Nguyên tắc Festinger: Đừng đổ tại số phận, cuộc sống ra sao là do cách ta hành xử

1223

Hãy nhớ rằng phản ứng của bạn rất quan trọng. Chuyện bất ngờ xảy ra chỉ chiếm 10%, nhưng quyết định phản ứng của bạn chiếm tới những 90%, và 90% đó có thể quyết định kết quả của bạn.

Trong cuộc sống thì có 10% là ngoài tầm kiểm soát của chúng ta, nhưng 90% còn lại thì chúng ta có thể khống chế được. (Ảnh: Pixabay)

Trong cuộc sống thì có 10% là ngoài tầm kiểm soát của chúng ta, nhưng 90% còn lại thì chúng ta có thể khống chế được.

Nhà tâm lý xã hội học người Mỹ Festinger có một nhận xét rất nổi tiếng, được mọi người gọi là “Quy tắc Festinger”: “10% của cuộc sống được hình thành bởi những việc xảy ra đối với bạn và 90% của cuộc sống được quyết định bởi thái độ, phản ứng của bạn đối với những sự việc xảy ra với mình”.

Hay nói một cách khác, 10% những sự việc xảy ra trong đời là bạn không thể thay đổi được nhưng 90% còn lại là phụ thuộc ở bạn.

Một buổi sáng, sau khi tỉnh dậy, Festinger đi rửa mặt và tiện tay tháo chiếc đồng hồ đắt tiền của mình để bên cạnh bồn rửa mặt. Vợ anh sợ đồng hồ bị nước làm ướt nên đem nó đặt lên bàn ăn. Con trai họ thức dậy, đến bàn ăn lấy bánh mỳ, không may làm chiếc đồng hồ rơi xuống đất và hỏng mất.

Festinger rất thích chiếc đồng hồ đó, anh không kiểm soát được cảm xúc nên đã đánh con một trận rất đau rồi hằm hằm mặt mắng vợ một hồi. Vợ anh cảm thấy vô lý, mới nói rằng vì sợ nước làm ướt đồng hồ nên mới làm vậy. Festinger giận dữ nói, đó là chiếc đồng hồ không thấm nước.

Thế là 2 người cãi nhau kịch liệt. Vì tức giận nên Festinger cũng không thèm ăn bữa sáng, lái xe trực tiếp tới công ty, khi sắp tới công ty thì chợt nhớ ra mình quên cặp, vì vậy vội vàng trở về nhà. Nhưng trong nhà chẳng có ai, vợ thì đi làm, con thì đi học, chìa khóa của Festinger lại để ở trong cặp, ông không vào được nhà nên chỉ còn cách gọi điện thoại cho vợ.

Cô vợ vì vội vã về nhà nên đã đâm phải sạp hoa quả bên đường. Chủ sạp không cho cô đi, bắt cô phải bồi thường. Cô buộc phải bỏ ra một khoản tiền mới được đi.

Lấy được giấy tờ, Festinger đến công ty muộn 15 phút, bị cấp trên phê bình một trận gay gắt. Khỏi phải nói tâm trạng anh tệ cỡ nào. Trước khi tan giờ làm, vì một việc nhỏ mà anh lại cãi nhau với đồng nghiệp một trận nữa.

Vợ Festinger vì hôm đó phải về đưa chìa khóa cho chồng mà mất giải thưởng chuyên cần cả tháng, trong khi con trai anh hôm đó tham gia giải bóng chày, cậu bé vốn hy vọng sẽ giành giải quán quân, không ngờ vì tâm trạng không tốt nên đã bị loại ngay từ vòng một.

Trong câu chuyện được lấy làm ví dụ này, chiếc đồng hồ bị vỡ là 10% không thể kiểm soát được trong cuộc sống và tất cả những chuyện xảy ra sau đó thuộc về 90% những việc nằm trong sự điều khiển của con người.

Người ta không thể kiểm soát 10% lúc đầu, nhưng hoàn toàn có thể dựa vào tâm thái và hành vi của mình để quyết định 90% còn lại. (Ảnh: Pixabay)

Hãy thử nghĩ xem, nếu như sau khi 10% kia xảy ra, Festinger phản ứng khác so với những gì anh đã làm, ví dụ anh sẽ an ủi con trai:

“Đừng quá lo lắng, con trai, đồng hồ vỡ rồi cũng không sao, bố mang đi sửa là được”, có lẽ con trai anh sẽ vui vẻ, vợ anh cũng vui, bản thân Karl cũng không bị rơi vào trạng thái giận dữ ngay đầu giờ sáng và những việc tồi tệ sau đó sẽ không liên tiếp xảy ra.

Có thể thấy, bạn không thể kiểm soát được 10% những gì xảy ra ở trước nhưng hoàn toàn có thể dùng thái độ và hành vi của mình quyết định 90% sự việc phía sau.

Trong cuộc sống hiện nay, chúng ta vẫn thường nghe thấy những lời ca thán: Tại sao tôi lại kém may mắn đến thế, ngày nào cũng gặp chuyện đen đủi, làm thế nào tôi mới có được tâm trạng tốt một chút đây, ai có thể giúp tôi?

