Mục tử, đàn cừu và bãi rào

3871

Scarlett Le | Tam Le | Đời sống thời Kinh Thánh

cuu_01

  1. Cừu có một vai trò rất quan trọng trong đời sống thời Kinh Thánh và từ “cừu” cũng xuất hiện hơn 500 lần trong Kinh Thánh. Job có 14 ngàn con cừu. Khi đánh bại người Midian, Moses đã nhận được hơn 600 ngàn con cừu. Vào thời vua Solomon, đã có 120 ngàn con cừu và dê bị giết để hiến tế ở đền thờ.

cuu_02

  1. Cừu đuôi béo là một giống cừu rất có giá trị. “Ngươi sẽ lấy mỡ con cừu, đuôi và màng mỡ che tạng phủ, lá gan và hai trái cật cùng với mỡ trên cật và đùi phải, vì đó là cừu lễ tấn phong” (Xuất hành 29:22). Đuôi của giống cừu này có thể nặng từ 15 đến 20 cân Anh (6,8-9 kg), được công nhận là món ăn cực phẩm.

cuu_03

  1. Cừu hoàn toàn lệ thuộc vào người chăn, người này bảo vệ và dẫn dắt chúng đến vùng đồng cỏ tốt tươi và nguồn nước mát lành. Một con cừu không có người chăn dắt sẽ gặp nguy hiểm dẫn đến mất mạng. “Người ấy sẽ ra vào trước họ và dẫn họ ra vào, để cộng đồng của ĐỨC CHÚA đừng giống như đàn chiên không có mục tử chăn dắt.” (Dân số 27:17).

cuu_04

  1. Những người chăn cừu thường mang theo một cây gậy làm bằng gỗ sồi, đôi khi còn gắn những cây đinh, để bảo vệ đàn cừu khỏi sự tấn công của lũ thú hoang. “Ðavit thưa với Saul: “Tôi tớ ngài thường chăn cừu dê cho cha con; mỗi khi có sư tử hay gấu tới tha đi con nào khỏi đàn, 35 con liền theo sau mà đánh, và giựt lại (mồi) khỏi mõm nó. Nó mà chồm lên con, con liền nắm râu hàm nó mà đập cho chết thôi. 36 Tôi tớ ngài đã từng đánh với sư tử, với gấu! …”. (1 Samuel 17:34-36). Một người chăn cừu cần ngăn không cho sói, sư tử, gấu, báo và cả những tên trộm tấn công đàn cừu của mình.

cuu_05

  1. Những người chăn cừu còn đem theo một cây cù ngoéo, là một cây gậy dài 5-6 bộ Anh (1,5-1,8m) đầu có gắn một cái móc.

cuu_06

  1. Cây cù ngoéo được dùng để lùa đàn cừu và móc kéo chúng ra khỏi chỗ nguy hiểm. Thánh Vịnh 23 có kể về cây gậy và cây gậy có móc của người chăn cừu là cứu tinh, là nguồn bình an cho cả đàn cừu. “Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng.
    Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm.“ (Thánh Vịnh 23,4)

cuu_07

  1. Ezekiel có kể lại câu chuyện về một tục lệ đếm cừu bằng cách cho đàn cừu đi qua bên dưới cây gậy. “Ta sẽ duyệt các ngươi qua dưới gậy và cho các ngươi qua, vừa qua Ta vừa đếm…” (Êdêkien 20,37). Con cừu thứ mười đi qua cây gậy là con bị đem đi hiến tế. “Mọi thuế thập phân đánh vào bò và chiên dê, tức là một phần mười của mọi vật đi qua dưới cây gậy người chăn, đều là của rất thánh dâng ĐỨC CHÚA.” (Lêvi 27,32).

cuu_08

  1. Có khi người chăn cừu còn mang theo những cái ná làm bằng hai sợi gân thú và một miếng da để bọc giữ một hòn đá. Thứ vũ khí này được dùng để bắn hòn đá phóng mạnh vào thú dữ. Cậu bé chăn cừu David đã nổi tiếng về việc đã hạ gục Goliah bằng một hòn đá bắn ra từ chiếc ná của mình. Người chăn cừu thường thổi sáo để  tiêu khiển. David đã học chơi đàn hạc trong lúc đi chăn đàn cừu cho cha.

