Mừng Kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Chúa Nhật 15.11 | Vô Hạ

761

vo ha

Chúa Nhật 33 Thường Niên A, ngày 15.11.2020 nầy, một tuần trước Lễ Chúa Kitô Vua kết thúc năm Phụng Vụ, đặc biệt Giáo Hội Công Giáo Việt Nam dành riêng Mừng Kính Trọng Thể Các Thánh Tử vì Đạo tại VN. Chung cho Giáo Hội Công Giáo Thế Giới thì cử hành lễ nhớ các Vi Thánh Anh Hùng nầy vào ngày 24.11 hằng năm. Trước kia, lễ kính các Ngài khi còn trong bậc Chân Phước, được xếp vào Chúa Nhật đầu của tháng 9.

     Các Thánh Tử Đạo Việt Nam là những tín hữu Công Giáo người Việt hoặc giáo sĩ ngoại quốc, được Giáo hội Công Giáo Rôma tuyên thánh với lý do chết vì Chúa tại Việt Nam. Lịch sử Công Giáo của đất nước nầy, gần như trong thời Sơ Khai Kitô Giáo tại Đế Quốc Rôma, cũng có chừng 300 năm cấm cách, đã dâng lên Chúa hàng trăm ngàn nam, nữ, trẻ, già, các cấp sĩ nông công thương binh dám chết để làm chứng cho đức tin Kitô giáo.

Trong số các Thánh Anh Hùng vô danh trên, 117 vị đã được Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tuyên dương lên bậc Hiển Thánh ngày 19.6.1988, và Thầy Giảng Anrê Phú Yên cũng được tuyên lên Chân Phước ngày 5.3.2000.

Dâng Lễ hôm nay, xin cho chúng con hiểu rằng theo Chúa là bước đi trên nẻo chật hẹp ánh sáng, ngược dòng với đại lộ thênh thang của bóng tối. Và những thập giá là gian khổ hi sinh của thế ông bà cha mẹ chúng con trong kiếp nầy xưa kia, đã mở lối vinh quang tới Chúa trong kiếp sau.

Xin đọc nguyên văn ít là ba bài Lời Chúa bên dưới, để có thể ngộ thêm ít nhiều ý Chúa ẩn tàng, làm thành nghị lực và nguồn sống cho kiếp đời gian khó hôm nay.

BÀI ĐỌC I:
T
rích sách Khôn Ngoan 3, 1-9
Linh hồn những người công chính ở trong tay Chúa, và đau khổ sự chết không làm gì được các ngài. Ðối với con mắt của người không hiểu biết, thì hình như các ngài đã chết và việc các ngài từ biệt chúng ta, là như đi vào cõi tiêu diệt. Nhưng thật ra các ngài sống trong bình an. Và trước mặt người đời, dầu các ngài có chịu khổ hình, lòng trông cậy của các ngài cũng không chết. Sau một giây lát chịu khổ nhục, các ngài sẽ được vinh dự lớn lao; vì Chúa đã thử thách các ngài như thử vàng trong lửa, và chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu. Khi đến giờ Chúa ghé mắt nhìn các ngài, các người công chính sẽ sáng chói và chiếu toả ra như ánh lửa chiếu qua bụi lau. Các ngài sẽ xét sử các dân tộc, sẽ thống trị các quốc gia, và Thiên Chúa sẽ ngự trị trong các ngài muôn đời. Các ngài đã tin tưởng ở Chúa, thì sẽ hiểu biết chân lý, và trung thành với Chúa trong tình yêu, vì ơn Chúa và bình an sẽ dành cho những người Chúa chọn.

BÀI ĐỌC II:
“Tiếng nói của Thập Giá là sức mạnh của Thiên Chúa ban cho chúng ta”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô. 1 Cr 1, 17-25
Anh em thân mến, Ðức Kitô không sai tôi đi rửa tội, mà là rao giảng Tin Mừng, không phải bằng lời nói khôn khéo, kẻo Thập giá của Ðức Kitô ra hư không.

Vì chưng lời rao giảng về Thập giá là sự điên rồ đối với những kẻ hư mất; nhưng đối với những người được cứu độ là chúng ta, thì điều đó là sức mạnh của Thiên Chúa. Vì như đã chép rằng: “Ta sẽ phá huỷ sự khôn ngoan của những kẻ khôn ngoan, sẽ chê bỏ sự thông thái của những người thông sáng. Người khôn ngoan ở đâu? Người trí thức ở đâu? Người lý sự đời này ở đâu?” Nào Thiên Chúa chẳng làm cho sự khôn ngoan của đời này hoá ra điên rồ đó sao? Vì thế gian tự phụ là khôn, không theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa mà nhận biết Thiên Chúa, thì Thiên Chúa đã muốn dùng sự điên rồ của lời rao giảng để cứu độ những kẻ tin. Vì chưng, các người Do-thái đòi hỏi những dấu lạ, những người Hy-lạp tìm kiếm sự khôn ngoan, còn chúng tôi, chúng tôi rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá, một cớ vấp phạm cho người Do-thái, một sự điên rồ đối với các người ngoại giáo. Nhưng đối với những người được gọi, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, thì Ngài là Chúa Kitô, quyền năng của Thiên Chúa, và sự khôn ngoan của Thiên Chúa, vì sự điên dại của Thiên Chúa thì vượt hẳn sự khôn ngoan của loài người, và sự yếu đuối của Thiên Chúa thì vượt hẳn sức mạnh của loài người.

PHÚC ÂM:
“Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại biết”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu. Mt 10, 17-22
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: “Các con hãy coi chừng người đời, vì họ sẽ nộp các con cho công nghị, và sẽ đánh đập các con nơi hội đường của họ. Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại được biết. Nhưng khi người ta bắt nộp các con, thì các con đừng lo nghĩ phải nói thế nào và nói gì. Vì trong giờ ấy sẽ cho các con biết phải nói gì: Vì chưng, không phải chính các con nói, nhưng là Thánh Thần của Cha các con nói trong các con. Anh sẽ nộp em, cha sẽ nộp con, con cái sẽ chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghen ghét, nhưng ai bền đỗ đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu độ”

Đôi dòng ghi chú và tâm tình.
Trước hết, “Tử Đạo” trong Việt Ngữ được hiểu theo từ ngữ gốc rễ Hy Lạp là Martyr, Martys: witness Anh Ngữ, là “Chứng Nhân” trong mọi sinh hoạt bình thường. Riêng phạm vi tôn giáo, khi tín hữu làm chứng niềm tin của mình vào Thiên Chúa đến độ dám tình nguyện chịu đau khổ tới chết mà không chối bỏ đức tin ấy, được gọi là Tử Vì Đạo hay Tử Đạo, chết vì Chúa.

Hơn 2/3 thời gian đầu trong gần 500 năm Đạo Chúa tới Việt Nam, nếu được tính từ lúc thương nhân Công Giáo Bồ Dào Nha tên Inikhu đặt Thánh giá trên núi tại cửa Hàn, Đà Nẳng năm 1533, và sau đó khi Giáo Sĩ Công Giáo tới truyền Đạo, vua chúa Nước Nam gọi đạo nầy là Hoa Lan Đạo, rồi chính danh trên văn bản theo thời gian là Đạo Gia Tô. Tại sao có từ ngữ nầy?

Xin thưa danh gọi nầy bắt nguồn từ danh tính Jesus Christus trong Latin hay Jesu Cristo tiếng Tây Ban Nha và Jesus Cristo tiếng Bồ, viết ra chữ Hán: 耶 稣 基 督 khi vào xứ truyền giáo cho bốn dân tộc khi Việt và Hàn lúc còn chung đồng văn chữ viết với Hoa và Nhật. Bốn từ ngữ Hán trên được phát âm theo Việt Nho là “Gia Tô Cơ Đốc” ngày nay là Giêsu Kitô của Công giáo. Một danh hiệu siêu việt trên mọi danh hiệu (Pl 2: 5-11) đến nỗi các thánh tử đạo tại Việt Nam cũng như của ba nước trên, dám liều mạng sống vì Ngài, mà không phủ phục trước những tước danh khác của vua chúa trần gian.

