Giêsu qua Mẹ Maria qua Thánh Cả Giuse. Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse không phải chỉ cùng nhau bước đi trên đường đời, nhưng là đôi vợ chồng thánh thiện nhất sẵn sàng đưa dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu. Chúng ta kết thúc bằng câu trích dẫn cuối cùng này sẽ cho phép chúng ta lần này chiêm ngưỡng Thánh Cả Giuse từ quan điểm của con trai Ngài là Chúa Giêsu.

Về cơ bản, lễ kính Thánh Cả Giuse có nghĩa là nhìn Ngài bằng con mắt của Chúa Giêsu. Để nghe tiếng của Mẹ Maria đã chỉ định Ngài với tình cảm của chúng ta và để hướng trái tim chúng ta lên Thánh Cả Giuse. Đời sống Kitô hữu có gì khác ngoài việc noi gương Chúa Giêsu Kitô đâu? Đó có phải là điều gì khác ngoài việc nhận được Thánh Linh luôn bay trên nhà Nazarét không? Yêu mến Thánh Cả Giuse không phải là một lựa chọn của cá nhân mình mà là lựa chọn của Chúa Giêsu. Chúng ta, những người thường cố gắng đi vào mầu nhiệm Thời thơ ấu Chúa Giêsu qua con mắt Thánh Cả Giuse, hãy khám phá ra sự vĩ đại của Thánh Cả Giuse qua Trái Tim Chúa Giêsu. Thánh Cả Giuse hướng dẫn và bảo vệ để vượt qua sa mạc cuộc đời, Thánh Cả Giuse làm việc và giáo dục khôn ngoan trong mái ấm gia đình. Thánh Cả Giuse là người tốt nhất để chúng ta noi theo mẫu gương. Thánh Cả Giuse, người chúng ta ngưỡng mộ và cám đội rất nhiều vì những gì Ngài đã làm trong thinh lặng và sống trong bí mật.

Theo Lucie Favier

_______________________

* Lucie Favier (1932, Fes, thuộc Pháp Maroc – 2003) là nhà lưu trữ và sử gia Pháp, học tại École nationale des chartes, lấy bằng về cổ ngữ lưu trữ năm 1956. Bà dành 2 năm ở Rôma nghiên cứu tại CNRS (Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp). về Pháp, bà được bổ nhiệm vào Cơ quan Lưu trữ Quốc gia 1959-1988. Bà phụ trách dịch vụ thông tin (1959-1984) và được bổ nhiệm làm tông thư ký năm 1984. Bà đã tạo thí điểm xây dựng Trung tâm Tiêp nhận và Nghiên cứu của Cơ quan Lưu trữ Quốc gia tức CARAN. Bà cũng đóng góp cải tô Bảo tàng Lịch sử Pháp và trùng tu khu tứ giác được chuyển cho Cơ quan Lưu trữ Quốc gia, cũng như vi tính hóa các dịch vụ. Năm 1988, bà được bô nhiệm làm Tổng Thanh tra Cục Lưu trữ Pháp trong 10 năm cho đến lúc nghỉ hưu.

* Lm Henri Caffarel (1903-1996) đang trong tiến trình phong Chân Phúc vì đã sáng lập nhiều hội đoàn giúp các đôi hôn nhân và những người góa bụa nên thánh trong chính Bí tích Hôn nhân của họ.