cuu_09

  1. Ở Israel vào mùa xuân, có rất nhiều đồng cỏ xanh mượt mà, và đó là thời điểm lũ cừu gặm cỏ gần nhà người chăn dắt. Sau mùa thu hoạch ngũ cốc, ngay cả khi những người nghèo đã mót hạt xong, lũ cừu vẫn có thể kiếm được thứ để ăn trên những cánh đồng.

cuu_10

  1. Lúc đồng cỏ đã trơ trụi, cừu sẽ được dẫn đến những cánh đồng cỏ mới. Khi thời tiết nóng lên, cỏ tươi trên đồng sẽ trở thành cỏ khô.

cuu_11

  1. Vào cuối thu lúc trời chuyển sang đông, nếu người chăn cừu không tìm được đồng cỏ thì phải tự mình đi kiếm nguồn thức ăn cho lũ cừu. “Như mục tử, Chúa chăn giữ đoàn chiên của Chúa, tập trung cả đoàn dưới cánh tay. Lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt.” (Isaia 40,11). “Xin Ngài dùng gậy chăn dắt dân là đàn chiên, là cơ nghiệp của Ngài, đang biệt cư trong rừng giữa vườn cây ăn trái. Xin đưa họ tới đồng cỏ miền Ba-san và Ga-la-át như những ngày thuở xa xưa.” (Mikha 7,14). Đôi khi, người chăn cừu đành phải cắt cành lá trên cây xuống cho đàn cừu ăn.

cuu_12

  1. Tìm ra nguồn nước cho cừu uống là việc vô cùng quan trọng. Người chăn dẫn đàn cừu của mình đến nơi có dòng nước, nhưng nước không được chảy quá mạnh đễ lũ cừu không bị hoảng sợ. “Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành” (Thánh Vịnh 23,2).

cuu_13

  1. Khi những nơi có nước đều đã khô cạn, người ta còn phải lấy nước giếng lên cho cừu uống. “Chúng tôi không được làm như vậy, trước khi các đàn vật tụ tập đông đủ; bấy giờ người ta mới lăn tảng đá khỏi miệng giếng, và chúng tôi sẽ cho chiên dê uống.” (Sáng Thế Ký 29,7).

cuu_14

  1. Khi di chuyển từ nơi này đến nơi khác, người ta làm bãi rào nhốt tạm lũ cừu bằng những bụi gai hay lùm cây. “Ta sẽ chăn dắt chúng trong đồng cỏ tốt tươi và chuồng của chúng sẽ ở trên các núi cao Ít-ra-en. Tại đó chúng sẽ nằm nghỉ trong chuồng êm ái, sẽ đi ăn trong đồng cỏ mầu mỡ trên núi non Ít-ra-en.” (Êdêkien 34,14).

cuu_15

  1. Cũng có những lúc cừu được lùa vào hang động hay những khu được bao quanh bằng cây gỗ, hàng rào hoặc những hòn đá.

cuu_16

  1. Những bãi rào chuyên dành nhốt cừu thường xuyên được xây ở mặt phía đông của thung lũng, để có thể bảo vệ đàn cừu tránh những cơn gió lạnh. Bãi rào có những bức tường đá cao 4-5 bộ Anh (1,2-1,5m) và có một cửa vào, người chăn cừu luôn túc trực ở đó để canh chừng. Những nhánh gai nhọn được đặt trên bờ tường để ngăn thú hoang. Chúa Jesus đã kể câu chuyện liên quan đến một bãi rào như vậy, nơi có những tên trộm và những tên cướp trèo tường vào bên trong. “Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp.2 Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử.” (Gioan 10,1-3).

