Kinh “A Thân Lạy Thánh Cả Giuse” (bản bổ sung) | Tâm Thành

1599

Tâm Thành

Lời ngỏ của NguoiAnGiang: Nhiều bà con giáo dân miền Nam có thói quen đọc “Kinh Thánh Cả Giuse” hay còn gọi là “Kinh A Thân Lạy Thánh Cả Giuse” trong gia đình và giáo xứ. Trong khi các tín hữu miền Bắc thì quen với “Kinh ông thánh Giuse” hoặc “Kinh ông thánh Giuse bầu cử”. Thực ra 3 bản kinh này đều phỏng dịch từ bản kinh tiếng Latin – Kinh Ad te Beate Ioseph – do Đức Thánh Cha Lêô XIII (1810-1903) ban hành trong Thông điệp Quamquam Pluries ngày 15 tháng 8 năm 1889 và ngài yêu cầu đọc kinh này vào cuối Kinh Mân Côi, đặc biệt là trong tháng Mười, Tháng Mân Côi.

Nhân dịp Năm Thánh Giuse (8.12.2020 – 8.12.2021), chúng tôi sưu tập và liệt kê ra đây các bản kinh dịch từ kinh Ad te Beate Ioseph (Latin) sang tiếng Anh, Pháp, Trung Hoa (chúng tôi chú âm Hán Việt) và tiếng Việt, đồng thời tìm hiểu, giải nghĩa những từ cổ trong bản Kinh A Thân Lạy Thánh Cả Giuse (bản miền Nam) là bản kinh có nhiều từ cổ hơn cả trong 3 bản kinh tiếng Việt, hi vọng giúp bà con giáo dân có thể hiểu rõ hơn về lời cầu nguyện tuyệt vời dành cho Thánh Giuse, Bạn Trăm Năm của Đức Trinh Nữ Maria, Cha Nuôi của Chúa Giêsu, và là vị Thánh Bảo Trợ của Giáo Hội hoàn vũ và cũng là vị Quan Thầy của Giáo Hội Việt Nam.

Prière du Pape Léon XIII

Voici la Prière en latin et en français “Ô Bienheureux Joseph, Gardien très vigilant de la Sainte Famille” composée par le Pape Léon XIII (1810-1903) et jointe à sa lettre Encyclique “Quamquam pluries” du 15 août 1889 sur le patronage de Saint Joseph et de la Sainte Vierge.

https://www.catholicregister.org/media/k2/items/cache/d5296f3579354774e3c45e76c3f9e4b2_XL.jpg
Đức Giáo Hoàng Léon XIII (1810-1903)

La Prière en latin de Léon XIII
“Ô beate Joseph, Custos providentíssime divínæ Famíliæ”

“Ad te beate Joseph, in tribulatióne nostra confúgimus, atque, imploráto Sponsæ tuæ sanctíssimæ auxílio, patrocínium quoque tuum fidenter expóscimus. Per eam, quæsumus, quæ te cum immaculáta Vírgine Dei Genitríce coniúnxit, caritátem, perque patérnum, quo Púerum Iesum ampléxus es, amórem, súpplices deprecámur, ut ad hereditátem, quam Iesus Christus acquisívit Sánguine suo, benígnus respícias, ac necessitátibus nostris tua virtúte et ope succúrras. Tuére, o Custos providentíssime divínæ Famíliæ, Iesu Christi sóbolem eléctam; próhibe a nobis, amantíssime Pater, omnem errórum ac corruptelárum luem; propítius nobis, sospítator noster fortíssime, in hoc cum potestáte tenebrárum certámine e cælo adésto; et sicut olim Púerum Iesum e summo eripuísti vitre discrímine, ita nunc Ecclesiam sanctam Dei ab hostílibus insídiis atque ab omni adversitáte défende: nosque síngulos perpétuo tege patrocínio, ut ad tui exémplar et ope tua suffúlti, sancte vívere, pie émori, sempiternámque in cælis beatitúdinem ássequi possímus. Amen”

La Prière en français de Léon XIII
“Ô Bienheureux Joseph, Gardien très vigilant de la Sainte Famille”

