Quà Tết Tân Sửu cho Học Viện Dòng Kitô Vua Cái Nhum

738

Cộng đoàn Thánh Tâm thuộc Dòng Kitô Vua giáo phận Vĩnh Long được thành lập từ năm 1951. Cơ sở cộng đoàn nầy nằm trong lãnh thổ của Giáo phận Sài Gòn, số 48 Bành Văn Trân, phường 7, quận Tân Bình, TP.HCM.

Học Viện Kitô Vua, số 48 Bành Văn Trân, phường 7, quận Tân Bình.

Đôi nét về Học viện Dòng Kitô Vua Cái Nhum

  • Năm 1951, Cha Michel Nguyễn Văn Lực, Bề Trên Tổng Phụ Trách Dòng Kitô Vua lúc đó, gởi văn thư đến Tòa Tổng Giám Mục Sài Gòn, xin được thuê mướn vĩnh viễn khu đất 5.940 m2 tại khu nhà Hưu Dưỡng các Linh Mục Chí Hòa.
  • Năm 1952, Linh mục Giuse Phạm Văn Thiên, Cha sở họ Chí Hòa lúc đó, đại diện cho Đức Cha Cassaigne, nguyên Giám Mục GP. Sài Gòn, cùng Cha Michel Lực, đại diện cho Dòng Kitô Vua ký hợp đồng chấp thuận thuê khu đất trên với thời hạn 99 năm và sẽ được tái hợp đồng sau 99 năm, để Dòng Kitô Vua thành lập trường tư thục và đệ tử viện.
  • Năm 1958, Hội Dòng ủy quyền cho Thầy Alexis Nguyễn Văn Ngươn đặc trách việc xây dựng cơ sở nầy. Tháng 5 năm 1958, Thầy Alexis xin phép xây dựng trường Tư Thục Đệ Nhất Cấp Thánh Tâm. Ngày 26 tháng 8 cùng năm, chính phủ cấp phép xây dựng trường.
  • Ngày 26.7.1969, Hội Dòng chính thức xin phép Tòa Giám Mục thành lập Đệ Tử Viện tại cơ sở nầy và được chấp thuận vào ngày 7.12.1969.

Sau 30.4.1975, thực thi chính sách công lập hóa các trường tư thục của nhà nước, Hội Dòng đã bàn giao trường Thánh Tâm cho nhà nước quản lý. Kể từ đó, khu đất nầy chia làm 2 phần: Phần A là trường Phổ Thông Cơ Sở Tân Bình, nay là trường Bán Công Tân Bình, thuộc mặt đường Cách Mạng Tháng Tám (xưa là đường Lê Văn Duyệt); Phần B xưa là nhà bếp và nơi sinh hoạt nội bộ Tu Viện Kitô Vua, nay là Học Viện của Dòng Kitô Vua, mặt đường Bành Văn Trân (xưa là đường Thánh Mẫu).

Món quà Tết Tân Sửu 2021

Sáng ngày 28.01.2021, nhóm anh em AHPM tại Sài Gòn (Ái Hữu Philipphê Minh) đã đến bàn giao phòng máy vi tính cho Học Viện Kitô Vua. Phòng máy vi tính gồm: 8 bộ bàn ghế, 8 bộ máy để bàn với cấu hình tương đối khá – 8 Headphones – Máy Scan – Máy in Laser đen trắng – Máy in màu và bộ loa vi tính. Phòng máy được mang tên Phòng Máy Vi Tính Thầy Alexis. Đây được xem như là món quà Tết Tân Sửu cho Học viện. Dịch bệnh Covid đã làm thay đổi toàn bộ đời sống vật chất, tinh thần của toàn xã hội. Món quà nho nhỏ của anh em AHPM trong thời điểm nầy như một lời khích lệ cho Hội Dòng nhằm khơi mầm, nuôi dưỡng, phát triển, củng cố ơn gọi tu sĩ để cơ hội phục vụ Giáo hội, xã hội tốt hơn. Điều kiện duy nhất của AHPM với món quà nầy: “Xin cầu nguyện cho chúng tôi”.

Đại diện nhóm AHPM tại Sài Gòn có Cha Phêrô Lê Văn Chính (Cha sở giáo xứ Cầu Kho), Cha Antôn Lương Thủ Hơn, anh Út Luôn, Hồng Cái Nhum, Mic Đạt… Bên Hội Dòng có Thầy Bề Trên Tađêô Lê Văn Chánh, Thầy Phó Bề Trên Phaolô Nguyễn Văn Thảo, Thầy Augustinô Phạm Văn Đóa, Thầy Phêrô Trần Đại Lượng, Trưởng Cộng đoàn Thánh Tâm và các thầy hiện đang ở học tại Học Viện.

Cha Phêrô Chính đã chúc mừng và chủ sự nghi thức làm phép Phòng máy và cùng cầu nguyện xin Chúa ban phúc lành cho mọi người sống trong ngôi nhà nầy. Các thầy trong Hội Dòng rất phấn khởi khi được Cha Chính hứa hỗ trợ Học viện về mọi phương diện trong khả năng của Cha. Thầy Bề Trên đã đại diện Hội Dòng nói lời cảm ơn các Cha và các anh em nhóm AHPM.

Sau bữa ăn trưa (không kém phần chuyên nghiệp) do chính các thầy phụ trách, mọi người chia tay và hẹn ngày gặp lại.

Ngôi nhà được tái thiết với 3 tầng trong thời gian 2 năm 2006 – 2008

Bên phải Học Viện. Các kiosques phía trước cho thuê.

Bên trái Học Viện. Các kiosques phía trước cho thuê.

Tiểu cảnh nho nhỏ ở góc sân trước

Bếp và phòng ăn

Thầy Bề Trên Tađêô Lê Văn Chánh

Thầy Phó Bề Trên Phaolô Nguyễn Văn Thảo

2 Thầy và anh Hồng Cái Nhum

Thầy Bề Trên và anh Mic Đạt

Thầy Bề Trên và Thầy Phó Bề Trên Dòng Kitô Vua

Anh Út Luôn, Cha Phêrô Lê Văn Chính và Cha Antôn Lương Thủ Hơn

Nghi thức làm phép Phòng máy

Xin Chúa chúc lành cho những người trong ngôi nhà nầy

Thầy Bề Trên cảm ơn các Cha và các anh em nhóm AHPM

8 bộ máy với đầy đủ các trang thiết bị ngoại vi

Dàn loa vi tính

Máy in Laser đen trắng và Máy in màu

Máy scan

Các thầy rất vui

Ảnh lưu niệm

Balcon 2 tầng trên. Các phòng ngủ.

Phòng các thầy

Phòng các thầy

Sân thượng

Sân thượng

Khu vực nầy xưa kia của Nhà Dòng

Mặt sau dãy nhà Trường Thánh Tâm xưa, hiện nay là trường Bán công Tân Bình

Nhắc chuyện đời xưa trước khi ăn trưa… rồi chia tay

***

Chuyện bên lề:

Đàn anh trong nhóm AHPM:
Anh có nợ ân tình với nhà dòng qua thầy Alexis Đô là anh Cha Mừng và là cậu Cha Thứ. Trước 75 thầy Alexis Đô là hiệu trưởng trường Thánh Tâm ngã ba Ông Tạ và trung tâm Vũng Tàu. Thầy rất tốt đối với các cha các thầy. Cứ việc ghé bất cứ lúc nào và tha hồ ở bao lâu cũng được, có chỗ ăn chỗ ở đàng hoàng. Anh là khách thường xuyên mỗi kỳ hè ở cả hai nơi… Tên Nguyễn Văn Ngươn là tên thật còn Đô chắc là tên cúng cơm gọi ở nhà và bình thường cho dễ. Cha Thứ cũng có tên cúng cơm là Thưởng…
… Anh hy vọng Cha Chính nhận làm tuyên úy cho các thầy nhờ. Anh rất mong điều này. TL nhớ lại xem, bọn mình ở TCV các Cha ở khắp nơi: Trong lớp ngoài lớp, sân chơi đều có các đấng. Mỗi người còn có cha linh hướng nữa. Lên ĐCV nhiều cha hơn, rồi mỗi người cũng có cha linh hướng riêng, thế mà đường tu còn ba chìm, bảy nổi sáu lênh đênh. Còn họ, cả nhà dòng bây giờ không có lấy một Cha Bề Trên nữa. Dự lễ hàng ngày, huấn đức rất nhiều vấn đề. Xin cầu cho họ vậy…

Còn chút kỷ niệm về ngôi trường Thánh Tâm (Ngã ba Ông Tạ):
Năm 1974, Đại Học Nhân Văn Nghệ Thuật Minh Đức, do các Cha Dòng Chúa Cứu Thế thành lập đã thuê lầu trên của ngôi trường nầy cho phân khoa Nhân Văn Nghệ Thuật học. Tôi theo học ngành Điện Ảnh thuộc khoa Truyền Thông Xã Hội. Những ngày gần cuối tháng 4.1975, trong phòng học trên lầu, tôi đã chứng kiến cảnh sinh viên xách động chống lệnh tổng động viên. Bên ngoài cảnh sát dã chiến bao vây chống bạo động, phát loa kêu gọi giải tán. Từ trên lầu của ngôi trường nầy, một số sinh viên đã lấy bàn ghế trong phòng học ném xuống… Kế đến họ leo lên mái trường tuôn ngói xuống đất… Tan hoang, đổ nát và trong buổi chiều hôm đó, tôi tìm cách thoát xuống bãi giữ xe của trường, lấy xe chuồn thẳng về nhà… Đó là buổi học cuối cùng của tôi tại ngôi trường nầy và cũng có lẻ là buổi học cuối cùng trong cuộc đời tôi… Còn một người bạn (cũng là cựu P. Minh), khoa Âm Nhạc của Đại Học Minh Đức, là anh Phạm Trung Vinh (hiện ở Mỹ). Tôi không nhớ rõ lúc chuyển trường, khoa của anh có học tại ngôi trường nầy không? Từ đó đến nay, tôi chưa một lần trở lại…

NguoiAnGiang