Thầy là cây nho mẹ, các con là cành nho | Chúa Nhật V Phục Sinh năm B | Vo Ha

1159

vo ha

Lịch Sử Văn Minh Thế Giới cho biết con người, vì bản năng sinh tồn, tự đi thu lượm hoa trái trong thiên nhiên làm thức ăn trước khi biết canh tác và chăn nuôi. Tới hôm nay, nhiều nước trên thế giới vẫn còn giữ canh nông vi bản, nông nghiệp là chính. Với nông dân, thì hoa trái tốt phát sinh nhờ sức sống từ mình mẹ của cây tốt.

Tại những vùng khí hậu khá sai biệt, lạnh nhiều ban đêm và nóng cao ban ngày, làm cho cây nho phát sinh ra trái nho càng càng dòn, càng ngon, càng ngọt, như vùng Napa, California, Hoa Kỳ, Champagne của nước Pháp.

Trên lãnh vực tinh thần, qua những Bài Thánh Kinh Chúa Nhật nầy, Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh cây nho, loại dây leo nổi tiếng trong xứ Do Thái, cho trái nho ngon lành và chất uống thơm ngon, để diễn tả cụ thể tình yêu của Chúa, sinh ra hoa trái trong Hội Thánh thời Tân Ước của Người.

Như một một phép lạ, một hoa trái từ đắng chát, trở thành ngon ngọt đầu mùa của Giáo Hội thời đại mới là Thánh Phaolô. Sau khi Chúa cho ngã ngựa trên đường đi Damas tìm bắt Kitô hữu, Ông đã trở thành tông đồ nhiệt thành truyền bá danh Chúa. Đó là quả nho thơm ngon nhờ biết liên kết với sức mạnh của Đức Kitô phục sinh. Ta cùng đọc những bài Lời Chúa bên dưới và Chúa trợ giúp chung con hiểu thêm lý nghĩa cao sâu của Ngài.

CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH

BÀI ĐỌC I: Cv 9, 26-31
“Ngài thuật lại cho các ông biết trên đường đã thấy Chúa thế nào”.
Bài trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, khi tới Giêrusalem, Saolô tìm cách tiếp xúc với các môn đệ; nhưng mọi người đều sợ ngài, không tin rằng ngài đã trở thành môn đệ. Barnaba dẫn ngài đến gặp các Tông đồ, và ngài thuật lại cho các ông biết trên đường ngài đã thấy Chúa thế nào, đã được Chúa phán dạy, và tại Đamas ngài dạn dĩ xưng danh Đức Giêsu thế nào. Và từ đó, ngài ra vào Giêrusalem với các ông, và dạn dĩ xưng danh Chúa. Ngài cũng giảng dạy cho dân ngoại, và tranh luận với những người Hy-lạp, nên họ tìm cách giết ngài. Các anh em biết việc đó, nên đem ngài xuống Xêsarêa, rồi tiễn đưa ngài về Tarsê. Hội Thánh được bình an trong miền Giuđêa, Galilêa và Samaria, sống trong sự kính sợ Chúa, được xây dựng và đầy ơn an ủi của Thánh Thần. Đó là lời Chúa.

BÀI ĐỌC II: 1 Ga 3, 18-24
“Đây là giới răn của Người: là chúng ta phải yêu thương nhau”.
Bài trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.
Các con thân mến, chúng ta đừng yêu bằng lời nói và miệng lưỡi, nhưng bằng việc làm và chân thật. Do đó, chúng ta biết mình thuộc về sự thật, và sẽ được vững lòng trước mặt Chúa. Vì nếu lòng chúng ta có khiển trách chúng ta, thì Thiên Chúa còn lớn hơn lòng chúng ta và Người thông biết mọi sự. Các con thân mến, nếu lòng chúng ta không khiển trách, thì chúng ta tin tưởng nơi Thiên Chúa, và bất cứ điều gì chúng ta xin, thì chúng ta cũng được Người ban cho, vì chúng ta giữ giới răn Người và làm điều đẹp lòng Người. Và đây là giới răn của Người: Chúng ta phải tin vào thánh danh Con của Người là Chúa Giêsu Kitô, và phải thương yêu nhau, như Người đã ban giới răn cho chúng ta. Ai giữ các giới răn của Người, thì ở trong Người và Người ở trong họ. Do điều này mà chúng ta biết Người ở trong chúng ta, đó là Thánh Thần mà Người đã ban cho chúng ta. Đó là lời Chúa.

PHÚC ÂM: Ga 15, 1-8
“Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sinh nhiều trái”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Nhành nào trong Thầy không sinh trái thì Người chặt đi, còn nhành nào trong Thầy không sinh trái thì Người chặt đi, còn nhành nào sinh trái thì Người tỉa sạch để nó sai trái hơn. Các con đã được tỉa sạch nhờ lời Thầy đã nói với các con. Các con ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con. Cũng như nhành nho tự nó không thể sinh trái được, nếu không dính liền với cây nho; các con cũng vậy, nếu không ở trong Thầy. “Thầy là cây nho, các con là nhành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái, vì không có Thầy, các con không thể làm được gì. Ai không ở trong Thầy, thì bị vứt ra ngoài như ngành nho, và sẽ khô héo, người ta sẽ thu lại, quăng vào lửa cho nó cháy đi. Nếu các con ở trong Thầy, và lời Thầy ở trong các con, thì các con muốn gì cứ xin, và sẽ được. Đây là điều làm Cha Thầy được vinh hiển là các con sinh nhiều trái, và như thế các con trở nên môn đệ của Thầy”. Đó là lời Chúa.