«Ô Bienheureux Joseph, nous recourons à vous, dans notre tribulation, et, après avoir imploré le secours de votre Très Sainte Épouse, nous sollicitions aussi, en toute confiance, votre patronage. Au nom de l’affection qui vous a uni à la Vierge Immaculée, Mère de Dieu, au nom de l’amour paternel dont vous avez entouré l’Enfant Jésus, nous vous supplions de jeter un regard propice, sur l’héritage acquis par Jésus-Christ, au prix de Son Sang, et de nous assister de votre puissance et de votre secours dans nos besoins. Ô Gardien très vigilant de la Sainte Famille, protégez la famille privilégiée de Jésus Christ. Père très aimant, préservez-nous de toute contagion, de la corruption et de l’erreur ; protecteur très puissant, soyez nous secourable et assistez-nous, du haut du Ciel, dans le combat que nous avons à soutenir contre la puissance des ténèbres. Et de même qu’autrefois vous avez arraché l’Enfant Jésus au péril de la mort, défendez aujourd’hui la Sainte Église de Dieu contre les embûches de l’ennemi et contre toute adversité, et couvrez-nous de votre constante protection, afin que nous puissions, à votre exemple et par votre assistance, vivre saintement, mourir pieusement, et obtenir l’éternelle félicité dans le Ciel. Amen.»

http://site-catholique.fr/index.php?post/Priere-Leon-XIII-au-Bienheureux-Joseph

To thee, O blessed Joseph

(Bản tiếng Anh)

To thee, O blessed Joseph, do we come in our tribulation, and having implored the help of thy most holy Spouse, we confidently invoke thy patronage also.

Through that charity which bound thee to the immaculate Virgin Mother of God and through the paternal love with which thou embraced the Child Jesus, we humbly beg thee to graciously regard the inheritance which Jesus Christ has purchased by his Blood, and with thy power and strength to aid us in our necessities.

O most watchful Guardian of the Holy Family, defend the chosen children of Jesus Christ; O most loving father, ward off from us every contagion of error and corrupting influence; O our most mighty protector, be propitious to us and from heaven assist us in our struggle with the power of darkness; and, as once thou rescued the Child Jesus from deadly peril, so now protect God’s Holy Church from the snares of the enemy and from all adversity; shield, too, each one of us by thy constant protection, so that, supported by thy example and thy aid, we may be able to live piously, to die holy, and to obtain eternal happiness in heaven. Amen.

Bản kinh cầu ông Thánh Giuse của Giáo Hội Trung Hoa

Kinh ông thánh Giuse

Bản kinh của giáo phận Tây Đàng Ngoài (Hà Nội…)

Kính lạy ông thánh Giuse; chúng tôi là kẻ khốn nạn chạy đến cùng ông thánh Giuse; chúng tôi đã xin rất thánh Đức Bà là bạn cực thánh Người cứu giúp, thì lại xin ông thánh Giuse phù hộ cho chúng tôi nữa . Người vốn kính mến rất thánh Đồng trinh chẳng hề mắc tội tổ tông truyền, Người đã yêu dấu Đức Chúa Giêsu như cha yêu con vậy; vì những lý lẽ ấy, chúng tôi xấp mình xin ông thánh Giuse dủ lòng thương đoái đến chúng tôi là kẻ Đức Chúa Giêsu đã đổ máu thánh ra mà chuộc; chúng tôi cũng xin Người dùng quyền thế đỡ vực chúng tôi trong lúc túng ngặt nữa.

Lạy ông thánh Giuse là đấng khôn ngoan, xưa đã gìn giữ Đức Chúa Giêsu và Đức Bà, xin bênh vực chúng tôi là giòng giõi riêng Đức Chúa Giêsu. Lạy Cha rất thương, chớ để chúng tôi sai lầm mắc phải những sự dị đoan tà thuyết hay lan ra như ôn dịch vậy. Ông thánh Giuse là Đấng rất mạnh hay cứu chữa chúng tôi; xin Người ngự trên trời giúp sức cho chúng tôi đang phải chống trả các chước ma quỉ, xưa Người đã gìn giữ Đức Chúa Giêsu cho khỏi cơn hiểm nghèo thế nào, thì xin lại che chở Hội Thánh Đức Chúa Trời cho khỏi mọi chước kẻ thù cùng sự khốn khó làm vậy; lại xin cầu bầu cho hết mọi người chúng tôi được theo gương lành Người đã dẫn lối, và cậy trông ơn thêm sức cho chúng tôi ăn ở trọn lành ở đời này; lại được chết lành và được lên thiên đàng hưởng phúc đời đời. Amen.

Kinh ông thánh Giuse bầu cử

Bản kinh của giáo phận Đông Đàng Ngoài (Hải Phòng Bùi Chu, Thái Bình…)

Lạy ơn ông thánh Giuse, chúng tôi chạy đến cùng Người trong cơn gian nan chúng tôi mắc phải. Chúng tôi đã kêu van cùng Rất Thánh Đức Bà, là Đấng đã làm bạn cùng Người, phù hộ gìn giữ chúng tôi. Thì chúng tôi cũng lấy lòng trông cậy cho vững vàng mà xin ông thánh Giuse bầu cử cho chúng tôi như vậy. Chúng tôi xin vì nhân đức kính mến, mà Người làm bạn cùng Rất Thánh Đồng Trinh là Mẹ Chúa Trời, và là Đấng chẳng hề mắc tội Tổ Tông truyền; cùng vì lòng thương Người đã ẵm lấy Đức Chúa Giêsu, thì chúng tôi xin ông thánh Giuse ghé mặt lại mà thương đến Hội Thánh là phần sản nghiệp Đức Chúa  Giêsu đã lấy Máu Thánh mình mà chuộc. Lại xin Người dùng sức mạnh thiêng liêng, và quyền phép Người mà giúp đỡ những sự chúng tôi còn thiếu thốn.

Lạy Đấng đã coi sóc Đức Chúa Giêsu cùng Đức Bà cho cẩn thận, thì chúng tôi xin Người bênh vực con cái Đức Chúa Giêsu đã chọn. Lạy Cha rất thương yêu! Chúng tôi xin Người cất mọi sự dối trá cùng mọi tội lỗi, cho chúng tôi khỏi mắc phải những sự ấy. Lạy Đấng rất mạnh đang ở trên trời, xin gìn giữ chúng tôi. Xin Người dủ lòng thương mà che chở chúng tôi đang khi chiến trận cùng kẻ thù tối tăm là các ma quỉ. Như xưa Người đã gìn giữ Đức Chúa Giêsu cho khỏi cơn hiểm nghèo thế nào, thì rầy chúng tôi cũng xin Người cứu chữa lấy Hội Thánh cho khỏi các mưu kế giặc thù, và các sự gian nan khốn khó như vậy. Cùng xin Người hằng bầu cử cho chúng tôi được bắt chước Người, và trông cậy vì quyền thế Người cho được giữ đạo cho trọn, cùng được chết lành, và được hưởng phúc vô cùng trên thiên đàng. Amen.

Kinh A Thân Lạy Thánh Cả Giuse

  • Bản kinh của giáo phận Đàng Trong (Sài Gòn, Vĩnh Long…)

A [1] thân lạy Thánh cả Giuse,

Chúng tôi rày [2] đang cơn khuẩn bức [3],

Đều tuôn đến kêu cầu Thánh cả;

Lại có cậy ơn Bạn thánh Người.

Thì mới dám gắn vó [4] kêu ca [5],

Xin Thánh cả hộ phù [6] bàu chữa [7],

Vì tấm lòng thanh ái thiết tha [8],

Buộc thánh cả hiệp cùng Trinh Nữ,

Mẹ Thiên Chúa chẳng vướng tội truyền;

Lại vì tình phụ từ ái tử [9],

Khiến Thánh cả bồng Chúa Hài Nhi,

Thì chúng tôi quì cúi nguyện xin,

Nài [10] thánh cả đoái nhìn cơ nghiệp,

Là của Chúa Giêsu Kitô,

Đã lấy Máu mình mà chuộc lại;

Xin Thánh cả dùng thửa [11] phép quờn [12],

Hộ chúng tôi đang thì khuẩn bức,

Thân Thái bảo trang khoa cẩn mật,[13]

Gìn Nhà Chúa mọi vẻ vẹn toàn,

Nguyền hộ lấy con cái yêu đang,

Chúa Giêsu Kitô đã chọn,

Cúi lạy Cha dấu yếu rất mực,

Xin cấm đoán mọi nẻo sai lầm,

Cùng tuyệt trừ dịch lây thói đục [14],

Cho chúng tôi chữ dạ [15] sạch trong.

Đấng hộ thủ rất nên dõng lực,

Xin đem lòng ái tuất [16] dân nghèo,

Nguyện khấng chóng bởi trời ngự xuống.

Giúp chúng tôi đang trận loạn thương [17],

Hỗn chiến cùng quỷ thần u ám.

Xưa Thánh cả phò Chúa Hài Nhi,

Ngõ cho khỏi thửa vòng nguy hiểm,

Rày xin hộ Hội Thánh Chúa Trời,

Đặng thoát chước thù oan quỉ trá [18],

Cùng mọi đàng trở đáng [19] tai ương [20],

Sau xin vực [21] chúng tôi ai nấy,

Ngõ [22] in thức [23] Thánh cả lưu truyền,

Cùng cậy trông ơn Người ủng hộ,

Cho chúng tôi sanh thuận tử an [24].

Hầu hưởng phước tiêu diêu [25] cõi thọ. Amen.

___________________

THAM KHẢO:

– Kinh thánh cả Giuse, MỤC LỤC, Henricus, Episcopus Sciiamchiamensis, Hongkong, 1948, tr. 158-160.
– Kinh Cầu cùng thánh cả Giuse, MỤC LỤC, Địa phận Vĩnh Long, 1950, tr. 101-102.
Kinh A Thánh cả Giuse, NHỰT KHÓA, Địa phận Sài Gòn 1965, tr. 129-131.
Kinh A Thánh cả Giuse, NHỰT KHÓA, Địa phận Sài Gòn 1972, tr. 162-164.
Kinh Cầu cùng Thánh cả Giuse, MỤC LỤC, Địa phận Sài Gòn 1974, tr.  178, 180.
Kinh Cầu cùng Thánh cả Giuse, MỤC LỤC, nxb TP.HCM, in lại bản 1974, tr. 178-180.
Kinh Cầu cùng Thánh cả Giuse, MỤC LỤC, Địa phận Sài Gòn ? , tr.  188-190.
Kinh Cầu cùng Thánh cả Giuse, MỤC LỤC, Địa phận Sài Gòn, ? , tr.  128-130.
Kinh ông thánh Giuse bầu cử, SÁCH KINH, Địa phận Hải Phòng, Bùi Chu, Thái Bình, ?, tr. 123-124.
Kinh ông thánh Giuse, SÁCH KINH, Địa phận Hà Nội, nxb Hiện Tại, 1967, tr. 306-307

[1] Trong nhiều bản kinh cổ, có thể gặp tiếng A hoặc đứng đầu một câu kinh nào đó, ví dụ: “A Rất Thánh Trái Tim Đ Bà Maria trọn đời đồng trinh. và rất vẹn sạch, ấy tay Đ C T phép tắc vô cùng chưa hề tạo sinh trái tim nào thanh sạch, trọn lành, sang trọng ví cho bằng Rất Thánh Trái Tim nầy. Ớ nguồn chẳng hay cạn mọi ơn phước, nhơn lành dịu dàng, hiền hậu và hay thương yêu! Ớ gương mọi nhơn đức, là ảnh trọn lành Rất Thánh Trái Tim Đ C G Kirixitô…” (Kinh Dâng mình cho Rất Thánh Trái Tim Đức Mẹ). Như Paulus Của trong Đại Nam Quấc Âm Tự Vị (1896), chúng tôi hiểu “A” là tiếng xưng tụng và “Ớ” là từ dùng để gọi đấng cao trọng mà lời kinh đang hướng đến.

A, n. 阿: dt. (1) Con chữ thứ nhất của bảng chữ cái tiếng Việt: a thường  (a); (2) Ký hiệu để phân biệt tên gọi: Bên A thanh toán cho bên B; (3) Ký hiệu thứ nhất được coi là hạng nhất, tốt nhất: Sức khoẻ loại A; (4) Ký hiệu chỉ loại giấy có khổ tiêu chuẩn nhất định: Giấy A4 (khổ tiêu chuẩn 297 x 210 mm); (5) Nông cụ để cắt rạ (hoặc cỏ) có hai lưỡi tra vào cán dài, có nơi còn gọi là cái gạc, cái trang: Rèn một lưỡi a bằng ba lưỡi hái (tng.); (6) Đơn vị đo diện tích đất, bằng 100 mét vuông, còn gọi là sào tây: Khoảnh đất khoảng 20a; (7) Dụng cụ đan bằng tre hình cái gàu, trước đây thường dùng để xúc ngô: Lấy a xúc ngô đổ vào bồ; (8) Chữ biểu trưng cho cái không bị sinh sản, không tướng, thường thấy vẽ trên cửa chính điện, tường ở chùa, theo quan niệm đạo Phật. (9) Viết tắt của đơn vị đo cường độ dòng điện Ampère (A). đt. (10) Cắt rạ (hoặc cỏ) bằng a: Gặt đến đâu a rạ đến đó. (11) Vơ, gom lại thành đống: A cỏ vào bờ; (12) Sấn, xông, ùa vào: Lũ trẻ a vào cướp pháo xịt. tht. (13) Tiếng thốt ra tỏ ý ngạc nhiên, vui thích hay sực nhớ ra điều gì: A! Anh đã về. (14) Tiếng xưng tụng: A thánh mẫu: Tiếng xưng tụng Đức thánh mẫu. (x. Paulus Của, ĐNQÂTV). trt. (15) Tiếng dùng ở cuối câu để hỏi với ý cảm thấy lạ không được như trong ý nghĩ, tưởng tượng: Anh đấy a?

, n. 唹: đt. (1) Ngớ: đứng ớ ra, chẳng hiểu gì. tht. (2) Từ dùng để gọi người ở xa: ớ đò. (3) Tiếng kêu, tiếng lấy làm lạ (x. Paulus Của, ĐNQÂTV).

[2] Rày, n. ? (còn có âm là rầy): (1) (tiếng cũ) Hiện nay, ngày nay, lúc nầy, đương lúc bây giờ: Từ xưa cho đến rày; (2) Như bây giờ: Ngày rày năm xưa.

[3] Khuẩn, c. 窘 (còn đọc là quẫn): Nghèo khổ, khốn đốn, lúng túng. Bức, c.廹 (迫 còn đọc là bách) Ngặt, làm ngặt, ép uổng. Khuẩn bức (còn đọc là quẫn bách): Lúng túng nhiều bề. (Có bản – như Mục Lục 1974 – in sai là khẩn bức).

[4] Gắn, n. Làm cho dính, dán dính. , n. (∞ ) Nài xin cho được, thân mật. Gắn vó: Nài xin, bền đỗ.

[5] Kêu ca, đt. Than van, phàn nàn, đòi hỏi. Khấu đầu dưới trướng tiện điều kêu ca (Kiều).

[6] Hộ, c. 護 Giữ gìn, binh vực. Phù, c. 扶 Nâng đỡ, giúp đỡ. Hộ phù (hoặc phù hộ): Binh vực, bàu chữa, che chở, giúp sức cho.

[7] Bàu, c. 保 (Hv: bảo) Cử đặt, giữ gìn. Chữa, n. 助 (1) Cứu cho khỏi, làm cho lành đã; (2) Chối cãi; Bàu chữa: Cứu giúp, che chở, phù trì.

[8] Tấm lòng thanh ái thiết tha: Lòng yêu thương trong sạch ân cần lắm, đậm đà lắm. (Có bản in sai là thánh ái  hoặc thành ái).

[9] Phụ từ 父 慈 Người cha hiền lành, nhân từ. Ái tử 愛 子: Yêu thương con cái. Phụ từ ái tử: Cha hiền thương con.

[10] Nài n. 奈 (1) Này nỉ, xin hoài; (2) Dây xấp đôi, dây cột vòng tùy theo việc dùng.

[11] Thửa n. (所 sở; 使 sử): (1) Từ dùng để chỉ cái gì thuộc về của ai, hay để thay thế cho người, vật nói ở trên. “Xin thương xót thửa lòng chúng tử” (Trích sách kinh Qui Nhơn, tr.207); An thửa phận: An bổn phận mình; An thửa mạng: An theo mạng số mình; Biết thửa lòng: Biết được lòng người nào; Đặt thửa: Xí phần, giành phần; đặt cọc; Nói đặt thửa: Nói rào trước, nói xí phần (ĐNQÂTV); (2) Thử rồi sửa cho hợp: Thửa đôi giày (TVK).

[12] Phép quờn: Quyền phép, phép tắc làm việc gì.

[13] Thân Thái bảo trang khoa cẩn mật, Gìn nhà Chúa mọi vẻ vẹn toàn: Nguyên bản Latin: “Tuere, o Custos providentissime divinae Familiae, Iesu Christi subolem electam”. Bản tiếng Anh: “O most watchful Guardian of the Holy Family, defend the chosen children of Jesus Christ”. Bản tiếng Hoa: “至 哉!主 家 之 輔 弼 Chí tai! Chủ gia chi phụ bật”:

Thân, c.  親: Thân cận, gần gũi, yêu thương. Thường dùng mở đầu các câu nói, như: Thân ái, thân thưa, thân lạy… Ở đây tương ứng với các từ: o (bản Latin), O (bản tiếng Anh) và Chí tai 至 哉 (bản tiếng Hoa).

Thái bảo: Thái, c. 大 hoặc 太 hoặc có thể dùng 泰: To lớn, cả, trưởng, tiếng tôn xưng (danh tính, người cao trọng);  Bảo, c. 保: Bảo vệ, giữ gìn, bảo hộ, người chăm sóc, người trông nom; Thái bảo: Đấng bảo vệ, coi sóc cao trọng (Custos,  Guardian).

_____________________________

Phần nầy góp ý của anh Khổng Nhuận (cựu Ex Luro Saigon)

Giải thích tạm ổn, tớ thêm một chút cho rõ hơn.
Lấy gốc từ phẩm trật triều đình Trung Hoa

Thái bảo (tiếng Trung: 太保) là một chức quan trong triều đình phong kiến Trung Quốc, Triều Tiên và Việt Nam, được thiết lập từ thời nhà Chu, phụ trách việc giám hộ và phụ tá vị vua nhỏ tuổi.
Triệu Công là thái bảo đầu tiên, “Đại Đới lễ ký” viết:
“Triệu Công làm thái bảo,
Chu Công làm thái phó,
Thái Công làm thái sư”.[1]
Chu Võ Vương qua đời, Chu Thành Vương tuổi nhỏ, Triệu Công nhậm chức thái bảo giám hộ vị vua nhỏ tuổi.
Thánh Giuse cũng là Thái Bảo, giám hộ ấu vương Giêsu.
_______________________________________

Trang khoa cẩn mật: Trang, c. 莊: Nghiêm túc, đàng hoàng, kính cẩn, nghiêm trang; Khoa, c. 姱 hay 夸: Tốt đẹp.

Trang khoa cẩn mật: 莊 姱 謹 密: Cẩn thận kín đáo đàng hoàng tốt đẹp (providentissime, most watchful).

Tóm lại: Thân Thái bảo trang khoa cẩn mật: Lạy Đấng bảo hộ nghiêm cẩn cao trọng.

[14] Dịch lây: c.  Khí độc hay truyền nhiễm, hay làm cho người ta phải ẩu tả, phải chết. Thói đục: Cách ăn thói ở xấu xa làm cho người ta phải hư, phải mất nết. Dịch lây thói đục: Ảnh hưởng mạnh mẽ của các thói hư nết xấu.

[15] Chữ dạ? Hai bản kinh năm 1948 và 1950 in là “chữ dạ”, Các bản kinh năm 1965, 1972, 1974 và về sau in là “giữ dạ”. Hai từ “chữ dạ” trong câu kinh này không có ý nghĩa, chắc là do lỗi chính tả khi in. Vậy nguyên gốc hai từ này là gì?

