Làm gì với các vật dụng thiêng liêng cũ hoặc bị bể?

1209

by phanxicovn

fr.aleteia.org, Philip Kosloski, 2017-10-20

Làm gì với các cây thánh giá hay tràng chuỗi cũ hoặc bị bể? Tín hữu công giáo có thói quen dùng các vật dụng thiêng liêng như tượng ảnh, tràng chuỗi thường bối rối không biết l gì với các vật dụng này khi họ không dùng nữa. Vậy phải làm gì với các vật dụng thiêng liêng này? Chỉ đơn giản bỏ vào thùng rác sao?

Vật dụng được gọi là thiêng liêng khi đã được làm phép trong mục đích thánh hóa đời sống chúng ta, hướng dẫn chúng ta đến với các bí tích. Đó là các vật dụng thiêng liêng mang lại ân sủng, nói cách khác là nâng đỡ đời sống thiêng liêng qua sự cầu bàu của Giáo hội.

Ở nhà, các vật dụng đã được linh mục hay thầy phó tế làm phép đều có thể gọi là vật dụng thiêng liêng như tràng chuỗi, tượng ảnh, thánh giá, cây nến. Dù tình trạng vật dụng đó như thế nào, một khi được làm phép thì phải được tôn trọng (Giáo luật 1171).

Là người công giáo, chúng ta tin các vật dụng được linh mục làm phép có một năng quyền thiêng liêng thật sự. Đặc biệt đối với các phép bí tích, khi lời linh mục đọc lên có thể tạo một sự biến đổi thiêng liêng. Mình Thánh Chúa là một ví dụ tiêu biểu, qua lời của linh mục, bánh và rượu biến thành mình và máu Chúa Giêsu. Chúa tạo nên phép lạ qua lời của các thừa tác vụ Ngài đã chọn.

Để các vật dụng thiêng liêng ở một nơi tôn kính

Cũng vậy, dù ở một mức độ tầm thường hơn, chúng ta tin, khi linh mục hay thầy phó tế ban phép cho một vật dụng thì sẽ có một sự thay đổi xảy ra. Chúng ta có thể không thấy, nhưng chúng ta có thể cảm nhận có một sức mạnh thiêng liêng nơi vật dụng đã được làm phép.

Vì thế, người công giáo nên để các vật dụng thiêng liêng ở một nơi tôn kính. Khi các vật dụng này cũ thì nên đốt hoặc chôn nó, làm thế nào để các vật dụng này không xuất hiện lại một cách bất kính. Nếu chúng ta không thể làm được theo cách này hoặc cách kia thì chúng ta có thể đem đến giáo xứ để người có trách nhiệm làm công việc này.

Chúng ta thường hay quên, các chuyện cụ thể mà chúng ta thấy là một phần của một vũ trụ to lớn hơn. Chung quanh chúng ta có một thế giới thiêng liêng mà chúng ta không thể thấy, nhưng có tác động trên đời sống của chúng ta trong mọi ngày. Khi xử lý các vật dụng thiêng liêng một cách tôn kính, một phần vì chúng ta nhận thức được sự thật này, một phần chúng ta tôn kính phép lành mà linh mục hay thầy phó tế đã làm phép trên các vật dụng này.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch