“Đường nào lên Thiên Thai,” | Chuyện phiếm Đạo/Đời

1296

Chuyện Phiếm đọc trong tuần 30 Thường niên năm B 28-10-2018

“Đường nào lên Thiên Thai,”

“Đường nào lên Thiên Thai?
Nơi hoa xuân không hề tàn,
Nơi bướm xuân không hề nhạt,
Nơi tình xuân không úa màu bao giờ.”
(Hoàng Nguyên – Đường Nào Lên Thiên Thai)

(Công Vụ 27: 7)

Anh hỏi gì thì cứ hỏi, Em đây, nào có biết đâu mà trả lời. Chí ít, là trả những lời từ câu hỏi khó đoán và cũng khó hiểu. Hiểu sao được khi Em chẳng biết nhiều về chuyện Lưu Nguyễn khi xưa có những lời hát thêm sau đây:

“Ngày xưa sao Lưu Nguyễn,
gặp đường lên Thiên Thai,
Nhạc vàng ai mê say,
Rượu Đào ai ngây ngây
Suối Ngọc reo dưới bước chân đi,
Tiếng Nhạc tiên quyến luyến xiêm y,
ôi làm sao lạc vào được Thiên Thai
Anh nào biết đường lên Thiên Thai,
khi trời đất còn vương thương đau,
khi hồn anh chưa biết sẽ về đâu
Anh nào biết đường lên Thiên Thai,
khi lòng còn như băng buốt giá
Và tình còn e ấp, nói không thành lời.”
(Hoàng Nguyên – bđd)

E ấp hay không, anh cứ hát. Hát không nhiều, thì ít nhất cũng là những câu hát rất đẹp như sau: 

“Nhìn trong đôi mắt đẹp,
lòng chợt vui như say;
kìa đường lên Thiên Thai,
kìa đường lên Thiên Thai
Ấy đường qua ngõ mắt thơ ngây,
tiếng nhạc êm lẫn tiếng thơ say,
Đưa hồn anh lạc vào tận tim ai.”
(Hoàng Nguyên – bđd)

Vâng. Đúng thế. Đẹp và khó biết, tương tự như chuyện cổ tích rất đời kể bên dưới: 

“Có một ông lão đã 76 tuổi, ở cùng vợ trong một căn hộ cho thuê ở thành phố San Francisco nước Mỹ. Ông chưa từng mặc qua quần áo hàng hiệu, kính mắt rất cũ kỹ, đồng hồ đeo tay cũng không hợp thời. Ông không thích món ăn ngon, thích nhất là sữa hâm nóng và bánh sandwich cà chua giá rẻ. Ông cũng không có ô tô riêng, ra ngoài thường đều đi bằng xe buýt, túi xách mà ông từng dùng để đi làm là túi vải. 

Mặt khác, nếu bạn cùng ông đến một quán rượu nhỏ uống bia, ông nhất định sẽ cẩn thận kiểm tra đối chiếu hóa đơn; nếu bạn ở lại nhà ông ấy, trước khi ngủ ông ấy nhất định sẽ nhắc bạn tắt đèn.
Một ông già keo kiệt nghèo khó như vậy, bạn có biết trước 76 tuổi ông đã làm những việc gì chăng?
 

Ông đã từng cống hiến cho đại học Cornell 588 triệu đô la Mỹ, cho đại học California 125 triệu đô la Mỹ, cho đại học Stanford 60 triệu đô la Mỹ. Ông từng bỏ vốn 1 tỷ đô la cải tạo và xây mới 7 trường đại học ở New Ireland và hai trường đại học ở Northern Ireland. Ông từng thành lập quỹ từ thiện để phẫu thuật sứt môi hở hàm ếch cho trẻ em ở các nước đang phát triển… Cho đến nay, ông đã quyên 4 tỷ đô la, còn 4 tỷ nữa đang chuẩn bị quyên góp. 

