Kính Nhớ Bậc Ân Sư: Linh Mục Đôminicô Đỗ Kim Thành

695

vo ha

Cha Đôminicô Đỗ Kim Thành là bậc “cây cao bóng cả” cuối cùng của Giáo Phận Cần Thơ từ thời ban sơ (1955) xuyên suốt tới nay. Cha vừa được Chúa gọi về ngày 17.12.2020, với 92 tuổi đời. Ngài đã là bậc Thầy của Giám Mục, Linh Mục, tu sĩ và giáo dân trong một vùng rộng lớn hầu như khắp đồng bằng Cửu Long, và ngày nay, tại nhiều nơi trên thế giới.

Cha sinh ngày 13.07.1928, tại Họ Đạo Long Hưng, quận Lấp Vò, tỉnh Sa Đéc, Địa Phận Nam Vang thời đó, nay thuộc tỉnh Đồng Tháp, GP. Vĩnh Long.

  • 1938 Học Tiểu Chủng Viện Cù lao Giêng rồi Đại Chủng Viện Xuân Bích Paris, nước Pháp.
  • 1954 Chịu chức Linh Mục tại Paris, nước Pháp
  • 1954 – 1956 Phục vụ tại Montpellier, nước Pháp
  • 1956 – 1958 Phục vụ tại Fribourg, Thụy Sĩ, tiếp tục học vấn
  • 1958 – 1959 Cha phó Họ Đạo Trà Lồng, Long Mỹ, Hậu Giang
  • 1960 – 1965  Bí thư  Tòa Giám Mục Cần Thơ
  • 1965 – 1971 Giám Đốc Tiểu Chủng Viện Á Thánh Quý, Cái Răng.
  • 1965 – 2004  Cha Tổng Đại Diện / Cha Bề Trên Giáo Phận Cần Thơ
  • 1971 – 2004 Bổn Sở Họ Đại Chính Tòa, Cần Thơ
  • 1970 – Giáo Sư Ban Thần Học Đại Chủng Viện Vĩnh Long
  • 2004 – 12.2020 Nghỉ hưu tại Tòa Giám Mục Cần Thơ.

https://gpcantho.com/wp-content/uploads/2020/12/DSC03822_resize.jpg

Những kỷ niệm đáng nhớ.

1. Khi về Giáo Phận Cần Thơ 1965, Đức Cố Giám Mục Nguyễn Ngọc Quang rất quan tâm tới việc giáo dục và đào tạo chủng sinh, nên muốn cho chủng viện có một ban giáo sư cập nhật, năng động, trẻ trung. Do đó Ngài đã ủy nhiệm Cha Đỗ Kim Thành làm Giám Đốc thay Cha Huỳnh Văn Mão.

2. Với chức vụ mới, ngoài việc điều hành tổng quát, Ngài còn phải quan tâm tới việc xây cất dãy nhà Khu A và Khu B. Nhưng nhiệm vụ chính vẫn là làm bí tích, huấn đức mỗi tuần, dạy một số môn một số lớp, giáo dục theo truyền thống và khai phóng về tâm trí thể, chuẩn bị cho thế hệ sau gánh vác và bước theo Ngài.

3. Trong 5 năm cuối tại trường nầy, mình được học thêm Pháp văn, Latin và môn Tâm Lý Học lớp 12 với Ngài. Trong giờ lớp, học trò được hỏi thoải mái, có khi cả tranh luận ngoài đề, mà Cha Giám Đốc vẫn vui vẻ bình tĩnh trả lời. Có vẻ như Ngài thấy xa, với thế hệ mới, từ chương thuộc lòng từng chữ hay vâng lời tối mặt, không quí bằng hiểu biết, kiến thức, thông minh và chịu khó làm việc trong tinh thần cầu tiến và tôn trọng sự thật.

4. Mở thêm lên tới lớp Đệ Nhất (L. 12)

Tiểu Chủng Viện Á Thánh Quý từ khi thành Lập 1959 tại Sóc Trăng thu nhận học sinh vào lớp Nhất (L. 5) và cũng chỉ tới lớp Đệ Tứ (L. 9) do Cố LM. Trần V. Long đứng tên Hiệu Trưởng, vì Cha có Văn Bằng Tú Tài Phần Thứ Hai. Sau lớp Đệ Tứ, chủng sinh phải tiếp tục học nhờ tại Tiểu Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn. Niên khóa 1965-66, mở thêm Lớp Đệ Tam, rồi cũng gởi đi Tiểu Chủng Viện Têrêsa Long Xuyên học thêm 2 năm cuối Trung Học Phổ Thông.

Riêng Lớp Giuse 1962 của mình, may mắn là khóa đầu tiên, học lớp Đệ Nhị 1968 và năm sau, Đệ Nhất tại chỗ, nhờ Cha Đỗ Kim Thành đứng tên Hiệu Trưởng Trường Chủng Viện, vì Cha có Văn Bằng Cử Nhân Văn Chương Đại Học danh tiếng Sorbornne, Paris, Pháp Quốc.

Niên khóa 1968-69, Lớp Đệ Nhị đầu tiên của Chủng Viện nhà đậu 100% Tú Tài Phần Thứ Nhất. Rồi niên khóa kế, lớp nầy cũng 100% đậu Tú Tài Phần Thứ Hai. Học trò vui mừng nhờ công sức quí Cha quí Thầy dưới thời Cha Đỗ Kim Thành làm Giám Đốc Chủng Viện nhà, kiêm luôn Hiệu Trưởng.

5. Hội Bảo Trợ Ơn Kêu Gọi.

Nhờ uy tín và tiếng nói, trong thời gian làm Giám Đốc Tiểu Chủng Viện Á Thánh Quý, Ngài đã qui tụ nhiều ân nhân và thành lập Hội Bảo Trợ Ơn Kêu Gọi. Nhờ đó mà một số chủng sinh nghèo được giúp học phí và cũng có chút tiền để chi tiêu cho những nhu cầu cần thiết.

6. Đi picnic Sóc Trăng 1967.

Cuối niên khóa 1967, cả nhà chủng viện tổ chức chuyến đi dã ngoại tới Họ đạo Sóc Trăng tham dự cuộc kiệu Thánh Thể ban chiều và chầu Thánh Thể khi tối, do Đức Cha Nguyễn Ngọc Quang chủ tọa.

Nhân dịp nầy, đoàn chủng sinh cũng có dịp ghé lại thăm viếng cơ sở Dòng Chúa Quan Phòng tại đây. Khi phái đoàn vừa vào tới cổng, thì một Bà Phước Tây thẩm quyền, ra đón Cha và anh em. Bà líu lo chào mừng Cha bằng tiếng Pháp. Cha cũng đáp lại cách trơn tru, trong khi nhiều anh em đứng chung quanh, nghe trong số mười tiếng thì chưa bắt kịp một tiếng, dù có học vài năm Pháp văn như sinh ngữ 1. Từ hôm đó, mình rất mong ước một ngày kia, mình cũng tiếp xúc được với người Tây phương như Cha, mà không cần quơ tay quơ chân.

7. Hình ảnh đáng mơ ước.

Có một lần, mình đang ngồi học ôn thi Tú Tài thì Cha Giám Đốc bước vào. Ngài chọn chừng chục anh em, mà Ngài làm tài xế, đến Dòng Con Đức Mẹ Bình Thủy, mang một số cừ tràm cho Chủng Viện. Trên đường về, Cha ghé  Tòa Giám Mục gặp Đức Cha. Ngài mang kiếng mát, tay cầm cập giấy tờ, bút Pilot giắt ngực, trong chiếc áo dòng đen lộng gió, trông thất oai vệ, nên thơ. Dáng dấp của Ngài hôm đó, làm cho mình rất thèm thuồng cảnh tượng nầy lắm. Giá mà mình cũng được chút nào như vậy.

8. Được quí mến.

Khi Ngài nhận chức Bổn Sở, mình có nghe nhiều giáo dân họ đạo Chính  Tòa Cần thơ quí mến Cha nhiều, vì đức tính hiền lành, nhỏ nhẹ, khiêm tốn, tôn trọng ý kiến chung và giúp đỡ mọi người khi cần đến. Qua Ngài, người ta thấy được phản ảnh sự thánh thiện nước Trời của bậc chân tu.

Tóm lại.

Cố LM. Đôminicô Đỗ Kim Thành đã được Chúa ban cho nhiều ơn lành phước đức, do đó mà Cha có được một nền giáo dục tuyệt hảo khi còn trẻ và Ngài đã nhiệt tình đóng góp công sức cả đời với 66 năm trong chức thánh Linh Mục. Ngài vừa là Thầy Cả nhà Đạo cũng như nhà đời trong việc giáo dục chúng sinh. Trong tâm tình yêu mến và nhớ ơn vị Ân Sư cũ, đã dạy học trò không chỉ 1 hay nửa chữ, mà hàng ngàn chữ, chúng con cầu Chúa ban thưởng tới Thầy, đồng thời cũng nguyện noi theo mẫu gương giáo dục từ Thầy.

Tuy nhiêu, là con người, ai cũng bất  toàn. Xin Chúa quên những gì thiếu sót, chỉ nhớ những điều thiện tâm và đem Vị Thầy Của Chúng con thẳng lên hưởng nhan thánh Chúa.

https://gpcantho.com/wp-content/uploads/2020/12/DSC03794_resize.jpg

Học trò Trần Thế Tuyên thêm chút kỷ niệm về Cha Đôminicô Đỗ Kim Thành: Tôi được sai giúp xứ nhà thờ Chánh Tòa từ năm 1976-1979. Tôi ở lậu vì không có hộ khẩu và cũng không có giấy tạm trú. Ông Phường trưởng An Lạc tên Tư Châu không quấy rầy, vì theo tôi nghĩ: Nhờ tính tình hài hoà, cởi mở và nhân ái với mọi người, kể cả với chính quyền. Ai cũng thích Cha Bề Trên do tính tình nhỏ nhẹ, hiền hoà và nhân ái. Dường như không thấy Ngài nóng tính hay nặng lời với ai bao giờ.

Hình ảnh tôi thích nơi Cha Đôminicô là dáng vẻ. thong thả với chiếc áo dòng đen đi tới đi lui trong sân nhà thờ Chánh Tòa đọc sách nguyện. Khó tìm được một linh mục ở một chỗ suốt từ 1971 đến 2004 mà không gây tiếng xấu và cũng không làm mích lòng ai. Khi nhớ đến Cha là người ta nghĩ ngày đến một linh mục rất nhân bản: Hiền hoà, nhân ái và người kiến tạo hòa bình, peacemaker. Đúng là bậc mô phạm.

*** ***

Mời xem hình ảnh: