Giúp Con Yêu Mến Chúa Ba Ngôi | Vô Hạ

1325

vô hạ

1. “Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi cực thánh, chúng con tin kính và thờ lạy Chúa …” Đó là lời mở đầu của Cố Linh Mục Giáo Sư Cao Phương Kỷ (1930-2018) trong những ngày tháng dạy học tại Cần Thơ (1958-1967) khi   luân phiên giúp học trò mở đầu giờ nguyện gẫm mỗi buổi sáng hơn 50 năm trước. Và câu kinh nguyện trên đã  nằm lòng theo học trò ra đi khắp nhiều nơi trên thế giới.

Theo Lịch Phụng vụ Công giáo, Chúa Nhật ngày 07 tháng 06 năm 2020 nầy dành riêng để Tôn Kính Mầu Nhiệm tiên quyết  Nhất Thể Tam Vị hay Một Chúa Ba Ngôi. Thánh Kinh không ghi ra nhiều và rõ ràng về mầu nhiệm nầy, vì vượt quá trí khôn của con người. Ngay danh từ Mầu Nhiệm chỉ dùng trong đạo Chuá, là những điều huyền nhiệm, bí nhiệm không hiểu được, phải do duyên lành  hoặc ơn Chúa soi sáng. 

2. Trong Lịch sử thời Giáo Hội Công Giáo sơ khai, có một giai thoại (câu chuyện đẹp, hay, được nói và truyền tụng) kể rằng Thánh Augustinô (354-430) là bậc Tiến Sĩ thông thái. Ngày ấy Ông tìm nơi thanh vắng bên cạnh bờ biển để suy tư tìm hiểu về Chúa Ba Ngôi, thì bỗng có một em bé chín mười tuổi xuất hiện trên bãi cát. Em đào một lỗ nhỏ trên cát và dùng vỏ sò tát nước biển vào lỗ đó. Lấy làm lạ, Vị Tiến sĩ bèn hỏi em làm như vậy có mục đích gì, thì em trả lời.

– Để tát cạn biển nầy.

Nhà Thông Thái đổ quạu dằn mặt đứa nhỏ, tưởng rằng em giỡn mặt:

– Em có khùng không mà làm như vậy?

Em nhỏ đáp lại.

– Ông còn điên hơn tôi khi dùng trí óc con người để biết trọn vẹn về Ba Ngôi Thiên Chúa .

Em nhỏ được xem là vị Sứ Giả nhà Trời, hóa thân để dạy Tiến Sĩ Augustino và mọi người nữa, bài học khiêm tốn.

Nhưng làm sao con người có khái niệm nào về Thiên Chúa Ba Ngôi? Thưa, chính nhờ Thiên Chúa mạc khải, vén màn bí mật chút ít và Chúa Giêsu “bật mí” trong Thánh Kinh.

3. Thiên Chúa Ba Ngôi trong Cựu Ước
Cựu Ước không ghi rõ về Thiên Chúa Ba Ngôi. Nên Do Thái Giáo không chấp nhận Thiên Chúa Ba Ngôi. Tuy nhiên, cũng có những đoạn nói về Con Thiên Chúa.

Thánh Vịnh 2:7 cho biết: “Ngươi là con Ta. Hôm nay Ta đã sinh con”.

Cũng có những đoạn nói về Đức Khôn Ngoan thần thánh: Thiên Chúa (Divine Wisdom) về Ngôi Lời, và về Thần khí của Thiên Chúa. (Proverb. 8:22‑31; Kn. 7:25‑27; 9:17).

Lời báo trước về Thiên Chúa Ba Ngôi trong cách dùng ngôn từ ở hình thức số nhiều mà đa số đều công nhận:  “Chúng ta hãy tạo dựng con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta…” (Sáng Thế Ký 1:26,  3:22 và 11:7) và cách dùng hình thức số nhiều trong tiếng Hipri (Do Thái cổ) để nói về Thiên Chúa, Elohim “Đấng Tối Cao” nhưng nghĩa số ít.

4. Thiên Chúa Ba Ngôi trong Tân Ước.
Chúa Giêsu dạy  ta về Thiên Chúa Ba Ngôi rõ ràng hơn.
Trước tiên, Ngài dạy ta nhận ra chính Ngài là Con Thiên Chúa Hằng Hữu. Khi sứ mệnh sắp kết thúc, Ngài xin Cha một Ngôi Thiên Chúa khác, là Thánh Thần đến thay thế. Sau khi phục sinh, Ngài trình bày giáo lý này bằng cách cho các Tông Đồ “Hãy đi giảng dạy cho muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần” (Matthêu 28:18). 

Có đoạn nói về từng Ngôi riêng biệt, cũng có những đoạn nói về cả ba Ngôi.  

I Gioan 5:7. “Có ba chứng nhân trên nước Trời: Ngôi Cha, Ngôi Lời, và Ngôi Thánh Thần. Cả ba Ngôi là một “.

II Côrintô 13:13. “Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, đầy tình thương của Thiên Chúa (Cha) và ơn hiệp thông của Thánh Thần “.

Luca 1:35 :”Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Bà, và quyền năng Ðấng Tối Cao (Thiên Chúa) sẽ phủ bóng trên Bà, vì thế, Người Con sinh ra sẽ là Thánh, và được gọi là Con Thiên Chúa “.

5. Nhưng có những vị Thầy đã nói cho học sinh rằng Giáo Lý về Chúa Ba Ngôi trong thời Giáo Hội sơ khai chưa là những điều mà ta có được hôm nay, mà phải qua thời gian dài mới được đúc kết và hình thành như trong kinh tin kính của Công Đồng, chính yếu là Nicê năm 325 do Hoàng Đế Constantin I (274-337) triệu tập và Công Đồng Constantinople năm 381, bổ túc cho Nicê, do Hoàng Đế Theodosius I (347-395) mời tới. Ít ra là hai vị Hoàng Đế trên muốn có 1 kinh chung thống nhất đức tin để tránh chia rẽ trong Đế quốc, do bè phái lạc giáo có thể gây ra.

6. Thiên Chúa Ba Ngôi trong Kinh Tin Kính
Kinh này chủ yếu tuyên xưng mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi và mầu nhiệm Nhập Thể, đọc trong các Thánh Lễ Chúa Nhật và lễ trọng. 

“Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha Toàn Năng… Tôi tin kính Đức Chúa Giêsu Kitô… Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần…”

Tuyên xưng Thiên Chúa Ba Ngôi cũng có trong đa số những kinh nguyện như Dấu Thánh Giá:”Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần. Amen”, Kinh Sáng Danh: “Sáng danh Đức Chúa Cha, và Đức Chúa Con, và Đức Chúa Thánh Thần …”

Tới đây, xin cho một chút chiết tự, “Nhân”  trong Việt Nho có nghĩa là bởi vì, nguyên nhân, nhân vì, cậy dựa vào uy tín, cơ hội. Trong Anh Ngữ, In the name of the Father…: trong danh/tên Cha. Pháp ngữ, Au nom du Père…: vì, truy cập, áp sát tới. Latin, In nomine Patris…: trong danh Cha. Bốn ngôn ngữ trên đều qui về một mối là bởi vì, nhân danh, cậy dựa danh hay tên. Mà tên tức là người, ở đây là Thiên Chúa. 

7. Vài ghi nhận trong lớp Giáo lý về Chúa Ba Ngôi.
Từ rất xa xưa, thời Thánh Toma Aquinô (1225-1274) 1 hình tam giác đều, ba cạnh và ba gốc bằng nhau (tượng trưng Ba Ngôi Vị riêng biệt và bằng nhau) trong một hình coi như một Thiên Chúa, một Chúa. Tuy nhiên ngày nay những em biết toán cỡ trung học, thường hay giơ tay nói rằng: Một gốc, kể luôn hai gốc kia hay một cạnh, kể luôn hai cạnh kia, không làm nên hình tam giác. Nhưng một Ngôi Vị lại là Thiên Chúa, quyền năng như Ngôi kia và luôn hai Ngôi kia nữa. Cũng vì, như mỗi Ngôi chính là Thiên Chúa, quyền năng như Chúa Ba Ngôi. Nên phải dùng cách khác hợp lý hơn. 

Đó là hình ảnh thí dụ về ba cây nến, mà giả thử tuyệt đối chất và lượng bằng nhau, trong môi trường không khí tĩnh lặng. Rồi cho lửa lên ngọn nhất, mồi sang ngọn hai, rồi qua ngọn ba. Đây là cách đơn giản hi vọng  giúp hiểu Cha sanh con (Tv. 2:7) và Thánh Thần từ cha mà ra (Nicê). Ba ngọn lửa quyền lực như nhau mọi thứ, mọi đàng. Khi chập ba ngọn nến lại, thành một ngọn lửa, dĩ nhiên theo vật lý thì lửa có to hơn, nhưng xin đừng quá chú ý, vì lửa biến hình biến tướng to nhỏ trong khoảnh khắc. Nên ba ngọn lửa bằng nhau, như nhau, và khi tách một ngọn ra thì ngọn nầy coi như cũng bằng với lúc còn nằm chung ba ngọn.

Một thí dụ khác là ba dây điện cao thế ba pha của cùng một turbin, trên trụ cao. Ba dây cao thế dẩn điện khác nhau, độc lập, làm việc có riêng mà coi như chung. Khi dây nầy cần, thì điện năng trong hai dây kia tiếp ứng ngay tức thì. Đó là điện vật lý do con người chuyển hóa năng lượng. Thiên Chúa Ba Ngôi còn cao xa dường nào hơn nữa. 