Đây là vấn đề thái độ của từng cá nhân. Thực ra, chẳng có ai có thể giúp bạn ngoại trừ chính bản thân bạn. Nếu như hiểu và vận dụng thuần thục “Nguyên tắc Festinger”trong cách xử lý mọi việc, mọi vấn đề sẽ được giải quyết theo cách tốt đẹp.

Trên mạng xã hội từng đang lan truyền một câu chuyện cảm động lòng người. Một “lời nói dối ngọt ngào” hay một cách lựa chọn phản ứng của một người đã thay đổi cuộc sống của một người khác.

Ở một thị trấn nhỏ của nước Anh đã xảy ra một vụ cướp ngân hàng, tên cướp không cướp được tiền mà lại bị bao vây chặt bên trong. Hắn ta bắt một em bé 5 tuổi và yêu cầu cảnh sát phải chuẩn bị cho mình một khoản tiền lớn cùng một chiếc ô tô, nếu không hắn sẽ nổ súng giết con tin.

Phía cảnh sát cử một chuyên gia đến đàm phán, tuy nhiên tên cướp vẫn ngoan cố không chịu đầu hàng. Khi thấy tên cướp có ý định giết con tin, tận dụng đúng thời cơ, phía cảnh sát đã nổ súng bắn tỉa, tên cướp kêu lên một tiếng rồi ngã lăn xuống đất. Cậu bé nhìn thấy những vết máu và nghe thấy tiếng súng nên sợ hãi khóc thất thanh. Người đàm phán tranh thủ cơ hội chạy lại ôm cậu bé vào lòng.

Đây có lẽ cũng là câu chuyện xảy ra ở nhiều nơi, và cũng không hiếm người gặp phải. Tuy nhiên, câu chuyện chưa dừng lại ở đây.

Tiếng súng dứt, các hãng thông tin truyền thông cũng vừa kịp kéo đến, đúng lúc đó, mọi người chợt nghe tiếng người đàn ông hô to: “Tốt lắm, diễn tập đến đây là kết thúc!”. Cậu bé nghe xong liền ngừng khóc và hỏi người mẹ vừa kịp chạy đến bên cạnh: “Có phải như thế không mẹ?”.

Mẹ cậu bé kìm nén nước mắt và gật đầu. Một viên cảnh sát khác cũng đi đến bên cạnh cậu bé và bình tĩnh khen ngợi: “Cháu diễn tốt lắm, cháu xứng đáng được khen thưởng”.

Những ngày sau đó, giới truyền thông đều im lặng, không ai nói một lời về vụ cướp bởi họ từ hiểu rằng, đó là cách tốt nhất để bảo vệ tâm hồn cậu bé!

Nhiều năm sau, một chàng trai tìm đến gặp người đàm phán năm xưa, hỏi ông: “Tại sao trong lúc ấy, ông lại hô lên như vậy ạ?”.

Ông cười và trả lời: “Khi tiếng súng vang lên, tôi nghĩ rất có thể cậu bé sẽ bị ám ảnh cả đời vì chuyện đáng sợ như thế này. Nhưng khi tôi tới gần cậu bé hơn thì dường như Thượng đế đã gợi ý cho tôi và thế là tôi thốt lên câu ‘Diễn tập kết thúc!’”.

Lúc này, chàng thanh niên bật khóc và ôm chầm lấy ông: “Con chính là đứa trẻ năm xưa đây ạ, con đã bị nói dối suốt 20 năm qua, mãi cho tới gần đây, mẹ của con mới nói rõ sự thật cho con biết. Con cảm ơn bác, cảm ơn bác đã cho con một cuộc đời lành mạnh!”.

Ông nhìn người đàn ông trung niên rồi cười nói: “Con đừng cảm ơn ta! Nếu con muốn cảm ơn thì hãy cảm ơn tất cả những người đã biết chuyện nhưng vẫn sẵn lòng ‘lừa gạt’ con ấy!”.

Hành động của người cảnh sát đó chính là 90% phản ứng của bạn với việc xảy ra. Vụ cướp, vụ nổ súng chỉ là 10% điều bất chợt xảy đến trong cuộc sống. Tuy nhiên, nếu người đàn ông năm đó không chọn phản ứng đó, mà mọi chuyện rẽ theo hướng khác, ông ôm cậu bé, an ủi rằng không sao, mọi chuyện qua rồi, thì chắc chắn cậu bé sẽ không thoát khỏi ám ảnh, và cuộc sống của cậu bé đã chuyển hoàn toàn sang một hướng khác.

Người đàn ông đã đem lại điều tuyệt vời cho cuộc đời của một đứa trẻ, bảo vệ tâm hồn của cậu bé khỏi những ám ảnh cả đời.

Hãy nhớ rằng phản ứng của bạn rất quan trọng. Chuyện bất ngờ xảy ra chỉ chiếm 10%, quyết định phản ứng của bạn chiếm tới những 90%.

 

Chân Chân, theo Secretchina
Nguồn: Tinh Hoa