“Hãy đến từ lòng người và đến chính nơi ta” | Chuyện phiếm Đạo/Đời

1335

Chuyện Phiếm đọc trong tuần 32 Thường niên năm B 11-11-2018

“Hãy đến từ lòng người và đến chính nơi ta.”

“Đến với lòng thật thà đừng dối trá điêu ngoa.”
(Nguyễn Quyết Thắng – Hát Từ Tim Hát Bằng Hơi Thở)

(1 Corinthô 1: 1-2) 

Hát từ trái tim, thì như thế. Thế còn chơi đàn từ nơi đâu, khi bạn và tôi chơi cho người thân thiết nhất cuộc đời mình, đây? Trả lời câu hỏi này, thật không dễ. Thôi thì, bần đạo xin mượn câu truyện đã từng kể và nhiều người từng nghe để mào đầu chuyện phiếm hôm nay, như sau đây:

Qua nhiều năm dạy Piano, tôi nhận ra rằng trẻ em có nhiều cấp độ về năng lực về âm nhạc. Tôi chưa bao giờ hân hạnh có được một học trò thần đồng nào cả, dù cũng có một vài học sinh thật sự tài năng. 

Tôi có được cái mà tôi gọi là những học viên “ được thử thách về âm nhạc”. Robby* là một ví dụ. Robby được 11 tuổi khi mẹ cậu bé, một người mẹ độc thân, đưa cậu đến học bài Piano đầu tiên.  

Tôi thích học viên của mình (đặc biệt là những bé trai) bắt đầu học ở lứa tuổi sớm hơn và điều đó tôi cũng có giải thích với Robby. Nhưng Robby nói rằng mẹ em hằng ao ước được nghe em chơi Piano. Vì vậy tôi nhận cậu bé vào lớp. 

Qua nhiều tháng, cậu bé thì cần mẫn học bài và cố gắng luyện tập, tôi thì cố gắng nghe và động viên cậu. Cứ cuối mỗi bài học hàng tuần, em lại nói: “Một ngày nào đó mẹ sẽ nghe em đàn”. Nhưng dường như vô vọng. Đơn giản là cậu bé không có năng khiếu bẩm sinh. Tôi chỉ nhìn thấy mẹ cậu bé từ xa khi bà đưa con đến hoặc ngồi chờ con trong chiếc xe hơi cũ kỹ. Bà luôn vẫy tay và mỉm cười nhưng không bao giờ vào nói chuyện với tôi. 

Rồi một ngày kia, Robby thôi không đến lớp. Tôi có nghĩ đến việc gọi em, nhưng lại thôi, vì nghĩ rằng em đã quyết định theo đuổi một cái gì khác. Thật sự, tôi cũng mừng vì em nghỉ. Robby là một màn quảng cáo tồi tệ cho khả năng dạy học của tôi! 

Vài tuần sau, tôi gửi đến nhà các học trò của mình tờ bướm giới thiệu về buổi biểu diễn sắp tới. Thật ngạc nhiên, Robby hỏi em có thể tham gia biểu diễn không. Tôi trả lời rằng buổi diễn chỉ dành cho những bạn còn đang học, trong khi em đã nghỉ rồi.

Robby nói mẹ em bị bệnh nên không đưa em đến lớp được, nhưng em vẫn tiếp tục luyện tập. Em năn nỉ tôi cho em tham gia. Tôi không hiểu điều gì đã xui khiến tôi đồng ý. Có thể vì sự kiên trì của cậu bé, hoặc có thể vì một cái gì đó trong tôi lên tiếng rằng sẽ ổn cả thôi. Rồi đêm diễn cũng đến. Khán phòng của trường chật ních những phụ huynh bạn bè, thân nhân của các em học viên.  

Tôi xếp Robby ở gần cuối chương trình, trước tiết mục nói lời cám ơn học viên và biểu diễn một bản nhạc kết thúc chương trình của tôi. 

Tôi sắp xếp thế để nếu Robby có làm hư bột hư đường thì tôi cũng có thể cứu vãn bằng tiết mục của mình. 

Và buổi diễn đã diễn ra khá suông sẻ. Rồi đến lượt Robby. Cậu bé bước lên sân khấu với bộ quần áo nhàu nhèo và mái tóc giống như cậu mới vừa dùng máy đánh trứng để đánh bung nó lên.  

Tôi thầm nghĩ sao em không ăn mặc như các học viên khác, sao mẹ em không chịu ít ra là nhắc em chải đầu trước khi đến với buổi tối đặc biệt này. 

Tôi ngạc nhiên khi Robby tuyên bố em chọn bản Concerto số 21 của Mozart. Tôi vô cùng bất ngờ với những gì được nghe tiếp theo.  

Các ngón tay cậu bé lướt nhẹ nhàng và linh hoạt trên phím đàn. Tiếng nhạc đi từ cực nhẹ đến cực mạnh, từ rộn ràng đến sâu lắng. Tôi chưa từng được nghe người nào ở tuổi Robby chơi nhạc Mozart tuyệt vời đến vậy. Sau sáu phút rưỡi, em kết thúc bằng một đoạn nhạc mạnh dần lên. Mọi người đứng dậy vỗ tay vang dội. 

Ngất ngây và giàn giụa nước mắt, tôi chạy lên sân khấu, ôm chầm lấy Robby trong niềm hạnh phúc. Tôi chưa bao giờ nghe em chơi tuyệt như vậy! em làm cách nào thế? Qua “microphone”, Robby nói trong xúc động, giọng ngắt quãng: 

-Cô có nhớ em đã nói mẹ em bị bệnh không? Mẹ em bị ung thư và đã mất sáng ngày hôm qua. Mẹ em bị điếc bẩm sinh, vì vậy tối nay em đã cố gắng đến đây vì nghĩ rằng đây là lần đầu tiên mẹ có thể nghe em chơi đàn. Em đã cố hết sức mình vì điều ấy”. 

Cả khán phòng hôm ấy không ai cầm được nước mắt. Khi những người ở ban công tác xã hội dẫn Robby về để nhận người đỡ đầu, mắt họ cũng đỏ và đầy xúc động. Tôi thầm nghĩ cuộc đời mình đã giàu hơn biết mấy khi nhận Robby làm học trò. Vâng, tôi không có học trò thần đồng nào cả, nhưng tối hôm ấy, tôi trở thành học trò của Robby. Em đã dạy tôi ý nghĩa của lòng kiên trì, tình yêu và niềm tin vào bản thân hoặc thậm chí dám đặt cược vào một người khác mà không hiểu tại sao. Tôi tin rằng luôn có những thiên thần ở quanh chúng ta, bên cạnh chúng ta, và ở trong bản thân ta.  

Có lẽ bạn cũng có một thiên thần trong cuộc đời bạn, chỉ có điều đôi lúc chúng ta không nhận ra mà thôi?” (Truyện kể được nghe khá nhiều lần, cũng tốt thôi)

Quả thật, làm gì thì làm và nói gì thì nói, hãy cứ làm và nói như bài hát của ai đó có câu thơ như: “Con tim chân chính không bao giờ biết đến nói dối.” Hoặc còn bảo: Hãy nói bằng con tim của chính mình, dù thơ văn hoặc nhạc-bản rất tâm tình. Vâng. Đó là điều hay nhất và tốt nhất, cho mọi người.

Hôm nay đây, nhớ lại cặp ca hát sĩ trong đêm thính nhạc ở Sydney hôm 13/10/2018 vẫn ưa vẫn thích hát những câu hát tiếp sau đây:

“Hãy nói cùng tình người cuộc sống quá bôn ba.
Ôi con tim dung tha là tiếng khóc nhạt nhòa.
Những đêm hồng đốt cháy da thơm chết dần mòn còn dã thú làm người,
Những ngày buồn phố xá tan hoang,
Đến nơi đây ôi nắng mưa tinh khôi.
(Nguyễn Quyết Thắng – bđd)

Và, thêm câu hát khác, rất như sau:

“Hãy đến từ lòng người và đến chính nơi ta.
Đến với lòng thật thà đừng dối trá điêu ngoa.
Hãy nói cùng tình người cuộc sống quá bôn ba.
Ôi con tim dung tha là tiếng khóc nhạt nhòa.”
(Nguyễn Quyết Thắng – bđd)

Vâng. Cứ thế mà hát và nói cho thân tình và da diết, để người nghe bắt chụp được nhịp cầu chuyển tải những điều bạn và tôi, ta muốn hát và nói. Hát và nói mãi cho nhau, cho mọi người, ở mọi nơi. Như lời đấng bậc lành thánh từng nói ở đâu đó, nơi nhà Đạo, những câu sau đây:

“Tôi là Phaolô,
bởi ý Thiên Chúa
được gọi làm Tông Đồ của Đức Kitô Giêsu,
và ông Xốtthênê
là người anh em của chúng tôi,
kính gửi Hội Thánh của Thiên Chúa ở Côrintô,
những người đã được hiến thánh trong Đức Kitô Giêsu,
được kêu gọi làm dân thánh,
cùng với tất cả những ai ở bất cứ nơi nào kêu cầu danh Chúa của chúng ta,
Đức Giêsu Kitô,
là Chúa của họ và của chúng ta.”
(1Corinthô 1: 1-2)

Vâng. Hãy cứ hát và nói những lời chân tình, thật thà và lành thánh như đấng bậc thân quen vẫn nói ở mục hỏi/đáp, như mọi lần. Hỏi rằng:

“Thưa Cha,

Khi đọc Kinh Tin Kính, ta đều thấy Giáo hội quả quyết mình đã là thánh. Con đây, hơi nghi ngờ chuyện ấy nên vẫn tự bảo: sao ta cứ gọi Giáo Hội của Chúa là Hội thánh khi rõ ràng là các thành-viên của nhóm hội này toàn là người vướng mắc rất nhiều tội, kể cả linh mục, giám mục. Sao ta gọi đó là Hội của các thánh được chứ?”      

Và, đấng bậc lại thân thưa với người hỏi, thế này đây:

“Theo tôi thì, rất nhiều người cũng từng nêu lên câu hỏi tương tự. Điều cần thiết trước tiên ta cần nhớ, đó là: Hội thánh không chỉ bao gồm mỗi thành-viên có đến 1 tỷ 3 trăm triệu đấng bậc vào bất cứ lúc nào trên trái đất này. 

Giáo Hội là Thân mình Nhiệm mầu của Đức Kitô, có Đức Kitô làm đầu, có Chúa Thánh Thần là linh hồn, có Đức Maria là mẹ và vô vàn các thánh trên thiên-quốc cùng các linh-hồn đau khổ cùng cực dưới luyện ngục đang nguyện cầu cho ta.  

Phương-cách hay nhất để diễn-tả Giáo hội mình như truyền-thống vẫn gọi bằng tiếng Latinh là “Immaculatis ex maculates”, tức có nghĩa: vô tì-tích, chẳng một vết nhơ dù bao gồm toàn những thành-phần nhơ bẩn. 

Không cần biết làm sao, bao nhiêu thành viên Giáo hội như chúng ta đây đều phạm phải lỗi tội trên địa cầu này, nhưng dù sao chính Giáo hội sẽ luôn luôn thánh-thiện bởi vì Giáo hội là Thân Thể Nhiệm mầu của Đức Kitô. Đây là lý do đầu tiên tại sao ta lại bảo Giáo hội rất thánh-thiện. Và, còn nhiều lý do khác nữa. 

Hai nữa, Giáo hội thánh-thiện vì do Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa là Đấng rất thánh tạo dựng, nên tất cả đều thánh-thiện. Nhiều đạo-giáo khác, lâu nay do con người thiết-lập, một số trong đó lại cũng nổi danh là người tội lỗi, còn Giáo hội Công giáo của ta lại do chính Thiên Chúa, ngang qua Con Một của Ngài là Đức Giêsu tạo thành.

Thứ ba là, Giáo hội dạy rằng: tất cả mọi người chúng ta đều được kêu gọi sống lành-thánh hết mình. Hệt như Sách Giáo lý trích dẫn Công Đồng Vatican 2 từng bảo: “mọi kẻ tin, dù cho họ ở tình-trạng hoặc điều kiện sống thế nào đi nữa theo cung-cách riêng tư mỗi ngày, vẫn được Chúa kêu gọi sống toàn-thiện toàn-hảo của sự thánh-thiện do bởi Thiên Chúa Cha là Đấng tuyệt-hảo.” (X. Ánh Sáng Muôn Dân  đoạn 11 câu 3, Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo đoạn 825).

Giáo hội không dạy ta thứ đạo đức của sự tầm thường qua đó mọi người đều có thể làm bất cứ thứ gì khiến họ vui lòng, nhưng đúng hơn kêu gọi ta sống thánh theo cách đích-thực được tạo mẫu từ sự thánh-thiện của chính Đức Kitô là Đức Chúa toàn năng và là con người toàn hảo.” (X. Kinh Tin Kính do thánh Athanasia lập).

Nói theo ngôn-ngữ của Công đồng Vatican 2, thì “mọi hoạt-động của Giáo hội đều được hướng-dẫn đến cùng tận vào việc thánh-hóa con người nơi Đức Kitô và sự vinh-quang của Thiên Chúa. (SC đoạn 10)

Thư tư là, Giáo hội cống-hiến cho ta mọi phương-tiện cần-thiết để ta tăng-trưởng trong sự lành thánh. Chính nơi Giáo hội, mọi phương-tiện cứu rỗi dĩ nhiên vẫn được đề cao và đặt để nơi đây do bởi “ân-huệ Chúa ban ta đạt được.” (Tông thư UR đoạn 3; Ánh Sáng Muôn Dân đoạn 48; Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo đoạn 824)

Và, dĩ nhiện, phương-tiện cứu rỗi vẫn đặc biệt là bẩy phép Bí tích, cùng thánh lễ, nghi-thức phụng-vụ này khác và cả việc đọc Sách thánh nữa… 

Cũng tùy thuộc vào ta  là những người sử-dụng các phương-tiện này, vẫn thường xuyên nhận-lãnh các bí tích, đặc biệt là Bí tích Giao-hòa và Thánh thể. 

Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục khi bàn về Kinh Tin Kính của Dân Con Đức Chúa năm 1968 có nói rằng: “Vì thế nên Giáo hội là hội của các thánh cho dù trong Giáo họi vẫn còn nhiều người vướng mắc rất nhiều tôi, bởi vì Giáo hội tự thân, không có cuộc sống nào khác ngoài sự sống đầy ân sủng.

Giả như mọi người trong Giáo hội sống địch thực cuộc đời mình, thì thành viên của Giáo hội đều được thánh-hóa; giả như các thành-viên bị cất rời khỏi cuộc sống Giáo hội, thì đương nhiên là họ sẽ rơi vào vòng tội lỗi, mất trật tự ngõ hầu ngăn chặn ánh hào quang thánh-thiện của Giáo-hội.” (Tài liệu Công đồng CPG đoạn 16, sách Giáo lý Hội thánh Công giáo đoạn 827)

Thứ năm là, Giáo hội thánh-thiện là bởi vì rất nhiều thành viên trong Giáo hội sống đời lành thánh lại được Giáo hội tấn-phong làm thánh, tức công-nhận rằng các vị đã hiện-thực đặc-trưng anh-hùng và sống trung-thành với ân-huệ lành thánh của Chúa. Các ngài được đề nghị như kiểu mẫu và là đấng cầu bàu vì có như thế, các ngài mới giúp đỡ ta ở dưới thế này biết hướng lòng vào sự lành thánh rồi biến thế-giới này thành nơi tốt đẹp để sống… 

Tắt một lời, Giáo hội của Chúa đích-thực lành-thánh cho dù thành-viên trong đó là kẻ có tội.” (X. Lm John Flader, How Can a Church of sinners be holy as well? The Catholic Weekly 16/9/2018 tr. 33)

Cuối cùng thì, tính-cách thánh-thiện của các thành-viên trong Hội thánh đương nhiên được minh-chứng và thể-hiện bằng chính cuộc sống rất đời thường của mỗi thành-viên. Bởi thế nên, muốn chứng minh điều ấy cho rõ ràng, chỉ còn một cách là hãy cứ sống điều ấy bằng đời thường của mình.

Và, để kết-luận câu chuyện phiếm hôm nay, xin mời bạn mời tôi, ta hát lại ca-từ nổi cộm ở trên mà rằng:

“Hãy đến từ lòng người và đến chính nơi ta.
Đến với lòng thật thà đừng dối trá điêu ngoa.
Hãy nói cùng tình người cuộc sống quá bôn ba.
Ôi con tim dung tha là tiếng khóc nhạt nhòa.”
(Nguyễn Quyết Thắng – bđd)

Và, cứ thế, hãy cùng bạn và cùng tôi, ta hiên ngang tiến bước về phía trước, mang theo ý tưởng rấ thời thượng vì đã hoàn-thành một bước ngoặt rất nổi bật như bao giờ.

Trần Ngọc Mười Hai
Và những ý tưởng nổi bật này khác
vẫn có từ xa xưa đến bây giờ vẫn nhớ
đi vào hiện-thực.