Ông là người sáng lập tập đoàn được miễn thuế toàn cầu DFS. Keo kiệt với chính mình, hào phóng với mọi người, thích kiếm tiền lại không thích được tiền – ông là Chuck Feeney. 

Trước mắt, Chuck Feeney còn ba nguyện vọng: Một là trước năm 2016 quyên hết 4 tỷ đô la còn lại, nếu không chết không nhắm mắt. Hiện tại, từ số tiền kia mỗi năm đều có hơn 400 triệu đô la chảy về các nơi cần trên thế giới. 

Ông đã dựng nên một tấm gương cho những người giàu có: “Trong khi hưởng thụ cuộc sống đồng thời quyên góp cho mọi người”. Bill Gates và Warren Buffett đều chịu ảnh hưởng nhiều từ ông mà đã thay đổi hành động của mình. 

Sau khi việc thiện của Chuck Feeney bị tiết lộ ra, rất nhiều phóng viên muốn tiếp xúc với ông. Trong tâm ai cũng đều có một nghi vấn: Làm sao Chuck Feeney có thể dửng dưng trước gia tài hàng tỷ đô la kia chứ?

Đối với nghi vấn của mọi người, Chuck Feeney mỉm cười kể cho mọi người một câu chuyện: “Một con hồ ly thấy bồ đào trong vườn kết trái đầy, muốn vào trong ăn một chầu no bụng, nhưng giờ nó mập quá, không chui vào được. Thế là ba ngày ba đêm nó không ăn không uống để thân thể gầy xuống, cuối cùng cũng chui vào được! Ăn no nê, cảm thấy thỏa mãn, nhưng khi nó muốn rời đi, lại không chui ra được. Bất đắc dĩ đành phải giở trò cũ, lại ba ngày ba đêm không ăn uống. Kết quả, lúc nó đi ra, bụng vẫn giống như lúc đi vào.” 

Kể xong câu chuyện, Chuck Feeney nói: 

“Chỗ Thượng Đế ở không có ngân hàng, mỗi người đều là trần trụi sinh ra, cuối cùng cũng đơn độc ra đi, không ai có thể mang theo tài phú và danh tiếng mà bản thân đã đau khổ tìm kiếm cả đời.”

Truyền thông hỏi Chuck Feeney, vì sao ông lại quyên góp hết gia tài của mình?

Câu trả lời của ông đơn giản và ngoài dự đoán của mọi người! Ông nói: “Bởi vì tấm vải che tử thi không có túi.”

“Chỗ Thượng Đế ở, không có ngân hàng”. Và, cũng chẳng có nơi nào chuyên quyên góp tiền bạc hoặc quà cáp cho người dưng. Thế nhưng, ở nhà Đạo thì sao?  Nhà Đạo ư? Thật rất khó mà trả lời những câu tương tự. Thôi thì, mời bạn và mời tôi, ta đi vào giòng chảy Tin Vui, để tìm đến chốn yên vui được gọi là “Bến Lành” có bến và cũng rất lành thánh, như thiên thai.

Thiên-thai hay Bến Lành của nhà Đạo, là chốn/miền gồm chỉ mỗi niềm vui như hành-trình rao giảng của đấng thánh-hiền được kể ở sách Công vụ, mà bảo rằng:

Trong vòng nhiều ngày, tàu đi chậm,
và vất vả lắm chúng tôi mới đến ngang Kniđô.
Vì không thuận gió,
chúng tôi đi vòng theo đảo Krêta,
hướng về phía mũi Salmônê.
Chúng tôi vất vả đi men theo mũi đó
đến một nơi gọi là Bến Lành,
gần đó có thành Lasêa.”
(Công Vụ 27: 7)

Thiên thai hay Bến Lành ngày hôm ấy, nay lại trở thành chốn miền ở đâu đây, rất gần gũi với quê ta, quê người đầy hung phấn.

Bến Lành hay Thiên thai hôm nay, lại cũng hiện diện ở tâm can của bạn, tâm hồn của tôi và của mọi người trong đất miền lành thánh, thân thương có câu truyện kể làm nền, để nhớ mãi, không buồn, như sau:

“Mới chiều hôm qua thôi. Mẹ cùng mấy bà trong xóm lên chùa trên núi quy y. Mẹ nghe sư thầy nói chuyện hay quá. Nhẽ ra mẹ nên chăm vào chùa và sống theo đạo lý nhà Phật từ lâu rồi mới phải.  

Mẹ từng nhiều lần nói với Thuần về mong muốn được thảnh thơi đi chùa lễ Phật. Điều đó có khó gì với người khác đâu nhưng lại vô cùng xa vời với mẹ. Vì mẹ còn nặng nợ với chồng con, với cơm áo gạo tiền. Mẹ còn gần mẫu ruộng, bốn con bò, đứa cháu nội ở với bà từ khi còn ẵm ngửa và khoản nợ ngân hàng mấy trăm triệu đồng hằng tháng sấp ngửa lo trả lãi.  

Mẹ thức khuya dậy sớm làm lụng quần quật suốt ngày. Buổi trưa mệt quá muốn đặt lưng xuống giường nghỉ vài phút cũng không yên vì còn phải trông đứa cháu nghịch như quỷ sứ. Mười hai giờ đêm còn có người gọi điện đến đòi nợ, dọa báo công an. Mà đâu phải mẹ nợ gì người ta. Đấy là món nợ chơi bời của thằng con cả đã bốn mươi tuổi đời, lớn mà vẫn dại. Mẹ bòn mót từng đồng tiền lẻ bán mớ rau khoai, gánh củi khô, mấy con gà, vài quả trứng. Vậy mà anh Thuần phá toàn tiền trăm bạc triệu. Mỗi lần người ta báo nợ về nhà là mẹ bủn rủn tay chân, khóc đứng khóc ngồi. Khoản tiền vài trăm triệu biết kiếm đâu ra? Không có trả thì người ta đánh đập bắt bớ con mình. Giận con thật đấy nhưng mẹ vẫn thương lắm chứ. Cá chuối đắm đuối vì con… 

Mẹ chạy vạy khắp nơi để lo đắp đậy nợ nần hết lần này đến lần khác cho đứa con nghịch tử. Vay sổ hộ nghèo, quỹ trồng rừng, quỹ hội phụ nữ, quỹ nước sạch. Trong nhà không gì nhiều bằng sổ nợ và bình rượu. Những bình rượu to vật vã cứ vơi lại đầy. Bố Thuần say ngất ngư từ ngày này qua ngày khác. Mà hễ cứ say là chửi. Giận con nhưng chửi vợ. Bố đay nghiến mẹ chuyện vay mượn trả nợ nần thay cho thằng con cờ bạc.

Thỉnh thoảng bố ngồi ăn cơm nguội ở xó bếp rồi rưng rức khóc. “Đời bố phải đi phụ hồ vôi vữa ăn mòn mười đầu ngón chân để lấy tiền nuôi con ăn học. Vậy mà nó ra ngoài xã hội, cái hay không học lại đi học cái mất dạy”. Cũng có khi bố ngồi húp từng thìa cháo, tay bo cái răng đau mà than rằng: “Ngày xưa đói khổ, nhảy tàu đi mót sắn trên Yên Bái bị ném gãy răng. Một cái gãy là những cái xung quanh xô nhau gãy. Giờ chẳng còn mấy cái răng, ăn cái gì cũng phải hầm nhừ. Vậy mà con cái nó không thương mình. Nó phá cả nửa tỉ bạc mà vài triệu tiền trồng răng mình không có nổi”. Hết chửi bố lại quay sang đập. Đập gà, đập chó, đập con mèo đang chửa, con bò sắp đẻ và có khi đập… mẹ. Nhà lúc ấy loạn lên. Cháu khóc vì hoảng sợ. Mẹ khóc vì thấy đời mình sao khổ cực trăm đường.  

Bố vẫn rít lên từng hồi rằng:

– “Tiền nhà này tao làm còng lưng gãy xương giờ đi đâu hết?”. Lần nào về thăm nhà Thuần cũng thấy nghẹt thở. Đó là nơi Thuần yêu thương nặng lòng nhất mà sao lại là nơi thiếu ôxy nhất?

Mẹ từng nhiều lần có ý nghĩ ngủ một giấc và không bao giờ thức dậy để thoát khỏi những khổ ải đầy đọa này. Thuần hiểu cảm giác một buổi sáng mở mắt lòng bỗng nhiên nặng trĩu. Ngày mới mà nỗi lo toan cũ vẫn đè nặng lên vai. Gần hai mươi năm qua số phận dúi vào tay mẹ cả nghìn buổi sáng lo sợ và hoang mang như thế. Những cục nợ không biết đẩy đi đâu? Xoay xở thế nào? Sau cục nợ này sẽ còn bao nhiêu cục khác? Cứu nó lần này liệu có còn lần sau nữa hay không? Cả thiên hạ không còn ai tin nó, mình là mẹ lẽ nào mình cũng quay lưng?  

Thuần từng xót xa bảo:

– Mẹ không quay lưng lại thì làm sao anh ấy thấy được lưng mẹ đã còng rồi?”

Mẹ khóc. Thuần không chịu được cảm giác nghe thấy tiếng mẹ khóc hu hu trong điện thoại. Tim Thuần như vỡ vụn. Đau đớn và bất lực.  

Mẹ bắt đầu lẩn thẩn. Đã có lúc mẹ quên cả tên Thuần, quên chỗ vừa cất tiền, quên điều mình muốn nói. Đến bữa mẹ chỉ gắp vài cọng rau, nuốt cố lưng bát cơm rồi chống gối đứng dậy. Những ngày nhiều gió ngồi ngó dáng mẹ gầy liêu xiêu khắc khổ, Thuần thấy tim mình nhói lên từng nhịp thở. Mẹ nói khổ thân xác không bằng khổ tâm. Ban đêm nằm lo toan nợ nần đã đành.  

Ban ngày đi ra đường không dám ngẩng mặt nhìn bà con hàng xóm. Đi đâu thấy người ta chụm đầu xì xào cũng nghĩ chắc người ta đang nói đến con mình. Đám cưới quê ngoại, nhìn các mợ các dì mặc áo dài thướt tha, làm tóc trang điểm cầu kỳ. Chỉ mình mẹ nhàu nhĩ ngồi một xó. Mặt mẹ buồn xo, mắt lúc nào cũng như sắp khóc.  

Nhà người ta con cái ngoan ngoãn trưởng thành nên đi đâu cũng mở mày mở mặt. Mẹ vất vả nuôi con học hành đến nơi đến chốn mà u mê lầm lạc. Thử hỏi lòng người mẹ sao có thể cất lên những tiếng vui? Thuần từng nhiều lần tần ngần nâng lên đặt xuống mảnh vải áo dài thêu công thêu phượng. Rồi ước ao được ướm nó lên người mẹ, sẽ đẹp biết bao.  

Ngày trẻ mẹ đẹp lắm, vẻ đẹp mũm mĩm của da trắng, tóc xoăn. Đấy là Thuần nghe các dì kể vậy. Những người từng thầm yêu trộm nhớ mẹ khi xưa bây giờ thỉnh thoảng vẫn ghé thăm. Có lần mẹ chạy trốn sau nhà không ra gặp. Vì mẹ không muốn mình tiều tụy trong con mắt những kẻ si tình. Họ thường thốt lên xa xót: “Em khác quá em ơi…”. Mẹ đối thoại với họ bên tách trà nguội ngắt. Thuần đứng trong buồng nhìn ra thấy mẹ đang thu mình mỏng manh như lá… 

– Tối nay mẹ không xem “Góa phụ nhí” nữa ạ?

– Mẹ không. Dạo này tối nào mẹ cũng bận đọc sách. Mẹ mượn được mấy cuốn sách Phật hay lắm. Giá mà có đài “A di đà Phật” để nghe giảng Phật pháp thì thích biết mấy. Chỉ tiếc chùa trên mình không bán. Nghe nói chỉ những chùa lớn có nhiều phật tử thì mới bày bán thôi.

– Để con tìm mua rồi gửi về cho mẹ.

– Mẹ dặn thằng Út rồi nhưng chắc gì nó nhớ.  

Thuần có hơi bỡ ngỡ trước mẹ của hiện tại, khi đã quy y nhà Phật. Vẫn là người mẹ tảo tần, nhẫn nhịn, hy sinh của Thuần đấy thôi nhưng có gì đó hơi khang khác. Thuần phải tập làm quen với những bữa cơm mẹ chỉ gắp rau xanh. Những ngày cuối tháng mẹ ra chợ mua cặp chim bồ câu hoặc cua, cá phóng sinh. Chim bay lên trời, cá bơi dưới nước. Mẹ cũng phóng sinh dần từng chút nỗi buồn. Thuần gọi điện về thấy mẹ hay cười hơn.

Những tiếng thở than đã bớt đi dù gánh nặng trên vai thì vẫn vậy. Khác hẳn với mẹ của ngày xưa hay nói về cái chết. Đời mẹ từng khất lần khất lữa hai thứ. Đó là khất nợ và khất chết. Nợ thì mẹ khất quanh năm. Chết thì mẹ khất theo mùa. Như lúc ngó những lộc non mùa xuân nảy nở, mẹ hẹn:

Chừng nào cả khu vườn được bao phủ bởi những tán cây thì khi đó mẹ sẽ chết. Các con thiêu mẹ rồi xây mộ trong vườn. Thỉnh thoảng con cháu tụ về tìm mùa quả chín.  

Mùa hạ, khi thấy người ta nghễu nghện chở xe bò phông bạt bàn ghế qua cổng, mẹ hẹn:

– Mẹ cố sống để được nhìn Thuần mặc váy cô dâu rồi nhắm mắt xuôi tay.  

Rồi thì Thuần cũng lấy chồng, cũng làm cô dâu trong ngày trọng đại. Mẹ khóc nhiều lắm. Mùa thu, thấy nhà người ta phơi tã lót trẻ con phấp phới trước sân, mẹ lại hẹn:

– Chừng nào Thuần được làm mẹ, Thuần sinh con, mẹ bế cháu ngoại trên tay là có thể thanh thản hóa thành cát bụi”. Mỗi một cái hẹn là một lần tim Thuần đau. Suốt bao nhiêu năm Thuần cứ đau đáu mãi câu hỏi phải làm sao để mẹ chỉ muốn hẹn với Thuần về sự sống? 

“Mẹ quy y rồi”. Câu nói ấy cứ vang mãi trong đầu Thuần. Có lúc Thuần nghe như một tiếng reo. Có lúc nhẹ nhõm như vừa trút một tiếng thở dài. Mẹ nương nhờ nhà Phật là từ nay tâm thức mẹ sẽ được an ổn thoát mọi khổ não trên đời. Là mẹ có đạo để tin, có nơi để vịn, có niềm vui để sống.

– Chắc kiếp trước mẹ nợ nhiều quá nên kiếp này còng lưng trả nợ. Chẳng nên oán trách ai. Con cũng nên chăm đi chùa, sống theo đạo nhà Phật để cho tâm thanh tịnh.

– Con bận quá mẹ ạ. Cứ quay cuồng từ sáng đến đêm vẫn chưa hết việc. Đến thời gian nghỉ ngơi con còn không có.

– Ừ thì… Phật tại tâm. Mỗi tuần ăn một vài bữa chay là thấy người nhẹ nhõm. Chăm nghĩ việc thiện, chăm làm điều hay để kiếp sau không phải gặp khổ đau ách nạn con ạ. Luật nhân quả chẳng chừa một ai. Đêm nào mẹ cũng nghĩ, anh con cứ sống như vậy mãi rồi cũng gặp những chuyện không hay. Cái khổ tâm lớn nhất của mẹ là đã không lôi nó ra khỏi những u mê tăm tối. Nên mẹ phải chăm ăn chay niệm Phật, thương người thương vật để cầu đức Phật gia hộ, soi đường chỉ lối cho các con.  

Thuần về thăm nhà, đêm thường nằm im nghe tiếng mẹ đọc kinh. Mẹ chỉ đọc kinh về đêm khi bố đã ngủ say. Đó là khoảng thời gian yên tĩnh hiếm hoi trong nhà. Mẹ không muốn giữa chừng bài kinh phải nghe thấy tiếng chửi bới nồng mùi rượu. Bố là người vô đạo, ông không tin vào bất cứ điều gì ngoài rượu. Không tin bất cứ ai ngoài bạn rượu. Nhưng Thuần biết bên trong cái vỏ bọc cục cằn ấy là đau đáu yêu thương và nhọc nhằn bất lực. Bố thường ngủ rất ít, thậm chí có những đêm thức trắng. Đêm là lúc bố tỉnh táo nhất, men rượu trong người bay hết. Bố nằm nghĩ về cuộc đời mình, về đứa con có lớn mà không có khôn. Một hôm nào đó ngồi cùng bạn rượu, bố nói như muốn khóc:  

– Sau này chết đi, tôi muốn bán nội tạng. Chết là hết, thân thể mình rồi cũng chỉ còn lại nắm xương. Mình bán nội tạng vợ con có thêm chút tiền trang trải nợ nần, mà những người bị bệnh cũng được cứu sống. Nhưng vợ con tôi chẳng đời nào đồng ý.

– Anh già rồi. Lại suốt ngày rượu. Lục phủ ngũ tạng hỏng hết. Ai thèm mua.

– Chú chẳng biết gì cả…

Trong lời nói của bố vảng vất hơi men nên Thuần thấy mắt mình cay nhòe. Người say không biết nói lời hay nhưng lại là lời thật. Những câu nói của bố cứ vảng vất trong đầu Thuần lúc nằm nghe mẹ đọc kinh. Câu kinh bay lên thì tiếng bố lại ghì chặt xuống. Bố hay ngáy ngủ. Tiếng ngáy vang khắp mấy gian nhà. Nó nhắc Thuần nhớ những ngày xưa cũ.  

Bố đi phụ hồ về thường để cả quần áo lao động và hai bàn chân dính đầy vôi vữa leo lên giường ngủ. Ánh nắng xiên qua mái ngói thủng chiếu vào mặt bố cả mảng to. Máy bay quân sự tập dượt bay ầm ầm trên trời át cả tiếng ngáy của bố. Vừa tỉnh dậy bố lại vội vã gò lưng đạp xe giữa trời nắng như đổ lửa. Thuần đứng dưới gốc cây vú sữa nhìn theo mãi cho đến khi bóng bố chỉ còn là chấm nhỏ nhoi giữa cánh đồng khô hạn mênh mông. Tối muộn trở về nhà với tấm lưng ướt đẫm mồ hôi. Bố chìa cho anh em Thuần mỗi đứa một chiếc kẹo cao su làm quà. Bố nhấc bổng Thuần lên quay vòng tròn bằng đôi tay rắn chắc. Thuần ngửa cổ lên trời thấy những vì sao lấp lánh đang ở rất gần tưởng như có thể chìa tay là với tới…  

* * *

Sáng sớm Thuần nằm im trên giường nghe ngoài vườn tiếng chim líu lo bay tìm quả ngọt. Những chú gà con tìm mẹ kêu chiêm chiếp, thỉnh thoảng lại chạy tán loạn khi con mèo già õng ẹo đi qua. Một cơn gió ùa đến lay vài chiếc lá rụng xào xạc bên ngoài cửa sổ. Bố đang cuốc đất trồng rau sau khi tráng miệng buổi sáng bằng một chén rượu ngâm thuốc bắc. Mẹ rủ Thuần lên chùa sau khi đèo đứa cháu đi nhà trẻ. Mẹ ngồi sau lưng Thuần, nhỏ bé.

Thuần bỗng nhớ đến những ngày thơ ấu ngồi sau xe mẹ. Mẹ chở Thuần đi chợ. Dốc chợ dựng đứng, Thuần ngồi trên xe để mẹ gò lưng dắt. Những ngày ốm mẹ chở Thuần đi bệnh viện. Bệnh viện cách xa nhà hơn chục cây số. Cột Thuần vào lưng mẹ bằng một chiếc áo, phía trên che nắng bằng chiếc lá cọ to. Mẹ cứ thế xuyên qua cánh đồng nắng đổ lửa mà đi.

Giờ con đường đưa mẹ lên chùa rợp bóng cây xanh và tiếng chim ca. Mẹ ngày càng gầy đi còn Thuần thì ngày một béo lên. Nhìn ngấn mỡ trên bụng Thuần, mẹ lắc đầu than: “Béo thế nhiều bệnh tật lắm con ơi. Phải xem lại chế độ ăn uống đi thôi”.

Thuần không sợ bệnh bằng sợ xấu. Có lúc soi gương Thuần thấy mình giống con gấu ngủ đông, giống một gã khổng lồ bụng phệ. Thuần tha thiết giảm cân nhưng lại không kiềm chế nổi nhu cầu ăn uống của mình. Những người ăn chay như mẹ khi nhìn cơ thể Thuần là thấy ngay mỡ động vật, thịt động vật, đồ ngọt dư thừa. Mẹ ngồi sau vòng tay ôm lấy eo Thuần khẽ bảo:

– Con nên ăn nhiều rau xanh và chăm chỉ vận động. Đừng ngồi bàn máy suốt ngày. Từ khi ăn chay mẹ thấy khỏe ra, giấc ngủ sâu hơn, những cơn đau đầu cũng dần thuyên giảm.

– Rau ở dưới thành phố xanh mà không sạch. Ăn nhiều rau có khi còn nhanh chết sớm. Con đi chợ nhiều hôm không dám mua rau. Dù bữa cơm không rau, ăn toàn thịt cũng cồn cào ruột gan lắm.

– Thì tranh thủ thời gian trồng rau mà ăn. Nước gạo, nước rửa bát mình tiết kiệm mang tưới tắm.

– Đấy là mẹ không biết đấy thôi. Đất dưới phố đắt hơn vàng. Người ta xây nhà trọ cho thuê như xây phòng giam vậy. Có chỗ ở là tốt rồi, làm gì có đất trồng rau. Con xin được mấy hộp xốp trồng ít rau cải mầm nấu cháo cho cháu hằng ngày thôi mẹ ạ. Người lớn thì khuất mắt trông coi, cứ mua rau chợ đầy thuốc trừ sâu hoặc là nhịn thôi mẹ ạ.

– Hay là từ giờ mẹ trồng thêm mấy luống rau. Thỉnh thoảng cắt thành từng bó đón xe trên đường cao tốc gửi xuống cho con?

– Thôi mẹ ạ. Xe chạy xuống chỗ con chỉ có chuyến lúc chín giờ tối. Giờ đấy mẹ còn ru cháu ngủ mà. 

Xe trôi qua cánh đồng mùa lúa non thơm mùi sữa rồi rẽ vào con đường nhỏ chạy dọc hai bên đồi bạch đàn. Mẹ ngồi sau bé nhỏ nơm nớp lo từng chỗ xóc. Mẹ bảo:

– Nếu ông trời cho mẹ sống lâu thì sau khi các cháu lớn khôn mẹ sẽ lên chùa ở hẳn. Nương náu dưới gốc bồ đề, dưới chân đức Phật mà sống những tháng ngày cuối đời thanh thản.

– Lúc ấy con chắc cũng đã thảnh thơi hơn. Con sẽ thường xuyên về thăm mẹ.  

Mẹ lặng im nhìn những hàng cây lùi lại phía sau. Thuần bỗng nhiên cay mắt khi nghĩ đến ngày đưa mẹ lên chùa sống. Ừ, nếu có ngày ấy thật thì con đường này chắc sẽ dài hơn. Mẹ ngồi sau xe chắc sẽ nhẹ như một chiếc lá khô, một áng mây trời. Hẳn sẽ như khúc Tống biệt hành của Thâm Tâm: “Đưa người ta không đưa qua sông/Sao có tiếng sóng ở trong lòng”.  

Lúc ấy Thuần không biết sẽ chuẩn bị những gì cho mẹ mang theo. Mà người tu hành có khi chẳng cần mang theo gì. Thuần cũng chỉ mong khi ấy mẹ có thể bỏ lại mọi thứ mà đi. Để vào chùa thấy lá rơi không buồn, nghe mưa rơi không nhớ. Liệu có ngày đó thật hay không mà chưa gì Thuần đã thấy hình như mình mất mát. Đúng lúc Thuần đưa tay lau khóe mắt thì mẹ bảo: 

– Nói thế chứ dễ gì mà lên chùa sống yên. Còn bố con nữa, sao lỡ bỏ mà đi. Phật ở trong tâm. Mẹ ở đâu cũng đều có Phật. Phải không con?

Đất miền thiên thai hôm nay và mai ngày lại sẽ hiển hiện mãi ở cạnh tôi, bên bạn và mỗi người cùng mọi người, chứ không xa. Và, đất miền ấy, nay hẹn sẽ trổ những bông hoa lành/đẹp, như lời ca ở bài hát rất bình thường, thế này đây:

“Anh nào biết đường lên Thiên Thai,
khi trời đất còn vương thương đau,
khi hồn anh chưa biết sẽ về đâu
Anh nào biết đường lên Thiên Thai,
khi lòng còn như băng buốt giá
Và tình còn e ấp, nói không thành lời.”
(Hoàng Nguyên – bđd)

Rồi cứ thế, anh và em, ta tiếp tục hát mãi những lời hát rất “Thiên thai” mãi không thôi:

“Nhìn trong đôi mắt đẹp,
lòng chợt vui như say;
kìa đường lên Thiên Thai,
kìa đường lên Thiên Thai
Ấy đường qua ngõ mắt thơ ngây,
tiếng nhạc êm lẫn tiếng thơ say,
Đưa hồn anh lạc vào tận tim ai.”
(Hoàng Nguyên – bđd)

Hát thế rồi, bạn và tôi ta cứ thế hân hoan tiến về phía trước mà cất lên lời ca mãi mãi đẹp, mà rằng:

“Nhìn trong đôi mắt đẹp,
lòng chợt vui như say;
kìa đường lên Thiên Thai,
kìa đường lên Thiên Thai.
Ấy đường qua ngõ mắt thơ ngây,
tiếng nhạc êm lẫn tiếng thơ say,
Đưa hồn anh lạc vào tận tim ai.”
(Hoàng Nguyên – bđd)

“Hồn anh lạc vào tận tim ai?” lại sẽ là câu hỏi được gửi đến bạn, đến tôi và mọi người ở đất trời lành thánh, cùng với truyện kể nhẹ buồn nhưng thanh-thản làm kết đoạn một Phiếm “loạn”, rất miên man, êm đềm ngày tháng dài, ở nơi đây.

Trần Ngọc Mười Hai
Và những tháng ngày đẹp mãi
trong tương lai.