Mỗi thời, người ta cũng còn cố gắng giúp nhau có thêm khái niệm về Chúa Ba Ngôi, khi trình bày hình ảnh một tập họp ba vòng tròn tam sắc, bằng nhau, quyện lấy nhau, mỗi vòng mang một nhiệm vụ: Sáng tạo với bàn tay dưa lên hai ngón hình chữ V: Victor: Đấng chiến thắng; vòng tròn hai là cứu chuộc với hình thánh giá và vòng tròn ba là thánh hóa với biểu tượng chim câu. Cả ba vòng tròn cùng nằm gọn trong tam giác đều. Tùy căn cơ trình độ Chúa cho, của qúi Cha Thầy Sơ Cô và cả trò nữa, mà hiểu được và hướng về chân lý vô hình.  

8. Tranh ảnh Chúa Ba Ngôi.
Chúa Ba Ngôi là nguồn cảm hứng cao cấp cho nhiều hoạ sĩ xưa nay, nhất là thời Trung Cổ (476 -1492). Nhìn vào tranh, Chúa Cha dược hoạ hình qua như một lão ông râu tóc bạc phơ hiền hoà, dù Cha chưa bao giờ xuất hiện trong hình tướng con người hay một loài nào khác. Bên trái là Chúa Con trong độ trung niên tay phải cầm Thánh giá cứu chuộc, và Thánh Thần phía sau phần trên của ảnh qua hình bồ câu sải cánh nối liền Cha và Con trong ánh sáng huy hoàng. 

Người Công giáo không thờ ảnh tượng, nhưng trừ ra thời kỳ đầu, nhiều thế kỷ qua, nhờ hình tượng để dễ dàng liên kết với Đấng vô hình thượng giới.

9. Trở lên, xin tóm lại, theo sách Giáo lý Công giáo, số 266: “Ðức tin Công giáo hệ tại điều này: Thờ kính Một Chúa Ba Ngôi và Ba Ngôi Một Chúa mà không lẫn lộn giữa các Ngôi Vị, không chia cắt bản thể: Vì Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần khác biệt nhau; nhưng Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần có cùng một thiên tính, một vinh quang, một uy quyền vĩnh cửu”.

10. Để kết thúc, xin ghi lại câu chuyện vui và rất lý thú về Ngài Giám Mục gốc Hồng Mao của mình do Cha Phụ Tá Họ Đạo nhà kể ra trong một bài giảng trước đây:

Vào ngày Lễ nầy năm đó, Đức Giám Mục đến dâng lễ tại một họ đạo trong Giáo phận. Tới phần giảng, Ngài hỏi một em thiếu nhi:

– What is Trinity? Chúa Ba Ngôi là gì?

Em thiếu nhi nhanh lẹ trả lời:

– Trinity is Trinity, Most Reverend. Thưa Đức Cha, Chúa Ba Ngôi là Chúa Ba Ngôi.  

Lúc đó, mặt Ngài thay đổi, vì câu trả lời quá đơn giản so với những cấp bằng chuyên môn, cũng có thể do thầy cô giáo lý chưa dạy đủ. Nhưng vị Linh Mục đồng tế bên cạnh nhắc nhỏ rằng:

– He replied with the very good answer: Thằng bé đó trả lời đúng nhất.

Tại sao? Thưa vì Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm vượt quá trí khôn kể cả ngôn ngữ con người, theo câu phương châm mà qúi Thầy dạy về Khôn Ngoan Á Đông thường lập lại cho học trò rằng “Thư bất tận ngôn. Ngôn bất tận ý”. Càng nói ra càng kẹt, càng đi xa, vì nhà Nho có dạy: Khẩu khai thần khí (tâm trí) táng. Nên phải dùng trực giác tâm linh mà suy nghiệm, như lời chỉ dẩn của qúi thầy của Đức Cồ Đàm.

Ý thứ hai là con thường tới và cầu xin chừng 90% thời gian với Chúa Giêsu, mà hầu như quên hẳn Cha và Thánh Thần trong đời sống. Xin giúp con hiểu rằng cả ba Vị là một Chúa, cùng làm việc chung và cùng thương chúng con vô cùng.

Sau hết, con xin lập lại lời kinh phép lần hột Chúa Ba Ngôi trong sách Mục Lục mà con đã cùng đọc cùng với ông bà cha mẹ khi con còn nhỏ: Thánh tai (thay) thánh tai, thánh tai, Chúa là Chúa các binh dân thiên hạ, cả và trời đất đầy dẫy oai quờn sang trọng Chúa. Sáng danh Đức Chúa Cha và  Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần. Như đã có trước vô cùng và bây giờ và hằng có và đời đời chẳng cùng. Amen.