Nhà Thờ Chánh Tòa Thánh Anrê ở Amalfi, Ý

1896

Lm Phêrô Trần Thế Tuyên

Phêrô, Anrê, Gioan và Giacôbê. Bốn môn đệ quê làng Bethsaida, chài lưới,
được Chúa gọi đầu tiên và đồng hành với Chúa suốt 3 năm truyền
giáo.

Thánh Anrê tông đồ:

Nguyên quán: Làng Bethsaida, cùng với anh là Phêrô sinh sống bằng nghề chài lưới ở biền hồ Galilê. Anrê là một trong 4 người môn đệ đầu tiên đã được Chúa Giêsu gọi đang khi hành nghề. Và họ đã từ bỏ mọi sự mà theo Ngài. “Người đang đi dọc biển hồ Galile thì thấy hai anh em kia, là ông Simon cũng gọi là Phêrô, và người em là ông Anrê, đang quăng chài xuống biển. Vì các ông làm nghề đánh cá, Người bảo các ông: “Hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” Lập tức, các ông bỏ chài lưới đi theo Người (Mt 4, 18-20). 

Phúc Âm Thánh Gioan tường thuật khá chi tiết và hơi khác về ơn gọi Tông đồ của Anrê: “Hôm đó, Gioan đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông. Tkháchấy đức Giêsu đi ngang qua, ông lên tiếng nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng gánh tội trần gian.” Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giêsu, Đức Giêsu quay lại, thấy các ông đi theo mình thì hỏi: “Các anh tìm gì thế ?” Họ đáp: “Thưa Rabbi (nghĩa là “Thưa Thầy”), Thầy ở đâu ?” Người bảo họ: “Hãy đến mà xem”. Họ đã đến xem chỗ Người ở và ở lại với Người. Lúc đó vào khoảng 4 giờ chiều (Ga 1, 35-39). Và sau khi ở lại với Chúa Giêsu, Anrê đã giới thiệu Chúa cho anh mình trước tiên: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia” (Ga 1, 41-42). Rồi ông dẫn anh mình đến gặp Đức Giêsu, Đức Giêsu nhìn ông Simon và nói: “Anh là Simon, con ông Gioan, anh sẽ được gọi là Kêpha (tức là Phêrô)” (Ga 1, 40-43).

Đồng hành và chứng kiến vinh quang của Chúa:

Tượng Thánh Anrê thế kỷ XIII

Anrê đã thấy Chúa Giêsu biến nước thành rượu và lần đầu tiên thấy tỏ lộ vinh quang thần linh của Ngài.

Anrê đã chứng kiến cuộc chữa lành các bệnh nhân gặp thấy trên đường đi, việc Chúa phục sinh những kẻ chết.

Trong phép lạ Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều, chính Anrê là người lên tiếng thưa với Chúa: “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với bằng ấy người thì thấm vào đâu !” (Ga 12, 22).

Ở Giêrusalem, Anrê còn cho Chúa biết rằng: lương dân đã xin với Philipphê cho được gặp Người (Ga 12, 23). Anrê đã được trực tiếp nghe Chúa giảng dạy và ngài cũng có mặt trong bữa tiệc ly.

Anrê có mặt trong những lần Chúa hiện ra sau Phục Sinh.

Anrê chứng kiến việc Chúa lên Trời, Chúa TT hiện xuống và ra đi rao giảng tin mừng và bị giết chết qua việc bị trói buộc than thể theo hình chéo.

Truyền thuyết:

Thánh nhân đi loan báo Tin Mừng ở Giêrusalem, Giuđê và Galilê. Sau đó, ngài đến giảng đạo ở vùng Biển Đen và Hy Lạp rồi chịu tử đạo tại đây. Ngài bị bắt bên bờ Bắc Hải và kết thúc cuộc đời tại Achaia. Achaia cũng được viết là Achaea hay Akhia, nằm phí Tây Hy Lạp và là thủ phủ của Patras, nơi mà Thánh Anrê bị hành hình. Truyền thuyết về cuộc tử đạo của thánh Anrê ở Patras: Êgêa, tổng trấn Patras được thông tin: Anrê có mặt ở Patras, thủ phủ của ông, và rao truyền Lời Chúa, kêu gọi từ bỏ tà thần. Ông liền vội vã tới nơi và hạch hỏi: “Kẻ ngoại lai” này muốn phá hủy đền thờ các thần minh sao?

Nhưng Anrê không sợ gì Êgêa, ngài nói: Tôn thờ loài người chỉ là dị đoan điên khùng. Ông đã lãnh quyền xét xử người ta, trước hết, ông phải biết đến Vị Thẩm phán xét xử mọi người ở trên trời và ông phải tôn kính ca ngợi Người.” Êgêa phán: Nếu bất cứ ai không dâng hương tế thần, anh cũng sẽ phải chết trên thập giá như người Ông rao giảng.” Anrê trả lời: “Chết treo trên khổ giá, đó là hạnh phúc lớn nhất của tôi, vì được chết giống Thầy Chí thánh của tôi”. Viên tổng trấn nổi giận truyền đem treo ngài lên thập giá cho chết.

Khi thấy thập giá mình sẽ phải chết trên đó, Anrê giang tay ra, ngài bị cột bằng dây để cái chết tới chậm hơn. Hình phạt sẽ kéo dài hai ngày và người ta còn nghe ngài tiếp tục rao truyền đức tin vào Chúa Giêsu Kitô và cầu nguyện: “Lạy Chúa Kitô hãy đón nhận con, ôi Thầy con yêu, con biết con ước ao được gặp Thầy, trong Thầy mà con được thế này. Hãy nhận lấy hồn con, lạy Chúa Giêsu Kitô.” Và những người tham dự thấy linh hồn vị tông đồ trong hào quang đã bay về với Chúa tạo thành và cứu chuộc của mình. Sau đó, trong hội thánh đã đặt Thánh giá hình chữ X là Thánh giá Thánh Anrê.

Nhà thờ chánh toà thánh Anrê, Amalfi, Ý xây năm 1208

Nhà thờ Chánh Toà Thánh Anrê ở Amalfi, Ý

Năm 357 hài cốt thánh Anrê được chuyển từ Patras đến Constantinople và được đặt vào nhà thờ các Thánh Tông Đồ ở đây. Trong trận thập tư chinh lần thứ tư, 1208, Đức Hồng Y Pietro Capuano đã thu dọn tất cả di vật cũng như hài cốt của thánh Anrê mang về Amalfi, Ý.  Thật ra hài cốt của Thánh Anrê được cất giữ nhiều nơi: Nhà thờ chánh toà thánh Anrê ở Patras, Hy Lạp; Nhà thờ chánh toà thánh Anrê ở Amalfi, Ý; Nhà thờ chánh toà Đức Mẹ Maria ở Scotland và nhà thờ thánh Anrê ở Warsaw, Ba Lan… Đó là chưa kể nhiều thánh tích ở nhiều nơi trên thế giới. Vì thánh Anrê được chọn làm bổn mạng của Amalfi, Scotland và Nước Nga…..

Nguyên thuỷ nơi đây có một nhà thờ xây từ năm 596 sau công nguyên, nhưng nay không còn di tích. Sau đó, đến thế kỷ thứ chín, một ngôi thánh đường mới được xây dựng và vẫn còn cho đến ngày nay. Đến thế kỷ thứ 13, nhà thờ chánh toà hiện nay của địa phận Amalfi được xây dựng dọc theo nhà thờ của thế kỷ thứ 9, và sau khi thánh tích của Thánh Anrê đước mang về đây thì được gọi là nhà thờ chánh toà thánh Anrê ở Amalfi, Ý.

Gian cung thánh với ảnh chuộc tội thời thế kỷ XII

Nhà thờ chánh toà thánh Anrê được trùng tu nhiều lần. Hiện tại, giống như nhiều nhà thờ bên Ý, nhà thờ chánh toà Thánh Anrê ở Amalfi chỉ còn như một di tích lịch sử hơn là một nhà thờ chánh toà với những sinh hoạt nhộn nhịp về mục vụ hay phụng vụ. Tuy nhiên, có những điểm đặc trưng cần biết:

Có 62 bậc thang lớn rộng dẫn lên một tầng triền núi cao, nơi có nhà thờ của thế kỷ thứ 9 và nhà thờ chánh toà hiện tại.  Tôi dùng từ “tầng triền núi” vì phía sau là núi cao và có nhiều tầng từ triền núi cho đến bờ biển. Người ta xây nhà theo từng tầng triền núi nầy từ thấp lên cao. Tôi thấy có thể nhà thờ chánh toà ở tầng trìền núi thứ hai, vì phải đi hết 62 bậc thang mới đến được nền nhà thờ, tức nền nhà thờ cao hơn mặt phẳng khoảng 20 thước.

Nhà thờ theo lối kiến trúc của Árập và Rôma. Thoáng nhìn vào mặt tiền nhà thờ, nếu không thấy cây thánh giá, chúng ta nghĩ ngay đến một đền thờ Hồi Giáo với nhiều màu sắc. Bên trong nhà thờ, không còn hai dãy ghế quì của một nhà thờ bình thường…. chỉ còn lại những điểm trưng bày những di tích lịch sử như tượng thánh Anrê, gậy, mão, áo lễ của Giám Mục thời xa xưa. Đặc biệt có gian cung thánh, chính yếu không là bàn thờ, nhưng một thánh giá lớn từ thế kỷ 11. Bên hông nhà thờ là khu di 1ich lịch sử, nối liên giữa nhà thờ cũ và mới. Nơi trưng bày những tảng đá lớn, những cây cột to và những gì của thời Trung cỗ. Phần thu hút du khách nhiều nhất có lẽ tầng hầm mộ. Người ta gọi là hầm mộ (Crypt) nhưng thật ra không có một nấm mồ lớn như chúng ta thường hấy, nhưng chỉ có một bàn thờ chánh, có nơi gọi là mộ, có hình thánh Anrê bằng đồng đen bị đóng đinh chéo và thánh tích mà thôi. Thánh tích thường chỉ là một chút xương lớn chừng bằng ngón tay út. Nên không chiếm chỗ quá nhiều trong phần hầm mộ nầy.

Có nhiều phép lạ được kể để tỏ lòng tôn kính thánh Anrê:

Ngày 27.6.1544 nhờ lời cầu bàu của Thánh Anrê, một cơn giống bão khủng khiếp bất thần nỗi lên đánh chìm những tàu chiến của Ariadeno Barbarossa, người có ý đáng chiếm Amalfi.

Lần khác, dân Amalfi thấy xuất hiện một loại bánh trong sáng ở mộ phần của Thánh Anrê ở Amalfi mà người ta gọi Là Manna. Ngoài ra cũng còn nhiều tin đồn về phép lạ thánh Anrê, nhưng không một phép lạ nào được Giáo Hội chính thức công nhận.

Thành phố Amalfi vả bãi biển đẹp

Ngoài nhà thờ chánh toà Thánh Anrê với những cỗ tích đáng ngưỡng mộ, Amalfi còn hấp dẫn hàng triệu du khách hàng năm bãi biển đẹp của Amalfi.

Nhà thờ Chánh Toà Thánh Anrê ở Amalfi, Ý, một Di tích lịch sử cần đi xa để thăm viếng.

Thật vậy: Amalfi thuộc tỉnh Salerno, trong vùng Campania, mặt hướng ra vịnh Salerno và lưng dựa vào những vách đá thẳng đứng của rặng núi Cerreto cao hơn 1300 mét. Muốn tới Amalfi, phải mất gần 4 tiếng đi xe từ Roma. Không vì đường quá xa, nhưng vì đường leo núi quá cao. Xe phải bò từ từ theo những con đường rất hẹp và quanh co lên cao tận ngọn núi, rồi lần dò từ từ xuống núi….mất gần 2 giờ để đến thành phố và bãi biển đẹp Amalfi, trung tâm du lịch của Amalfi.

