Chúc mừng Ngân khánh Linh mục Vincent Đặng Hữu Khiêm 1995-24.06.2020

2355

Xin hiệp ý và cầu nguyện cho Cha Vincent Đặng Hữu Khiêm.
Thụ phong linh mục 24.6.1995 cho địa phận Scranton, PA. USA.
Cha Khiêm hiện là Cha sở nhà thờ Thánh Lêô Cả ở Wilkes Barre, PA.
Người gốc Cần Thơ và rất nhiệt tâm với tiến trình tuyên thánh Cha Diệp.
Cầu chúc Cha Vincent Khiêm sức khoẻ, nhiệt tâm phục vụ Chúa và các linh hồn.
Chúc mừng và cầu nguyện.
Lm. Phêrô Trần Thế Tuyên

Mừng Ngân khánh Linh mục cách chung là dịp để cảm tạ Chúa đã thương chọn mình làm linh mục và cũng là dịp tốt để tỏ lòng biết ơn Cha Mẹ, anh chị em trong gia đình và bạn bè thân hữu, người quen biết gần xa đã cầu nguyện và nâng đỡ mình trước khi và trong khi làm linh mục.

Những nhà đào tạo linh mục đều nhìn nhận một điều: Gia đình là nơi vun trồng ơn gọi linh mục. Nói khác đi ơn gọi tu trì bắt nguồn từ đời sống gia đình, từ gương mẫu đạo đức của Cha Mẹ, từ bầu khí thuận hoà yêu thương hiếu thảo của anh chị em trong gia đình. Nên linh mục là ơn Chúa cho đương sự, nhưng cũng là quà tặng cho gia đình đạo đức. Gia đình không đạo đức không thể có linh mục.

Tôi khẳng định điều nầy với gia đình Ông Bà Đặng Hữu Kỳ, nguyên là Đại Úy Kỳ, từng cung cấp phương tiện xe nhà binh để chở cho cả 300 chủng sinh ở Chủng Viện Á Thánh Quí đi tham dự những lễ lớn trong Thành Phố Cần Thơ. Ông Bà Đặng Hữu Kỳ, nhà ở đường Phạm Ngũ Lão, Lộ 19 Cần Thơ, là nơi tôi lui tới thường xuyên từ năm 1980 – 1989. Sau khi phải rời khỏi nhà thờ đầu năm 1988, tôi đóng đô và ăn dầm nằm dề ở nhà Ông Bà Kỳ và sau cùng đồng hành với 2 đứa con của Ông Bà để rời khỏi Việt Nam ngày 2.4.1989. Tôi muốn nói là tôi rất gần gũi và thân tình với gia đình Ông Bà Kỳ và 10 đứa con trong nhà, trong số đó có Cha Khiêm bây giờ.

Gia đình Ông Bà Đặng Hữu Kỳ thật là một gia đình đạo đức, yêu thương và hiếu thảo xứng đáng được Chúa ban cho 2 linh mục: Khiêm và Kha. Cha Kha đang làm cha sở lộ 20, Cần Thơ. Ông Kỳ đi lễ mỗi ngày và đặc biệt là mua bông hoa dâng cho Đức Mẹ mỗi ngày thứ Bảy. Gia đình không bao giờ quên kinh tối sáng. Ông Kỳ không biết nói nhỏ tiếng bao giờ, ông hay to tiếng như quát tháo vậy, nhưng thật sự tính tình chân thật hiền hòa, hay giúp đỡ người khác và ai cũng quí mến. Tối đến giờ kinh là ông quát ra lệnh qui tụ gia đình đọc kinh. Giọng đọc kinh của Ông Kỳ thì thật sự chỉ có Chúa hiểu. Ông đọc kinh kiểu người Bắc truyền thống: Đọc to, đọc nhanh và kéo dài nhì nhằng, lè nhè… lời lẽ không rõ ràng chút nào.