Từ Cơ Đốc còn được Hội Thánh Cơ Đốc Phục Lâm, Seventh Day Adventist Church, dùng và anh em Tin Lành cũng gọi Kitô Hữu Christian là Cơ Đốc nhân: Người thuộc về Chúa Kitô.

Trở lại Sách Khôn Ngoan, do tác giả Do Thái viết vào trong những năm (50-30 TCN) đề cao việc trung thành với Thiên Chúa của Cha Ông qua Lề Luật Giao Ước, giữa lúc không ít dân chúng bị xiêu ngã vì ảnh hưởng của văn hóa và văn minh nhiều hấp dẫn của Hi Lạp từ năm 320 TCN và thế lực Rôma sau năm 63 TCN.

Trong thời gian nầy, có những anh hùng Do Thái nổi dậy chống Hi lạp như phong trào Macabê (2 Mcb 7:1-14) và chống Rôma như hai kẻ trộm (theo một số chú giải, đúng ra là tội làm chính trị nổi lên chống ngoại lai) hai bên tả hữu Chúa trên thánh giá. Tất cả là vì động lực tôn giáo muốn giữ cho Do Thái Giáo được nguyên thủy tinh tuyền hơn là vì động lực chính trị. Những thành viên sa cơ thất thế trên, đã bị chính quyền đô hộ trừng trị bằng mọi hình khổ.

Dưới nhãn quan của Sách Khôn Ngoan, các ngài chịu thử thách như vàng trong lửa, đã trở nên của lễ toàn thiêu nguyên vẹn, để sống với Chúa muôn đời.

Những người nầy là hình ảnh của các thánh tử đạo của thời Tân Ước khắp nơi. Còn tại Việt Nam trước kia, Các Thánh Anh Hùng nầy bị vua quan gán ghép cho và giết hại vì theo Đạo Gia Tô (Đạo Giêsu).

Qua phần Phúc Âm, Bài đọc I Thánh Lễ Chúa Nhật trong sách Khôn Ngoan mở đường cho, hay rõ hơn, có cùng đại ý “nhờ đau khổ thanh luyện để tiến tới vinh quang” (Lc. 24:25-27) như ý chính của Bài Phúc âm. Và Chúa Giêsu là cán bộ đi trước, để con dân Chúa bước theo sau, trong số đó các Thánh Tử Đạo đã về tới đích điểm trước nhất trong cuộc chạy đua thuộc linh tại trần thế, để trở nên mẫu gương cho cháu con, mọi người mọi thời.

Chúa Giêsu đã thấy rõ và báo trước, khi họ đánh chủ chăn thì đàn chiên phải tan tác (Mt 26,31b ; Mc 14,27). Nhưng dưới thị kiến linh thiêng sâu xa hơn, khi chủ chiên dám liều mạng sống vì đàn chiên thì lại trở nên mẫu gương biểu kiến của niềm tin làm chứng xác thực cho lời mình rao giảng. Sự hi sinh nầy mang lại ơn ích thiêng liêng không nhỏ cho dân Chúa. Ơn sủng nầy đã khiến con chiên là tín đồ dám liều mình đồng hành vào vòng lao lý, cùng chung với chủ chiên làm chứng nhân cho Đức “Gia Tô Cơ Đốc” của mình, theo từ ngữ của thời quí Ngài lúc tại thế.

Đoạn trên đây, Thánh Matthêu ghi lại (chừng năm 80-90) những lời Chúa Giêsu tiên báo trước kia, trong hoàn cảnh bị bách hại thời sơ khai thế kỷ đầu. Đạo Chúa là ánh sáng, sẽ bị va chạm với bóng tối đang nắm quyền lực.

Không ai muốn bị bách hại, ghét bỏ, khai trừ. Nhưng trong cái rủi, sinh cái may là nhờ bách hại, Hội Thánh mới lan rộng mau chóng do con dân Chúa bỏ thành nầy sang thành khác (17: 23). Đi tới đâu làm chứng về Chúa tới đó, qua gương sống và lời nói cho quan quân không đức tin và có khi cho cả những người trong nhà chưa ngộ đạo nữa.

