“Hình tự chụp” có thật sự là một căn bệnh mới không?

1517

by phanxicovn

fr.aleteia.org, Fanny Leroux, 2017-12-26
Phát sinh từ lời nói đùa cách đây vài năm trên một trang mạng trào phùng, chữ Selfiti là chữ để nói về chứng nghiện hình tự chụp (selfie). Ngoài mọi mong chờ, các nhà nghiên cứu đã nghiêm túc nghĩ đến vấn đề này: chúng ta nghĩ gì về cách ứng xử tiêu biểu của thời kỹ thuật số này và có thể xem đây là triệu chứng bệnh hoạn không?
Cuối tháng 3-2014, với giọng điệu hài hước, trang mạng The Abodo loan báo Hiệp hội Bác sĩ Tâm thần Mỹ (American Psychiatric Association), một tổ chức xếp hạng các bệnh tâm thần có tiếng trên thế giới, hiệp hội cho biết “hình tự chụp” là một hội chứng rối loạn tâm thần mới. Một bài trên trang mạng hài hước định nghĩa selfie như một “ước muốn có tính xung năng và ám ảnh tự chụp hình mình, đăng trên các trang mạng xã hội để bù cho sự thiếu tự tin, bù cho sự trống rỗng trong tính mật thiết”. Một lời nói đùa làm nhiều cư dân mạng cười.
Dù vậy các nhà nghiên cứu vẫn nghiêm túc tiến hành cuộc tìm tòi của mình và kết quả của họ thật đáng ngạc nhiên: rõ ràng selfie là một hội chứng tâm thần. Hơn nữa, theo thang bậc lượng định selfie của các nhà nghiên cứu, hội chứng này đánh giá trên số lượng để đo mức độ nặng nhẹ của nó. Sau đây là một vài giải thích về căn bệnh mới của thời buổi này.
Một nghiên cứu chất vấn trong thời buổi hiện đại này
Với thời buổi của điện thoại thông minh, việc chụp hình trở nên vừa dễ dàng, vừa nhanh chóng. Làm cho giây phút đang sống trở thành bất tử, kể cả bối cảnh của nó. Chính ở hiện tượng này mà các nhà nghiên cứu người Anh và Ấn độ quan tâm, họ quyết định thực hiện cuộc nghiên cứu này trên 225 sinh viên ở Ấn độ. Theo một nghiên cứu được thực hiện năm 2016, Ấn độ là nước có số lượng người dùng Facebook nhiều nhất, và đáng tiếc, Ấn độ cũng là nước có nhiều người chết vì chụp ảnh selfie, do họ chụp trong các tình trạng nguy hiểm.
Cuộc nghiên cứu bắt đầu bằng việc phân tích các yếu tố có thể đưa đến tình trạng nghiện. Qua cuộc nghiên cứu này, mục đích của các nhà nghiên cứu là làm sao tạo được một dụng cụ: mức độ ứng xử qua selfie để mỗi người có thể tự chẩn bệnh cho mình và biết được mức độ nặng nhẹ các triệu chứng của mình. Sau đó dụng cụ này được chứng thực trên 400 người tham dự khác. Các câu hỏi được đặt ra để các người tham dự biết xem mình ở đâu trong các câu khẳng định như: “Tôi giảm stress khi chụp selfie” hay “tôi hội nhập vào nhóm nhiều hơn khi tôi chụp và chia sẻ selfie trên trang mạng xã hội.”
Chúng ta có thể lượng định được căn bệnh không?
Nghiên cứu này là một trong các nghiên cứu đầu tiên về selfie, xem selfie như một ứng xử mang tính nghiện. Các nhà nghiên cứu thấy ở đây có một vài điểm yếu, nhất là việc dựa trên sự tự lượng định của những người tham dự. Dù các kết quả có được, nhưng chưa đủ chính thức công nhận hình tự chụp là hội chứng tâm thần như các triệu chứng của căn bệnh này trong các chuẩn mực của khoa tâm thần.
Dù vậy, một chuyện chắc chắn như hai nhà nghiên cứu xác nhận trong cuộc nghiên cứu: “Những người có hội chứng, họ thiếu tự tin, họ tìm cách “đi vào khuôn” của những người chung quanh họ, đẩy họ phải phô bày các triệu chứng giống như các triệu chứng có tiềm năng nghiện”. Như vậy sự tồn tại của vấn đề này đã được nhận diện, tuy nhiên cũng cần có các nghiên cứu khác để xác nhận thêm. Thường thường đây là những người đi tìm sự chú ý và cho thấy họ thiếu tự tin, họ cần được người khác chấp nhận, nhu cầu này rất lớn nơi họ.
Cho đến bây giờ, nguy hiểm thật sự của vấn đề này là những người bị vướng vào chứng có thể ở trong tình trạng nguy hiểm khi chụp selfie để gây ấn tượng cho người khác.
Bản lượng định gồm 20 tiêu chuẩn để xác định 3 mức độ selfie
Hình tự chụp được xác định trong ba mức độ: ở ranh giới, những người chụp ít nhất 3 tấm hình mỗi ngày, nhưng không đăng trên các trang mạng; ở mức độ cấp tính, khi họ đăng hình trên internet; ở mức độ kinh niên, khi họ có nhu cầu không cưỡng lại được, phải chụp hình và đăng ít nhất 6 hình mỗi ngày.
Sau đây là 20 tiêu chuẩn, mức độ càng cao thì bạn càng có nguy cơ bị chứng nghiện selfie càng tăng. Bạn lượng định từ 1 đến 5, 5 là bạn hoàn toàn đồng ý, 1 là bạn không đồng ý chút nào:
1. Chụp selfie cho tôi cảm giác dễ chịu, hưởng được bầu khí sống chung quanh tôi.
2. Chia sẻ selfie tạo một tình cảm cạnh tranh lành mạnh với bạn bè và đồng nghiệp của tôi.
3. Tôi thu hút được sự chú ý rất nhiều khi tôi chia sẻ các hình tự chụp của tôi trên mạng.
4. Chụp selfie giúp tôi giảm stress.
5. Tôi cảm thấy tự tin khi chụp selfie.
6. Các nhóm giao lưu trên mạng chấp nhận tôi nhiều hơn khi tôi chụp và chia sẻ selfie trên mạng.
7. Qua selfie, tôi diễn tả tốt hơn trong môi trường của tôi.
8. Chụp nhiều kiểu khác nhau làm tăng địa vị xã hội của tôi.
9. Tôi cảm thấy mình được biết nhiều hơn khi tôi đăng selfie trên mạng.
10. Chụp nhiều selfie làm cho tôi vui và cảm thấy hạnh phúc.
11. Tôi cảm thấy mình tích cực hơn khi chụp selfie.
12. Qua các bức hình selfie được đăng, tôi trở nên thành viên quan trọng trong nhóm bạn trên mạng của tôi.
13. Chụp selfie giúp tôi giữ các kỷ niệm đẹp nhất của giây phút sống này.
14. Tôi thường đăng các selfie để có nhiều “like” và có nhiều phản hồi trên mạng.
15. Khi đăng selfie, tôi mong được các bạn quý mến tôi hơn.
16. Chụp selfie thay đổi tính khí của tôi ngay lập tức.
17. Tôi chụp thêm selfie và tôi giữ riêng cho tôi để tăng tính tự tin của tôi.
18. Khi tôi không chụp selfie, tôi có cảm tưởng như tách ra khỏi nhóm xã hội của tôi.
19. Tôi chụp selfie như thành tích để giữ kỷ niệm cho tương lai.
20. Tôi chỉnh sửa selfies để được đẹp hơn dưới mắt người khác.
Làm sao tách được selfie?
Như tất cả mọi chứng nghiện, chứng nghiện selfie cũng có thể trở thành một căn bệnh thật. Vì rất nhanh chóng, nó làm cho đương sự rơi vào trong tội huênh hoang và kiêu ngạo. Quả vậy, câu châm ngôn trong sách Châm ngôn (29, 23) có nói: “Kẻ tự nâng lên sẽ bị hạ xuống, người lòng trí khiêm nhường sẽ được hiển vinh”.
Trong bài giảng ngày 22 tháng 9 – 2016, sau khi đọc sách Giảng Viên nói về tính huênh hoang, Đức Phanxicô nhắc lại, rất nhiều người sống bề ngoài, ngài xác nhận, “bất cứ sự dữ nào cũng cò cùng một cội rễ: ghen tương, huênh hoang, kiêu ngạo”. Ngài nói thêm: “Tính huênh hoang đưa đến gian lận: những người gian lận làm giả con bài để thắng. Và sự thắng cuộc này là giả tạo, nó không đích thực. Và đây là huênh hoang: sống giả đò, sống bề ngoài. Điều này làm cho tâm hồn lo lắng”. Đức Phanxicô cũng có những lời sau: “Tính huênh hoang như chứng ‘mòn xương’ của tâm hồn, bên ngoài thì có vẻ như tốt, nhưng bên trong xương đã bị mục”.
Như vậy làm sao để tránh đừng rơi vào các tật xấu này? Phúc Âm Thánh Gioan (6, 15) cho chúng ta thấy Chúa Giêsu đã tránh được chuyện này: “Nhưng Đức Giêsu biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, lên núi một mình”.
Như thế chúng ta cần nhìn lại để suy nghĩ thêm về nhu cầu chụp hình mãi mãi như thế này. Để tránh rơi vào chứng huênh hoang và kiêu ngạo, cầu nguyện là một phương cách tốt để giữ một khoảng cách và để không rơi vào chứng nghiện kỳ quái này…

 

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch