Thánh Cả Giuse là ai? | James & Joseph Lập

1042

James & Joseph Lập chuyển ngữ

Lễ Thánh Cả Giuse

Ngày 19.3 hàng năm*, Giáo hội mừng kính Thánh Cả Giuse, phu quân Đức Trinh Nữ Maria và Đấng bảo trợ Giáo hội Hoàn vũ. Lễ kính Thánh Cả Giuse đặc biệt lan rộng từ thế kỷ XV. ĐGH Grêgôriô XV đã đưa vào lịch toàn Giáo hội năm 1621.

Trong thông điệp gửi các linh mục Balê, ĐGM Micae Aupetit, TGM Balê, nhắn nhủ: “Tôi kêu gọi tất cả các Linh Mục xướng lên cuối Thánh lễ trọng kính Thánh Cả Giuse mà các Cha sẽ cử hành đặc biệt ngày 19.3.(2020*), lời khẩn cầu sau đây. Tôi cũng khuyên các Cha nên thông truyền kinh nguyện này đến tín hữu qua các trang mạng giáo xứ hoặc bất kỳ phương tiện nào để mọi người cùng đọc kinh ở nhà hiệp thông với tất cả mọi người.”

Kinh Cầu Thánh Cả Giuse

Kính Lạy Thánh Cả Giuse,
Ngài là Đấng công chính nhờ đức tin,
Ngài được công nhận là xứng đáng để trao quyền gìn giữ các mầu nhiệm Cứu Rỗi.
Ngài biết cách chăm sóc Đức Trinh Nữ Maria và bảo vệ Mẹ khỏi mọi hiểm nguy.
Ngài được chọn làm đấng bảo vệ Chúa Kitô khỏi bị (Hêrôđê*) giết hại thời thơ ấu,
Ngài là hình ảnh sống động sự dịu dàng của Chúa Cha,
Là Mẫu gương phu quân và hiền phụ,
Ngài là người luôn cảnh giác bảo vệ Giáo hội,
là Đấng phù trợ và an ủi mọi gia đình.
Chúng con tin tưởng cầu xin Ngài:
Xin nhậm lời chúng con mà khẩn cầu Chúa thương xót
chúng con trong cơn đại dịch chúng con đang trải nghiệm,
Ngỏ hầu Chúa loại trừ sự dữ ra khỏi chúng con.
Xin Ngài cầu bàu cho những ai bị tử vong,
Xin an ủi các bệnh nhân,
Xin bảo vệ và truyền linh cảm cho những ai chăm sóc họ.
Xin ban cho chúng con niềm tin và ơn an bình.
Xin đừng để lòng chúng con khép lại trước những nhu cầu của anh em chúng con,
Nhưng xin giúp chúng con luôn rộng mở tâm lòng đón nhận mọi phiền muộn của con người
trong tình yêu thương ngày càng chân thành và huynh đệ hơn.
Kính Lạy Thánh Cả Giuse, xin cầu bàu cho chúng con,
Xin gìn giữ chúng con,
Xin hộ phù chúng con luôn mãi*.
Amen.

Nhưng Thánh Cả Giuse thực sự là ai?

Thánh Cả Giuse là “Con vua Đavít,” được Chúa Cha Vĩnh hằng chọn để trông coi những kho báu lớn nhất của Người, là mẫu gương đáng ngưỡng mộ và chúng ta được mời gọi “hãy chạy đến với Ngài” để khám phá bí mật Ngài sẵn có là sức mạnh và sự vĩ đại của Ngài.

1. Theo lời Chúa Cha hứa, Đấng Mê-si đã được sinh ra từ nhành Gie-sê (Is 11:1), trong dòng dõi Đavít (2 Sm 7:5-16). Qua chính Thánh Cả Giuse “thuộc gia đình dòng tộc vua Đavít” (Lc 2:4), tất cả những lời hứa này được thực hiện. Thiên sứ gọi Ngài là “Con cháu Đavít” (Mt 1:20) Thánh Cả Giuse sẽ như thế cho đến khi qua đời. Sau đó chính Chúa Giêsu nhận lấy tước hiệu này (Lc 18:38-39).

2. Kinh Thánh là nguồn thông tin trực tiếp duy nhất cho chúng ta về Thánh Cả Giuse và mời gọi chúng ta lắng nghe sự im lặng của Ngài. Thánh Cả Giuse có thể được xem như Thiên thần Cherubim, người trông coi Hòm bia Giao ước Mới và việc chiêm ngưỡng bí nhiệm của Thiên Chúa tự nhiên hướng dẫn Ngài từ lặng thinh đến kinh ngạc.