Chúa Giêsu cũng thêm hứa Thánh Thần sẽ hổ trợ cho có dư khôn ngoan và can đảm để ứng xử. Các Thánh Tử Đạo anh hùng Việt nam và khắp nơi mọi thời đã thực hiện trọn vẹn những điều trên, trong đó Cha Trương Bửu Diệp (1897-1946) Giáo Phận Cần Thơ, dám chết cho bổn đạo bị làm con tin của thế lực bóng tối.

Trở lại bài đọc II, Thánh Phaolô nâng cao tầm nhận thức cho tín hữu Côrintô về ý nghĩa thần học cao cả của thập giá. Dân Trung Đông Tiểu Á đã sáng chế ra từ xa xưa nhiều ngàn năm trước và áp dụng hình phạt treo thập giá cho tội nhân và nô lệ lâu dài trước Chúa Giêsu Giáng sinh. Khi Đế Quốc Rôma xâm lăng Do Thái năm 63 TCN cũng luôn giữ lại hình phạt nầy cho dân bị trị kinh sợ mà không chống đối.

Rồi Chúa Giêsu lại dùng Thập Giá, như chướng ngại điên khùng lớn lao trước mắt người đời, để trở thành sự khôn ngoan siêu cấp trong việc cứu chuộc trần gian. Riêng các Thánh Tử Đạo được mừng kính hôm nay, đã chấp nhận thánh giá to lớn nầy, là chết ngu dại vì danh Chúa theo lối nhìn của thế gian, để bước vào khôn ngoan vinh quang với Chúa.

Tới đây, xin ghi chút kỷ niệm với tâm tình nhớ ơn Thầy khi Mừng Lễ Chư Thánh tháng 11 năm nầy. Khi dạy xong lớp thần học nhập môn, Vị Cố Linh Mục Giáo Sư Nguyễn cho học trò một phút tóm tắc những gì đã học trong hai năm của chương trình. Ngài còn thêm rằng chỉ cần hai tíc tắc là đủ.

Mình cũng suy đoán, chắc là vẽ hình Thánh Giá mới kịp giờ, nhưng còn do dự. Liền sau đó, Vị Thầy cầm cục phấn lên bảng đen, vẽ đường ngang rồi kéo thêm đường dọc vuông gốc tại giữa đường ngang, với lời chú thích: Căn bản của đạo Chúa là chương trình sáng tạo và cứu chuộc, được ghi ra trong Thánh Kinh và Thánh Truyền. Cả 2 tài sản nầy tóm gọn ra thành sách giáo lý và đạo đức. Giáo lý của Chúa thu nhỏ thêm, gọn nhất là Thánh Giá, nơi treo Đấng Cứu Chuộc trần gian, để qua đó mà tái tạo ra thế giới mới thời Tân Ước, đưa tới vinh quang. Vì chưng thế giới cũ đã bị tội nguyên tổ kéo thêm bao tội khác làm hư hỏng rồi. Các Thánh Tử Đạo là những người đã ngộ được lẽ mầu nhiệm nầy. Nên quí Ngài đã dám kinh qua nẻo thần vững vàng trên mà vinh thắng. Và con dân gốc Việt mừng kính hôm nay, cùng noi theo mẫu gương đó.

Thời nay, vì ảnh hưởng to lớn của những nước Tây Phương văn minh, phần lớn thành cường quốc nhờ hiến pháp dựa vào nền tảng Kitô Giáo, làm cho những thế lực bóng tối phải kiêng nể và cũng để xin viện trợ. Nên những cảnh bách hại đạo Chúa như vua quan hai ba thế kỷ về trước không còn. Nhưng tự sinh ra nhiều cách thế ngăn cản bóp nghẹt đạo Chúa tinh vi hơn, vẫn thường xảy ra khắp đó đây.

Tại những xứ Kitô giáo Âu Mỹ, ảnh hưởng tả phái muốn phá bỏ luật lệ Kitô giáo ngày càng gia tăng, như phá thai tự do, hôn nhân đồng tính, chê cười tín hữu còn lui tới nhà thờ, một vợ một chồng là cổ lỗ sĩ, li dị vài ba đời mới văn minh, muốn ăn nằm với ai thì tự do tán tỉnh … Tránh được những cám dỗ nầy là tử đạo trong đời sống hằng ngày. Chia sẻ chút giờ, chút tài vật dâng cúng lên Chúa hoặc phục vụ xã hội, mà bị vợ chồng hạch hỏi, con cái khó chịu, nhưng ráng vượt qua là tử đạo tân thời …

Tóm lại, sau đây là ít dòng kinh nghiệm của Vị Lm. Nguyễn SJ. vài năm trước đây trong một lớp tu học Thánh Kinh. Cha chia sẻ cho cả lớp về ơn Thánh Thần mở trí mở lời trong thời gian lao tù, mà mình cũng có sống qua.

