Cơ cấu phẩm trật Giáo Hội Công Giáo | Kiến thức Công Giáo số 4

1467

Giáo Hội địa phương và quyền bính
(Particular Churches and the authority constituted within them)

Giáo Hội Công Giáo Việt Nam

Trong một quốc gia luôn có những tổ chức của Giáo Hội Công Giáo như sau:

I. Giáo tỉnh và trưởng giáo tỉnh – Ecclesiastical Provinces and Metropolitans

Giáo tỉnh bao gồm các địa phận gần nhau nhằm cổ vũ hoạt động mục vụ chung nói lên tinh thần hiệp nhất và tương trợ. Đứng đầu giáo tỉnh là một Tổng Giám Mục của một địa phận trong Giáo tỉnh được gọi là Trưởng Giáo tỉnh – Metropolitan. Trưởng giáo tỉnh cũng là một Giám mục địa phận, ngài không có quyền trên các giám mục địa phận khác. Tuy nhiên Ngài có quyền điều động những phiên họp thường kỳ trong giáo tỉnh và có quyền đến các giáo phận trong giáo tỉnh dâng lễ sau khi đã thông báo cho các giám mục địa phương.

Thí dụ: Việt Nam chia làm 3 giáo tỉnh:

Hà nội, 10 địa phận, trưởng giáo tỉnh là Đức HY Tổng Giám Mục Nguyễn Nhơn.

Huế, 6 địa phận, trưởng giáo tỉnh là Đức TGM Nguyễn Chí Linh.

Sàigòn, 10 địa phận, trưởng giáo tỉnh, Đức TGM … (sede vacante – trống toà).

Canada có 65 địa phận chia thành 18 giáo tỉnh.

Mỹ có 197 địa phận chia làm 34 giáo tỉnh.

II. Giáo miền và các công đồng địa phương – Ecclesiastical Regions and Particular Councils 

Trong sinh hoạt thực tế của các giáo hội địa phương, cách hiểu và xử dụng từ xem chừng có chút khác biệt. Thí dụ ở Việt Nam, từ Giáo tỉnh – Ecclesiastical Provinces – và Giáo miền – Ecclesiastical Regions – được hiểu giống nhau. Có 3 Giáo tỉnh Hà Nội – Huế và Sàigòn. Đồng thời cũng có 3 Giáo miền: Bắc – Trung – Nam.

Canada và Mỹ khi nói Giáo miền, được hiểu là bao gồm nhiều giáo tỉnh nằm trong các miền Đông, miền Tây, miền Trung hay Miền Đông Đại Tây Dương.

Nếu có giáo tỉnh và giáo miền thì cũng có hai loại công đồng địa phương:

Công đồng Giáo tỉnh sẽ được triệu tập nếu đa số các Giám Mục giáo phận trong giáo tỉnh xét thấy thuận lợi và cần thiết theo qui định của Giáo luật điều 440.

Công đồng Giáo miền do Hội đồng Giám Mục triệu tập và được tông toà phê chuẩn. Những sắc lệnh của công đồng miền phải được tông toà duyệt xét trước khi ban hành theo qui Giáo Luật điều 446.

III. Hội đồng Giám Mục – Episcopal Conferences

Hội đồng Giám Mục gồm các vị lãnh đạo của tất cả các Giáo Hội địa phương thuộc cùng một quốc gia. Như vậy thành viên của Hội Giám Mục gồm: Giám mục địa phận, Giám Mục phó, Giám Mục phu tá, giám mục hiệu toà có nhiệm vụ đặc biệt do tông toà hay hội đồng Giám mục uỷ thác và các vị được đồng hoá như đại diện tông toà hay phủ doãn tông toà….theo qui định Giáo luật điều 448, 449 và 450.

Hội đồng Giám Mục phải soạn thảo quy chế riêng và được tông toà duyệt xét cũng như phải bầu vị chủ tịch và phải có phiên họp khoáng đại ít là mỗi năm một lần. Quyền biểu quyết: Giám mục chính toà, Giám mục phó và các vị lãnh đạo đồng hoá… Những sắc luật của Hội Giám mục chỉ được ban hành sau khi tông toà duyệt xét và chuẫn y theo qui định của GL. điều 455.

Trong một giáo phận có những tổ chức như sau:     

1. Công nghị giáo phận – The Diocesan Synod.

Công nghị giáo phận được Giám Mục địa phận triệu tập khi hoàn cảnh đặc biệt đòi hỏi, sau khi tham khảo ý kiến của Hội đồng linh mục. Thành phần được triệu tập tham dự gồm: (1) Giám mục phó và phụ tá (2) Tổng đại diện và đại diện giám mục (3) Kinh sĩ nhà thờ chánh toà (4) thành viên hội đồng linh mục (5) Giáo dân, tu sĩ (6) Giám đốc Đại chủng Viện (7) Quản hạt (8) Một linh mục trong mỗi giáo hạt và (9) Bề trên các hội dòng.

Giám mục địa phận: Nhà lập pháp duy nhất… tất cả chỉ là cố vấn. Quyết định của công nghị phải được thông qua vị Trưởng Giáo tỉnh và Hội Đồng Giám Mục.

2. Toà Giám mục – Diocesan Curia – Phủ giáo phận

Toà Giám Mục Cần Thơ số 12 Nguyễn Trãi, P. An Hội, Ninh Kiều Tp. Cần Thơ.

Điều 469 Phủ giáo phận gồm các định chế và các nhân viên cộng tác với Giám Mục trong việc quản trị toàn thể giáo phận, nhất là việc điều khiển hoạt động mục vụ, lo việc trông nom hành chánh của giáo phận cũng như việc hành sử quyền tư pháp.

Cụ thể là: Văn Phòng Giám Mục – văn phòng chưởng ấn – văn phòng tài chánh… nếu cần Giám Mục địa phận có thể bổ nhiệm một tổng đại diện hay một linh mục làm điều động nhân viên Toà Giám Mục.

Nhận định của người viết: Trong thực tế, nhiều khi gây lầm lẫn trong những phân biệt sau:

Dinh Giám Mục (Bishop’s palace) hay nhà ở của Giám Mục (Bishop’s residence or Bishop’s house): Ở Bắc Mỹ và Âu Châu… tên gọi Toà Giám Mục – Diocesan Curia – không được hiểu là nơi Giám Mục lưu ngụ nhưng thường được hiểu là Ngai toà Giám Mục ở nhà thờ Chánh toà của Giám Mục địa phận hay nơi có văn phòng của Giám Mục và các văn phòng của Giáo phận… Tên gọi Dinh Giám Mục hay nhà Giám Mục ở không được hiểu là TOÀ (Sedes – throne…) chút nào cả, chỉ là nơi Giám Mục cư ngụ, nhiều khi chỉ là một căn nhà đơn giản hay đôi khi chỉ là căn hộ rộng lớn ở một chung cư. Nên người Công Giáo Bắc Mỹ hay Âu Châu không lấy gì làm quan trọng để biết Đức Giám Mục ngủ ở đâu hay ai nấu nướng cho Ngài. Người ta thường chỉ cần biết Văn Phòng Giám Mục, nơi Giám Mục làm việc và tiếp xúc với mọi người. Nhưng ở Việt Nam, Toà Giám Mục không chỉ là nhà ở mà còn có cả văn phòng của Giám Mục, văn phòng chưởng ấn, văn phòng Đại diện tư pháp và các ban ngành trong địa phận… như Toà Giám Mục Sàigòn số 180 Nguyễn đình Chiểu. Dường như không ai nghĩ đến Toà Giám Mục là ngai toà của Giám Mục ở nhà thờ Chánh toà cả.

Trung tâm Mục vụ địa phận Cần Thơ

Trung tâm mục vụ (Pastoral Center): Lúc sau nầy, một số địa phận ở Việt Nam xây dựng Trung Mục Vụ, nơi sinh hoạt mục vụ của giáo phận như mục vụ, hội đoàn, các khoá học hỏi kinh thánh… tách rời khỏi Văn phòng Toà Giám Mục, như Trung Tâm Mục vụ Sài gòn số 6B Tôn Đức Thắng P. Bến Nghé Quận 1 Sàigòn. Ở Bắc Mỹ và Âu Châu, Trung tâm Mục vụ nhiều khi bao gồm Văn phòng Toà Giám mục và những văn phòng cấp địa phận, đôi khi cả Toà án hôn phối…. Thí dụ ở TGP Toronto Canada, một toà nhà lớn bao gồm Văn Phòng Giám Mục, văn phòng chưởng ấn và cả toà án hôn phối.

Văn phòng chưởng ấn (Chancery Office): Một số địa phận ở Bắc Mỹ, Văn phòng chưởng ấn là một toà nhà lớn bao gồm văn phòng Toà Giám Mục thuộc phủ Giám Mục – Diocesan Curia – nhưng không dung chứa sinh hoạt mục vụ giáo phận.  Ở đây Văn phòng Chưởng ấn và Trung tâm Mục vụ hoàn toàn khác biệt. Thí dụ: Văn phòng Chưởng ấn giáo phận Hamilton ở Canada hay Văn phòng Chưởng ấn Giáo phận Scranton ở Pennsylvania, Mỹ.

Trên thực tế, đây là những phân biệt sẽ không có kết thúc rõ ràng, vì mỗi địa phận có chiều kích lớn nhỏ và dân số Công giáo khác nhau, nên không thể giống nhau trong cách tổ chức phân biệt rõ rệt giữa Toà Giám Mục – Trung tâm Mục vụ hay Văn phòng Chưởng ấn. Thí dụ địa phận Fort McKenzie ở phía Bắc Canada, chỉ có một Giám Mục và chừng 5, 7 linh mục. Giáo dân toàn là người da đỏ thì phủ Giám Mục hay Văn Chưởng ấn đều không cần thiết. Thường Giám Mục địa phận đảm đang hết mọi chuyện. Thật ra không hợp lý chút nào khi thiết lập nhiều văn phòng nơi quá nhỏ bé, ít oi và thiếu thốn như thế.

Đức Cha Vincent Nguyễn Mạnh Hiếu

1/ Tổng Đại diện và đại diện Giám MụcVicars General and Episcopal Vicars: Trong một địa phận, ngoài Giám Mục địa phận, giám mục phó, giám mục phụ tá… Giám mục phải bổ nhiệm tổng đại diện và các đại diện giám mục đặc trách những nhiệm vụ chuyên biệt, thí dụ đại diện Giám Mục lo cho Công giáo Việt Nam. Nên Tổng Đại diện là đấng thường quyền trong toàn địa phận còn đại diện giám mục chỉ có quyền trong nhiệm vụ đặc trách. Tổng Đại diện và đại diện Giám Mục bị đình chỉ khi Giám mục địa phận bị đình chỉ, trừ khi họ có chức Giám Mục. Thí dụ: Các Giám Mục phụ tá của Toronto đếu là Tổng Đại Diện địa phận… các Ngài sẽ vẫn là tổng đại diện dù Giám Mục chánh toà đình chỉ hay thuyên chuyển. Đức Cha Vincent Nguyễn Mạnh Hiếu, Giám mục phụ tá Toronto và là một trong 4 tổng đại diện, đặc trách miền Đông Toronto bao gồm 40 giáo xứ.

2/ Chưởng ấn – Công chứng viên và văn khố – The Chancellor, other Notaries and the Archives: Cách chung đây là những nhân viên giúp Giám Mục địa phận thiết lập những văn bản hợp luật, lưu giữ hồ sơ và tài liệu của Tòa Giám Mục theo qui định của GL. từ điều 482-491.  Thực tế, chưởng ấn chỉ là người của Giám Mục địa phận, được Giám Mục địa phận chọn và tín nhiệm trao cho những công tác đặc biệt quan trọng … như đến thanh tra các giáo xứ… Tuy nhiên, có những Giám Mục thích “ôm việc” và thiếu phân quyền thì chưởng ấn chỉ còn là người ký tên sau tên Giám Mục trên những văn bản hợp luật mà thôi.

3/ Hội đồng kinh tế và quản lý – The Finance Committee and the Financial administrator: Dù Giám mục là chủ tịch, tuy nhiên Hội đồng phải bao gồm những giáo dân có hiểu biết về kinh tết và luật dân sự để giúp Giám Mục và địa phận có một tình trạng tài chánh tốt để chăm lo việc mục vụ, bác ái và thờ phượng trong địa phận theo Giáo Luật điều 492-494. Ngày nay, mỗi giáo phận thường mướn một chuyên viên tài chánh. Chuyên viên tài chánh là người có chuyên môn để tổ chức quản trị toàn bộ tài chánh trong địa phận: Kế hoạch xây dựng, trả lương, gây quỹ… chuyên viên tài chánh ăn lương rất cao và phân làm nhiều văn phòng để điều hành tài chánh trong địa phận.

4/ Hội đồng linh mục và ban tư vấn – Council of priests and the College of Consultors: Gồm một số linh mục đại diện cho linh mục địa phận để giúp Giám Mục điều động công việc. Phân nửa số thành viên do linh mục địa phận chọn, một số do chức vụ là thành viên như tổng đại diện hay đại diện Giám Mục, số còn lại do Giám mục chọn – Hội đồng linh mục chỉ có quyền tư vấn.

Ban tư vấn được Giám mục chọn từ hội đồng linh mục, không dưới 6 người và không quá 12 người để giúp địa phận trong trường hợp trống toà.

5/ Các Hội Kinh sĩ – The chapter of Canons: Có nhiệm vụ đọc kinh và cử hành nghi thức phụng vụ long trọng ở nhà thờ chánh toà. Hiện tại đại đa số các nhà thờ chánh toà đều không có và không cần hội kinh sĩ. Hoàn cảnh kinh tế giới hạn làm cho địa phận phải hạn chế những chi trả nhiều khi không thực tế cho đời sống mục vụ giáo phận.

6/ Hội đông mục vụ cấp địa phận – The Pastoral Council in diocesan level.

Ðiều 511: Trong mỗi giáo phận, tùy theo hoàn cảnh mục vụ thúc giục, nên thành lập Hội Ðồng Mục Vụ, với trách vụ là, dưới quyền của Giám Mục, lo nghiên cứu, cân nhắc và đề ra những kết luận thực tiễn về tất cả những gì liên quan tới hoạt động mục vụ trong giáo phận.

Ðiều 512: (1) Hội Ðồng Mục Vụ gồm các tín hữu đang thông hiệp trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo, hoặc là giáo sĩ hoặc là các phần tử các Dòng Tu và nhất là giáo dân; tất cả đều được chỉ định theo cách thức do Giám Mục giáo phận ấn định.

(2) Các tín hữu được cử vào Hội Ðồng Mục Vụ cần được lựa chọn cách nào để có thể phản ảnh được phần dân Chúa cấu tạo thành giáo phận, dựa vào các khu vực khác nhau của giáo phận, các điều kiện xã hội và nghề nghiệp, và cả tới phần vụ mà các tín hữu đóng góp trong hoạt động tông đồ hoặc với tư cách cá nhân hoặc liên hiệp với những người khác.

(3) Chỉ nên cử vào Hội Ðồng Mục Vụ những tín hữu trổi về Ðức Tin vững vàng, hạnh kiểm tốt và khôn ngoan.

Dường như không có nhiều địa phận thành lập Hội đồng mục vụ hay nhiều khi có Hội Mục vụ cấp địa phận nhưng các thành viên bị giới hạn hay lẫn lộn trong nhiệm vụ và quyền hạn. Xem chừng không mấy thực tế và không có hoạt động hữu hiệu.

Các giáo xứ – Cha sở và cha phó – Parishes, Parish priests and Assistant priests

Nhà Thờ An Hội, 64 Cách mạng Tháng Tám, P. Cái Khế, Tp. Cần Thơ – Việt Nam.

Một quốc gia có nhiều địa phận. Việt Nam có 26 địa phận.

Một địa phận có nhiều giáo xứ. Thí dụ Sàigòn có 203 giáo xứ.

Một giáo xứ có các giáo sĩ chăm sóc mục vụ. Các Ngài có thể là Cha sở, cha phó, cha phụ tá hay linh mục tạm trú… tuỳ theo sự bổ nhiệm của Giám Mục địa phận.

Việt Nam dùng từ “địa phận” hay “giáo phận” cùng chung một nghĩa trong tiếng Anh là Diocese hay tiếng La tinh là Dioecesis.

Miền Bắc Việt Nam hay đàng ngoài gọi là “Giáo xứ”.

Miền Nam, đàng trong gọi là “Họ đạo”.

Miền Bắc Việt Nam hay dùng từ “giáo họ” tức giáo xứ và những họ đạo lẻ có chung Cha xứ với giáo xứ. Nên ở đây cộng đoàn Công Giáo họ đạo ngang với cấp bậc họ lẻ hay họ nhánh trong miền Nam, tức Cộng đoàn Công Giáo có nhà thờ, nhưng có chung Cha sở với giáo xứ chánh. Tiếng Anh và Latinh xem chừng đơn giản hơn: Giáo xứ theo tên gọi ở Miền Bắc hay Họ đạo theo cách gọi của Miền Nam đều là Parish hay Paroecia – Họ đạo theo tiếng gọi Miền Bắc hay họ lẻ theo cách hiểu của Miền Nam là Mission hay Missio.

Cũng có chuyện không đồng nhất và hơi phức tạp là Miền Bắc gọi Cha xứ hay Cha Chánh xứ. Miền Nam gọi Cha sở… Tiếng Anh và tiếng La Tinh rất đơn giản: Parish priest hay Parochus.

Trong bài viết nầy, tôi xin dùng từ: Giáo xứ – Paroecia – Parish và Cha sở – Parochus – Parish priest – theo “Bộ Giáo Luật 1983” do Hội Giám Mục Việt Nam cho xuất bản năm 2007.

Cha xứ thăm viếng, uỷ lạo những ai lớn tuổi, đau ốm trong giáo xứ…

Ðiều 515: (1) Giáo xứ là một cộng đoàn tín hữu được thiết lập cách bền vững ở trong Giáo Hội địa phương, và việc săn sóc mục vụ được ủy thác cho Cha Sở làm chủ chăn riêng, dưới quyền của Giám Mục giáo phận. (2) Chỉ duy có Giám Mục giáo phận có quyền thành lập, giải tán hoặc thay đổi các giáo xứ; tuy nhiên ngài không nên thành lập, giải tán hoặc thay đổi một cách đáng kể các giáo xứ mà không tham khảo ý kiến Hội Ðồng Linh Mục. (3) Một khi đã được thành lập hợp lệ, giáo xứ đương nhiên được hưởng tính cách pháp nhân theo luật. 

Một cộng đoàn tín hữu được hiểu là cộng đoàn những người rửa tội công giáo. Nên người không rửa tội công giáo thì không là thành phần của giáo xứ. Cha sở không có trách nhiệm chăm sóc mục vụ cho họ.

Chỉ một mình Giám Mục địa phận có quyền thành lập hay huỷ bỏ giáo xứ. Nên trong Giáo Hội Công Giáo không chấp nhận việc tự động xây dựng giáo xứ hay nhà thờ. Không giống chút nào với việc xây Chùa bên Phật giáo hay nhà thờ bên các giáo phái Tin Lành. Tín đồ Phật Giáo, nếu có khả năng, họ có thể xây cất Chùa và thỉnh tăng ni về trụ trì. Bên Tin Lành cũng khá dễ dàng trong việc xây dựng nhà thờ địa phương nếu tin đồ nơi đó có khả năng. Công Giáo không hệ tại khả năng tài chánh, nhưng là nhu cầu mục vụ của tín hữu… và nhà thờ nếu được xây dựng và giáo xứ được thiết lập… nó không là sở hữu của cá nhân hay gia đình nào, nhưng là của địa phận.

Giáo xứ được thành lập có tư cách pháp nhân – juridical personality hay legal person – tức con người được nhìn nhận hiện hữu nhờ luật, chứ không thực sự hiện hữu thể lý. Không ai thấy giáo xứ cả mà chỉ thấy giáo dân, tức những thể nhân – physical persons – trong giáo xứ mà thôi. Nên những từ ngữ như: “Mời cộng đoàn ngồi”…. “Kính thưa cộng đoàn!”… xem chừng không chính xác bằng “Kính mời bà con, anh chị em ngồi!” hay “Kính thưa Ông Bà và anh chị em…”

Thể nhân theo giáo luật số 96 định nghĩa: Do bí tích rửa tội, con người được sát nhập vào Giáo Hội của Ðức Kitô và thủ đắc nhân cách trong Giáo Hội. Cũng theo nghĩa nầy thì tài sản của Giáo Hội hay Giáo xứ thuộc pháp nhân chứ không thuộc thể nhân. Dù là Giáo Hoàng hay Giám Mục cũng không làm chủ tài sản của giáo hội mà chỉ là quản lý để làm vinh danh Chúa và mang ích lợi cho các linh hồn.

Có hai loại giáo xứ: Giáo xứ tòng thổ – territorial parishes – và giáo xứ tòng nhân – personal parishes – được thiết lập theo qui định của giáo luật:

Ðiều 518: Theo luật chung, giáo xứ phải có tính cách tòng thổ, nghĩa là bao gồm tất cả các tín hữu thuộc một địa sở nhất định; tuy nhiên ở đâu thấy thuận lợi, cũng có thể thiết lập các giáo xứ tòng nhân xét vì lý do lễ điển, ngôn ngữ, quốc tịch của các tín hữu thuộc về một lãnh thổ hay kể cả vì một lý do nào khác.

Có những giáo xứ do các linh mục dòng chăm sóc. Đôi khi có những nhà thờ giáo xứ được thiết lập trong khuôn viên nhà dòng và trao phó cho một dòng tu nào đó… Từ đó người Việt Nam đặt tên cho các giáo xứ đó là “Giáo xứ dòng”  và khi Cha Bề Trên dòng đến thì Ngài được coi như có quyền hơn cả Cha sở. Thật ra không một dòng tu nào có quyền thiết lập giáo xứ. Giáo xứ nào cũng phải trực thuộc Giám Mục địa phận. Giáo dân không được phép đi lễ Chúa Nhật trong nhà nguyện của một dòng tu. Giáo dân phải thuộc một giáo xứ, đi lễ nhà thờ xứ và dưới sự chăm sóc của Cha sở. Cha sở có thể là cha dòng, nhưng không có giáo xứ dòng. Bề trên dòng là bề trên trong dòng mình, chứ giáo xứ không có Cha bề trên mà chỉ có Cha sở, Cha phó… dưới quyền Giám Mục địa phận.

Nhiệm vụ của Cha sở: Ðiều 530: Những trách vụ đã được ủy thác đặc biệt cho Cha Sở là:

(1) ban Bí Tích Rửa Tội; (2) ban Bí Tích Thêm Sức cho những người đang trong lúc nguy tử, theo quy tắc của điều 883 số 3; (3) ban của Ăn Ðàng và Bí Tích Xức Dầu, tuy vẫn tôn trọng quy tắc của điều 1003 triệt 2 và 3; và ban Phép Lành Tòa Thánh cho các bệnh nhân; (4) chứng giám Hôn Phối và làm phép cưới; (5) cử hành lễ nghi an táng; (6) làm phép Giếng Rửa Tội trong mùa Phục Sinh, chủ sự các cuộc rước ngoài thánh đường, và việc ban phép lành trọng thể ngoài thánh đường; (7) cử hành thánh lễ cách trọng thể hơn trong các ngày Chúa Nhật và trong các ngày Lễ Buộc.

Chung sức xây dựng giáo xứ

Cha sở theo qui định của Luật điều 534 buộc phải chỉ một lễ ngày Chúa Nhật cho giáo dân gọi là Misa pro populo – Không được quyền nhận ý lễ và bỗng lễ nào khác trong thánh lễ Chúa Nhật nầy.

Ðiều 534: (1) Sau khi đã nhận giáo xứ, Cha Sở có nghĩa vụ phải dâng thánh lễ cho đoàn dân đã ủy thác cho mình vào các ngày Chúa Nhật và lễ buộc trong giáo phận; ai bị ngăn trở hợp lệ thì phải nhờ một người khác dâng lễ thay trong chính các ngày đó hoặc chính mình dâng lễ vào các ngày khác. (2) Cha Sở nào lo săn sóc nhiều giáo xứ thì chỉ buộc dâng một thánh lễ cho tất cả đoàn dân đã ủy thác cho ngài vào những ngày nói ở triệt 1. (3) Cha Sở nào không chu toàn nghĩa vụ nói ở các triệt 1 và 2, thì ngài phải lo dâng thánh lễ cho dân sớm hết sức, tất cả số lễ mà ngài đã bỏ sót.

Danh xưng và nhiệm vụ của những linh mục trong giáo xứ:

Linh mục quản xứ – Parochial administrator – chúng ta cũng quen gọi là Cha quản nhiệm – Thật sự linh mục quản xứ hay Cha quản nhiệm theo như Giáo Luật điều 539 qui đinh như sau: “Khi giáo xứ khuyết vị hoặc khi Cha Sở bị ngăn cản không thể thi hành nhiệm vụ mục vụ trong giáo xứ vì bị giam tù, quản thúc hoặc phát lưu, vô năng lực hoặc sức khỏe sa sút, hoặc vì những lý do nào khác, Giám Mục giáo phận phải chỉ định sớm hết sức một Giám Quản giáo xứ, tức là một tư tế thay thế Cha Sở theo quy tắc của điều 540.

Như vậy, linh mục quản xứ hay quản nhiệm là người thay thế Cha sở trong một thời gian nào đó. Trong thực tế có nhiều Cha quản nhiệm chăm sóc một giáo xứ trong thời gian vô định.

Linh mục phó xứ, Cha phó – Assistant priest – chúng ta quen gọi là Cha phó. Giáo luật điều 548 qui định về Cha phó như sau: (2) Nếu văn thư bổ nhiệm của Giám Mục không quy định minh thị cách nào khác, cha phó, chiếu theo chức vụ, có nghĩa vụ giúp Cha Sở trong toàn thể tác vụ thuộc giáo xứ, ngoại trừ việc dâng thánh lễ cho dân, và có nghĩa vụ thay thế Cha Sở nếu trường hợp xảy ra, theo quy tắc luật định. (3) Cha phó phải thường xuyên báo cáo cho Cha Sở biết mọi chương trình mục vụ đã hoạch định hoặc đang tiến hành, ngõ hầu Cha Sở và cha phó hoặc các cha phó sẽ cùng hợp lực với nhau để dự liệu việc săn sóc mục vụ cho giáo xứ, mà họ đồng lãnh trách nhiệm.

Dễ hiều: Cha phó không có trách nhiệm trực tiếp điều hành hay chăm sóc giáo xứ, nhưng là linh mục thừa hành việc chăm sóc giáo xứ qua Cha sở. Cha phó không nên tự ý hay sáng kiến làm điều gì mà không thông qua Cha sở.

Ngoài ra cũng có những linh mục khác trong nhà xứ như linh mục hưu trí (Retired priest) linh mục lưu ngụ (priest in residence) …. Những vị nầy chỉ phụ giúp việc cử hành bí tích chứ không có quyền hạn và tránh nhiệm.

Hội đồng Mục vụ luôn sát cánh với Cha sở.

Hội đồng mục vụ được qui định theo Giáo Luật điều 536 như sau: (1) Nếu Giám Mục giáo phận xét là thuận lợi, sau khi đã tham khảo ý kiến của Hội Ðồng Linh Mục, thì trong mỗi giáo xứ nên thành lập Hội Ðồng Mục Vụ, do Cha Sở chủ tọa, và trong đó các tín hữu cùng với những người chiếu theo chức vụ tham gia vào việc săn sóc mục vụ trong giáo xứ cùng đóng góp sự cộng tác của mình vào việc cổ võ sinh hoạt mục vụ. (2) Hội Ðồng Mục Vụ chỉ có quyền tư vấn, và được điều hành theo các quy tắc do Giám Mục giáo phận đã ấn định.

Chỉ xin lưu ý vài điểm quan trọng: Hội đồng Mục Vụ phải có Cha sở đứng đầu và HĐMV chỉ có quyền tư vấn chứ không có quyết định… Nên HĐMV không được tự ý triệu tập phiên họp mà Cha sở không hay biết hay không có mặt. HĐMV có khả năng đề nghị nhưng quyết định là nơi Cha Sở. Những tên gọi như “Chủ tịch” hay “Chánh trương”… không làm cho những vị nầy có quyền quyết định hay tuyên bố công khai rằng… “Hội đồng mục vụ có quyết định như sau…” Điều nầy hơi quá đáng và không hợp luật!

Cha Quản Hạt – Các Cha Quản Nhiệm nhà thờ – Các Cha Tuyên Úy

Các Cha quản hạt – Vicars Forane – Dean – Giáo luật điều 553 định nghĩa: (1) Cha Quản Hạt, cũng gọi là Hạt Trưởng (Dean) hoặc Tổng Linh Mục (archpriest) hoặc một danh xưng nào khác, là một tư tế được đặt làm đầu một Giáo Hạt – Deanary. (2) Nếu luật địa phương không ấn định cách khác, thì Cha Quản Hạt do Giám Mục giáo phận bổ nhiệm; tùy theo sự nhận định khôn ngoan, ngài nên tham khảo ý kiến các linh mục hiện đang thi hành tác vụ trong Giáo Hạt.

Tổng Giáo Phận sàigòn có 14 giáo hạt. Hạt Xóm Mới có 15 giáo xứ. Mỗi giáo xứ có Cha sở và các Cha cộng tác phục vụ giáo xứ. Đức Giám Mục bổ nhiệm một Cha Sở làm Cha Quản Hạt. Cha Quản Hạt có nhiệm vụ được Giáo Luật điều 555 qui định như sau:

  • Cổ võ và phối hợp hoạt động mục vụ chung trong Giáo Hạt;
  • Lo liệu để các giáo sĩ trong hạt sống xứng đáng với bậc mình, và siêng năng chu toàn mọi nghĩa vụ của mình;
  • Dự liệu mọi nghi lễ tôn giáo được cử hành theo đúng mọi quy định của Phụng Vụ. Trong Giáo Hạt đã ủy thác, Cha Quản Hạt phải: (1) làm sao để các giáo sĩ, theo những quy định của luật địa phương, đi tham dự vào những thời kỳ đã định, các khóa học, các lớp hội thảo về Thần Học hoặc những buổi thuyết trình chiếu theo quy tắc của điều 279 triệt 2; (2) phải lo để giúp đỡ các linh mục trong Hạt về mặt thiêng liêng, và phải tỏ ra ân cần đối với các linh mục hiện đang gặp phải những hoàn cảnh khó khăn hoặc đang bị dày vò về nhiều vấn đề. (3) Cha Quản Hạt phải lo để các Cha Sở thuộc Hạt mà mình biết là hiện bị đau nặng, sẽ không bị thiếu thốn về phương diện tinh thần cũng như vật chất, và lo cho việc an táng các Cha Sở được cử hành xứng đáng; cũng phải dự liệu để khi Cha Sở lâm bệnh hoặc qua đời, thì mọi sổ sách, mọi tài liệu, mọi đồ vật thánh và tất cả những gì khác thuộc về thánh đường không bị hư hại hoặc mất mát.(4) Cha Quản Hạt có bổn phận thăm viếng tất cả các giáo xứ thuộc Hạt của mình theo thể thức mà Giám Mục giáo phận đã ấn định.

Qua những qui định của Giáo Luật, chúng ta có thể làm rõ nét hơn về vai trò của Cha Quản Hạt:

Cha Quản Hạt không là Giám Mục, không là Tổng Đại Diện hay Đại diện Giám Mục.

Cha Quản Hạt là linh mục làm cha sở một giáo xứ trong hạt nhưng được Giám Mục bổ nhiệm làm quản hạt để gần gủi và chăm sóc những anh em linh mục trong hạt về tinh thần vật chất. Nên phải nói Cha Quản Hạt phải là người thường xuyên đến với anh em linh mục khác và chia sẻ vui buồn với họ.

Các Cha Quản Nhiệm nhà thờ – Rectors of churches – cũng có thể gọi là Cha Giám đốc hay Quản đốc

Cha Quản Nhiệm – Parochial administrator – chúng tra thường thấy là những linh mục được bổ nhiệm chăm sóc giáo xứ tức nơi có nhà thờ và giáo dân. Cha Quản nhiệm nầy có toàn quyền như một Cha sở vậy. Còn Cha Quản Nhiệm Nhà thờ – Rectors of churches – mà Giáo Luật điều 556 qui định là những linh mục được bổ nhiệm chăm sóc nhà thờ – không là giáo xứ – nên thường hiểu là không có giáo dân. Cụ thể như các cha giám đốc Trung tâm Mục vụ hay Giám Đốc Trung Tâm Công Giáo Việt Nam. Những Cha Giám Đốc nầy có nhiệm vụ chăm sóc nhà thờ được trao phó, nhưng các ngài không có giáo dân. Thí dụ: Người Công Giáo chung quanh Trung Tâm Công Giáo Nam Cali là giáo dân của Giáo xứ Đức Mẹ La Vang. Nên những trung tâm nầy bị giới hạn trong việc cử hành thánh lễ Chúa Nhật và cử hành lễ An táng hay lễ Hôn phối.

Giáo luật điều 558 qui định: Ngoại trừ điều 262, Quản Ðốc không được phép thi hành trong nhà thờ đã ủy thác cho mình những trách vụ giáo xứ nói ở điều 530 số 1-6, nếu không có sự đồng ý của Cha Sở hoặc sự ủy quyền của Cha Sở nếu sự việc đòi hỏi.

Như vậy Cha Quản Nhiệm nhà thờ hay Cha Quản Đốc chỉ có quyền hạn trong khuôn viên nhà thờ mình được trao. Nên nói: Cha Quản Đốc có nhà thờ mà không có giáo xứ là vậy. Nhiều khi thực tế không theo đúng những qui định Giáo Luật. Lý do: Giám Mục địa phận có quyền gia giảm tuỳ hoàn cảnh hay tuỳ tình cảm.

Các Cha Tuyên Úy – Chaplains

Giáo Luật điều 564 định nghĩa Cha Tuyên Úy: Tuyên Úy là một tư tế được ủy thác việc săn sóc mục vụ cách thường xuyên, ít là một phần nào, của một cộng đoàn hoặc cho một nhóm tín hữu đặc biệt, và phải thi hành theo đúng quy tắc của luật phổ quát và luật địa phương.

Tuyên uý Quân đội Mỹ.

Ðiều 566: (1) Tuyên Úy cần được cấp cho mọi năng ân mà công việc săn sóc mục vụ đòi hỏi. Ngoài những năng ân đã được hưởng do luật địa phương hoặc do ủy nhiệm đặc biệt. Tuyên Úy chiếu theo chức vụ, có năng ân giải tội cho các tín hữu đã ủy thác cho ngài săn sóc, rao giảng Lời Chúa cho họ, ban của Ăn Ðàng và ban Bí Tích Xức Dầu bệnh nhân, cũng như Bí Tích Thêm Sức cho những ai hiện đang trong tình trạng nguy tử. (2) Trong các bệnh viện, khám đường và trong các hành trình hàng hải, Tuyên Úy còn được năng ân được giải các vạ tiền kết không dành riêng cho Tòa Thánh và chưa tuyên bố, đừng kể quy định của điều 976; năng ân ấy chỉ được thi hành trong những nơi vừa nói.

Qua những qui định trên, chúng ta hiểu:

Tuyên Úy là một tư tế, tức một linh mục, chứ không là Phó tế chuyển tiếp hay phó tế vĩnh viễn. Linh mục Tuyên Úy có năng quyền để cử hành thánh lễ, ban bí tích cho những nhóm, những nơi mà mình được bổ nhiệm và có nhiệm vụ chăm sóc. Thí dụ: Tuyên Úy bệnh viện, Tuyên Úy trường học, Tuyên Úy một nhóm hành hương, Tuyên Úy quân đội… Tất cả đều là tư tế, là linh mục.

Qua bài Kiến thức Công Giáo số 4 nói về Giáo Hội địa phương và quyền bính, người viết xin thành thật chia sẻ: Bản thân đã học giáo luật nhiều năm, viết nhiều đề tài về giáo luật. Tuy nhiên, cả thầy dạy, cả người học và cả người viết về đề tài nầy đều thấy một điểm: Không rõ ràng và thực tế không phù hợp với qui định của luật. Khi thắc mắc thì chỉ được trả lời: Mỗi địa phận có những hoàn cảnh riêng và những qui chế hay luật lệ riêng được Giám Mục địa phương cho thực hiện… Nên người ta hay nói “địa phận tôi thì như thế nầy, như thế khác…” Có địa phận cho phép linh mục được lấy hai bổng lễ trong một ngày, nếu làm hai lễ. Như vậy thì làm sao giải thích luật: “Mỗi linh mục một ngày một lễ, một ý lễ và một bỗng lễ…” theo Giáo Luật điều 951 qui định: (1) Khi tư tế dâng nhiều Thánh Lễ trong một ngày, có thể áp dụng mỗi Thánh Lễ theo một ý chỉ có bổng lễ dâng. Tuy nhiên, đừng kể ngày lễ Giáng Sinh, tư tế chỉ được hưởng một bổng lễ thôi, còn những bổng lễ khác phải nhường về các mục đích do Bản Quyền quy định, tuy rằng đương sự có thể nhận một phần thù lao vì danh nghĩa ngoại tại. (2) Tư tế đồng tế Thánh Lễ thứ hai trong một ngày, không có quyền nhận bổng lễ nữa dưới bất cứ danh nghĩa nào.

Ước gì chúng nên một – May they all be one.

Sau cùng lời cầu nguyện cho Giáo Hội duy nhất vẫn luôn cần thiết.