vô hạ
Ba nhu cầu căn bản cần phải có của con người tại thế giới nầy là ăn ở mặc, trong đó ăn là số một. Nói theo Việt Nho là “dân dĩ thực vi tiên”. Còn trong giới dân gian cũng có câu “Có thực mới vực được đạo”. Đạo, ngoài ý nghĩa là con đường vật lý hay tinh thần, còn là thực thể và chân lý đưa tới hạnh phúc. Nên ăn, giúp nạp năng lượng để tăng trưởng và sống còn cho mọi chúng sinh và cả thực vật, đã trở thành văn hóa cao cấp khi xã hội loài người tiến bộ, nhất là nơi những giai cấp trưởng giả thuộc hoàng tộc vua chúa cung đình. Và Chúa là nhà sư phạm hàng đầu đã dùng thứ văn hóa nền tảng nầy, để giáo dục dân của Người trong suốt chiều dài lịch sử.
Phụng vụ Công giáo Chúa Nhật 28 thường niên A nầy, đã chọn bài đọc I trong chương 25 của Đại Tiên Tri Isaia thuộc loại “khải huyền” khai mở những điều bí nhiệm về ơn cứu độ mới cho cả vũ trụ. Chính Chúa Giêsu khi tới cõi trần cũng đã dùng hình ảnh “bữa tiệc” không những giúp no bụng vui sướng khi ăn, mà còn hướng tới hạnh phúc nước trời hiện tại và mai ngày nữa. Xin chịu khó đọc kỷ những dòng Lời Chúa bên dưới, mong Chúa soi sáng thêm cho mỗi mình, hiểu Ngài làm Ai và đem vào đời sống của mình thế nào nữa.
BÀI ĐỌC I: Is 25, 6-10a Bài trích sách Tiên tri Isaia.
Ngày ấy, Chúa các đạo binh sẽ thết tất cả các dân trên núi này một bữa tiệc đầy thịt rượu, thịt thì béo, rượu thì ngon. Trên núi này, Người sẽ cất khăn tang bao trùm muôn dân và tấm khăn liệm trải trên mọi nước. Người tiêu diệt sự chết đến muôn đời. Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt trên mọi khuôn mặt, và cất bỏ khỏi toàn mặt đất sự tủi hổ của dân Người, vì Người đã phán. Ngày đó, người ta sẽ nói: Này đây Chúa chúng ta. Đây là Chúa, nơi Người, chúng ta đã tin tưởng, chúng ta hãy hân hoan và vui mừng vì ơn Người cứu độ, vì Chúa sẽ đặt tay của Người trên núi này. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 22, 1-3a. 3b-4. 5. 6
Đáp: Trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài (c. 6cd).
1) Chúa chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi; trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng.
2) Người dẫn tôi qua những con đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người. – (Lạy Chúa,) dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái gậy của Người, đó là điều an ủi lòng con.
3) Chúa dọn ra cho con mâm cỗ, ngay trước mặt những kẻ đối phương; đầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chan chứa.
4) Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo con hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, con sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài.
BÀI ĐỌC II: Pl 4, 12-14. 19-20
“Tôi có thể làm được mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi”.
Bài trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philípphê.
Anh em thân mến, tôi biết chịu thiếu thốn và biết hưởng sung túc. Trong mọi trường hợp và hết mọi cách, tôi đã học cho biết no, biết đói, biết dư dật và thiếu thốn. Tôi có thể làm được mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi. Nhưng anh em đã hành động chí lý khi san sẻ nỗi quẫn bách của tôi. Xin Thiên Chúa cung cấp dư dật những nhu cầu của anh em, theo sự phú túc vinh sang của Người trong Đức Giêsu Kitô. Vinh danh Thiên Chúa là Cha chúng ta muôn đời. Amen!
PHÚC ÂM: Mt 22, 1-14 Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu lại phán cùng các đầu mục tư tế và kỳ lão trong dân những dụ ngôn này rằng: “Nước trời giống như vua kia làm tiệc cưới cho hoàng tử. Vua sai đầy tớ đi gọi những người đã được mời dự tiệc cưới, nhưng họ không chịu đến. Vua lại sai các đầy tớ khác mà rằng: “Hãy nói cùng những người đã được mời rằng: Này ta đã dọn tiệc sẵn rồi, đã hạ bò và súc vật béo tốt rồi, mọi sự đã sẵn sàng: xin mời các ông đến dự tiệc cưới”. Những người ấy đã không đếm xỉa gì và bỏ đi: người thì đi thăm trại, người thì đi buôn bán; những người khác thì bắt đầy tớ vua mà nhục mạ và giết đi. Khi vua nghe biết, liền nổi cơn thịnh nộ, sai binh lính đi tru diệt bọn sát nhân đó, và thiêu huỷ thành phố của chúng. Bấy giờ vua nói với các đầy tớ rằng: “Tiệc cưới đã dọn sẵn sàng, nhưng những kẻ đã được mời không đáng dự. Vậy các ngươi hãy ra các ngả đường, gặp bất cứ ai, thì mời vào dự tiệc cưới”. Các đầy tớ liền đi ra đường, gặp ai bất luận tốt xấu, đều quy tụ lại và phòng cưới chật ních khách dự tiệc. Đoạn vua đi vào quan sát những người dự tiệc, và thấy ở đó một người không mặc y phục lễ cưới. Vua liền nói với người ấy rằng: “Này bạn, sao bạn vào đây mà lại không mặc y phục lễ cưới?” Người ấy lặng thinh. Bấy giờ vua truyền cho các đầy tớ rằng: “Trói tay chân nó lại, ném nó vào nơi tối tăm, ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng! Vì những kẻ được gọi thì nhiều, còn những kẻ được chọn thì ít”.
Vài hàng ghi chú và tâm tình.
Trước hết trong bài đọc I, Bản Thánh Kinh ESV dùng từ “swallow up” với nghĩa chính trong câu 7 và 8, trên núi này Chúa “nuốt lấy, nuốt vào” như nuốt giân vậy – vì con người hay thất hứa phản bội – tấm vải liệm che phủ muôn dân và sự chết đến muôn đời. Chúa sẽ lau sạch nước mắt trên mọi khuôn mặt. Do yêu thương Ngài đã nuốt vào là gánh lấy, tha cho mãi mãi về sau, tội lỗi con người, là thứ đưa tới hậu quả của khăn liệm và cái chết phần hồn.
- And he will swallow up on this mountain
the covering that is cast over all peoples,
the veil that is spread over all nations. - He will swallow up death forever;
and the Lord Godwill wipe away tears from all faces,
- And he will swallow up on this mountain
Ở trên, Ngôn Sứ Isaia an ủi dân chúng trong thời kỳ bị trị của Babylon, đồng thời cũng hướng tới thời kỳ huy hoàng với thị kiến Chúa các đạo binh – sức mạnh, toàn năng – mời gọi muôn dân muôn nước không phân biệt màu da giai cấp, đến dự bữa tiệc trên núi là nơi ở của thần thánh.
Thịt thì béo, rượu thì ngon tượng trưng cho hạnh phúc sung mãn nước trời, không còn tang tóc, buồn sầu, tủi hổ nữa. Như trong bài Đáp Ca của Thánh Vịnh 22, Chúa lo cho dân Chúa như chủ chiên chăm sóc đàn chiên, có đủ cỏ, nước, bóng mát mà không lo sợ bất cứ khổ nạn nào từ kẻ thù hay địa hình. Con chịu cảnh nầy lắm.
Qua Bài Phúc Âm hôm nay, dụ ngôn nhà vua làm tiệc cưới cho hoàng tử, là tiếp nối hai bài Phúc âm trước, một là về hai người con trong Mt. 21: 28-32, hai là đám tá điền gian ác Mt. 21: 33-46, Chúa muốn cảnh báo giới lãnh đạo Do Thái cứng lòng ngày xưa và cũng dạy cho con dân của Chúa mọi thời sau nầy nữa.