Nhiều người bị vào tù, vì là tu sĩ hay Kitô hữu, nhưng hay bị gán ghép tội chính trị vu vơ, thì người tù con Chúa vẫn tỉnh bơ, vì tin rằng có Chúa ở cùng, nên được bình an nội tại từ tâm đến trí.

Hai là khi bị hỏi cung, là lúc lợi dụng cơ hội chia sẻ niềm tin của mình. Thí dụ như chỉ dẫn thật thà cho cán bộ vô tín chất vấn biết rằng dù ai đó có từ chối hay phỉ báng Đức Kitô thì mỗi ngày hay mỗi giây phút sống và cả trên nấm mồ, người ấy đều phải nhớ tới và tuyên xưng sinh nhật, rõ hơn, là năm sinh của Chúa Giêsu một cách tích cực dù không chú ý. Đó là mỗi khi nhìn lên tờ lịch hay đồng hồ tính giờ để làm việc và để sống theo thời khóa biểu, nhất là những lúc báo cáo, kiểm toán, trực phiên, lãnh lương, vô tiền. ..

Sau hết xin ghi lại bài thơ tứ tuyệt bốn câu, của Ông cố Linh Mục Anphonsô Nguyễn Thiên Tứ (1894-1971) GP Cần Thơ, ca tụng Các Thánh Tử Đạo Việt nam trên mục Vườn Vui Thánh của tờ Nguyệt San Thực Hành hơn nửa thế kỷ trước.

  • Mừng khen thay bao Đấng Anh Hào
    Hết lòng vì Chúa chẳng chút nao
    Thế gian đau thương không kể xiết
    Thiên đàng hạnh phúc lớn biết bao.

KINH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

của Đức TGM Nguyễn Văn Bình (1910-1995)

Kính lạy các thánh Tử Đạo Việt Nam,
là con thảo của Cha trên trời,
là chứng nhân anh dũng của Đức Kitô, 
là thành phần trung kiên của Hội thánh.

Nay chúng con xin hợp với các ngài
và với Đức Trinh Nữ Maria 
là nữ vương các thánh Tử Đạo
mà ca tụng Chúa muôn trùng cao cả.

Xưa Chúa ban cho các ngài
được vững tin vào Lời Chúa
và đầy sức mạnh của Thánh Thần,
nên các ngài đã kiên tâm chịu gian lao đau khổ,
quyết một lòng theo Đức Kitô trên con đường thập giá
và hy sinh đến giọt máu cuối cùng.

Các ngài đã chấp nhận nên hạt lúa gieo vào lòng đất,
để Hội thánh Việt Nam 
thu lượm được mùa lúa dồi dào.

Nay Hội thánh lại dâng các ngài lên Chúa
như hoa quả đầu mùa để cảm tạ tri ân.

Các ngài đã yêu mến quê hương,
xin cầu cho đất nước được an vui hạnh phúc
và góp phần xây dựng một thế giới hòa bình.

Các ngài đã cam lòng chịu chết mà không oán hận,
xin cầu cho đồng bào mọi giới
biết yêu thương và đùm bọc lẫn nhau.

Các ngài đã hy sinh tất cả vì đức tin,
xin cầu cho mọi Kitô hữu
biết sống và chia sẻ niềm tin của mình.

Lạy Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
là những bậc tiền nhân đã hoàn thành sứ mạng,
xin chuyển cầu cho chúng con là con cháu
được noi gương các ngài
biết đem lòng bác ái mà dấn thân phục vụ,
để một ngày kia trên thiên quốc
chúng con được hợp tiếng với các ngài
ca ngợi tạ ơn Chúa muôn đời vinh hiển. Amen.

Bài Vô Hạ
Ảnh minh họa: Thầy Lian