3. Chính Thánh sử Mátthêu đã cho Thánh Cả Giuse vị trí nổi bật nhất trong Phúc âm của mình. Trái với hình tượng biểu trưng phổ biến, Thánh Cả Giuse có lẽ không già khi kết hôn với Maria. Ngài có thể là chàng trai trẻ trong thời cao điểm nhất của mình, người đã kết thành đôi vợ chồng rất bình thường với Maria, để che giấu, gìn giữ và bảo vệ bí mật của Thiên Chúa khỏi mọi điều dữ cũng như tò mò.

4. Chúa Giêsu, được gọi là “con trai của Giuse” (Lc 4:22) là “người đẹp nhất trong số con cái loài người” (Tv 45*(44):3) và Truyền thống gọi Đức Maria là “trang tuyệt thế giai nhân” (Dc 1:8). Người ta cũng có thể tưởng tượng rằng điều gì đó như vẻ đẹp vua Đavít (1 Sm 16:12) có thể truyền lại cho con cháu. Đây là cách các thánh suy niệm về vẻ đẹp Thánh Cả Giuse: Sự trong sạch, tình yêu, sự khôn ngoan và thận trọng, lòng nhân từ và trắc ẩn. Cứ tưởng tượng Ngài là người đàn ông có đôi mắt trong sáng và mẫu tượng hiển nhiên đầy cao thượng, được ứng nghiệm qua cuộc sống đơn sơ, nghèo khó và ẩn mình với Chúa Giêsu và Mẹ Maria.

5. Chúa Giêsu là Chúa thật và người thật nên phải có một gia đình thật, vì sự Nhập Thể hoàn toàn tôn trọng quy luật phát triển tự nhiên* của con người. Thánh Cả Giuse, được Chúa Cha Vĩnh hằng chọn làm người nuôi dưỡng và trung thành bảo vệ những kho tàng lớn nhất của Người, đương nhiên được Chúa Cha ban cho mọi ân sủng cần thiết để thi hành sứ mệnh duy nhất của Ngài.

6. Nhưng thử thách cũng không chừa Thánh Cả Giuse ra: Tất nhiên là “đêm tối linh thiêng” mà Ngàì đã sống qua các biến cố Nhập thể: Nào là thử thách về sự nghèo đói đêm Giáng sinh, nguy hiểm trước Hêrôđê, vượt biên sang Ai Cập, và tất cả những lo lắng của cuộc sống đơn sơ nghèo khó ở Nazarét. Đối mặt với tất cả những điều này, Kinh Thánh chứng tỏ rằng Ngài là “người công chính” (Mt 1:19), đầy đức tin, đã đáp lại lời kêu gọi của Chúa Trời ngay lập tức (Mt 1:24; 2:14; 2:21.)

7. Theo Truyền thống, Chúa Giêsu là “Ađam Mới” và Mẹ Maria là “Evà Mới,” nhưng sự thánh thiện của đôi vợ chồng do Thánh Cả Giuse và Mẹ Maria tạo thành để sửa sai lầm lỗi tạo ra từ cặp vợ chồng Ađam và Evà. Thánh Gia đã được công bố là “nguyên mẫu và mẫu gương của tất cả các gia đình Kitô giáo” (Thánh* Gioan Phaolô II) trong đó Chúa Giêsu “ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (Lc 2:52).

8. Như Gioan Tẩy giả, cuối cùng Thánh Cả Giuse cũng bước sang một bên để Chúa Giêsu được hoàn toàn tỏ lộ. Sau Mẹ Maria, chắc chắn Ngài là vị thánh vĩ đại nhất trong Kitô giáo đúng thế khi Ngài được tôn xưng là Đấng Bảo trợ Giáo hội Hoàn vũ.

9. Lòng sùng kính Thánh Cả Giuse tuy muộn, nhưng còn cả một tương lai tươi sáng. Tất cả chúng ta phải cùng Ngài “trở về thành Nazarét” (Lc 2:39). Vô tình hay cố ý, Đức Maria tại Cana đã tiếp thu những lời Sáng Thế Ký nói về Thượng phụ Giuse xưa: “Ông bảo gì, các ngươi hãy làm theo.” (St 41:55).

James & Joseph Lập
21.10.2021

* Là Gia chủ Thánh gia, Thánh Cả Giuse đã bảo vệ và chăm sóc Mẹ Maria và Chúa Giêsu trong mọi hoàn cảnh. Còn một nhiệm vụ khá quan trọng khác Ngài cũng thực hành rất tuyệt vời: Kết thúc Cựu ước để chuyển sang Tân Ước. Ngài dẫn chúng ta từ Cựu ước sang Tân ước thật êm thấm đến độ không biết Cựu ước chấm dứt lúc nào và Tân ước bắt đầu khi nào. Có người nghĩ đêm Giáng Sinh là giao điểm. Điều chắc chắn là sau khi tìm gặp Trẻ Giêsu ở Giêrusalem về, Thánh Cả Giuse hoàn toàn biến mất khỏi hiện trường… rất có thể vì Ngài đã hoàn thành nhiệm vụ.

Tham khảo phần song ngữ

Download file PDF tại đây