Ôi Bí Tích Cực Uy Linh | Lễ Mình Máu Chúa | Vô Hạ

875

vô hạ

“Ôi Bí Tích Cực Uy Linh. Chúng con thành kính sắp mình. Nghi lễ cũ nhường cho nghi lễ mới. Mắt không thể thấy nhưng lòng vẫn tin”.

https://incparish.com/photoalbums/holy-mass/Mass%20Intention.jpg

1. Bí tích thánh thiêng. Le Saint Sacrement.

Mỗi lần dự Thánh Lễ, làm mình tới kỷ niệm khó quên về từ ngữ cao trọng nầy trong lớp Pháp Văn với cố Linh Mục Giáo Sư Nguyễn Tấn Thinh (1929-1993) của Cần Thơ, khi cả lớp học tới bài Le Montmartre trong cuốn Cours de Langue et de Civilisation Francaises III. Trên đồi Montmartre, Vương Cung Thánh Đường Le Sacré Coeur Thánh Tâm, uy nghi nhìn xuống Kinh Thành Paris, nước Pháp. Trong mạng điện tử ngày nay có đủ thứ hình ảnh của Le Sacré Coeur.

Và trong chính điện, Mình Thánh Chúa được đặt lên cao cho dân chúng đến tôn thờ suốt ngày đêm từ hàng thế kỷ qua. Cha giáo sư dạy rằng Bí tích nào cũng “Saint” thánh, nhưng người Pháp cố ý dùng từ ngữ trên, để chỉ Bí tích Mình Máu Thánh Chúa hay Bí tích Thánh Thể. Và Lịch Phụng Vụ Công Giáo mừng kính vào Chúa Nhật 12 quanh năm, ngày 14.06.2020 nầy.

2. Duyệt qua 3 bài Thánh Kinh của Lễ Trọng nầy. Trước hết Sách Nhị Luật 8:2-3,14-16, Thiên Chúa đã chuẩn bị từ khi Môisen đưa dân ra khỏi Ai Cập khoãng 1500 năm trước Công nguyên, khi ban Manna nuôi sống dân 40 năm lang thang trong Sa mạc. Manna nghĩa là “cái gì, món gì”. Theo nông lâm chú giải xưa nay, có một thứ nhựa cây trong vùng ốc đảo của sa mạc Si-nai, như mũ gòn mũ trôm của Việt nam ta, nếm không ngon, ăn không thích, nhưng cần thiết cho sự sống còn thời xưa nơi đó.

Giavê Thiên Chúa muốn dân chúng và mọi người sau nầy nữa, sống vừa đủ về phần xác, để hướng về thứ Bánh mang lại sự sống muôn đời. Điều nầy  sẽ đúng khi Chúa Giêsu đến: “Con người sống không phải chỉ do cơm bánh, mà còn bởi mọi lời từ miệng Chúa phán ra” (Mt. 4:4).

3. Kế đến, Thánh Phaolô nhắc mọi người qua thư I gởi tín hữu Côrintô 10:16-17: Chúng ta cùng kết hợp làm một trong Chúa Kitô khi ăn cùng một tấm bánh và uống một chén rượu.

https://uploads.weconnect.com/5182fb0ad61f66764a9c6e53a3533ca31b6fdcab/jhsn11jka5hhg0nur2rjhxgfe7l.jpg

4. Chính bài Tin Mừng Gioan 6,51-58, Chúa Giêsu công bố: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống… Ðây là bánh bởi trời xuống, không phải như cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết. Ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời”.

5. Trở lại với chủ đề, 2 từ Bí tích là gì? Chưa biết lý do nào, Sacrement được người xưa dịch ra tiếng Việt là Bí tích. Xin tạm thưa khi dò 2 từ nầy trong Tự điển Hán Việt của Đào Duy Anh, là “để dành, tích chứa những điều kín đáo, bí ẩn”. Còn theo Giáo lý Công giáo, Bí tích là những dấu hiệu bên ngoài, do Chúa lập ra, để chỉ ý nghĩa và ơn thiêng liêng bên trong cho con người nên thánh.

6. Vậy Thánh là gì? Theo Việt Nho, là đạo đức thâm cao. Còn Saint của Anh/Pháp, Sanctus của Roma Latin bắt nguồn từ gốc Latin là Sancire và Sacrare: Dâng cho Thần minh, hiến cho Thần. Cũng có Thầy dạy rằng Saint có gốc Latin là Secare: Cắt xén, tách biệt ra để cúng tế Thần Thánh theo nền văn hóa du mục Trung Đông Tiểu Á và quê hương Do Thái của Chúa Giêsu khi xuống thế hơn hai ngàn năm trước. Tức là những gì tinh sạch, thanh tịnh, cao qúi dành riêng trong lảnh vực Tôn Giáo.

Hoa Kỳ có địa danh Sacramento, Bí Tích trong tiếng Tây Ban Nha, là thủ phủ của California. Và riêng Texas có thành phố dầu hỏa cực Trung Nam tên là Corpus Christi, gốc Latin nghĩa là Mình Của (Chúa) Kitô. Mong ước Đạo Chúa đi vào tâm não con người qua địa danh.

https://www.catholicoutlook.org/co/wp-content/uploads/2019/01/Greg-Glass-Eucharist-933x445.jpg

7. Bí Tích Thánh Thể thường được cử hành trong Thánh Lễ là bữa tiệc Tạ Ơn, Nhiệm tích Tạ Ơn, gồm hai phần chính là Phục vụ Lời Chúa và Phục Vụ Thánh Thể. Âu Mỹ ngày nay có khuynh hướng dùng từ Word Services và Eucharist Services dễ hiểu và thực tế hơn, cũng như còn dùng Liturgy: Phụng vụ. Vì chưng đó là tấm gương biểu kiến Chúa yêu thương và phục vụ con người từ việc dựng nên, cứu chuộc, rồi tình nguyện là của ăn nuôi phần hồn nhân loại để con người cũng làm cho nhau ít nhiều tuỳ hoàn cảnh.

Phần đầu Thánh lễ là Chúa đối thoại với dân Người qua Thánh Kinh. Phần sau là hiện tại hóa hay đưa về hiện tại bữa Tiệc Thánh và cuộc hi tế của Chúa Giêsu trên Thánh Giá, tạo nên ơn cứu chuộc và lương thực nuôi linh hồn chúng nhân mọi thời. Nên Mình Máu Thánh Chúa vừa là liều thuốc bổ mà cũng vừa là thuốc chữa lành cho tinh thần con người mà thời nay rất cần.

http://catholictv.org/sites/default/files/uploads/u23/Corpus_Christi2_KC.png

Phần Phụng vụ Thánh Thể tường thuật lại bữa tiệc sau cùng, Chúa Giêsu cầm lấy bánh mì không men, đọc lời chúc tụng Thiên Chúa, bẻ ra, trao cho các môn đệ và phán: Hãy cầm lấy mà ăn vì nầy là Mình Ta. Rồi người cũng cầm lấy cốc rượu, ca tụng Thiên chúa, chia cho các môn đệ và nói: Hãy cầm lấy mà uống vì nầy là Máu Ta, Máu Tân ước vĩnh cữu, sẽ đổ ra cho các con và mọi người được tha tội. Hãy làm việc nầy mà nhớ đến Ta.

Ngày nay, để cho tiện lợi, tấm bánh được ép mỏng như giấy, hình tròn cỡ 2 phân, đựng trong chén có chân đế cao, có nắp đậy cho an toàn và cung kính. Theo Thánh Augustinô (354-430) Lời Chúa và Mình Thánh Chúa có giá trị như nhau và phải được quí trọng ngang nhau. Nên khi đi lễ, mình ráng đừng cố ý đi trễ phần đầu.

8. Vài ghi nhận trong lớp giáo lý về Thánh Thể.

Chúa ở khắp mọi nơi thì tại sao còn phải tới với Chúa trong Bí tích Thánh Thể?

Xin thưa vì mình còn trong phàm giới, bị đóng khung hạn hẹp trong thân xác u minh, nên Chúa khôn ngoan lập ra Bí tích Mình Máu Thánh Người, để làm trung tâm cụ thể cho tình yêu giữa Chúa và con người. Thí dụ văn hóa Việt Nam tin rằng tổ tiên ông bà cha mẹ đã qua đời, lúc nào cũng hiện diện trong nhà và đi theo con cháu mọi nơi. Nhưng Bàn Thờ Ông Bà tại nơi trang trọng nhất trong nhà là trung tâm của lòng hiếu thảo của con cháu đời sau đối với đời trước.

Sau lời Truyền Phép của chủ tế, sắc thái của bánh và rượu có gì thay đổi? Xin thưa, đây là một thách thức lớn của đức tin người theo Chúa. Bánh và rượu vẫn vậy, không gì thay đổi. Sự thay đổi chính là từ thái độ của lòng tin nơi người tin tưởng vào Chúa. Gọi là lấy đức tin bù lại. Chính Vị Chủ Tế cũng bái gối, cúi đầu tôn thờ Chúa trong Bánh Rượu vừa thánh hiến qua công thức Chúa dạy mà miệng chủ tế vừa đọc. Một thí dụ hi vọng giúp hiểu được: Bạn có hai cọng dây điện, bình thường chỉ là vật chất. Nhưng khi đã gắn vô ổ điện âm dương rồi, bạn thấy dây điện vẫn vậy, không gì thay đổi. Nhưng chắc chắn bạn hiểu có dòng điện hoạt động bên trong, tạo ra nhiều năng lực khi dùng đến.

Khi trao Mình Thánh Chúa mà thiếu, Linh Mục hay Thừa Tác Viên Thánh Thể bẻ bánh làm hai hay nhỏ hơn mà trao cho giáo dân, vậy Chúa có bị phân chia không? Thưa không, vì tấm bánh chỉ là phương tiện. Quyền năng của Chúa siêu việt lắm. Thí dụ khi bạn soi mặt vào một chiếc gương lớn, mặt bạn hiện lên đầy đủ. Rồi gương bị bể ra hai hay nhiều mảnh, bạn nhìn vào một mảnh bể của gương, mặt bạn vẫn hiện lên đầy đủ.

Chúa chỉ có một, làm sao đủ để hiện diện trong bấy nhiêu tấm bánh, để chia đủ cho tín đồ? Thiên Chúa là  Ông Trời quyền năng, không bị giới hạn trong số lượng, không gian và thời gian. Thí dụ nầy giúp dễ hiểu: Chỉ một hình ảnh và một âm thanh đài truyền hình phát ra, thì hình và âm đó đến hàng triệu máy thu hình mở lên đúng tần số.

Tôi không là tín đồ Công giáo. Những dịp lễ lớn như đêm Noel, tôi cũng theo đám đông đến nhà thờ. Tới phần ăn Bánh Thánh, tôi cũng lên ăn cho biết, như vậy có được không? Theo luật của Đạo thì không được. Bánh nầy người Công giáo tin có Thiên Chúa hiện diện trong đó, chỉ dành cho người Công giáo sạch tội trọng. Hoặc cho trẻ em 8 tuổi trở lên, có học giáo lý cho biết phép Đạo và đã chịu Bí tích Giải Tội.

9. Mình còn nhớ, tại Nhà Thờ Chính Tòa Cần Thơ, cách đây năm sáu chục năm và suy đoán về trước nữa, cả họ đạo tổ chức đi kiệu Mình Thánh Chúa trên sân nhà thờ. Một đoàn thiếu nhi nam đi trước kiệu, rải hoa từng đoạn theo tiếng chuông chùm của vị nghi lễ trong không khí tưng bừng vui mừng ngày lễ trọng đại nầy.

 

Thêm nữa, tại hầu hết những họ đạo nông thôn, đoàn rước kiệu được tổ chức trên ghe xuồng từ đầu họ đạo tới cuối giáo xứ. Trên bờ, trước mỗi nhà đều trưng bày bàn thờ nhỏ. Những người không theo đoàn kiệu được, thì tập trung quanh bàn thờ nhỏ nầy và hướng lòng tới Chúa Thánh Thể khi đoàn kiệu đi ngang nhà mình trên sông nước.

10. Ngày nay, hầu hết các Giáo xứ hàng năm đều có chương trình Giáo lý dành cho người lớn (Dự tòng) muốn tìm hiểu đạo Chúa và gia nhập. Lễ nghi Nhập Đạo thường mở ra trong Thánh Lễ sau 5 giờ chiều thứ bảy Lễ Vọng mừng Chúa Phục Sinh Easter, khoảng tuần lễ cuối tháng Ba hoặc trong tháng Tư. Lý do, vì Dự tòng, coi như chết con người cũ của mình nhân ngày Thứ Sáu Tuần thánh tưởng niệm Chúa chết vì tội nhân loại, để cùng sống con người mới với Chúa Phục Sinh. Trong Thánh Lễ, Dự tòng nhận hay chịu 3 Bí tích Khai tâm: Bí tích Rửa Tội, Bí tích Thêm Sức và Bí tích Mình Máu Thánh Chúa.

Sau hết, tại Giáo xứ của mình, sáng Chúa Nhật hôm sau, Tân tòng dự Thánh lễ Phục Sinh Tạ Ơn Chúa. Sau khi rước Mình và Máu Thánh Chúa, một hay hai tân tòng lên bục cao, cùng với cộng đồng dân Chúa,  xin dâng lên tâm tình tạ ơn:

A. Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể. Chúng con vô cùng cám ơn Chúa, đã thật sự ngự vào tâm hồn chúng con qua tấm bánh chúng con vừa lãnh nhận. Chúa đã chết và phục sinh để cứu chuộc chúng con và cũng để bảo  đảm cho chúng con cuộc sống đời đời mai sau cùng với Ba Ngôi cực trọng trên nước Chúa.

B. Chúng con muôn vàn cám ơn Chúa, vì được kết hợp làm một cùng Chúa và với mọi người nữa. Giờ nầy chúng con thật sự hạnh phúc biết bao với nhiều ơn trọng đại Chúa ban, và những ơn đó cũng giúp chúng con chiến đấu chống lại tội lỗi, tính hư tật xấu và những chước cám dỗ.

A. Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể. Chúng con thật lòng cám ơn Chúa đã  thương ngự vào linh hồn chúng con và đem đến cho chúng con nguồn sống mới  từ cuộc phục sinh của Chúa.

B. Xin mình Máu Chúa mà chúng con mới rước lấy, giúp chúng con vượt qua con người cũ là những nhỏ nhen ích kỷ cá nhân, để biết hi sinh quảng đại và dấn thân phục vụ những người cần được giúp đỡ, theo tấm gương sáng của chính Chúa.

A. Xin Chúa Giêsu Thánh Thể là lương thực linh thiêng huyền diệu, giúp chúng con luôn tràn đầy niềm vui và bình an của cuộc đời mới nơi mỗi người chúng con, nhờ cuộc phục sinh vinh thắng của Chúa.

B. Xin chúa Giêsu Thánh Thể đang ngự thật sự trong tâm hồn chúng con, giúp chúng con luôn can đảm làm chứng về Chúa Phục sinh mỗi ngày trên mọi bước đường đời của chúng con.

A. Xin Chúa Giêsu Thánh Thể mà chúng con được vinh dự rước lấy, ban cho Đức Giáo Hoàng và mọi thành phần dân Chúa được bình an thật trong tâm hồn và niềm hoan lạc của Chúa Phục Sinh hết mọi ngày trong đời sống.

B. Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể. Chúa nuôi dưỡng chúng con bằng chính máu thịt Chúa qua tấm bánh, y như người mẹ nuôi con thơ, bằng dòng sữa ngọt ngào, là biến thể từ chính máu thịt mẹ. Chúng con thật lòng tạ ơn Chúa vì những hồng phước mà Chúa đã ban cho chúng con.

A. Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể. Mình và Máu Chúa chính là của ăn không bao giờ hư nát. Xin cho chúng con cũng biết tìm kiếm của ăn đó thêm nữa, là những  lời Chúa dạy trong Thánh kinh và cách sống đạo chúng con đã học, để thực hành mà sinh lợi ích cho chúng con và những người chúng con gặp được  trên mọi bước đường.

B. Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, đây là mầu nhiệm cao quí, tuyệt vời mà trí khôn loài người không thể hiểu thấu được, chỉ có thể giải thích bằng tình yêu. Vì yêu con người nên Chúa đã tự hủy chính mình, trở nên phàm nhân để chia sẻ thân phận làm người với chúng con.

A. Lạy Chúa Giêsu đang ngự thật trong con. Con xin đuợc kết hợp với Chúa. Xin ban cho con sức sống thần linh, để con ngày càng yêu mến Chúa hơn.

Trong 7 Bí tích, người Công giáo tham dự Tiệc Thánh nầy nhiều nhất trong cả đời: “Ôi bữa tiệc cực thánh. Chúa lấy thịt mình làm của nuôi con. Ôi bữa tiệc cực thánh. Máu Cha nhân lành nuôi dưỡng nhân gian”.

Xem bài liên quan: