Cuộc khổ nạn thể xác của Chúa Giêsu

2871

Bác sĩ Pierre Barbet | Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi lược dịch từ Pháp ngữ

Lời giới thiệu

Cuộc Khổ nạn của Chúa Giêsu đã được cả 4 Tin mừng tường thuật lại với nhiều chi tiết hơn bất cứ biến cố nào khác của đời Người. Nhưng thú thật, chúng ta không mấy xúc động khi đọc các trình thuật đó, khi muốn rung cảm với sự thống khổ của Chúa chúng ta, không mấy hình dung được những nỗi đớn đau Người đã gánh chịu. Trước nhất là vì các thánh sử đã chẳng muốn làm tiểu thuyết gia, nhưng chỉ “vừa phải” và “lạnh lùng” (Pascal) ghi nhận sự kiện theo những mục tiêu thần học đã nhắm; thứ đến là vì chúng ta không mấy thấu triệt ý nghĩa của những tiếng quá vắn gọn như “bị đóng đinh”, “đội mão gai”, “chịu đánh đòn…; sau hết là vì đã quá quen nghe các thuật trình Khổ nạn.           

Để có thể rung cảm với Chúa Giêsu trong cuộc Thương khó của Người, thì ngoài một đức tin sâu xa và một tình mến sâu đậm, cần có một ít hiểu biết về cách giải thích bản văn Thánh kinh, về khổ hình thập giá, về những diễn biến sinh lý xảy ra trong kẻ chịu thứ khổ hình như vậy, thứ khổ hình mà mọi nhà khảo cứu lịch sử đều nhất trí công nhận là tàn ác nhất, khủng khiếp nhất.           

Pierre Barbet (+1961) là một trong những người tạo cho ta các điều kiện vừa nói. Ông là một bác sĩ giải phẫu nổi tiếng tại Pháp đồng thời là một tín hữu nhiệt thành, ham mê khoa chú giải Thánh kinh. Theo lời yêu cầu của một người bạn linh mục, ông đã nghiên cứu cuộc Khổ nạn của Chúa dưới nhãn quan của một nhà khoa học, một bác sĩ giải phẫu, dựa trên 4 trình thuật Thánh kinh, các tài liệu cổ nói về khổ hình thập giá, các cuộc thí nghiệm khoa học trên thây người, nhất là dựa trên Bức Khăn liệm hiện để tại thành Turino nước Ý.           

Chúng ta biết Khăn liệm này là một thánh tích mà người ta cho rằng đã dùng để liệm xác Chúa Giê-su. Nó có in nhiều vết máu và vết thân thể của một kẻ bị đóng đinh. Người ta vẫn tôn kính nó từ bao thế kỷ và đến năm 1898 thì được khoa nhiếp ảnh khám phá cách đặc biệt. Khi lần đầu tiên chụp hình Khăn liệm, người ta khám phá thấy nó như là một âm bản, còn tấm phim chụp (đảo màu) lại như một dương bản, cho ta một bức chân dung hết sức sống động, lạ lùng. Và kể từ đó, không biết bao nhiêu nhà khoa học, thần học, chú giải Thánh kinh, cá nhân có, tập thể có, đã cúi mình trên tấm khăn, phân tích, tìm hiểu đến từng centimét vuông và hầu hết đã công nhận nó là xác thực. Riêng bác sĩ Pierre Barbet đã nghiên cứu Khăn liệm này từ năm 1932 để tái dựng lại cách chi tiết cuộc Khổ nạn của Chúa Giê-su và đã lần lượt cho ra các bài báo nói về “đôi tay của Đấng chịu đóng đinh” (1933), “đôi chân và nhát lưỡi đòng” (1934), “việc hạ xác và khiêng đến mộ” (1938), “cuộc khổ nạn thể xác của Chúa Giê-su” (1940), “việc chôn táng Chúa Giê-su” (1948). Đến năm 1950, ông viết thêm vài bài về Bức Khăn liệm, việc đóng đinh theo khoa khảo cổ, các nguyên nhân gây ra cái chết, các đau khổ dọn đường, và cho xuất bản tất cả thành một cuốn sách nhan đề “Cuộc Khổ nạn của Chúa Giê-su Ki-tô theo nhà giải phẫu” (La Passion de N.-S. Jésus-Christ selon le chirurgien. Paris, Apostolat des éditions. 8è édition, 1965, 264 p.)           

Tài liệu mà chúng tôi chuyển dịch đây là chương kết luận tổng hợp của cuốn sách. Trong chương này, tác giả trình bày tất cả cuộc Khổ nạn một cách vắn gọn, chính xác và với một giọng văn vô cùng cảm động. Theo lời ông (trong bài tựa cuốn sách) tài liệu đã được rất nhiều người tán thưởng và đặc biệt đã được dùng làm tư liệu suy ngắm, giảng dạy trong mùa Chay, Tuần thánh.           

Ước mong những trang được viết với con tim của một người tín hữu và khối óc của một nhà khoa học sau đây sẽ giúp chúng ta sống lại cuộc Khổ nạn của Đấng đã điên rồi chọn lấy khổ hình khủng khiếp nhất để hét to lên rằng Người yêu thương chúng ta.

Dịch giả.

Nếu có một chuyện hoang đường ăn sâu vào các tâm trí, thì đó là chuyện hoang đường về sự nhẫn tâm lạnh lùng của các y sĩ giải phẫu: việc thao tác tập luyện không làm cùn đi những cảm giác và thói quen phải làm một “điều ác” vì một điều thiện chẳng đặt chúng tôi trong một trạng thái vô cảm xúc cách bình thản sao? Điều ấy sai lạc hoàn toàn! Cho dẫu chúng tôi cố cứng rắn, không để cảm xúc lộ ra cũng như làm trở ngại công việc giải phẫu, thì lòng thương xót trong chúng tôi vẫn luôn luôn sống động và được tinh tế thêm cùng với tuổi đời. Khi người ta đã lâu năm nghiêng mình trên đau khổ của kẻ khác, đã đích thân nếm thử, thì chắc chắn người ta dễ thương xót hơn là lãnh đạm, bởi lẽ người ta biết rõ nỗi đau đớn cùng với các nguyên nhân và hậu quả của nó hơn.

Vì thế, khi một y sĩ giải phẫu đã suy ngắm về các đau khổ của cuộc Khổ nạn, đã phân tích thời gian và các hoàn cảnh sinh lý của cuộc Khổ nạn đó, đã chăm chú tái dựng cách có phương pháp hết mọi giai đoạn của nỗi đớn đau trong một đêm và một ngày này, thì ông ta có thể cảm thông với các đau khổ của Đức Kitô hơn nhà giảng thuyết hùng biện nhất, hơn nhà khổ hạnh thánh thiện nhất (ngoại trừ những vị đã được linh kiến trực tiếp và đã thất kinh vì cảnh tượng này). Tôi xin cam đoan với các bạn rằng đấy thật là kinh khủng, kinh khủng đến độ tôi không còn dám nghĩ tới. Chắc hẳn là hèn nhát thật, nhưng tôi nghĩ phải có một nhân đức anh hùng hay là không hiểu, phải là một vị thánh hay một kẻ vô ý thức nếu muốn đi Đàng Thánh giá. Phần tôi, tôi không thể đi được nữa.

Tuy nhiên, người ta đã yêu cầu tôi viết lại chính Đàng Thánh giá đó, và tôi chẳng muốn chối từ, vì xác tín rằng công việc sẽ sinh ích lợi. Ôi Giêsu nhân lành và dịu dàng, xin đến giúp con. Xin giúp con biết giải thích các đau khổ Chúa đã gánh chịu. Có lẽ khi cố gắng khách quan, đem “tính lãnh đạm” của nghề giải phẫu mà đè nén cảm xúc, tôi sẽ có thể đi đến cùng. Nhưng nếu chưa xong mà tôi đã khóc nức nở, thì xin bạn độc giả hãy làm như tôi, đừng xấu hổ gì hết; đó là dấu bạn đã hiểu. Vậy xin mời theo tôi. Hướng dẫn viên của chúng ta là Kinh thánh và Bức Khăn liệm, bức khăn mà việc nghiên cứu theo khoa học đã chứng minh cho tôi thấy là xác thực hoàn toàn.

Thật ra, cuộc Khổ nạn đã bắt đầu từ ngày Giáng sinh, bởi lẽ Chúa Giêsu, trong sự toàn tri của Người, đã luôn luôn biết, thấy và muốn các đau khổ đang chờ đợi nhân tính Người. Giọt máu đầu tiên đổ ra cho chúng ta là vào lúc Cắt bì, tám ngày sau Giáng sinh. Ta đã có thể mường tượng ra cảm giác nào được gây nên cho một con người đã thấy trước chính xác nỗi thống khổ mình sẽ chịu.

Trong thực tế, lễ toàn thiêu khởi sự từ chính Ghetsêmani. Sau khi đã ban Mình Người cho môn đồ ăn và Máu Người cho môn đồ uống, Chúa Giêsu kéo họ vào vườn Cây Dầu, nơi thầy trò vẫn có thói quen họp mặt. Để họ lại ở cổng, Người đem 3 môn đồ thân tín đi xa hơn rồi tách khỏi 3 ông này chừng một khoảng ném đá, để sửa soạn cầu nguyện. Người biết giờ của mình đã điểm. Chính Người đã tống cổ tên phản bội làng Kariot: “Ngươi tính làm gì thì làm mau đi” (Ga 13,27). Người nóng lòng kết thúc. Nhưng vì Người đã mặc lấy thân nô lệ là nhân tính của chúng ta khi nhập thể, nên nhân tính này nổi loạn lên và đó là tất cả thảm kịch của cuộc chiến đấu giữa ý chí Người với bản tính. “Người khởi sự kinh hoảng và âu sầu” (Mc 14,23).

Chén Người phải uống chứa đựng hai thứ đắng cay. Trước hết là tội lỗi nhân loại mà Người, Đấng Công chính, phải mang lấy để cứu rỗi anh em mình và đây hẳn là điều cam go nhất, là một thử thách mà chúng ta không thể tưởng tượng, vì chỉ những người thánh thiện nhất trong chúng ta mới cảm thấy sự bất xứng và đê tiện của mình một cách sâu sắc. Có lẽ chúng ta hiểu hơn sự tiên cảm, tiền nếm các cực hình thân xác Người đã phải chịu trong tư tưởng; tuy nhiên chúng ta cũng chỉ kinh nghiệm sự rùng mình về các đau khổ quá khứ thôi. Đó là một điều không thể tả. “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này đi khỏi con! Song đừng cho ý của con, mà là ý của Cha được thành sự” (Lc 22,42). Đây chính là nhân tính của Người đang nói… và đang quy phục, vì thần tính của Người biết cái mình vẫn muốn từ muôn thuở; con người nơi Chúa Giêsu ở vào một thế bí. Trong lúc đó, 3 môn đồ thân tín say ngủ; thánh Luca nói: họ say ngủ “vì buồn phiền” (22,45). Tội nghiệp!

Cuộc chiến đấu thật là kinh khủng: một thiên thần đến trợ lực cho Người và xem ra để cùng lúc đón lấy sự chấp thuận của Người. “Đi vào cơn chiến đấu, Người cầu nguyện khẩn thiết hơn, và mồ hôi Người nên như những cục máu đông nhỏ xuống đất” (Lc 22,44). Đây là mồ hôi máu mà một vài nhà chú giải duy lý, vì ngửi thấy có mùi phép lạ, đã cho rằng chỉ là một hình ảnh tượng trưng thôi. Người ta lấy làm lạ khi thấy các tay duy vật tân thời này đã có thể thốt ra trong lãnh vực khoa học không biết bao nhiêu điều ngu ngốc. Lưu ý cho rằng vị thánh sử duy nhất đã ghi lại sự kiện là một y sĩ. Và vị đồng nghiệp Luca khả kính của chúng tôi, “lương y quý mến” (Cl 4,14), đã làm công việc đó với sự chính xác, gãy gọn của một thầy thuốc lâm sàng lành nghề. Chứng mồ hôi máu là một hiện tượng rất hiếm nhưng rất rõ rệt. Như bác sĩ Le Bec viết, nó xảy ra “trong những điều kiện vô cùng đặc biệt: suy nhược nặng về mặt thể lý, kèm theo chấn động khủng khiếp trong tâm hồn, do bị một cảm xúc sâu xa, lo sợ dữ dội”. “Người khởi sự kinh hoảng và âu sầu”. Ở đây, nỗi kinh hoàng đã lên đến tột đỉnh và sự chấn động tâm thần cũng thế. Hai điều này được Luca diễn tả qua từ “agonia”, mà trong Hy ngữ, vừa có nghĩa “chiến đấu” vừa có nghĩa “lo âu hồi hộp”. “Và mồ hôi Người nên như những cục máu đông nhỏ xuống đất”.

Xin được phép giải thích hiện tượng này. Đây là sự trương dãn dữ dội các mao mạch dưới da khiến chúng bị vỡ ở chỗ tiếp xúc với các túi cùng của hàng triệu tuyến mồ hôi. Máu trộn lẫn với mồ hôi và đông lại trên da, sau khi xuất khỏi thân thể. Chính hỗn hợp mồ hôi với máu đông đó tụ lại và chảy khắp thân với một số lượng đủ để rơi xuống đất. Xin lưu ý: sự xuất huyết tế vi này xảy ra trong tất cả lớp da, khiến toàn thể da bị thương tổn, bị ê ẩm, bị mềm đi, mặc sức lãnh đủ mọi trận đòn sắp tới. Nhưng ta hãy để đó đã.

Vì này Giu-đa và đám đầy tớ của Thượng hội đồng đã đến, võ trang gươm giáo và gậy gộc; chúng đem theo đèn đuốc lẫn giây thừng. Cũng có cả cơ binh Đền thờ do viên quản cơ điều khiển. Người ta đã cẩn thận tránh báo động quân Rô-ma và đội lính đồn Antônia. Phiên những kẻ này sẽ đến khi người Do Thái đã tuyên án và xin tổng trấn Philatô phê chuẩn. Chúa Giê-su tiến ra, và để tỏ uy lực lần sau hết trước khi phó mặc cho thánh ý Thiên Chúa, Người phán một lời quật ngã đám vây bắt xuống đất. Ông Phê-rô can đảm lợi dụng cơ hội này để chém đứt tai tên Man-khô và Chúa Giê-su đã gắn lại. Phép lạ cuối cùng của Người!

Nhưng lũ đông hò hét đã vội trấn tĩnh và xông vào trói chặt Đức Kitô; chúng lôi Người đi không mấy nhã nhặn, có thể tin như vậy, để đám tùy tùng của Người chạy thoát. Đây là sự bỏ rơi, ít nhất theo vẻ bề ngoài. Tuy nhiên Chúa Giê-su biết Phêrô và Gioan vẫn theo Người “xa xa” (Mc 14,54; Ga 19,15) và biết Máccô sẽ chỉ thoát cuộc vây bắt nhờ để mình trần chạy trốn, bỏ lại cho đám lính gác tấm khăn choàng thân thể.

Này đây họ đã đến trước Caipha và Thượng hội đồng. Vì còn đang đêm nên chỉ có thể thẩm vấn sơ khởi. Chúa Giêsu từ chối trả lời: giáo thuyết của Người, Người đã rao giảng cách công khai. Caipha bối rối, giận dữ, và một cận vệ của ông thấy thế đã tặng cho bị can một cái tát như trời giáng: “Dám trả lời Thượng tế như vậy ư?” (Ga 18,22).