Đôi dòng ghi chú và tâm tình.

Theo Sách Tông Đồ Công Vụ của Thánh Luca, Ông Phaolô, tên thật là Sau-un còn đươc gọi là Saolô, gốc Do Thái, sinh tại Tarsê, có quốc tịch là công dân Roma. Ông là người trí thức, giữ Đạo Do Thái Bảo Căn. Lòng nhiệt thành với Đạo cũ, đã thúc đẩy Ông rời sinh quán tới Giêsrusalem, Do Thái góp thêm bàn tay đàn áp, như bắt tại gia đàn ông đàn bà tin theo Chúa Giêsu đi tống ngục (CV. 8:3). Ông tán thành việc giết Phó Tế Stêphanô (CV 8:1). Nhưng Chúa lại hiện ra với ông trên đường đi Damas  (CV 9:1-19) biến Ông thành Tông Đồ mang danh Chúa đến các dân ngoại, vua chúa và con dân Israel nữa (9:15).

Nhưng bước đầu tại Giêrusalen, mọi người còn e sợ Phaolô vì quá khứ bắt hại các tín hữu. Nhờ Barnaba can đảm, bảo lảnh và giới thiệu với các Tông Đồ khác, Phaolô được giảng dạy và tiếp xúc với tín hữu. Ông cũng là chứng nhân như các Tông Đồ, vì đã thấy Chúa Giêsu phục sinh hiện ra và được sai đi.

Cuối cùng những người Do Thái đạo cũ, chịu ảnh hưởng văn hóa Hy lạp tìm cách hại Phaolô như họ đã giết Stêphanô. Nên Ông được đưa về quê nhà Tarsê, rồi từ đó lại ra đi loan báo Tin Mừng bên ngoài xứ Do Thái.

Trường hợp Phaolô, Thiên Chúa thẳng tiến tới mục tiêu bằng những khúc đường cong nhỏ ghép lại. Sau khi được tháp ghép vào thân nho Giêsu Phục Sinh, cành nho Phaolô liền sinh hoa trái là ra đi làm chứng về Đức Chúa và Tin Mừng của Người cho dân ngoại và cuối cùng được phúc tử đạo là món quà vô giá dâng lên Thiên Chúa mà suốt đời Ngài rao giảng và làm chứng.

Qua bài Phúc Âm, Chúa Giêsu đã xây dựng một Giáo Hội mới khi nhấn mạnh tới ý nghĩa sâu xa về cuộc đời của người tin Chúa, qua Dụ ngôn Cây Nho.

Như đứa con bé nhỏ, cuộc sống của em lúc nào cũng cậy dựa và liên kết với cha mẹ. Ở đây Chúa Giêsu dùng hình ảnh: “Thầy là cây nho, các con là cành… Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, người ấy sẽ sinh nhiều hoa trái”

https://www.gardeningknowhow.com/wp-content/uploads/2009/04/grapes-400x266.jpgNhư người làm vườn cắt tỉa cành nho không huê lợi. Cũng vậy, cuộc đời Kitô hữu coi những phiền phức mất mát đau thương như cành nho được Cha Thầy tỉa sạch, cho nó sai trái hơn.

Làm sao chấp nhận trong cái rủi do nhân họa và thiên họa (khí hậu, địa hình khắc nghiệt) cũng là ý Chúa, để đưa đến cái may mắn lớn hơn. Làm sao nhìn thấy được niềm hi vọng nhờ có Chúa, dù mình đang bị hoàn cảnh thất vọng bao phủ.

Thêm nữa, Chúa Giêsu còn hứa một điều rất tốt đẹp: “Nếu các con ở trong Thầy và Lời Thầy ở trong các con, thì các con muốn gì, cứ xin, và sẽ được”

Nói gọn lại, Đức Kitô dạy chúng con sinh hoa trái cho nhau, bằng những việc có thể làm hằng ngày trong cộng đồng của con đang sinh sống. Một khi quí mến Thiên Chúa thật lòng, thì tình yêu đó tự nhiên lan ra bao phủ mọi người với những hành động yêu thương cụ thể.

Trên quan điểm tinh thần hay tôn giáo, điều quan trọng là yêu thương Thiên Chúa trước nhất, rồi Ngài sẽ làm cho tình yêu đó sinh hết quả. Có khi mình thấy được trái yêu thương hiện lên ngay trong đời. Cũng có khi những việc làm tốt bị chìm vào quên lãng, nhưng Chúa biết là ghi công.  

Xin dâng lời cầu

  • Chúa Giêsu là cây nho, chúng con là cành. Cành nào liền với cây mới sinh hoa trái. Cành nào được cắt tỉa lại càng sinh nhiều hoa trái hơn.  
  • Xin cho mọi thành phần dân Chúa luôn gắn liền với Chúa qua các Bí tích, để sinh nhiều hoa trái cho chính mình và giúp người khác nhận biết Chúa.
  • Xin cho chúng con biết chấp nhận gian nan thử thách, như cành nho cần cắt tỉa, để tự biết mình và biết người, mà phục vụ tốt hơn.
  • Xin giúp chúng con luôn liên kết với Chúa như cành liền cây, thì “xin gì cũng sẽ được”, để mọi lời cầu xin được Chúa chấp nhận.
  • Amen. Alleluia. Xin cho được như vậy. Vui lên trong Chúa. 

The importance of prayer of the family rosary - Catholicism Anew