Trước hết vua sai gia nhân là các tiên tri Cựu Ước và tông đồ Tân Ước đi mời gọi khách dự tiệc là giới lãnh đạo và người Do thái xưa kia. Nhưng họ khước từ và xử tệ với người của Nhà Vua, vì việc phần xác làm “quác” việc phần hồn. Từ chối lời mời gọi của Vua là làm sỉ nhục vua, thường đưa đến bị trừng phạt. Nên cuộc tiêu huỷ thành phố của kẻ bất nhân trong câu 7, coi như lời báo trước cho tai hoạ sau nầy, mà cũng có thể được kết hợp vào, làm nhớ tới Giêrusalem bị tàn phá và dân Do Thái mất nước, ly tán khắp bốn phương trời vào năm 70, sau khi nổi dậy chống Roma, thất bại, bị đàn áp.
Sau đó Chủ sai gia nhân ra mọi nẽo đường, mời gọi mọi người có duyên lành gặp được, không phân biệt, vào tiệc cưới. Nhưng câu 11, Vua bước vào phòng quan sát, thấy có một người không mặc áo cưới, ra lệnh trói tay anh, quăng ra vào ngục tối, nơi khóc lóc, nghiến răng. Động thái của nhà vua trong câu nầy, có vẻ nghịch lý, làm cho bực mình nữa.
Nhiều nhà chú giải Thánh Kinh cho rằng câu 11, có thể là kết luận của một chuyện khác – chưa biết chuyện gì – được ráp vào chuyên nầy, đưa tới khó hiểu.
Theo chú giải trong Thánh Kinh bản ESV, thời xưa vua cung cấp y phục cho khách (Sách Khởi Nguyên 45:22, Ester 6:8-9). Nên người khách không thể bảo không áo cưới. Vì cố tình không chấp nhận y phục nầy, là chống lại thiên tử, nên bị phạt không oan ức.
Nhưng sự việc nầy không đươc ghi ra trong đoạn Tin Mừng trên và không quan trọng ở đây. Nên coi câu 11 nầy, như một phần của ngụ/dụ ngôn là câu chuyện được đúc kết, chế biến để dạy đời hay đưa dẩn đến bài học tôn giáo. Tới đây, phải cậy dựa hay y vào nghĩa toàn thể của Thánh Kinh để giải thích cho hợp lý. Tức là y nghĩa bất y ngữ, y trí bất y thức để đi tới y liễu nghĩa kinh.
Rõ ràng, đa số người Do Thái xưa và nay không tin và cũng không mấy khi gia nhập vào Hội Thánh của Chúa Kitô, vì không chấp nhận Chúa Giêsu Cứu Thế, ngoài một số ít tin, được vào vào tiệc cưới (Mt. 24: 22).
Trở lại bữa tiệc cưới là Hội Thánh mới, Nước Trời mới và chiếc áo dự tiệc. Ý chính của câu chuyện nói rằng không phải những người đã vào Hội Thánh của Chúa Kitô coi như Adam mới của thời kỳ hoàn thiện nhờ ơn Cứu Chuộc, cuối cùng, sẽ được nhận vào bàn tiệc Nhà Chúa.
Có khi mình được cung cấp áo dự tiệc hay may mắn nhờ ơn phúc, tự tìm ra loại áo nầy lúc đầu, rồi tự hảnh diện dừng chân với chiếc áo đó, thì nên cẩn thận, vì theo lời răn dạy trong câu tục ngữ của người Pháp: “Chiếc áo không làm nên thầy tu” L’habit ne fait pas le moine.
Thêm nữa hơn 2500 năm trước Đức Cồ Đàm cũng đã cảnh báo khi dạy về “đáo bỉ ngạn” qua bờ bên kia rồi, mà còn quá thương quá nhớ bến đò và con thuyền, hoặc đội nó lên đầu mà lẩn quẩn tại bến, không thực hành cất bước tiến tới mục tiêu. Tức là chỉ có cái vỏ con nhà đạo, gọi là đạo vòng, vòng ngoài, vòng vo tam quốc. Mà chỉ những ai nhận trách nhiệm sống đức tin trong Hội Thánh, sẽ vào đời sống mới bây giờ và mai sau.
Chiếc áo dự tiệc nầy, còn nhắc tới chiếc áo trắng trong, khi nhận bí Tích Rửa Tội/Thanh Tẩy. Giữ nó tinh tuyền bằng Bí Tích và những việc lành phước đức hổ trợ trong đạo Chúa, cho đến khi gặp lại Chúa mà nhập bàn tiệc thánh trên núi của Thần Trí và sự thật của Người (Ga 4: 22-24).
Trong bài đọc II, Thánh Phaolô đang bị cầm tù đói khổ, vẩn xin Chúa trả công cho mọi nhu cầu của những người thăm nuôi Ngài. Vì Ngài có đã quen và đủ sức chịu đựng, lúc sung sướng hay gian khổ, với nhà thiền và kẻ sĩ như Ngài thì như nhau, nhờ Đấng ban sức mạnh.
Tóm lại. Xin ghi lại mẩu gương một người Do Thái đến bàn tiệc Công giáo.
Tại Vương Cung Thánh Đường Notre Dame, Paris, nước Pháp, xen giữa hàng cột chính bên phải, gần gian cung thánh, còn lưu giữ hài cốt của Vị Hồng Y Tổng Giám Mục Paris, là Aaron Lustiger (1926-2007). Trên mộ phần, có một tấm bản ghi sơ lược tiểu sử và cảm tưởng: Je suis né juif: Tôi sinh ra là Giudêu, dân Do Thái … nhập vào tiệc cưới Giáo hội Công giáo năm 13 tuổi, vẫn giữ niềm tin Cựu Ước căn bản như các Tông Đồ, không bị trở ngại hay kỳ thị của người Công giáo, mà còn kiên trì trong Đức Kitô, được chức vụ cao cấp nhất trong Giáo Hội Công Giáo Pháp.
Một Lời kinh trong sách Mục Lục, phần Chiêm Lễ Kinh, xưa nhưng không cũ mà còn rất thích hợp với Lời Chúa hôm nay. Khi Thầy đọc Lời Đức Chúa Giêsu đã phán truyền thì ta phải có lòng tôn kính và nguyện rằng:
Lạy Chúa, xin giúp tôi (tôi tớ) sửa tính hãm mình, kẻo xiêu theo tội lỗi, làm cho Chúa cất ơn Chúa lại, mà ban cho người khác đặng nhờ.
Xưa Chúa đã bỏ nước Giudêu mà truyền lại cho dân nước ngoại. Nay xin Chúa giúp con trọn nghĩa kẻo mất phần phước trọng trên trời.
Tôi đứng dậy vâng nghe lời Chúa, sẳn lòng xưng đạo thánh Chúa ra trước mặt thiên hạ.
Ai chẳng tin thì phải đáng phạt đã rồi. Bằng ai tin mà chẳn giữ thì càng phải phạt nặng hơn mà chớ.
Xin Chúa giúp con đi đàng hẹp và từ bỏ mọi sự sung sướng bội nghịch cùng lời Chúa răn dạy. Trời đất qua mà lời Chúa chẳng sai.
Tôi cám đội ơn Chúa nhơn từ, ngày tôi đã chịu phép tửa tội. Chúa đã ban đức tin cho tôi, nay tôi tin vững vàng mọi sự Chúa đã dạy và Hội Thánh truyền. Song đức tin hiệp cùng việc phước mới làm cho ta đẹp lòng Đức Chúa Trời. Bởi những kẻ kêu cả tiếng rằng “lạy Chúa, lạy Chúa thì chẳng đặng rỗi, một kẻ tin và vưng giữ cho bền, thật thì đặng nhờ phần thưởng Chúa.