Đây là nhà thờ sở hữu những thánh tích Thánh Helena mang về từ Đất Thánh

2067
Cris Foto | Shutterstock

V. M. Traverso

11 tháng Mt, 2019

Một gia tài những thánh tích tìm thấy được lưu giữ cẩn thận trong Vương cung Thánh đường Thánh giá Giê-ru-sa-lem của Roma từ khi thân mẫu của Hoàng đế Constantine trở về sau chuyến hành hương của bà thế kỷ 4.

Chúng ta đều biết nhiều nhà thờ ở Châu Âu sở hữu gia tài những thánh tích cổ xưa. Nhưng ít nhà thờ có thể sánh được với bộ sưu tập lớn của Vương cung Thánh đường Thánh Giá cổ đại Giê-ru-sa-lem, được xây dựng thế kỷ thứ 4 ở Roma.

Tọa lạc tại khu Equilino, là quê nhà của nhiều cộng đồng sắc tộc Roma, Vương cung Thánh đường Thánh giá Giê-ru-sa-lem (Santa Croce in Gerusalemme) được đặt tên theo thánh tích quý báu nhất của Vương cung Thánh đường: những mảnh vỡ của Thánh Giá được tìm thấy tại đúng địa điểm Chúa Giê-su chịu đóng đinh. Người ta tin rằng Thánh Helena, thân mẫu của Hoàng đế Constantine của Roma (người công nhận Ki-tô giáo năm 312), đã tìm thấy những mảnh vỡ của Thánh Giá và những thánh tích quý báu khác trong một chuyến viếng thăm Đất Thánh. Sau đó bà đưa chúng về Roma và lưu giữ trong “Vương cung Thánh đường Heleniana” mới xây, tòa nhà cao vút lên trong một khu phức hợp hoàng gia được gọi là Sessorium, trong đó gồm có một cung điện, các nhà tắm kiểu Roma (cũng đặt theo tên Helena), một hý trường và một đài vòng cung.

Thánh Helena: Tượng Thánh Helena, thân mẫu của Hoàng đế Constantine Đại đế.
Những thánh tích được trưng bày trong Nhà nguyện trong Vương cung Thánh đường Thánh Giá Giê-ru-sa-lem. Thánh Helena mang những thánh tích này về gồm Thánh Giá, Mão gai, và một cây đinh của Khổ hình Thập giá trong chuyến hành hương của bà về Đất Thánh.
Vương cung Thánh Đường Thánh Giá Giê-ru-sa-lem của Roma: Vương cung Thánh đường sở hữu những mảnh vỡ của Thánh Giá và các thánh tích quý báu khác được Thánh Helena mang về từ Đất Thánh.
Chính điện kiểu Baroque của Vương cung Thánh đường: Chính điện được thiết kế vào thế kỷ 17 bởi những kiến trúc sư người Roma Pietro Passalacqua và Domenico Gregorini.
Vương cung Thánh đường Thánh Giá Giê-ru-sa-lem ban đêm. Một nhà nguyện ở mé trái của chính điện sở hữu một bộ sưu tập ấn tượng các thánh tích.
Bên trong Vương cung Thánh đường Thánh Giá: Được xây dựng lần Đầu tiên vào thế kỷ thứ 4, Vương cung Thánh đường sau đó được sửa đổi nhiều lần qua nhiều thế kỷ.
Khu vườn tu viện: Vương cung Thánh đường và các công trình phụ tu viện có một khu vườn tuyệt đẹp được xây dựng năm 2004 phỏng theo khu vườn tu viện ban đầu do các tu sĩ Dòng Xitô chăm sóc.

Nhưng cấu trúc nguyên thủy trọn vẹn đó ngày nay không còn nhiều. Những công cuộc phục hồi và các thay đổi cấu trúc đã bắt đầu ngay từ thế kỷ thứ 8, khi đó các Đức Giáo hoàng Gregory II và Hadrian I ra lệnh sửa chữa lần đầu. Sau đó Đức Giáo hoàng Lucius II (1114-1145) lại ra lệnh sửa đổi thêm, ngài chọn theo phong cách kiến trúc Rô-măng với nét đặc trưng là nhà thờ ba gian chính điện có thể tìm thấy trong các nhà thờ được xây dựng trong thế kỷ 12 ở Châu Âu. Tuy nhiên, cho mãi đến thế kỷ 18 thì Vương cung Thánh đường mới khoác lên mình diện mạo như hôm nay. Khi đó Đức Giáo hoàng Benedict XIV cho gọi các kiến trúc sư Roma Pietro Passalacqua và Domenico Gregorini biến Vương cung Thánh đường sang kiến trúc Baroque mới nhất, với nét đặc trưng là lối vào hình e-líp và một mặt chính diện được trang trí rất tỷ mỷ công phu với các đầu cột kiểu Corinth.

Suốt nhiều thế kỷ, Vương cung Thánh đường và công trình phụ tu viện được thành lập vào thế kỷ thứ 10 bởi Đức Thánh Cha Benedict VII, dưới sự chăm sóc của nhiều dòng tu khác nhau: dòng Biển đức trong thế kỷ 11, dòng Canonic vào thế kỷ 12, và dòng Xi-tô thế kỷ 15.

Năm 1910, “giáo xứ Thánh Giá Giê-ru-sa-lem” được thành lập bởi Thánh Giáo hoàng Pius X và khu phức hợp dưới sự quản lý của các giáo sĩ giáo phận kể từ đó. Năm 1930 Đức Giáo hoàng Pius V ra lệnh xây một nhà nguyện mới để lưu giữ những thánh tích của Vương cung Thánh đường. “Nhà nguyện Thánh tích” là tên đặt được xây dựng bởi kiến trúc sư người Roma Florestano di Fausto, ông muốn nó trở thành một không gian thờ phượng mở cho các tín hữu và họ có thể dễ dàng tiến vào từ gian bên trái của Vương cung Thánh đường.

Nhà nguyện trưng bày một bộ sưu tập rất tuyệt vời những thánh tích bao gồm:

  • Một cây đinh được sử dụng trong Khổ hình Thập giá
  • Hai cây gai từ Mão Gai của Đức Ki-tô
  • Một ngón tay được cho là của Thánh Tô-ma, người ban đầu đã nghi ngờ sự Phục sinh của Chúa, và sau đó đã chạm ngón tay vào các dấu thương của Đức Ki-tô
  • Một mảnh vỡ của thập giá của “Kẻ trộm lành” cùng chịu đóng đinh với Chúa Giê-su
  • Ba mảnh vỡ của Thập Giá thật
  • Một hòm đựng thánh tích trong đó có những miếng vỡ của: Cột đá (Đức Ki-tô bị trói vào và bị đánh); Mộ Thánh (ngôi mộ của Chúa Ki-tô); và máng cỏ của Chúa Giê-su
  • Titulus Crucis là Bảng hiệu của Thập giá: câu khắc trên Thánh Giá thể hiện chữ “Nazarene” viết bằng tiếng Hê-brơ, Latinh, và Hy lạp. Mảnh vỡ này được tìm thấy năm 1492 nằm sau một phiến gạch có khắc dòng chữ TITULUS CRUCIS. Phương pháp xác định tuổi cổ vật trên cơ sở carbon cho thấy có thể đây là bản sao thời trung cổ của thánh tích nguyên thủy.

Vương cung Thánh đường cũng có một vườn tu viện, được xây dựng năm 2004 mô phỏng theo khu vườn được các thầy dòng Xi-tô chăm sóc từ năm 1561 đến thập niên 1900. Khu vườn toát lên một không khí thanh bình, tĩnh lặng và bình an nhờ vào sự hài hòa của các luống hoa và một cổng vào được làm bằng kính màu do nghệ sĩ người Ý Jannis Kounellis.

Du khách có thể đến thăm nhà thờ bằng cách đăng ký những chuyến du lịch có hướng dẫn hoặc bằng cách liên lạc với giáo xứ qua số điện thoại +393892780343 và +393392769646.

[Nguồn: aleteia]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 13/1/2019]