Nếu muốn bình an trong lòng, hãy thử cai nghiện Facebook

1171

by phanxicovn

Catholic Herald | Linh mục David Palmer

Tập trung vào những phong cách thời thượng và chuyện tranh luận chóng qua mỗi ngày, sẽ ngăn cản chúng ta “tĩnh tại.”

Trong nhiều năm qua, tôi như là một người nghiện truyền thông xã hội, thường xuyên xem điện thoại để biết các tin tức cập nhật trên Facebook và Twitter, cũng như đăng tải những suy tư của mình cho cả thế giới. Tôi thích thú khi được “like” và tweet lại.

Tôi là một người không thích những bài đăng toàn hình thú cưng, và cũng nghĩ rằng chụp ảnh selfies là biểu hiện của tính ái kỷ. Nhưng tôi không chút hoài nghi về giá trị tổng thể của truyền thông xã hội. Xét cho cùng, truyền thông xã hội không phải là dạng truyền thông hiện đại nhất hay sao? Người Công giáo không cần truyền thông xã hội cho những mục đích phúc âm hóa sao? Chẳng lẽ truyền thông xã hội không thể góp phần cho việc mục vụ linh mục của tôi sao?

Nhưng gần đây, tôi đã gặp một linh mục bạn từ thời chủng viện, cha đã ngưng sử dụng Facebook vài năm rồi. Cha chắc chắn là quyết định này đã cải thiện cuộc đời của cha, nhất là cuộc đời một người Công giáo. Và cha thách thức tôi thử làm theo xem sao.

Ngay lập tức, tôi thấy thủ thế, kiểu như một người nghiện cờ bạc bị vợ yêu cầu tránh xa lá bài một thời gian vậy. Nhưng rồi tôi lại nhận ra một phản ứng khác: tại sao ý tưởng phải từ bỏ truyền thông xã hội lại quá đáng sợ như vậy? Tôi thật sự nghiện những cái “like” đến thế sao?

Khi suy nghĩ thêm về việc rút lui khỏi Facebook và Twitter, tôi đã nói chuyện với nhiều người. Và có hai ý kiến tôi thấy rất có giá trị. Thứ nhất, truyền thông xã hội là một diễn đàn để truyền thông xã hội và do đó Giáo hội không nên vắng mặt trên Facebook và Twitter. Thứ hai, nó là cách để giữ liên lạc với nhiều người, mà nếu không có mạng xã hội có thể bạn sẽ mất liên lạc với họ.

Hai lập luận này khiến tôi phải dừng lại suy nghĩ. Về ý kiến đầu tiên, tôi tự hỏi không biết có bao nhiêu người thật sự được hoán cải nhờ một câu tweet đây. Tôi cho là không nhiều người lắm. Có lẽ càng có nhiều người chán nản với đức tin hơn, vì những tranh cãi vô bổ giữa những người Công giáo trên mạng. Truyền thông xã hội không dung dưỡng sự ôn hòa. Chúng có xu hướng nêu bật khía cạnh trái ngược của truyền thông, và những bình luận càng tàn bạo bao nhiêu thì càng nhiều like bấy nhiêu.

Như các nhà báo, người dùng mạng xã hội cũng phải đối mặt với cám dỗ là tập trung nhiều vào các vụ tai tiếng và gây nhiều chia rẽ, mà đó lại là thứ có vẻ không tương hợp với tinh thần của thánh Phaolô nhắn nhủ tín hữu Philip: “Phàm những gì là chân thật, những gì là khả kính, những gì là công minh, những gì là tinh tuyền, những gì là khả ái, những gì là danh thơm tiếng tốt, và nếu có nhân đức nào, nếu có điều dáng khen nào, anh em hãy chú trọng đến tất cả” (Pl 4, 8)

Còn về lý do thứ hai, tôi thấy chuyện bị mất liên lạc với ai đó vì hoàn cảnh thay đổi là chuyện bình thường. Vài tuần trước, một người bạn của tôi trên Facebook vừa đăng rằng anh đã trở lại với Facebook. Vậy mà lâu nay tôi đâu có để ý thấy anh không dùng Facebook. Có lẽ nói thế là bạn hiểu rồi.

Trong trường hợp của tôi, lý do căn bản để tôi từ bỏ thế giới Facebook và Twitter, là vì một ưu tư mà Đức Bênêđictô XVI thường xuyên nhắc đi nhắc lại về nhu cần cần “tĩnh tại.” Mạng xã hội có khuynh hướng kéo chúng ta lên bề mặt, đẩy chúng ta vào một sự gắn kết nông cạn với thế giới. Chúng dung dưỡng sự nô lệ hóa vào thời điểm hiện tại, vào những thị hiếu chóng qua, những tranh cãi đương thời. Chúng ngăn trở sự tập trung vào Ngôi Lời và khiến chúng ta chỉ biết tập trung vào vô số lời tầm thường khác.

Như Đức Bênêđictô XVI đã nói hồi năm 2005: “Sự thinh lặng quá thiếu vắng trong một thế giới dường như quá ầm ĩ này, và nó không có lợi cho tĩnh tại và lắng nghe tiếng Chúa… Chúng ta hãy bồi dưỡng sự tĩnh tại để có thể đón nhận và giữ Chúa Giêsu trong đời mình.”

Facebook và Twitter không giúp tôi bồi dưỡng sự tĩnh tại. Chúng không cho tôi bén rễ sâu trong Thiên Chúa. Nên phải cho chúng ra đi thôi. Có lẽ không hẳn với ai cũng thế, nhưng tôi nghĩ rằng, ít nhất, mỗi khi xưng tội, người Công giáo chúng ta cũng nên nghĩ đến cách mình sử dụng mạng xã hội.

Hôm Thứ Sáu Tuần Thánh, tôi đã bỏ Facebook và Twitter. Và tôi không chắc những “bạn bè” và “người theo dõi” của tôi có nhận ra sự vắng mặt của tôi trên mạng xã hội hay không. Mà sự thật là, hầu hết họ không để ý thấy đâu.

Mà tôi có nhớ mạng xã hội không? Tôi sẽ thú thật. Hôm trước, tôi Tu viện Whitby, và đã muốn chụp một tấm ảnh rồi đăng lên, để mọi người thấy được tôi đang ở một nơi đẹp đẽ đến thế nào, và mừng cho tôi. Nhưng tôi đâu còn mạng xã hội để đăng. Thế nên, thay vì chụp ảnh, tôi thanh thản thưởng ngoạn khung cảnh đẹp đẽ này.

Cha David Palmer là linh mục Dòng Đức Bà Walsingham [Ordinariate of Our Lady of Walsingham]

J.B. Thái Hòa chuyển dịch