cuu_17

  1. Vài đàn cừu có thể cùng nhau ăn chung trên một cánh đồng cỏ hay ở chung trong một bãi rào. Tuy nhiên, những con cừu nhận biết giọng nói của người chủ chăn, và cừu sẽ đi theo mỗi khi chủ chăn cất tiếng gọi chúng. “Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh.5 Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ.” (Gioan 10,4-5). Những con cừu đi lạc rãi rác sẽ biết đường quay về nhờ vào tiếng gọi của người chăn dắt. “Như mục tử kiểm điểm đàn vật của mình vào ngày nó ở giữa đàn chiên bị tản mác thế nào, thì Ta cũng sẽ kiểm điểm chiên của Ta như vậy. Ta sẽ kéo chúng ra khỏi mọi nơi chúng đã bị tản mác, vào ngày mây đen mù mịt.” (Êdêkien 34,12-13).

cuu_18

  1. Ở vùng Trung Đông, người chăn cừu không lùa đàn cừu của mình mà họ dẫn lối cho chúng đi theo. Có thể có thêm một người phụ chăn đi bọc hậu để giúp đỡ cho những con cừu la cà bị tụt lại phía sau. “Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh.” (Gioan 10,4).

cuu_19

  1. Những người chăn cừu biết tên từng con cừu trong đàn. “Anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra.” (Gioan 10,3).

cuu_20

  1. Những người chăn cừu dẫn những đàn lớn với hơn 150 con thường phải mướn thêm người phụ giúp, nhưng những người làm thuê không phải lúc nào cũng hết lòng chăm sóc tốt cho đàn cừu. “Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy.” (Gioan 10,12).

cuu_21

  1. Chúa Jesus có kể câu chuyện ngụ ngôn về một người chăn cừu tốt đã bỏ công đi tìm kiếm một con cừu đi lạc. “Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất?” (Luca 15,4)

cuu_22

  1. Từ con cừu, người ta có thể sản xuất ra nhiều sản phẩm có giá trị. Len được dùng làm ra nhiều loại trang phục. Isaiah ví những tội lỗi được thứ tha như màu trắng của len. “Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết; có thẫm tựa vải điều, cũng hoá trắng như bông.” (Isaia 1,18).

cuu_23

  1. Da cừu được dùng làm ra những chiếc áo choàng ấm áp. Có khi tấm da còn được đem phơi nắng để làm da thuộc. Thịt cừu được nấu hoặc nướng lên để ăn. Sữa cừu dùng ủ men làm sữa chua và làm phó mát.

cuu_24

  1. Cừu còn được dùng để sát tế chuộc tội. Một con cừu đực non được dùng như một lễ vật tạ ơn hay vật hiến tế chuộc tội. Việc dâng hiến một  con cừu non thanh khiết trong ngày Lễ Vượt Qua là nghi thức tôn giáo quan trọng của năm. “Mồng mười tháng này, ai nấy phải bắt một con chiên cho gia đình mình, mỗi nhà một con.4 Nếu nhà ít người, không ăn hết một con, thì chung với người hàng xóm gần nhà mình nhất, tuỳ theo số người. Các ngươi sẽ tuỳ theo sức mỗi người ăn được bao nhiêu mà chọn con chiên.5 Con chiên đó phải toàn vẹn, phải là con đực, không quá một tuổi. Các ngươi bắt chiên hay dê cũng được.6 Phải nhốt nó cho tới ngày mười bốn tháng này, rồi toàn thể đại hội cộng đồng Ít-ra-en đem sát tế vào lúc xế chiều,7 lấy máu bôi lên khung cửa những nhà có ăn thịt chiên.” (Xuất Hành 12,2-7)

cuu_25

  1. Sừng cừu đực rất có giá trị, được dùng để đựng chất lỏng hay làm thành một loại kèn có tên là “shofar”, tức cái tù và hay kèn sừng cừu.

cuu_26

  1. Kèn sừng cừu được thổi vang khi Joshua chiếm được thành Jericho. “Khi tù và bằng sừng cừu rú lên, khi các ngươi nghe tiếng tù và, thì toàn dân lớn tiếng hò reo xung trận.” (Giôsuê 6,4) và cũng được sử dụng để loan báo việc bắt đầu ngày lễ Sabbath cùng những sự kiện lớn khác.

Scarlett Le & Tam Le