– Theo Paulus Của (ĐNQÂTV): Chử n. 渚: Ghi nhớ. Dạ n. 胣 (Hv nhục + Nôm ): Hiểu chung là cái bụng. Chử dạ 渚 胣: Ghi dạ, để dạ, đem vào lòng dạ. Theo Lê Ngọc Trụ (VIỆT NGỮ CHÁNH TẢ TỰ VỊ, in lần thứ II, Khai Trí, Sài Gòn, 1972): Chử (渚 Nôm, do gốc Hán Việt là thủ 守) nghĩa là ghi nhớ: Thìn lòng chử dạ (Gìn giữ trong lòng, ghi nhớ trong bụng). Như vậy, nếu sửa “chữ dạ” thành ra “chử dạ” – “Cho chúng tôi chử dạ sạch trong” nghĩa là: “Cho chúng tôi ghi nhớ lòng sạch trong” thì xem ra không có ý nghĩa, không thích hợp! Còn nếu sửa lại bằng hai từ “giữ dạ” như các bản in hiện nay: “Cho chúng tôi giữ dạ sạch trong” – thì xem ra có ý nghĩa…, nhưng chúng tôi cho rằng nguyên gốc có thể là “chuỷ dạ”. Chuỷ ( 嘴 hay 觜, còn đọc là tuỷ): (1) Mỏ chim; (2) Miệng người. “Cho chúng tôi chuỷ dạ sạch trong” nghĩa là: “Cho chúng tôi trong lòng cũng như ngoài miệng đều thanh khiết, trong sạch” thì xem ra rất có ý nghĩa!

[16] Ái, c. 愛: Yêu mến. Tuất, c. 卹 (恤): (1) Thương xót; (2) Cứu tế; (3) Đoái nghĩ đến, thông cảm, quan tâm đến. Ái tuất  Yêu thương, thương tiếc.

[17] Loạn thương: Hươi thương rối rít để che đỡ thân mình. Trận loạn thương: Cuộc chiến đấu quyết liệt.

[18] Chước thù oan quỉ trá: Mưu mô gian trá xấu xa của ma quỉ, kẻ thù.

[19] Trở đáng id. (阻 擋) Trắc trở: Bức trắc, lúng túng, không xuôi.

[20] Tai ương id. (災 殃) Cái họa hại lớn, những điều họa hại, khốn khổ, thường bởi trời mà xuống.

[21] Vực: n. 域 : (1) Vị trí sâu giữa các vách dựng đứng: Vực sâu; Một trời một vực (hơn kém nhau nhiều); (2) Cứu giúp: Vực nước (cứu nước nhà, giúp nước); (3) Xốc nách giúp bước đi: Vực người say về; Vực con nghé (luyện cho trâu non kéo cày); (4) Từ đệm sau Ngờ: ngờ vực.

[22] Ngõ. n. 午, ?, ? (Hv: ngọ; hộ ngọ; ngọ môn) Hầu cho, cho được, để mà (tiếng ước về sau).

[23] In thức 印 式: Giống cách kiểu, giống kiểu vở.

[24] Sanh thuận tử an: Paulus Của giải thích là: “Sống thuận, thác an. Muốn chết lành, ở đời phải làm lành, ấy là thiện sanh phước chung” (Hùinh Tịnh Của, TỤC NGỮ, CỔ NGỮ, GIA NGÔN, Sài gòn, 1896, tr. 130). Nhưng thực ra “sanh thuận tử an” nghĩa là sống hay chết đều bình an xuôi chảy, an thuận, không có gì trắc trở.

[25] Tiêu diêu 消 遥 như tiêu dao: thanh nhàn, khoái lạc, vui chơi thong thả.

Sài Gòn, ngày 01 tháng 02 năm 2021
Năm đặc biệt tôn kính Thánh Giuse

Lưu ý: File Word Kinh A Thân Lạy Thánh Cả Giuse – Cổ Văn trên đây, một số ký tự Trung Hoa hoặc Nôm có thể không hiển thị đúng. Để có bản hiển thị đúng, các bạn có thể download File PDF tại đây.