Ông Kỳ nguyên là Đại úy Công binh, đời sống rất liêm khiết… Nên sau năm 1975, ông không có gì ngoài những năm tháng đi học tập và nếp sống kinh tế hạn chế, gói ghém và cần kiệm. Ông Bà nuôi heo, nuôi vịt, nuôi gà… Heo để bán kiếm tiền, gà vịt để cung cấp cho gia đình những bữa ăn “chất lượng” hơn một chút trong những dịp đặc biệt lễ Tết. Bà Kỳ, một người vợ, một người mẹ hiền hòa, nhân ái và đạo đức. Trong nhà, không ai nghe tiếng Bà Kỳ bao giờ, tiếng quát của Ông Kỳ lần át hết! Bà Kỳ có tài nấu cơm rất biến báo và ngon miệng… chỉ một con gà mà cả nhà 12 người ăn ngon miệng và đầy đủ. Kinh tế gia đình thời hậu 1975 tùy thuộc vào heo, vịt, gà… vấn thuốc lá… và sự cần kiệm khéo léo. Tôi đã từng ăn sáng ở nhà Ông Kỳ chỉ với một chén cơm chiên. Những đứa con trai lớn như Khánh thì phải đi lơ xe đò, Khiêm chạy xe đạp ôm, Khuyên, Khôi, Khoa… lo vấn thuốc, đi bỏ mối kiếm sống. Tuy nhiên, ai còn tuổi đi học thì được chuyên lo học hành… Khiêm lúc đó tốt nghiệp Sư phạm và đi dạy học kiếm sống ở Ngã Năm, Thạnh Trị… Tất cả 10 đứa con đều biết rõ hoàn cảnh kinh tế eo hẹp của gia đình và tận tình giúp đỡ gia đình Cha Mẹ và anh chị em.

Tôi đoan chắc lúc đó, tám cậu con trai trong nhà Ông Kỳ không ai có tới 3 bộ đồ, “nhất y, nhất hưỡn!” Bộ mặc bộ thay! là lẽ thường. Tôi là người cung cấp xoài chín cho nhà Ông Bà Kỳ… Tòa Giám Mục Cần Thơ có 10 cây xoài cát rất nhiều trái, ngay trước phòng tôi có hai cây oằn trái… Mùa xoài đến, tôi bẻ, tôi giú và mang biếu Ông Bà Kỳ. Chuyện không có gì to tát, nhưng nó diễn tả phần nào nếp sống rất hạn chế của gia đình Ông Bà Kỳ lúc đó và tình nghĩa của tôi đi ngược luân lý Công giáo “ăn cắp của người nầy cho người khác!”

Nhờ sự cần kiệm và nhờ ơn Chúa, Ông Kỳ đã thu xếp, móc nối để các con mình ra đi dần dần, mỗi lần một hay hai đứa tùy theo hoàn cảnh. Những ai tới trước, sau khi định cư, lo học hành và kiếm tiền gửi về để gia đình có khả năng đưa người đi tiếp… Cha Khiêm đi đợt III, bị ở tù hơn một năm, được tự do và tiếp tục… Mấy người đi sau cũng thế, có khi may mắn trót lọt có khi bị tù tội, phải thăm nuôi, rồi được tự do và tiếp tục… Đợt sau cùng tháng Tư năm 1989, có tôi tháp tùng với 2 đứa nhỏ trong nhà. Sau cùng đã có 7 người con của Ông Bà Kỳ định cư ở Mỹ. Nhiều lần tôi phải thú thật rằng: Chỉ có gia đình Ông Bà Kỳ mới làm được chuyện nầy, nhờ ơn Chúa, nhờ đời sống đạo đức và nhờ nếp sống cần kiệm của Ông Kỳ, Bắc kỳ rặc!

Cha Khiêm sau vài lần tù tội đã đến bến bờ tự do được định cư và ở chung với Khánh ở Scranton, Pennsylvania. Lúc đầu cả 7 anh chị em đều qui tụ chung một chỗ ở đây. Họ được Housing cấp nhà từ ngày đó cho tới bây giờ. Hiện tại, em cháu của Cha khiêm vẫn ở căn nhà nầy. Nó thuộc loại townhouse, có một tầng lầu với 3 phòng ngủ và tầng trệt dùng chứa sinh hoạt chung của gia đình. Mỗi tháng đóng góp chỉ có $90 trong suốt gần 40 năm qua. Tôi thấy cần nói ra chi tiết nầy để tạ ơn Chúa với gia đình Cha Khiêm. Một trong những phí tổn hàng đầu của người ở Mỹ là tiền mướn nhà. Thường ai cũng phải trả cho 2 phòng mướn ít là $1000 chưa kể những chi phí phụ khác. Vậy mà gần 40 năm rồi, anh em Cha Khiêm chỉ trả có $90 tháng. Có lần tôi đã nhìn nhận: Ơn Chúa ban nhờ lòng đạo đức của Ông Bà Kỳ và nhờ tính tình tốt lành, lương thiện và quảng đại của những người con trong gia đình.

Tính tình chân thật, tốt lành, đạo đức và có ý hướng tu trì. Chuyện chú Khiêm vào chủng viện ở Scranton thật khó tin mà có thật: Năm 1984, vừa đến Scranton, PA. độ chừng bốn tháng, chú Khiêm “lên cơn sốt sắng” đòi đi tu. Anh Hai Khánh vẫn theo kiểu Hai Lúa Việt Nam, không điện thoại, không hỏi thăm ai cả,  sồng sộc dẫn chú Ba Khiêm vô gỏ cửa chủng viên. Một Cha ra chào và hỏi “what do you want to see?” Hai Khánh nhanh miệng: Em tôi muốn đi tu, xin gặp Cha Giám Đốc! … Vậy mà hai anh em được gặp Cha Giám Đốc, chú Khiêm bày tỏ lòng thành rằng: Con muốn đi tu làm linh mục! Không ai ngờ, Cha Giám Đốc vui mừng đón nhận, hỏi thăm hoàn cảnh và định ngày cho chú Khiêm nhập chủng viện. Ai nghe chuyện chú Khiêm vào chủng viện cũng phải thắm thía lời thánh ca phát xuất từ tiên tri Isaiah chương 49 “từ muôn đời Chúa đã chọn con!” Chúng ta cứ tưởng tượng xem: Một thanh niên đen đúa, gầy còm, chỉ biết “you talk you hear” mà sống chung trong chủng viện vùng Scranton, xa xôi toàn Mỹ trắng… thì cả là một thử thách lớn… Vậy mà không đầy 10 năm, chú Khiêm ấy đã thành đạt, làm linh mục và có khả năng thi hành mục vụ không thua gì các linh mục bản xứ. Tôi và Ngô Văn Hạ đã may mắn có mặt trong Thánh Lễ phong chức linh mục của Cha Khiêm ngày 24.6.1995 để biết thế nào là đơn giản và khiêm tốn gọn nhẹ. Ngoài những khoản đãi của địa phận, anh em chúng tôi qui tụ ở căn nhà Housing nầy, nấu nướng ít món ăn cho gọi là có tiệc mừng, hàn huyên tâm sự và hát bài Magnificat, linh hồn tôi tung hô Chúa!

Bây giờ tôi được phục vụ chung địa phận với Cha Khiêm… hàng chục giáo xứ Cha Khiêm từng phục vụ, Cha đều được tiếng là đạo đức, khiêm tốt, làm việc cần mẫn và có lòng thương người và được mọi người thương yêu. Ai cũng gọi Cha Khiêm là Father Vinnie. Có lần tôi nói: Chúa thương hết mọi người trừ mấy thằng kiêu ngạo. Cha Khiêm không biết kiêu ngạo hay khoe khoang hay nổ văng miểng gì cả… Cha thật khiêm tốn. Chúa vô phương ghét Cha mà trái lại thương và ban cho Cha những ơn lành khó có ai có: Làm việc thành công, mọi người quí mến từ Đức Giám Mục trở xuống. Cha Khiêm luôn nở nụ cười lạc quan và hiền hòa. Cha không phê bình chỉ trích hay hiềm khích với ai… Có ai làm được chuyện hiếu thảo hiếm có nầy: 25 năm làm linh mục, Cha Khiêm về thăm Cha Mẹ 24 lần, mỗi năm một lần và kéo dài một tháng. Về ở nhà với Ông Bà Kỳ một tháng trọn, không đi đâu cả… Những anh em khác noi gương Cha Khiêm, thay phiên nhau về thăm Cha Mẹ. Nên nhà Ông Bà Kỳ lúc nào cũng có con Việt Kiều về thăm. Tôi biết rõ cả mười đứa con của Ông Bà Kỳ, đứa nào cũng có tinh thần quảng đại, thương người và hay giúp đỡ người khác. Mấy đứa con trai thường bị con gái đeo cả bầy, không những vì đẹp trai, nhưng vì tính tình hay phục vụ giúp người. Đó là chưa nói đến tài nấu nướng: Nhanh nhẹn gọn gàng và ăn ngon vừa miệng vô cùng.

Viết bài mừng Ngân Khánh Linh Mục Cha Khiêm, tôi không có ý ca tụng người em đã thương yêu và nâng đỡ mình, nhưng tôi chỉ muốn tất cả chúng ta, nhất là Gia đình Thánh Quí cùng cảm tạ Thiên Chúa đã chọn Cha Khiêm làm linh mục, một linh mục thật xứng đáng. Chúng ta cùng cảm tạ Chúa đã “thù lao” cho Ông Bà Kỳ thật hậu hĩnh vì lòng đạo đức, chân thật và nhất là to mồm to miệng hò hét dạy dỗ 10 đứa con nên người tốt cho Chúa và cho mọi người. Phải nhìn nhận chân lý nầy: Cha Khiêm và tất cả chúng ta đều đã được đi trên mặt biển.

Xin chúc mừng cha Khiêm dịp Ngân khánh Linh mục và chúc tụng Thiên Chúa, muôn ngàn đời vẫn trọn tình thương. Xin dâng lời cảm tạ và cầu nguyện thay cho lời kết: Xin cho Cha Khiêm và chúng ta biết dùng ơn ơn Chúa cho “đi trên mặt biển” để đến với Chúa!

Trần Thế Tuyên