Mến Chúa Yêu Người Như Chính Mình | Vô Hạ

879

vo ha

Tình yêu đúng nghĩa, mọi mặt nói chung, như viên ngọc quí, đã được coi trọng như chân lý muôn đời cho sự sinh tồn của nhân loại, trong mọi sinh  hoạt hàng ngày. Xưa kia tình yêu được diễn tả qua dấu chỉ, ngôn ngữ, rồi qua ca dao, tục ngữ, được viết thành văn, thành sách, thành phim, hàng vạn cách thế với lời ca tiếng nhạc muôn màu muôn vẻ… Đó là món quà quí giá nhất mà Trời ban cho loài người.

Riêng Lịch Phụng Vụ Công Giáo Chúa Nhật Thường Niên 30 A, ngày 25/10/2020 nầy, chọn đoạn Phúc Âm của Thánh Matthêu 22: 34 – 40  được Chúa Giêsu là bậc Thầy cao cả  xếp loại và tóm gọn trọn bộ giáo lý Đạo Thánh của Người. Từ lúc tạo thiên lập địa trong Cựu Ước qua suốt  thời Tân Ước, một cách gọn nhẹ, chỉ gói lại trong 4 chữ “mến Chúa yêu người”.

https://thaihabooks.com/wp-content/uploads/elementor/thumbs/1-4-o1igbohp731w432m6jiodusi2nd5cp4haqun5w7jwo.jpg

Xin đọc 3 bài lời Chúa bên dưới và cũng xin Chúa soi sáng thêm để hiểu cốt  lõi của Đạo Chúa, là Đạo của Tình Yêu.

BÀI ĐỌC I.
Trích sách Xuất Hành 22: 21-27

Đây Chúa phán: “Ngươi chớ làm phiền lòng và ức hiếp khách ngoại kiều: Vì các ngươi cũng là khách ngoại kiều ngụ trong đất Ai-cập. Các ngươi đừng làm hại cô nhi quả phụ. Nếu các ngươi hà hiếp những kẻ ấy, họ sẽ kêu thấu đến Ta, và chính Ta đã nghe tiếng họ kêu van. Ta sẽ nổi cơn thịnh nộ, sẽ dùng gươm giết các ngươi, vợ các ngươi sẽ phải góa bụa, và con cái các ngươi sẽ phải mồ côi. “Nếu ngươi cho người nghèo khó nào trong dân cùng định cư với ngươi mượn tiền, thì ngươi chớ hối thúc nó như kẻ đặt nợ ăn lãi quen làm, và chớ bắt nó chịu lãi nặng. Nếu ngươi nhận áo sống của người láng giềng cầm cố, ngươi hãy trả lại cho kẻ ấy trước khi mặt trời lặn: Vì nó chỉ có một áo ấy che thân, và không còn chiếc nào khác mặc để ngủ; nếu kẻ ấy kêu van đến Ta, Ta sẽ nhậm lời nó, vì Ta là Đấng thương xót”.

TMT 063: Exodus 22:21 – 22:27BÀI ĐỌC II.
Trích thư I của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica. 1 Tx 1, 5c-10

Anh em thân mến, khi chúng tôi còn ở giữa anh em, anh em biết chúng tôi sống thế nào vì anh em. Và anh em đã noi gương chúng tôi và noi gương Chúa, đã nhận lấy lời rao giảng giữa bao gian truân, với lòng hân hoan trong Thánh Thần, đến nỗi anh em đã nên mẫu mực cho mọi kẻ tin đạo trong xứ Macêđônia và Akaia. Vì từ nơi anh em, lời Chúa vang dội không những trong xứ Macêđônia và Akaia, mà còn trong mọi nơi; lòng tin của anh em vào Thiên Chúa đã quá rõ rồi, đến nỗi chúng tôi không còn nói thêm làm gì nữa. Vì người ta thuật lại việc chúng tôi đã đến với anh em thế nào, và anh em đã bỏ tà thần trở về với Thiên Chúa làm sao để phụng thờ Thiên Chúa hằng sống và chân thật, để trông đợi Con của Người từ trời mà đến, “Đấng mà Người đã làm cho từ cõi chết sống lại”, là Đức Giêsu, Đấng đã giải thoát chúng ta khỏi cơn thịnh nộ sắp đến.

PHÚC ÂM:
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu. Mt 22, 34-40

Khi ấy, những người biệt phái nghe tiếng Chúa Giêsu đã làm cho những người Sađốc câm miệng, thì họp nhau lại, đoạn một người thông luật trong nhóm họ hỏi thử Người rằng: “Thưa Thầy, trong lề luật, giới răn nào trọng nhất?” Chúa Giêsu phán cùng người ấy rằng: “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là giới răn thứ nhất và trọng nhất. Nhưng giới răn thứ hai cũng giống giới răn ấy là: Ngươi hãy yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi. Toàn thể Lề luật và sách các Tiên tri đều tóm lại trong 2 giới răn đó”.

Vài ghi chú và tâm tình.      

Sách Xuất Hành hay Xuất Ai Cập ghi lại biến cố vĩ đại, Chúa dùng cánh tay thần lực và uy dũng để đưa sắc dân Hyksos con cháu Abraham ra khỏi cảnh nô lệ tại Ai Cập và ký giao ước với dân tại núi Sinai.

https://ssnet.org/wp-content/uploads/2019/07/lfwas0138.jpgTrong bài đọc I trên, Chúa phán với dân theo cung cách đầy uy quyền của vị Hoàng Đế vĩ đại mà lối nhân ảnh có thể diễn tả. Trong bản Việt Ngữ, Chúa tự  xưng “Ta” là chủ thể và đối tượng là  “các ngươi”  kèm theo cơn thịnh nộ và dùng gươm răn đe cho kẻ xấu phải run sợ, mà tránh điều ác. Vì hoàn cảnh và tâm lý lúc đó, Chúa phải dùng phương pháp giáo dục cứng rắn với dân như vậy. Nhưng Người là Đấng đầy lòng thương cảm.

Ở đây, Chúa còn dạy cho dân cách cụ thể đi vào chi tiết như biết tôn trọng và trợ giúp ngoại kiều, di dân vì chính mình đã là hạng người nầy khi còn trong xứ Ai Cập. Chúa cũng bảo vệ thêm những người dễ bị hiếp đáp và tổn thương nhất như cô nhi  quả phụ. Qua các tiên tri Chúa cấm ngược đãi mẹ góa con côi (Xuất Hành 22:21-23). Chúa còn chỉ thị cho dân khi giúp người nghèo khó mượn tiền hay cầm cố, không kể lời tính lãi. Đây là những tiến bộ xã hội và nhân bản cao nhất trong yêu thương, được ghi lại trong Thánh Kinh, mà từ 3.500 năm trước cho tới hôm nay, ít ai nghĩ tới và làm được.

Qua bài Phúc Âm. Nhóm đối nghịch Chúa Giêsu thua keo nầy lại gầy keo khác, nên gởi chuyên gia luật đến thử Chúa.

Luật Cựu Ước của đạo Do Thái có 365 điều cấm và 248 điều buộc. Cộng chung là 613 luật. Tất cả đều quan trọng như nhau trên vai của người khác, tùy theo ý diễn giải của Thầy Thông Luật, đang khi chính Quí Thầy, đa số là giáo sĩ, thì ít khi mó tay vào (Mt. 23: 4).

Trong bài nầy, họ thử thách Chúa với câu hỏi: Thưa Thầy, giới răn nào trọng nhất trong lề luật? Chúa Giêsu liền dùng câu 5 đoạn 6 trong sách Đệ Nhị Luật để trả lời: Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức ngươi.

Điều răn nầy trọng nhất vì mời gọi Israel và cả dân Chúa thời Tân ước sau nầy, gắn bó cách cụ thể và tuyệt đối, đi vào thâm sâu của nội tâm. Đồng thời, Chúa Giêsu cũng nâng điều răn thương người lên cùng tầm cỡ và gắn liền vào điều răn thứ nhất.

Tới đây xin ghi lại một chút lưu ý của Cố Linh Mục Giáo Sư Triết Học Đông Phương (1914-1997) để lại cho học sinh của Ngài về từ ngữ “neighbor” “người” trong tiếng Việt.

Ngài lý giải rằng thời nầy người ta thích theo khuynh hướng và cổ vũ mạnh mẽ cho việc dùng từ ngữ rất là kiêu sa, như quốc tế, thế giới, nhân loại, quốc gia, đại đồng, nhân dân, người người, làm chủ  tập thể … Những nơi nào, như thời Quốc Xã Hitler, xài những từ ngữ trên nhiều chừng nào thì nơi đó nhà tù mọc lên nhiều hơn chừng ấy. Lý do, vì những từ ngữ trên quá bao la vĩ đại, không bờ bến,  không là đích điểm cụ thể trước mắt để mình có thể ghé lại mà đối nhân xử thế cụ thể theo khả năng.

Vì không giúp được cho cả thế giới, nên khoanh tay không làm gì hết, trong khi người láng giềng bên cạnh là bến bờ Chúa muốn mình cần ghé lại trước khi đi xa hơn. Do đó mà những bản dịch Thánh Kinh Tây Phương dựa vào bản gốc hay văn hóa, mà  dùng từ ngữ “neighbor”: Người láng giềng, cận nhân, như Câu 39 bên trên, The second most important commandment is like it: “Love your neighbor as you love yourself.” Yêu người lối xóm của bạn như chính bạn.

Chúa là bậc Thầy của phương pháp sư phạm căn bản, là dựa vào kinh nghiệm trong chính mình mà đi ra ngoài. Không ai biết và hiểu cũng như yêu mình hơn chính mình. Từ đó, để loại suy ra phải yêu thương người khác làm sao.

Riêng 10 Điều Răn trong Sách Xuất Hành 20:1-17, thì 3 điều cuối đều đề cập tới từ ngữ “người láng giềng”.

  • 8. You shall not bear false witness against your neighbor. Ngươi sẽ không làm chứng dối chống đối láng giềng.
  • 9. You shall not covet your neighbor’s wife. Ngươi sẽ không ao ước/thèm muốn vợ người lối xóm.
  • 10. You shall not covet your neighbor’s goods. Ngươi sẽ không ao ước/ thèm muốn/tham lam của cải của cận nhân.

Trong suốt chiều dài của Thánh kinh, riêng phần Tân Ước, Chúa Giêsu giảng dạy cho con người rất nhiều về tình yêu Chúa và yêu nhau.

Người ta nhận biết các con là môn đệ Thầy là các con thương yêu nhau (Gioan 15: 9-17). Ở đâu có tình yêu thương, ở đó có Đức Chúa Trời (Gn 4: 7-10)…

Trong thực hành năm A nầy, trước tiên thử đặt kế hoạch nhỏ thôi, là ráng ghé lại, giao tiếp với người lối xóm và sống hài hòa với họ theo lời răn dạy của tổ tiên, luôn đúng từ ngàn xưa cho đến ngàn sau: “Bán bà con xa, mua láng giềng gần”. Khi tối lửa tắt đèn, rất cần có nhau, nhất là lối xóm, riêng trong những ngày u ám như bảo lụt miền Trung VN hiện nay, tháng 10/2020 nầy. Không vì một chút chuyện nhỏ như gà vịt heo chó của láng giềng bươi ủi liếp rau mà chiến đấu tới mức không đội trời chung, có khi thiệt hại lớn lao hơn cả ngàn liếp rau, như mất cả mạng sống hai bên.

Nhìn lại, tùy theo ngôn ngữ hay bản dịch, chữ “tình yêu”  trung bình có hơn 550 lần xuất hiện trong Thánh Kinh, để diễn tả tình Chúa đổ xuống trên chúng con hơn biển hồ lai láng.

Không sai chút nào nếu quan sát tỉ mỉ một chút, thì thấy rằng muôn vật hữu hình và vô hình tại trái đất nầy, trong bốn giai đoạn: Thành, trụ, hoại và không để trở về nguồn Chân Hữu, đều xuất hiện, vận hành và biến dịch theo nguyên lý Tình Yêu. Đó là lẽ sống của người biết hay chịu lấy niềm tin, hi vọng và nhất là yêu mến làm chỗ dựa tinh thần.

Trong bài đọc II. Thánh Phaolô  khuyến khích bằng cách khen ngợi lòng yêu mến Chúa của tín hữu thành Thêxalônica từ bỏ tà thần, tiếp tục phụng thờ Thiên Chúa giữa những gian nan thử thách, đã trở nên tấm gương trung kiên cho những kẻ tin đạo Chúa trong vùng thời của Ngài.

Tấm gương nầy là đèn soi cho con dân Chúa khắp nơi muôn đời về sau nữa, riêng trong thời của con, lúc mà gian dối, hận thù tràn ngập khắp nơi.

Tóm lại. Tới nay mình vẫn thường nhớ, khi mẹ còn tại thế, lúc to nhỏ dạy dỗ đàn con, bà cũng hay lập lại câu Ê Vang trong lớp Sách Phần (giáo lý) mà bà đã học từ 1930 với những Thầy Nhà Giảng Ba Nam:  Bây hãy yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ làm khốn bây  (Mt. 5:44-45). Mình cũng hiểu lơ mơ  Lời  Chúa dạy rất chí lý nầy và cầu nguyện chung chung cho có lệ.

Lần theo cuốn sách nổi tiếng của Đức Hồng y Nguyễn Văn Thuận - Đồng HànhNhưng trong một dịp may mắn đến Roma cuối mùa Hè 2017, quỳ bên mộ phần của Bậc Đáng Kính đồng hương tại nhà thờ Santa Maria De Scalla, mình nhớ lại lời mẹ dạy cụ thể hơn, qua tấm gương điển hình yêu thương tha thứ của Đức Cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận (1928-2001).

Đó là trong thời gian 13 năm bị giam cầm, thời gian đầu ban giám thị trại cử mỗi tháng một người an ninh  khác nhau canh giữ Ngài. Lý do: Để người nầy không bị “mất hút hay chiêu hồi” do bị Ngài thuyết phục, nếu chỉ canh chừng Ngài 1 tháng. Nhưng một thời gian sau, không có thay đổi người an ninh nữa, mà chỉ dùng cùng một người lâu dài. Lý do: Ban coi trại quyết định chỉ liều mất  một người giám thị, thay vì phải mất nhiều hay tất cả, nếu để họ tiếp xúc với Ngài trong thời gian ngắn hoặc dài.

Kinh Cầu.

Chúa đã yêu thương chúng con và đã trở nên mẫu gương cho chúng con yêu thương nhau.

Xin cho con biết nương theo hương sắc và mỹ vị của Thánh Thần Chúa, đã thổi hơi  linh hứng cho dân tộc chúng con, qua nhà Thi Sĩ Tâm Lý Chiến Nguyễn Trãi (1380-1442). Tiên Sinh đã dọn đường cho đạo Chúa tới VN, qua tác phẩm Gia Huấn Ca, Dạy Con Ở Cho Có Đức. Có nhiều điểm y như trong sách Xuất Hành trên, dù ông chưa từng có dịp đọc Thánh Kinh của Chúa.

Xin giúp con học tới đâu thì ráng thực hành ít nhiều tới đó.

305. Thương người tất tả ngược xuôi,
Thương người lỡ bước, thương người bơ vơ.
Thương người ôm dắt trẻ thơ,
Thương người tuổi tác già nua bần hàn.
Thương người quan quả, cô đơn,

310. Thương người lỡ bước lầm than kêu đường.
Thấy ai đói rách thì thương,
Rách thường cho mặc, đói thường cho ăn.
Thương người như thể thương thân,
Người ta phải bước khó khăn đến nhà.

315. Đồng tiền bát gạo mang ra,
Rằng đây “cần kiệm” gọi là làm duyên …

 

vo ha

Xem bài liên quan: