Scarlett Le & Tam Le | Đời Sống Thời Kinh Thánh
Vài phong tục của người Do Thái về tang lễ, mộ phần cho người chết thời Kinh Thánh.
Người Do Thái ở thời Kinh Thánh táng xác người chết sớm nhất khi có thể. Họ thấy không cần thiết ướp xác. Có lẽ vì luật Do Thái không cho phép chạm vào xác người chết đã khiến họ không thực hiện phần việc nầy.
Người Do Thái thường vội vàng chôn cất người chết trong ngày. Có hai lý do khiến họ làm nhanh như vậy. Thứ nhất, thi hài bị phân hủy mau trong khí hậu nóng tại Trung Ðông. Thứ hai, theo quan điểm thời đó, việc thi hài để lâu trong nhiều ngày mà không được chôn cất là điều ô nhục đối với người đã khuất và gia đình người ấy.
Các trình tự tang lễ cũng như thông thường. Xác được đặt trên cái cáng bằng gỗ để mang đi.
Con trai của bà góa thành Nain cũng được nằm trên cái cáng như vậy khi Chúa Giêsu đến ra tay cứu giúp (Luca 7, 11-17).
Trình tự tang lễ diễn ra với nhiều âm thanh ồn ào vì người Do Thái tin tưởng vào việc bày tỏ lòng thương tiếc của mình bằng sự than khóc kêu gào, đấm ngực và thậm chí còn xé toạt quần áo.
Bằng hữu, thân quyến thậm chí cả những người khóc mướn cũng tham gia bày tỏ sự thương tiếc theo cách như vậy. Những người khóc mướn như thế đã bị Chúa Giêsu đuổi cổ ra ngoài khi Người làm phép cho con gái ông Gia-ia trưởng hội đường sống lại. (Maccô 5,40). Thánh vịnh và các bài hát khác được cất lên và đôi khi còn có kèm nhạc cụ như sáo.
Hàng xóm và những người khác có thể đến chia buồn, an ủi gia đình. (Maccô 5, 38-40)
Người Do Thái thường không dùng cách hỏa táng. Những mộ phần đầu tiên trong Kinh Thánh là những cái hang. Những cái hang táng xác này được tìm thấy ở khu bảo tồn thiên nhiên Bitan Aharon. Abraham cũng đã mua một cái hang của Machpelah để làm nơi an táng cho cả gia đình ông (Sáng Thế Ký 23,19; 25,7-10; 49,29-31; 50,13)
Theo thời gian, những cái hốc được cải tiến thành những hang động khoét vào trong đá. Chúa Giêsu cũng được táng trong một ngôi mộ đá như vậy, ngôi mộ thuộc về một người giàu có tên là Joseph thành Arimathea (Luca 23,55).
Vài ngôi mộ lại được đào dưới lòng đất với những bậc thang dẫn xuống.
Một phiến đá to được lăn đến chắn ngay lối vào để bảo vệ ngôi mộ khỏi những động vật ăn xác chết.
Đây là một phiến đá như vậy ở Jerusalem.
Còn đây là một ngôi mộ với phiến đá đã được lăn sang một bên. Những người phụ nữ vào viếng mộ Chúa Giêsu ngạc nhiên tự hỏi không biết bằng cách nào mà họ lại lăn được phiến đá ra để vào bên trong ngôi mộ (Maccô 16,3).
Một số gia đình giàu có còn chạm khắc lên những ngôi mộ (2 Các Vua 23,17). Đây là hình một ngôi mộ ở Shefaram Israel từ thời Byzantium.
Bên trong ngôi mộ có một phiến đá rộng để đặt thi hài người chết nằm lên chờ mục rữa. Để hạn chế việc bốc mùi, thi hài được quấn bằng vải thô với nhiều loại thảo mộc có hương nồng đặt vào bên trong tấm khăn liệm.
Theo Luật Môisen, người Do Thái không được làm công việc mai táng trong ngày Sabát. Vì Chúa Giêsu chết khoảng ba tiếng trước khi bắt đầu ngày Sabát, nên Giôsép là người thành Arimathê cùng những người khác chôn Người mà chưa hoàn tất khâu sửa soạn thi hài (Luca 23,50-56). Chính vì vậy, sau ngày Sabát, có mấy bà đến ngôi mộ, hy vọng hoàn tất công việc này. (Maccô 16,1; Luca 24,1)
Joseph thành Arimathea và Nicodemus, những người chôn xác Chúa Giêsu, đã đặt 75 cân trầm hương và lô hội xung quanh xác Người. Vua Asa cũng được đặt nằm trên phiến đá an táng cùng với thật nhiều hương liệu (2 Sử Biên 16,14).
Các lời tường thuật của Kinh Thánh cho thấy người Do Thái quan tâm rất nhiều đến việc sửa soạn cho thi hài trước khi chôn. Gia đình cùng bạn bè tắm rửa, thoa dầu thơm, hương liệu rồi lấy băng vải quấn thi hài. (Gioan 19,39-40; Tông Đồ Công Vụ 9,36)
Khi hai tông đồ vào ngôi mộ Chúa Giêsu, những tấm khăn liệm xác đã được xếp lại nhưng xác Chúa không còn ở đó.
Khi nhục thể đã mục rữa, hài cốt của người quá cố sẽ được đặt vào một chiếc quách. Quách đựng hài cốt của những người trong dòng họ sẽ được lưu giữ vào những góc riêng trong cùng hầm mộ.
Chúa Giêsu được chôn trong ngôi mộ được đục trong đá (Maccô 15,46). Loại mộ này thường có lối vào hẹp. Bên trong có một số hốc, hoặc ngăn, được đục trong đá, là nơi đặt thi hài các thành viên trong gia đình. Theo phong tục thời Chúa Giêsu, sau khi xác bị phân hủy, người ta thu hài cốt lại rồi đặt vào một hộp đá. Nhờ thế, gia đình có đủ chỗ để chôn người nhà sau này.
Quách đựng hài cốt được làm từ đất sét, trên đó có những hoa văn chạm khắc mang tính nghệ thuật. Chiếc quách hài cốt này mang tên Joseph, con trai của vị thượng tế Caiaphas, khi Chúa Giêsu bị đem ra xét xử. Quách này cao 37cm (14,5 inches), dài 75cm (29,5 inches).
Scarlett Le & Tam Le