Khoa học đồng ý với Chúa Giêsu rằng đây là những yếu tố sẽ dẫn đến một đời sống hạnh phúc

1032

Cecilia Pigg

https://lh5.googleusercontent.com/97GJ3AbcefzRuW-f2nDcBoKFvLoT4-Oy2QMlLLeL397i5RwFolkgUSym4tF_uvKZjg7JX8mZcLWGGPQoNKIhWzOWPGrsoNXuBTc3XyCPtxuMqRdlzCme8-Sy77Hsrqu-cz96Rq3Q
BABAROGA|Shutterstock

14 tháng Một, 2020

Nghiên cứu của Harvard đã theo dõi các nhóm người trong suốt 80 năm và những phát hiện đang được tiết lộ!

Bạn đã bao giờ đọc những nghiên cứu của Harvard đã và đang thực hiện trong suốt 80 năm, đo lường sức khỏe và sự hạnh phúc của đời sống con người? Nghiên cứu đã bắt đầu trong thập niên 1930 và vẫn tiếp tục đến ngày nay bằng cách thu thập dữ liệu về con cái của những người tham gia ban đầu. Cho đến nay, dữ liệu đã tiết lộ một số khuynh hướng chắc chắn cho thấy những gì tạo nên một đời sống hạnh phúc. Một quan sát thú vị là những phát hiện này chứng minh cho các điều Chúa Giê-su và Tân Ước dạy. Dưới đây là năm cách để vun đắp hạnh phúc từ các phát hiện của cuộc nghiên cứu, có tương quan với những lời trực tiếp trong Kinh Thánh …

Chất lượng cuộc sống của bạn tùy thuộc vào những mối quan hệ của bạn, đặc biệt khi về tuổi già.

Một phát hiện lớn của nghiên cứu là những người có mối quan hệ tốt, ổn định và có các hệ thống hỗ trợ ở tuổi 50 thường có sức khỏe tốt hơn khi đến tuổi 80 so với những người thiếu những mối quan hệ tốt.

Chúa Giê-su cũng bênh vực các mối quan hệ và cộng đồng ổn định. Người gửi các ông cứ từng hai người một (Lc 10:1). Người đã thành lập một cộng đồng gồm 12 người (các tông đồ của Ngài) là những người cùng đi với Ngài, dạy bảo và trải nghiệm cuộc sống. Và Ngài nói rằng hành động vĩ đại nhất của tình yêu là hy sinh mạng sống cho bạn bè (Ga 15:13), cùng với điều răn là hãy yêu người lân cận như chính mình (Mc 12:31).

Hôn nhân ổn định và sự hài lòng trong hôn nhân làm cho con người hạnh phúc hơn.

Nghiên cứu nói rằng khi con người sống trong hôn nhân hạnh phúc, họ có được tâm trạng tốt trong những ngày họ phải trải qua nhiều nỗi đau thể xác hơn bình thường. Trái lại, những người sống trong các cuộc hôn nhân không hạnh phúc cho thấy tâm trạng xấu hơn và đau đớn về thể xác nhiều hơn mỗi ngày. Sự cô đơn cũng làm cho người ta chết sớm hơn, các nhà nghiên cứu nói rằng nó cũng nguy hiểm cho sức khỏe của bạn giống như việc lạm dụng thuốc lá hoặc rượu.

Chúa Giê-su đòi buộc sự cam kết với người phối ngẫu của bạn bằng những tuyên bố của Ngài chống lại ly dị (Mt 19). Sau này, trong Thư thứ nhất gửi tín hữu Cô-rin-tô, Thánh Phaolo khuyên răn vợ chồng hay yêu thương nhau — nói về những mối quan hệ yêu thương và tốt đẹp cho cả hai vợ chồng.

Nói về thời gian lâu dài, hạnh phúc là khả năng biết ăn uống điều độ và không lệ thuộc vào rượu hay thuốc lá.

Dữ liệu nghiên cứu cho thấy những người có cuộc sống nói chung cân bằng và hạnh phúc có thể thay đổi 180 độ nếu họ đã bắt đầu bị lệ thuộc vào rượu ở tuổi trung niên. Sự thay đổi đó cho thấy đúng — những người “tàn tạ” do lạm dụng rượu có thể làm lại cuộc đời giữa chừng và tìm thấy hạnh phúc và sự cân bằng.

Chúa Giê-su đồng tình rằng tiết độ là điểm chính, vì Người giảng về việc thoát ly khỏi thế gian và thay vào đó là gắn kết với Thiên Chúa. Người hỏi rằng sẽ ích gì khi được cả thế giới nhưng lại thiệt mất mạng sống? (Mt 16:26). Ngài nhiều lần nói rằng bạn sẽ không thể lên thiên đàng nếu bạn quá gắn bó với những thứ thuộc thế gian này (thật khó để một người giàu có lên thiên đàng, vì ông ta tích trữ kho báu trên thế gian trong những kho lẫm lớn hơn và lớn hơn nữa, và với người thanh niên buồn bã quay đi vì không muốn chia tay với tài sản của mình).

Duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh là hữu ích cho hạnh phúc lâu dài.

Điều này đòi hỏi việc duy trì hoạt động trong suốt cuộc đời của bạn. Mặc dù Chúa Giê-su không nói đến việc ăn uống đúng cách hay giữ dáng vóc, nhưng Thánh Phaolo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chăm sóc cơ thể chúng ta vì chúng là đền thờ của Chúa Thánh Thần (1 Cr 6:19). Ngài cũng nhắc nhở chúng ta tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác chúng ta.

Khả năng đối phó với những thăng trầm trong cuộc sống một cách lành mạnh là điều cần thiết cho hạnh phúc.

Đó là những gì nghiên cứu cho biết. Và Ki-tô giáo giúp đưa con tàu lượn siêu của cuộc đời chạy đúng hướng: Chúa Giê-su nói rằng chúng ta không thuộc về thế gian này (Ga 17:16), và Người chia sẻ rằng sự đau khổ của chúng ta trong thế giới này giúp chúng ta chuẩn bị cho cuộc sống mai sau (Mt 5:3). Vì vậy, làm sao để chúng ta được hạnh phúc? Nếu cả Chúa Giê-su và nghiên cứu khoa học theo thời gian đều đồng ý rằng chế độ ăn uống điều độ, giữ vững hy vọng và kiên nhẫn với cuộc sống, và ưu tiên cho các mối quan hệ của chúng ta (đặc biệt là hôn nhân nếu chúng ta được chúc phúc với người phối ngẫu) là vô cùng quan trọng để có sự hạnh phúc trọn đời, vậy chúng ta hãy thực hiện!

[Nguồn: aleteia

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 16/1/2020]