Kỳ công sáng tạo của Hoá Công: Bãi biển Amalfi, Ý

Nhìn bãi biển đẹp Amalfi, tôi có cảm nghĩ về kỳ công tạo tác của Thiên Chúa: Sau hàng triệu năm, nước biển vịnh Salerno đục đẽo núi đá Cerreto, chỗ lõm vô sâu, chỗ vẫn còn đá núi nằm chênh vênh bên ngoài trơ thân cùng tuế nguyệt. Quá trình đục đẽo nầy tạo cho vùng vịnh Salerno một dạng không xoay xoảy đồng đều, nhưng quanh co khúc khuỷu rất lập dị. Con người đóng góp vào cảnh trí lồi lõm và phức tạp nầy bằng những tầng lớp nhà từ thấp lên cao, bao che gần hết một mặt núi hướng ra vịnh. Trí óc tôi không đủ thông suốt trong chuyện xây nhà kiểu nầy: Nhà trên cao hàng 500 mét, nhà dưới bãi biễn thấp lè tè. Rồi lại còn canh tác hoa mầu: Nhiều hoa cảnh và hoa màu, rau cải tươi sản xuất từ những khu nhà trên cao. Chung quanh triền núi, không còi cọc, nhưng xanh mịt hoa lá…thật nhiều sức sống.

Suy tư cá nhân:

Cám ơn Chúa vì những kỳ công tuyệt tác: Không ai có thể làm ra cảnh đẹp vịnh Salerno và những rặng núi cao Cerreto ngoại trừ Thiên Chúa toàn năng. Nếu có dịp nhìn ngắm những cảnh đẹp nầy mà không hướng lòng về Đấng Hoá Công thì thật là thiệt thòi cho đời sống con người. Nên không tin tạo hoá hay không tin Thiên Chúa là một thua lỗ lớn cho cuộc đời. Nó na ná như một con vật đang chà đạp một quí kim vì không ý thức giá trị quí báu của nó.

Bãi biển đẹp sạch về mặt thiên nhiên, nhưng khá dơ về mặt xử dụng:  Hàng hàng người tắm biển, phơi trần và nhiều bà nhiều cô phô bày gần hết thân thể mình. Tôi nhìn, không một cảm xúc hay thú vị…. trái lại thấy hơi ghê ghê và ngao ngán…. Mình già chăng? Cũng có thể… nhưng sao thấy những mớ thịt nầy nó bầy nhầy và kém thanh nhã vô cùng.

Nhà thờ chánh toà Thánh Anrê ở Amalfi, Ý cũng như hàng trăm, hàng ngàn nhà thờ ở Ý… đểu nằm dưới sự tài trợ về tài chánh để tu bổ hai sửa sang của chính phủ Ý. Giáo dân đi lễ Chúa Nhật quá ít và đóng góp trên căn bản xu xen… không sao có thể nuôi giáo sĩ và tu bổ thánh đường…. Chính phủ Ý, đánh thuế dân và thu lợi nhuận từ du khách để tài trợ cho những cơ sở tôn giáo, nhà thờ và trả lương giáo sĩ. Từ đó, nhiều nhà thờ chỉ còn là những di tích lịch sử để khách hành hương thăm viếng hơn là nơi thờ phượng và cử hành phụng vụ. Giáo sĩ, đông đảo và áo mão chỉnh tề, chức vụ cao, lương bỗng hậu hĩnh….nhưng xem chừng để duy trì thời hưng thịnh của Giáo Hội đã qua hay chỉ còn để cung cấp những thông tin về những di tích lịch sử. Thật khó kiếm một giáo xứ sinh động, một nhà thờ tấp nập người đến thờ phượng Chúa hay lãnh nhận các bí tích…Xem chừng tất cả đang trở thành di tích để khảo cỗ, để nghiên cứu hơn là thực tế để sống và đáp ứng với những quan niệm và suy tư của thời đại.

Không là di tích hay kỳ tích để lặn lội đi thăm nhưng là hiện thực đời sống, gần gủi xảy ra hằng ngày cần thực thi bác ái.

Xin thêm lời cầu nguyện cho Giáo Hội Rôma để bớt đi hình thức áo mũ, chức quyền hay trưng bày di tích lịch sử mà là chuyện sống đơn giản, khiêm tốn, đồng hành và trưng bày những cảm thông với con người thời đại có quá nhiều đau khổ.

 

Lm Phêrô Trần Thế Tuyên