Linh Sơn cổ tự, thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, An Giang

1437

NguoiAnGiang

Chùa nằm trên gò cao, bên những đại thụ râm mát.

Chùa Linh Sơn còn được gọi là chùa Phật Bốn tay núi Ba Thê, tọa lạc trên triền núi Ba Thê, trước thuộc xã Vọng Thê, nay thuộc thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Chùa nằm trên gò cao, bên những đại thụ râm mát, cách trung tâm khu di tích Óc Eo khoảng hơn 1 km.

Vào năm 1913, dân địa phương phát hiện một pho tượng Phật bốn tay ở tư thế đứng, cao 1,7m, nằm sâu trong lòng đất khoảng 2m, tại khu vực dân cư gần chợ Ba Thê. Trước đó, người dân cũng đã tìm thấy hai tấm bia được làm bằng đá bùn có chiều cao khoảng 1,8 m, dày khoảng 0,22 m, khắc chữ cổ mà nhiều nhà nghiên cứu nói có thể là chữ viết của dân tộc Phù Nam xưa. Vì vậy, dân quanh vùng khi ấy bèn góp công, góp của dựng lên một ngôi chùa đặt tên là Linh Sơn Tự để tôn thờ tượng Phật và gìn giữ bia cổ. Hiện 2 bia đá vẫn còn nguyên vẹn nhưng các dòng chữ trên bia có phần bị mờ theo thời gian.

Nhiều nhà nghiên cứu nói: Có thể là chữ viết của dân tộc Phù Nam xưa trên phiến đá cổ

Theo một số nhà chuyên môn, thì cả hai cổ vật này có niên đại vào khoảng từ thế kỷ II đến thế kỷ VI sau Công nguyên.

Tượng Phật bốn tay mang mô típ mỹ thuật Bà-la-môn giáo có nguồn gốc từ Ấn Độ tương tự tượng thờ Bà Chúa Xứ ở núi Sam (Châu Đốc). Thực chất, đây là tượng tạc theo mô típ tượng thần Vishnu có hình rắn naga bảy đầu làm thành tán che phía sau, thường gặp trong các tín ngưỡng chịu ảnh hưởng của Bà-la-môn giáo.

Thực chất, đây là tượng tạc theo mô típ tượng thần Vishnu có hình rắn naga bảy đầu làm thành tán che phía sau.
Tượng Phật 4 tay và bia đá cổ (góc phải)

Nguyên thủy, tượng có màu đen của loại đá cổ. Sau khi khai quật lên, người ta cho đắp thêm phần chân để pho tượng có dáng ngồi theo tư thế kiết già, sơn phết màu mè, khiến giá trị của nghệ thuật điêu khắc và vẻ đẹp tự nhiên của loại đá hàng ngàn năm tuổi bị mất đi.

Ảnh sưu tầm từ Wikipedia

Cách chùa Linh Sơn khoảng 60 m về phía Nam, trong các năm 1998 – 1999, các nhà khảo cổ đã tìm thấy 2 loại hình di tích Óc Eo: Di tích kiến trúc và di tích mộ táng, có niên đại từ thế kỷ I – IX sau Công nguyên. Đây là khối kiến trúc cung đình mang tính tôn giáo, có quan hệ mật thiết với khối kiến trúc và bao phế tích khác hiện còn nằm sâu trong gò đất dưới nền chùa Linh Sơn. Theo giả định của các nhà khảo cổ thì nơi phát hiện 2 bia đá và khu vực chùa Linh Sơn có khả năng là trung tâm của nền văn hóa Óc Eo, vốn xưa kia là một đô thị phát triển rực rỡ gắn liền với những công trình kiến trúc độc đáo, những tác phẩm mang giá trị nghệ thuật cao.

Linh Sơn tự được xây dựng bên trên nền móng của một công trình kiến trúc cổ. Trong chùa hiện đang lưu giữ tượng thần Vishnu, hai bia đá và nhiều hiện vật có giá trị.

Những đại thụ trong khuôn viên chùa

Một trong những con đường dẫn từ dưới lên chùa.

Một phần sân trước ngôi chùa cổ

Chùa tọa lạc trên gò cao bên triền núi Ba Thê.

Linh Sơn tự được xây dựng bên trên nền móng của một công trình kiến trúc cổ.

NguoiAnGiang