by phanxicovn
Sự dịu dàng là chìa khóa để hiểu người bệnh
fr.zenit.org, Anita Bourdin, 2018-03-03
Sáng thứ bảy 3 tháng 3, tại Hội trường Phaolô VI, trước 6500 y tá người Ý, các nhân viên y tế, các cô giữ trẻ thuộc nhiều tín ngưỡng khác nhau, Đức Phanxicô cho biết: “Một nữ tu y tá đã cứu đời tôi”. Ngài xin các y tá làm việc để “nhân bản hóa xã hội” và xin họ trau dồi sự dịu dàng như chìa khóa để hiểu người bệnh.
Đức Phanxicô nói: “Tôi muốn vinh danh một nữ tu y tá đã cứu đời tôi”.
Ngài nói tiếp: “Đó là một nữ tu y tá người Ý thuộc Dòng Đa Minh, xơ được gởi đi Hy Lạp làm giáo sư, xơ rất có học thức… Nhưng xơ làm y tá và sau đó xơ đến Argentina. Khi đó tôi 20 tuổi và đang ở ngưỡng cửa của tử thần, chính xơ đã nói với các bác sĩ, và bàn thảo với họ: “Không, không phải như vậy, phải chữa mạnh hơn”. Nhờ xơ can thiệp mà tôi mới còn sống. Tôi không bao giờ cám ơn xơ cho đủ! Và tôi muốn nêu tên xơ hôm nay với anh chị em: Xơ Cornelia Caraglio”.
Đức Phanxicô nhấn mạnh: “Đây là một phụ nữ can đảm, dám thảo luận với bác sĩ. Khiêm tốn nhưng kiên định, đó là những gì xơ đã làm”.
Đức Phanxicô cũng nhắc đến thời gian ở bệnh viện của mình, ngài bị sưng phổi cấp tính với ba khối u trong phổi, năm 1957 ngài mới 20 tuổi: ngài bị mổ để lấy đi một phần lá phổi bên mặt ở bệnh viện Syria-Liban, Buenos Aires. Bà Maria Elena, em gái của Đức Phanxicô cho biết, đây là “chặng đường thánh giá kéo dài hàng mấy tuần”, ngài bị đau như “người tử đạo”. Ngài vừa vào chủng viện Buenos Aires, nhưng sau lần đau này, ngài vào chủng viện Dòng Tên năm 1958.
Ngài nói tiếp với các y tá: “Bao nhiêu đời sống được cứu nhờ anh chị em! Bởi vì anh chị em ở đó suốt ngày và anh chị em thấy bệnh tình của người bệnh. Tôi xin cám ơn tất cả công việc của anh chị em làm!”
Ngài cũng nhắc đến nghĩa vụ luận quốc tế của các y tá, những người có nhiệm vụ “cổ động cho sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật, phục hồi sức khỏe và xoa dịu nỗi đau”.
Đối với các tương quan nhân bản, ngài nhấn mạnh, “tiếp xúc với các bác sĩ, với gia đình cũng như với người bệnh là như ở trong mọi tương quan trong môi trường bệnh viện, cần chú tâm, chuyên ngành và tiện nghi”, điều này đòi hỏi họ phải là những “chuyên gia của tình nhân loại”, phục vụ cho việc nhân bản hóa xã hội, cổ động cho sự sống cũng như nhân phẩm con người.
Ngài cũng khuyên họ xem dịu dàng là chìa khóa để hiểu người bệnh: “Với sự cứng rắn, chúng ta không hiểu được người bệnh. Sự dịu dàng là chìa khóa để hiểu người bệnh và cũng là phương thuốc quý báu để chữa lành. Sự dịu dàng đi từ quả tim qua bàn tay, chạm lên vết thương với tình yêu và sự tôn trọng”.
Đức Phanxicô cũng không quên nhắc đến công việc quá tải, đến giờ giấc làm việc khó khăn của các y tá: “Công việc anh chị em làm thật hao sức, thêm nữa anh chị em thường gặp các hiểm nguy, dấn thân hết mình, cọng thêm công việc gay go, các phiên gác sẽ làm cho anh chị em mất nét tươi mát và thanh thản mà anh chị em cần có”.
Đức Phanxicô cũng nói đến tình trạng “thiếu nhân viên” làm cho đôi khi công việc của các y tá khó khăn không chịu đựng được.
Ngoài ra Đức Phanxicô cũng nhắn nhủ các bệnh nhân đừng bào giờ xem việc săn sóc mình như món nợ họ phải làm: “Anh chị em, các người bệnh, anh chị em cũng phải quan tâm đến tính nhân bản của các y tá săn sóc mình”.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch