“Đêm nay lạnh phố buồn” | Chuyện Phiếm Đạo/Đời

785

Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ 16 thường niên năm C 21/7/2019

“Đêm nay lạnh phố buồn”

Em ơi rét không em?
Bơ vơ giữa phố phường
tìm đâu người mến thương?
(Phạm Trọng Cầu – Đêm Lạnh)

(2 Cor 7: 9-13)

Lại cũng ngày “N” hôm ấy chốn lạnh buồn, quán “Hát Cho Nhau” ở Sydney đã đem lại cho bần đạo và bạn bè đôi giòng thơ thao thức, những buồn tình như sau:  

“Đêm nay lạnh phố buồn.
Em ơi nín đi em.
Lên métro cuối cùng,
em ơi nín đi em.
Trời mưa tuyết lác đác dâng dâng sầu.
Đèn đêm trắng phố vắng phai phai mầu.
Ngập ngừng đêm thâu tìm về nơi đâu
giữa ngàn lối sắc mầu.
Tìm đâu thấy tiếng hát bên kia đồi.
Buồn muôn lối nước mắt hoen mi rồi.
Ngày về xa xôi lòng sầu chơi vơi
chừng nào cho đêm mới thôi!
(Phạm Trọng Cầu – bđd)

Còn gì da diết bằng câu nhạc đầy những vãn than rồi lại hát: “Buồn muôn lối nước mắt hoen mi rồi, Ngày về xa xôi lòng sầu chơi vơi chừng nào cho đêm mới thôi”. Thế đó là tình-huống ở ngoài đời, cũng rất “đời”. Còn, ở nhà Đạo của bạn và tôi, lại cũng có tình huống khá đau buốt, sầu buồn như nhận định của đấng bậc nọ từng ghi như sau:

“Từ ban đầu, Hội thánh chẳng có ý định dựng xây dinh thự gì cao cả, vững chắc. Dân con Chúa lúc ấy chỉ tụ tập quanh các “nhà-dùng làm nguyện đường”, có thế thôi. Có thể, thánh Phêrô lúc ấy cũng có giáo xứ/giáo đoàn phụ đỡ trong việc dẫn dắt nhóm hội/đoàn thể, khá bề thế. Có thể, thánh cả Phêrô cũng lập được dăm ba thày sáu giúp quản trị từ thiện hoặc huấn luyện tân tòng bằng giảng dạy. Cũng có thể, thánh Phêrô lại đã nhờ vả một hai vị để quan hệ với xã hội bên ngoài, mỗi khi cần.  

Mãi đến thế kỷ thứ tư, các Giám mục kế tục ngôi giáo hoàng, mới có các “công chứng viên” chuyên trách giấy tờ và thừa-tác-vụ để liên hệ với các giáo hội địa phương. Đó là thời điểm giáo hội mình xây đền thánh Latêranô và các nguyện đường khác ở Rôma. Lúc ấy, cũng có các “Vương Cung Thánh Đường” rộn rã, nhưng độc nhất vẫn chỉ có một “Nhà Thờ Chánh Toà, mà thôi. Nhà thờ ấy, là nơi Giám mục chủ quản giáo phận sở tại; và, Vương Cung Thánh Đường khi ấy cũng tựa hồ như dinh thự của vua quan/lãnh chúa bề thế ở đời thường. 

Kịp đến thế kỷ thứ 13, Giáo triều La Mã mới có vị “Chưởng Ấn” giúp quản cai Hội thánh cách hữu hiệu hơn nhiều. Vào thế kỷ thứ 14, thì vị “Chưởng Ấn” của Giáo hội đã làm việc với các nhóm/hội mang tên gọi khác nhau. Nhưng, tính từ thời gian đầu thành lập, mọi người trong đó có thể gọi thánh bộ ngoại giao như hiện nay. Các thế kỷ sau đó, lại cũng có các hồng y, tương tợ nghị viện La Mã thời cổ xưa vẫn nhóm họp một tuần những ba lần để nghị-sự và/hoặc bầu chọn các giáo hoàng mới. 

Lịch sử chứng minh: nhiều vị giáo hoàng đã không ngừng giảm bớt quyền thế của các hồng y. Và, một số giáo hoàng thời đó đã rút lại cho mình quyền hành pháp, lập pháp lẫn tư pháp và ít cho phép thuộc viên/cấp dưới được kiểm soát hoặc cân bằng quyền thế với các ngài. Các vị giáo hoàng khi ấy, lại đã phấn đấu chống trả các vua quan/lãnh chúa ở đời suốt nhiều thế kỷ khi các vị này tìm cách gây ảnh hưởng lên giáo quyền. 

Đến thế kỷ thứ 18 và 19, vua quan/lãnh chúa ở đời mới bị cất bỏ quyền hành hoặc uy tín giảm sút đến độ chỉ tượng trưng sau nhiều biến chuyển ở Châu Âu. Hậu quả thấy rõ nhất, là: mọi quyền bính khi ấy đều tập trung vào Hội thánh Công giáo La Mã, ở Vatican. Và Đức Giáo Hoàng cùng các thánh bộ của ngài đã tạo nên thể chế gọi là Giáo triều La Mã. Và, các triều đại Giáo hoàng quyền uy cứ thế gia tăng, bền bỉ. Nhiều bằng chứng cho thấy: tâm não người đi Đạo vẫn coi sự việc này như chuyện thực thi ý định của Chúa quyết kế nghiệp ngai vàng từ thánh Phêrô, không thể bỏ. 

Ngày hôm nay, điều hay nhất cho vị thế Giáo hoàng, Giám mục và các linh mục, là: cũng nên đứng cùng hàng với đấng thánh cả chuyên khóc ròng nhưng đã biết thiết lập thánh hội của ngài thành chốn miền cảm thông thương mến, như Thày Chí Ái từng mong chuyện ấy sẽ xảy ra, ở mọi thời.” (X. Lm Kevin O’Shea DCCT, Lời Chúa Sẻ San năm C nxb Hồng Đức 2014, tr 92-94).

Nỗi buồn sót xa và đau buốt ở nhà Đạo, có thể là như thế. Rất dễ thấy. Thấy thì dễ, nhưng có chấp-nhận như thế hay không, đó mới là vấn đề. Và, vấn đề ở đây, hôm nay, là ta cứ tự hỏi mình xem: Thiên Chúa có hiện diện tại những nơi mình không ngờ hay không. Để trả lời câu này, tưởng cũng nên xét đến lập trường của người viết trên mạng có những giòng chữ như sau:

Toà Thánh mở rộng việc đề phòng lạm dung tình dục qua các tổ chức của giáo dân.

Trong khi một phần lớn sự lưu tâm của Giáo Hội là nhắm vào giới giáo sĩ và trách nhiệm của các giám mục, Toà Thánh Vatican lại coi việc bảo vệ trẻ em là quan tâm chính trong các phong trào mới và các tổ chức của giáo dân. Thánh Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Đời Sống mới đây đã tổ chức một cuộc họp với gần 100 đại diện của các phong trào và tổ chức Công Giáo với đề tài phòng ngừa nạn lạm dụng và thủ tục báo cáo và giải quyết các cáo buộc.   

Đức Hồng Y Kevin Farrell, bộ trưởng Thánh Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Đời Sống tuyên bố là đến cuối tháng 12 năm nay, mọi phong trào và tổ chức phải đề ra những thủ tục và quy định cụ thể trong việc đề phòng và báo cáo các trường hợp lạm dụng. Thực ra văn phòng của Thánh Bộ vào tháng 5 năm 2018, đã yêu cầu các phong trào và tổ chức giáo dân thuộc thẩm qyền là cần phải sơ thảo các quy định.  Thế nhưng cho đến nay, có nhiều phong trào và tổ chức hoặc không phúc đáp hoặc không có những thủ tục và quy định đầy đủ.

“Đức Hồng Y Farrell ghi nhận là có ý kiến cho rằng không cần phải tổ chức thêm một phiên họp về cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục với lý do coi vụ tai tiếng này đang trở thành một “định kiến”, một “ám ảnh bệnh hoạn” hoặc một “sự thổi phồng quá đáng”. Thế nhưng ngài nhấn mạnh: “Sự thật đi ngược lại. Đó là sự lạm dụng quyền hành và lương tâm. Đó chính là ma quỷ. Một ám ảnh không lành mạnh, rõ ràng là một “trò ma nớp” làm nghẹt thở và gây trở ngại ngay cả cho những chương trình mục vụ tốt đẹp nhất, khoả lấp những điều tốt đẹp mà Giáo Hội đã thực hiện”.   

“Đức Hồng Y Farrell còn nhấn mạnh: “Việc đề xuất những quy định chỉ là một phần trong tiến trình thanh tẩy xu hướng lạm dụng trong Giáo Hội. Giáo Hội còn cần phải thay đổi não trạng để diệt tận gốc ý nghĩ coi là “điều cấm kỵ” thường bịt miệng các nạn nhân và làm cho nhiều giáo dân phải ngoảnh mặt làm ngơ”. 

“Bà Linda Ghisoni, thứ trưởng Thánh Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Đời Sống, đã đọc lời chứng của 3 thánh viên thuộc các phong trào giáo dân từng là nạn nhân bị lạm dụng, thế nhưng sự đau khổ của họ còn bị nhân đôi vì sự lạnh lùng và “kín tiếng Omerta” trong các đoàn thể – được ví như một thứ luật “không được tiết lộ” của bọn Mafia.” (Vũ Nhuận chuyển ngữ từ Cat News ngày 02/6/2019)

Có bạn đạo nọ chuyên chuyển-ngữ các bài báo tiếng Anh ở Úc lại đưa ra nhận định cũng na ná như đấng bậc nhà Đạo. Đấng bậc, là đấng rất năng nổ vẫn có giòng chảy xuyên suốt, những bảo rằng:

Quá Khứ Dù Tốt Cũng Đã Qua, Tương Lai Có Gian Nan Vẫn Phải Tiến Tới.

Thời gian đã trôi qua thì không thể nào níu giữ được. Chuyện vui buồn ngày hôm này, ngày mai sẽ trở thành quá khứ. Đừng đắn đo, đừng tiếc nuối, hãy trân quý hiện tại, sẵn sàng đối mặt với tương lai.

Không ai có thể làm bạn phiền muộn, trừ khi bạn lấy lời nói và hành động của người khác rồi tự làm mình buồn. Trên đời này không có gì không thể bỏ, trừ khi bạn không muốn buông bỏ mà thôi!

Thời gian sẽ trôi đi theo tâm trạng, cuộc sống cần một chút bản lĩnh để đương đầu. Gặp chuyện thì không loạn, chuyện lớn không lo sợ, chuyện nhỏ không chần chừ. Thăng trầm, ngọt bùi cay đắng của cuộc đời, đều ở tại tâm. Tâm thái tốt, vực sâu núi thẳm nào cũng có thể qua. Làm việc với tâm trạng thỏa mái, dù có khó khăn đến mấy cũng sẽ hoàn thành.

Sinh mệnh, dù ngắn hay dài, mỗi người chỉ có một lần. Cuộc sống, dẫu buồn hay vui, mọi người vẫn đang tiếp tục. Đường đời, lúc lên lúc xuống, nhưng ai cũng phải bước đi trên cuộc hành trình đầy gian nan này.

Gặp tiểu nhân, không cần thiết phải so đo, so đo sẽ phiền não. Gặp rắc rối, chẳng cần quá để ý lưu tâm, bởi quá lưu tâm sẽ càng thêm mệt mỏi. Thế gian rộng lớn, lòng người phức tạp, không thể tránh gặp tiểu nhân. Cõi trần thâm hiểm, nhân thế phù hoa, làm sao mới có thể không phiền não?

Đơn giản hóa một chút, xem nhẹ một chút. Chịu oan khuất, trẫm tĩnh im lặng, bị hiểu lầm mỉm cười bỏ qua. Không có ánh mặt trời, thì nghe gió thổi, nhìn mưa rơi. Không có hoa tươi, thì ngửi hương thơm của cỏ cây, bùn đất. Không có tiếng vỗ tay, thì hưởng thụ sự thanh tĩnh yên bình. Giữ được tâm trạng tốt, bước đi sẽ vững vàng.

Trân quý niềm hạnh phúc hiện tại, hưởng thụ những khoảnh khắc đẹp nhất này. Thời gian luôn xoay chuyển, tuổi đời sẽ qua đi, đừng phàn nàn, than khổ; đừng ưu tư, chùn bước. Đối mặt với chính mình, tấm lòng rộng mở, tha thứ lỗi lầm, sống thật thản nhiên. Tu thành người độ lượng, tích được cả một đời hạnh phúc! (Lê Hiếu, dịch từ Soundofhope)

Sau khi đã ngang qua những tình-huống khá sôi động ở trên rồi, nay mời bạn và mời tôi, ta đi vào vườn hoa truyện kể khá dễ nể, để minh họa cho dường đời nhiều cảnh trớ trêu như sau:

Một nhà nọ mời gia sư về dạy con học, ăn uống hàng ngày cho gia sư thật là đơn giản, mỗi bữa chỉ có một bát canh bí đao. Gia sư hỏi chủ nhà:

– Ông thích canh bí đao lắm à ?

– Vâng, đúng vậy, Bí đao ăn rất ngon, lại có tác dụng làm sáng mắt. Ăn bí đao rất có lợi cho mắt.

Một hôm chủ nhà vào phòng học, thấy gia sư đứng dựa cửa sổ nhìn ra xa xăm, cố ý làm như không biết chủ nhà vào. Chủ nhà bước đến phía sau gia sư mà chào, gia sư mới quay lại nói:

– Tôi đang xem trong thành phố diễn kịch, không biết ông vào, mong ông thông cảm.

Chủ nhân ngạc nhiên:

– Trong thành phố diễn kịch mà ông ở đây nhìn thấy được à, nhìn như thế nào vậy?

Gia sư nói:

– Từ ngày ăn canh bí đao của nhà ông đến nay, mắt tôi càng ngày sáng ra.(Nguồn trích dẫn vẫn như trên)

Trích và dẫn hoặc viết và lách cho nhiều cũng chỉ để qui về lời Đấng thánh hiền từng mô tả về nỗi sầu buốn không kém, với dân con nhà Đạo vào độ trước. Nỗi sầu buồn ấy, cũng man mác như sau:

Thật thế, anh em đã phải ưu phiền theo ý Thiên Chúa, nên chúng tôi không làm thiệt hại gì cho anh em. Quả vậy, nỗi ưu phiền theo ý Thiên Chúa làm cho chúng ta hối cải để được cứu độ: đó là điều không bao giờ phải hối tiếc; còn nỗi ưu phiền theo kiểu thế gian thì gây ra sự chết. Hãy xem nỗi ưu phiền theo ý Thiên Chúa đã đem lại cho anh em những gì: bao nồng nhiệt, và hơn thế nữa, bao lời xin lỗi, bao ân hận, bao sợ hãi, bao ước mong, bao nhiệt tình, bao hình phạt; bằng mọi cách, anh em đã chứng tỏ mình vô can trong vụ này. Vậy, nếu tôi đã viết thư cho anh em, thì không phải vì kẻ làm nhục hay người bị nhục, nhưng để cho thái độ nồng nhiệt của anh em đối với chúng tôi được tỏ hiện nơi anh em, trước mặt Thiên Chúa. Đó là điều an ủi chúng tôi.(2 Cor 7: 9-13) 

Sầu và buồn đến thế nào đi nữa, ta cũng cứ nhớ đến Lời Vàng hôm trước, để rồi sẽ theo gương can đảm của đấng thánh hiền mà “đầu cao mắt sáng” tiến lên về phía trước, rồi cất tiếng hoan ca, bất kể những gì ngăn bước tiến của ta, mà hát rằng:

Đêm nay lạnh phố buồn. Em ơi nín đi em.
Lên métro cuối cùng em ơi nín đi em.
Trời mưa tuyết lác đác dâng dâng sầu.
Đèn đêm trắng phố vắng phai phai mầu.
Ngập ngừng đêm thâu tìm về nơi đâu giữa ngàn lối sắc mầu.
Tìm đâu thấy tiếng hát bên kia đồi.
Buồn muôn lối nước mắt hoen mi rồi.
Ngày về xa xôi lòng sầu chơi vơi chừng nào cho đêm mới thôi!
(Phạm Trọng Cầu – bđd)

Và rồi ta cứ thế, liên tu bất tận, mà nhớ lại lời đấng thánh hiền từng căn dặn mãi những lời rằng:

Thật thế, anh chị em đã phải ưu phiền theo ý Thiên Chúa,
nên chúng tôi không làm thiệt hại gì cho anh chị em.
Quả vậy, nỗi ưu phiền theo ý Thiên Chúa
làm cho chúng ta hối cải để được cứu độ:
đó là điều không bao giờ phải hối tiếc;
còn nỗi ưu phiền theo kiểu thế gian
thì gây ra sự chết.
Hãy xem nỗi ưu phiền theo ý Thiên Chúa
đã đem lại cho anh chị em những gì:
bao nồng nhiệt, và hơn thế nữa, bao lời xin lỗi,
bao ân hận, bao sợ hãi,
bao ước mong, bao nhiệt tình, bao hình phạt;
bằng mọi cách, anh chị em đã chứng tỏ mình vô can trong vụ này.
Vậy, nếu tôi đã viết thư cho anh chị em,
thì không phải vì kẻ làm nhục hay người bị nhục,
nhưng để cho thái độ nồng nhiệt của anh chị em
đối với chúng tôi được tỏ hiện nơi anh chị em,
trước mặt Thiên Chúa. Đó là điều an ủi chúng tôi.
(2Cor 7: 9-13)

“Thái độ nồng nhiệt của anh em…là điều an ủi chúng tôi”, sự thật này vẫn hiển-hiện ở nhiều nơi. Chí ít là những nơi ít thấy có, như nhà Đạo ở đây đó…

Để minh-họa cho những điều ghi ở trên, mời bạn/mời tôi, ta đi vào vùng trời truyện kể có những giòng chảy đáng ghi và đáng nhớ như câu truyện kể về “chiếc hồ huyền bí” của Trần Mộng Tú ở bên dưới:

“Bà Hằng đứng lặng trước gương tự ngắm mình. Buổi sáng mới ra khỏi giường, mái tóc xanh mướt còn sổ tung, ôm lấy khuôn mặt không một vết nhăn, nước da trắng ngà với hai con mắt long lanh sáng trong gương đang nhìn lại bà như khiêu khích, khiến bà bối rối.

“Tiếng động ở trong bếp, con gái bà đang lo bữa ăn sáng cho thằng út 12 tuổi trước khi xe bus trường học đến đón. Bà nghe tiếng cô nói với vào phòng bà.

– Mẹ, con đi làm. Con làm thêm trứng cho mẹ ăn sáng rồi, chốc nữa mẹ chỉ nướng bánh thôi.

– Cám ơn con. Bà nói vọng ra, giọng uể oải. Tối qua, chủ nhật có mấy người bạn của con đến chơi, bà rút vào phòng nhưng vẫn không ngủ sớm được. Cái cơ thể của một người đàn bà ngoài 70 không chiều bà nữa, không phải cứ đặt lưng xuống muốn ngủ là ngủ ngay như vài chục năm về trước.

“Con rể bà đã dậy đi làm từ năm giờ sáng, anh ta phải làm theo thời khóa biểu của miền đông nước Mỹ, cách miền tây ba tiếng. Hai đứa cháu ngoại lớn đã vào đại học đi xa, may mà có thằng út “bonus” này mới lên mười hai. Ba giờ tan học, nó về trò chuyện với bà được vài câu khi bà cho nó ăn rồi còn làm bài, còn học võ, còn bạn bè. Thôi thì nó bận cho đến khi bố mẹ nó về.

“Con, cháu ra khỏi nhà, bà xuống bếp ăn sáng, một mình. Bà ngồi uống chậm từng ngụm cà phê pha với sữa “Ensure”, cô con gái ép bà phải dùng sữa này từ mấy tháng nay khi bà mất kí. Một khúc phim quay mờ mờ trong trí bà, nhưng càng lúc càng rõ nét.

“Ngôi làng Trout Creek ở Montana, mùa hè của mười năm về trước, hai vợ chồng bà về thăm ông chú chồng. Ở đó bà gặp một nhóm bạn già của chú, họ nói chuyện về một chiếc hồ lạ lùng như trong huyền thoại. Họ bảo, nơi đây có một chiếc hồ nhỏ, mấy chục năm hay có khi cả trăm năm, nó lại xuất hiện trong đám lau nằm về phía tây ngôi làng. Nếu ai có cơ duyên gặp nó sẽ thấy một sự nhiệm mầu xẩy ra. Cái hồ đó không phải ai cũng thấy được, và không biết nó hiện ra và biến đi lúc nào, nhưng nó có một phép lạ, nó có thể lấy đi tuổi tác trên thân thể mình.

Bà tò mò hỏi:

– Thế có nghĩa là gì?

Một cụ ông nhìn vào mắt bà nói:

– Có nghĩa là khi bà trầm mình xuống đó, nó có thể lấy đi một số tuổi của bà, và sau khi bà bước ra khỏi nước, bà thành một người của ba mươi hoặc hai mươi năm về trước, tùy theo lòng mong ước của bà.

Bà mừng rỡ, lấy làm thích thú với cái chi tiết hấp dẫn đó, đòi chồng dắt bà đi tìm chiếc hồ đó vào ngay buổi sáng hôm sau. Bà thuyết phục chồng:

– Em vào tuổi 60 rồi, các vết nhăn rõ quá rồi, da đã chấm đồi mồi. Anh lại không cho em đi sửa sắc đẹp, thì anh phải cho em đi tới chiếc hồ đó chứ. Biết đâu em có may mắn, chiếc hồ nổi lên cho em “Cải lão hoàn đồng”.

Ông đã chiều bà, hai người dậy từ tờ mờ sáng, đi về phía tây của ngôi làng. Họ đi xuyên qua những bãi đất ẩm ướt, giẫm lên những rễ cây chằng chịt, lách những đám lau sậy hoang vu, họ ngồi trong một đám lau khác quay mặt về hướng đông, ngồi chờ mặt trời lên để thấy chiếc hồ huyền bí hiện ra.

Mặt trời lên từ phía đông, lên đến đỉnh đầu, rồi từ từ ngã xuống và biến mất ở phía tây. Hai vợ chồng vừa đói, vừa khát, cái hồ vẫn không xuất hiện, đành phải bỏ về. Cả nhóm bạn già của ông chú ngày hôm qua xúm lại, khi thấy bà xuất hiện không có gì khác lạ, họ chép miệng ra về. Có người trước khi đi, còn ngoái cổ lại nói:

– Kiên trì đi, mai lại ra, mốt lại ra, biết đâu ông thần hồ ông ấy sẽ động lòng.

Một bà già nói:

– Trong suốt đời ở đây, chúng tôi ra cả mấy chục lần rồi, chẳng hề thấy cái hồ xuất hiện. Chỉ là huyền thoại thôi.

Bà lão khác giễu:

– Biết đâu chị là người Á Đông ông thần thích chị hơn. Cứ cố nữa đi.

Bà không nản, bà cố nữa thật, cái ao ước được trẻ đẹp lại trong lòng bà đã có từ lâu, từ khi bà chấm dứt chu kỳ thời sanh nở. Đã rất nhiều lần bà đứng trước gương, thử tưởng tượng cặp mắt mình được kéo lên một chút cho bớt xụp; cái cầm độn thêm một chút cho thanh mảnh như thời con gái; da hai bên mang tai kéo lên cho hai cái dấu ngoặc bên mép bớt xệ xuống, buồn phiền; cái môi bơm cho đầy đặn quyến rũ và nhất là bộ ngực được tiếp một bịch chất lỏng vào cho da căng lại như thời ba mươi tuổi.

Sau một tuần liên tiếp, buổi sáng phải dậy từ mờ sương, và về khi mặt trời lặn, ăn bánh mì, uống nước chai, ông không chiều bà nữa, ông nói, bà muốn thì đi một mình, vì bà đã thuộc đường rồi. Cũng chỉ còn hai hôm nữa là ông bà phải trở về nhà mình ở Florida.

Bà đã đi lần cuối cùng, một mình và cái hồ huyền bí đã hiện ra với bà. Bà nhớ rõ ràng cái cảm giác không rõ rệt của buổi sáng hôm đó. Bà bước trên đất ẩm, bước trên cỏ còn ngậm sương và bước cuối cùng vừa lách qua khỏi đám lau, bà thấy ngay một cái hồ nhỏ, nước mầu tím ngắt như pha mực dưới chân bà. Bà chưa kịp suy nghĩ đã thấy như có ai kéo chân bà xuống, dìm bà ngập đầu và khi bà hoàn hồn thì cái hồ đã biến mất, cạn khô như nó chưa hề dâng lên trên mặt đất.

Mặt trời vẫn chói chang trên đầu, bà ra khỏi đám lau, lên xe về nhà ông chú như một người mộng du, như có ai lái xe mà bà chỉ ngồi bên cạnh. Chồng bà là người đầu tiên đón bà ngay khi cửa xe mở, ông đứng sững, nhìn bà, cả phút sau mới thốt lên được một câu ngắn:

– Em đã toại nguyện.

Bà chạy ngay vào phòng tắm, nhìn mình trong gương. Bà sững sờ đến không cất nổi một tiếng kêu, bà tưởng mình đang đứng đối diện với cô con gái ba mươi tuổi của mình. Bà nhìn kỹ một lúc, thấy mình còn trẻ hơn con.

Từ đó bà sống một cuộc đời mới. Khi bà đi ra đường với chồng, người không quen tưởng hai cha con; bà đi với con gái, họ tưởng chị em; bà đi với cháu nội, cháu ngoại người ta tưởng bà chỉ là một chị giữ trẻ. Những người trong gia đình, trong họ hàng, bạn hữu cư xử với bà khác đi.

Họ không thân thiện như trước nữa. Bạn bè xa cách vì thấy bà đã sửa sắc đẹp và trẻ hơn họ nhiều quá, con cái bà ngượng ngùng khi gọi bà là mẹ, nhất là cậu con trai ngoài bốn mươi, lung hơi gù và tóc đã muối tiêu. Cô con gái thì không phản đối ra mặt nhưng cô tránh đến nơi công cộng cùng bà.Chỉ có mấy đứa cháu là chúng thích thú khi khoe với bạn bè là bà của chúng trẻ hơn tất cả các cô giáo trong trường. 

Ban đầu bà rất hãnh diện và tự phụ về sự trẻ trung xinh đẹp của mình, bà bấp chấp những người chung quanh đang ganh tị nhan sắc của bà. Bà đi ra đường nhiều hơn, đi một mình, thích nói cho người lạ biết bà bao nhiêu tuổi để được nhìn mắt họ tròn xoe thèm muốn, ganh tị. Bà thấy mình tự tin hơn, yêu đời hơn. Bà mặc quần ngắn, váy ngắn, áo hở cổ trông vẫn rất tự nhiên, không làm người khác khó chịu vì nó hòa hợp với nét trẻ trung trên mặt và vóc dáng của bà.  

Nhưng có một điều làm bà không hài lòng là hình như chồng bà không mấy hứng thú khi ôm một người vợ quá trẻ hơn mình. Ông thấy ông mỗi ngày một già đi mà bà vẫn đứng nguyên một chỗ. Bà gặng hỏi ông thì ông chỉ ngập ngừng nói:

– Cũng được… cũng được. 

Có lần hai ông bà đang xem truyền hình, thấy quảng cáo về mỹ viện, ông tắt ngay, vừa đứng lên vừa nói trống không:

– Họ không biết là làm cho trẻ cái vẻ bên ngoài mà gan ruột vẫn già nua, sức khỏe vẫn suy sụp thì khác gì hình nộm. 

Bà giận lắm, nhưng không biết phản ứng thế nào cho đúng, vì quả thật cơ thể bà vẫn là cơ thể của một bà lão bẩy mươi. 

Cái ông thần hồ huyền bí mấy chục năm hay cả trăm năm mới hiện ra một lần đó rất oái oăm. Ông lấy đi tuổi tác trên thân thể nhưng ông vẫn để sức khỏe của tuổi tác suy hóa theo thời gian ở lại. Ông đã cho thân thể bà lại tuổi thanh xuân như một cái hộp mỹ miều nhưng lại đựng trong đó những vật cũ kỹ như số tuổi của bà. 

Bà vẫn có tất cả những vấn đề về sức khỏe của một phụ nữ từ tuổi sáu mươi bước sang bẩy mươi ở trong một thân thể trẻ trung của tuổi ba mươi. 

Người ta thấy bà lưng ong, ngực nở, môi thắm, má hồng, mắt long lanh, răng như ngà, ăn mặc thời trang trong mọi buổi họp mặt. Nhưng bà ngồi thở dốc khi mới giữa buổi chơi, ăn ít và kêu đau lưng, nhức mỏi, Đôi mắt long lanh đó không đọc báo được nếu không đeo kính lão, bàn tay nuột nà trông khỏe mạnh đó, không cắt được quả táo quá cứng, không xẻ được quả dưa hơi to. Bà dễ quên, dễ vấp ngã và đang phải kiểm soát áp huyết thường xuyên. Những lúc đó bà thấy ngượng với chính mình, cảm tưởng mình như một diễn viên đóng kịch dở. 

Buồn nhất hai năm trước đây, khi ông qua đời ở tuổi già, bà đứng cạnh áo quan như một góa phụ còn nguyên nét thanh xuân. Bà nghe thấy những lời xì xào như tiếng ong vo ve chung quanh bà.

Sau đám tang bà đóng cửa hai ba ngày, soi mình trong gương, bà bị giằng co giữa nhan sắc và tuổi tác. Có nên trả lại thanh xuân cho cái hồ huyền bí đó không? Cuối cùng bà nghĩ đến sự cô đơn, không có ai muốn cố gượng thân với mình nữa sau khi ông mất. Bà đành chấp nhận trở về với chính tuổi tác của mình. 

Sau cái giỗ 49 ngày của ông, bà tìm về Trout Creek một mình, bà không cho bên chồng biết, bà ngủ ở khách sạn và tìm về phía Tây ngôi làng. Bà đã đến đó, mang theo lương thực, ngồi trong đám lau ẩm ướt chờ cái hồ huyền bí xuất hiện để bà nhẩy xuống đòi lại những nếp nhăn trên mặt, những da thịt lồi lõm trên thân thể, những sợi tóc bạc và hàm răng không toàn vẹn của mươi năm trước cái hồ đã lấy đi của bà. Bà sẽ trả lại má phấn, môi hồng và mái tóc đen bóng, hàm răng ngà này lại cho ông thần hồ. 

Bà đã ở đó một tuần, sáng sáng lái xe đến vùng đất đã có chiếc hồ huyền bí xuất hiện. Khu đất đó vẫn khô cằn mặc dù đám lau ẩm ướt bao chung quanh nó. Cái hồ không bao giờ hiện ra nữa, mà nếu mấy chục năm nữa, nó còn hiện ra, thì làm sao bà có thể đợi được. Bà biết rằng phép lạ không thể xẩy ra hai lần cho một đời người, ngay cả cái hồ huyền bí có xuất hiện ngay bây giờ, chắc gì ông thần hồ trả lại cho bà mắt, môi ngày cũ. 

Bà thất thểu ra về, bà biết mình đã mất hẳn những cái bà đã có, đã nhận được, theo thời gian tuổi tác của mình. Bà đã vứt nó đi không thương tiếc, bà không lấy lại được nữa. 

Bà hình dung ra khi bà nằm xuống, ở tuổi 80 hay 90 trong áo quan với một khuôn mặt trẻ măng, chung quanh đám con, dâu, rể, đã tóc bạc, da mồi. Bất giác bà rùng mình.” (trích từ truyện kể “Chiếc hồ huyền bí” của Trần Mộng Tú)

Và lời cuối hôm nay gửi đến bạn bè người thân là những lời nhiệt nồng, tha thiết, rất thân thương như đã ghi chép.

Trần Ngọc Mười Hai
Và những lời thân thương, tha thiết
Xin được gửi đến hết mọi người
Trong ngoài thánh hội
Rất hôm nay.