Chúa Nhật II Phục Sinh mừng kính Lòng Thương Xót của Chúa | Võ Hạ

1117

Võ Hạ

1. Ngày 30 tháng 4 năm 2000, Chúa nhật sau Lễ Phục Sinh, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tuyên thánh cho Chị Nữ Tu Faustina Kowolska (1905-1938) và thiết lập ngày Lòng Chúa Thương Xót, là ngày Chúa nhật liên tiếp sau Lễ Phục Sinh hằng năm.

Năm nay đúng 20 lần, Toàn thể Giáo Hội Công Giáo mừng kính lễ nầy. Nhưng trên thực tế, trong  suốt ciều dài của Thánh Kinh Cựu và Tân Ước, Thiên Chúa Chính là Tình Yêu và lòng Thương Xót vô hạn, ngay từ lúc khởi đầu cũng như sau hết: là  Alpha và  Omega của vũ trụ nầy, như trong kinh nguyện làm phép lửa trước cửa nhà thờ đêm lễ vọng Chúa Phục Sinh.  

2. Người Công Giáo tin Thiên Chúa là Đấng Sáng tạo và điều hành vũ trụ, nên cảm thấy thêm mừng vui khi Đức Thánh Cha (Hôm nay là Thánh) được Chúa Thánh Thần soi sáng, thiết lập ra Ngày Lễ nầy. Nhưng những ai không tin có Thần Thánh thì cười cợt chế nhạo người có niềm tin, nhất là mỗi khi một cớ sự như tai nạn lớn, thiên họa hay nhân họa xảy ra như dịch cúm Corona Vũ Hán năm nầy.

3. Hôm nay, chỉ cần gỏ từ khóa  atheism – vô thần – vào hệ thống mạng điện tử thì bạn có biết bao bài vở về đề mục nầy. Đã có những phong trào vô thần xảy ra nhiều nơi nhiều thời từ hơn hai ngàn năm trước, trên nhiều vùng đất Á Châu mà nay gọi là Ấn Độ. Hiện tại cũng đang có phong trào vô thần và tục hóa, do Secular Coalition for America, an advocacy group based in Washington D.C một nhóm quan Tham Biện, Luật Sư,  có căn cứ ở Washing DC. đang dự định buổi Họp Thượng Đỉnh đầu tiên trong ba buổi họp, tại Southern California,  đề cập tới đề tài chính trị và xã hội.

Người ta còn thấy tạị một số cửa hàng kinh doanh của nhóm trên, có dòng chữ: There’s probably no God, now stop worrying and enjoy your liffe: Có lẽ không có Chúa, bây giờ hãy ngưng lo lắng và hưởng thụ đời sống của bạn đi. Bạn cũng có thể đoán mò mà dư biết bên trong cửa hàng người ta kinh doanh buôn bán những thứ hủ hóa gì. Ngày nay lại có những phong trào mượn danh vô đạo để tạo ra danh vô đời khắp đó đây. Lợi dụng vô thần để kinh doanh chớ không phải chỉ thuần muốn lập ra môn phái hay tôn giáo vô thần mới cho thật hoàn hảo, vì thấy người tin Chúa chưa tốt đủ như lý tưởng.  

4. Trở lại với chủ đề Lòng Chúa Thương Xót, thử truy tầm vài từ ngữ tiêu biểu cho thêm rõ sự tình. Bên trời Á Đông, thế hệ ông bà cha mẹ ngày trước gọi là Lòng Lân Mẩn hay Lân Tuất, Yêu Dấu, Nhân Từ, Trắc Ẩn, Mẫn Trắc và Mẫn Tuất (Đào Duy Anh, Từ Điển Hán Việt) của Chúa. Còn bên trời Âu Tây, chỉ dám xin trích vài nguyên ngữ cho thấu đáo thêm chút lý lẽ. 

Tiếng La Tinh là mẹ của hầu hết ngôn ngữ của Âu Châu, gọi Lòng thương xót là Misericordia. Do từ gốc Merces: Món quà, lương bõng, lợi tức, phúc lợi, hình phạt, đau khổ, thiệt hại và Cor: Trái tim. Ghép lại là món quà tận con tim, cũng có thầy cho rằng: Khốn cực, khốn khó, đau khổ từ trong tim.  

Còn Từ Điển Petit Larouse ghi rõ Miséricorde: Piété qui pousse à pardoner au coupable: Đức tính thúc đẩy tha thứ cho tội nhân. Pardon accordé par pure bonté: Tha thứ từ con tim do lòng tốt tinh ròng. 

Riêng Từ điển Anh Ngữ Thordike Barnhart, thì Thương Xót Mercy là more kindness than justice requires: Lòng tử tế nhiều hơn công bằng đòi buộc, kindness beyond what can be claimed or expected: lòng tốt, sự ân cần vượt quá yêu sách hoặc kỳ vọng.

5. Tổng kết lại bên trên, thông thường trước đây, mình được học và chỉ biết một chiều từ trên là Chúa xuống mà quen chiều ngang. Biết rằng Lòng Thương xót của Chúa xưa nay là Chúa chịu tha thứ khi  mình có tội lỗi nặng nhẹ, có khi còn tha trước khi  ăn năn hối hận như có thể thấy trong trường hợp của vua David (1010 – 970 BC). Nhờ Tiên Tri Nathan dẩn lối vòng vo vào chốn bí mật dấu kín tận đáy tâm hồn,mà Vua David chịu bật mí kho tội tầy đình, là Nhà Vua cướp vợ người, rồi mượn tay kẻ thù giết ông chồng là Tướng Soái chỉ huy quân đội của Nhà Vua.  

Nhưng Vua ăn năn, được Chúa thương xót, tha thứ  tội tình. Và đã trở nên Thánh Vương vĩ đại, mà nước Israel, Do Thái hiện nay vẫn coi ông là Anh Hùng lập quốc. Riêng  lá cờ ngôi sao 6 góc xanh dương hiển hiện trên nền vải trắng ba ngàn năm trước của ông, đã chính thức làm lá quốc kỳ tái lập nước Israel trần tục từ 1948 cho tới bây giờ.

Đó là chuyện ngày xưa trong Thánh Kinh để làm mẩu gương về bài học tôn giáo. Còn ngày nay, ai mà ham bắt chước David, với thâm ý sắp sẳn lập lăng (plan) ỉ lại vào lòng thương xót vô hạn nơi Chúa, tự cho mình có giờ ăn năn, hối hận chuộc lỗi, thì e mất hết chì chài ghe cộ.

Nhưng Lòng Lân Mẫn của Chúa còn hơn thế nhiều. Đó chính là tình yêu không thể cân đo đong đếm, vì  khi Chúa yêu thì cũng “quả cau, bổ chín làm mười” và “khi yêu, trái ấu -tội lỗi con người – cũng tròn”. Nếu cậy Thánh Gioan Tông Đồ, bỏ ngày giờ năm thánh ra mà viết về Lòng Thương Xót của chúa, thì có lẽ cả thế gian nầy cũng không có chổ chứa sách. 

6. Bạn mở Thánh Kinh ra tham khảo để làm bằng chứng, thì thấy có biết bao lần Chúa thương xót con dân của Người. Bên dưới, chỉ xin trích dẩn vài đoạn và đôi câu tiêu biểu: 

Dù dân chúng Do Thái đã bao phen lỗi phạm  như trong câu chuyện con rắn đồng. Dân kêu trách Chúa và chống lại Môisen. Chúa cho rắn lửa bò ra cắn. Moisen kiêu cầu Chúa cứu dân. Chúa bảo Môisen làm con rắng bằng đồng treo lên. Ai bị rắn cắn, nhìn lên rắn đồng thì được lành đã. (Sách Dân Số 21: 4-9, Phúc Âm Gioan 3:14-15). Đây cũng  là hình ảnh báo trước  về Chúa Giêsu treo trên Thánh giá, cứu con người khỏi chết vì bao tội lỗi. 

Tới thời Tân Ước, Đức Mẹ đã ca khen: Lòng thương xót của Chúa trải qua đời nọ đến đời kia hằng bao bọc những người kính sợ Chúa (Luca 1:50)

Chúa nhớ lại lòng thương xót dành cho Tổ Phụ Abraham và con cháu đến muôn đời (Lc. 1:55)

Chúa Giêsu khi ra rao giảng cũng tuyên bố: anh em hãy có lòng nhân từ vì cha anh em là Đấng nhân Từ (Lc. 7:36.   Mt 7:1-2).

Trong kinh Lạy cha chính Chúa Giêsu dạy rõ … và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con… Nợ ở đây là xúc phạm, lầm lỗi qua lại, hơn là nợ tiền.

Ở phần cuối Kinh Hoà Bình, Thánh Phanxicô cũng đã nhắc thêm: Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ …

Không thể quên, Chúa Giêsu còn nhấn mạnh hơn khi: phải  thứ 77 lần 7. (Mt. 18:22). Tha luôn mãi.

Vào những giây phút sau cùng trên Thánh giá Chúa Giêsu còn van xin Chúa Cha tha cho những kẻ giết mình (Luca 23:34) …

7. Một trong những điển hình tiên tiến về lòng thương xót của Chúa là câu chuyện người con hoang đàng trong sách Phúc Âm Luca 15:11-31. Chúa như người cha nhân hậu lúc nào cũng mong chờ người con bụi đời quay về.  Ông đã chuẩn bị ngày trở về cho con, nên đã nuôi sẳn một con chiên cho mập. Áo quần và nhẫn thì đã soạn sẳn, để chờ người con đi hoang, coi như đã chết, được phục hồi quyền làm con. Và đoán mò cũng có thể thấy, khi đứa con đã làm “người tử tế” rồi, thì ít là một lần nữa, cha thêm cho con những thứ của cải riêng  phần của ông.

Đó là chuyện nhỏ của người cha tốt lành. Dụ ngôn của Chúa cũng chính là hình ảnh báo trước của Bí Tích Tha Tội, Giải Tội, Xưng Tội,  Hòa Giải mà Chúa lập ra sau nầy trước khi về trời. Mình thấy tâm Chúa quá cao vời vợi hơn hẳn đỉnh núi Thái Sơn, bao la hơn cả Thái Bình, dạt dào hơn ngàn con sóng, mỹ lệ hơn chín tầng mây.

8. Trèo non mới biết non cao. Có con mới biết công lao cha mẹ hiền. Những ai có con rồi thì biết tình thương của cha mẹ với con cái ra sao. Trong quá khứ, có những cha mẹ tốt lành,  có thể chia cho con phần thân thể và cũng có lần dám chết thế cho con. Trong những buổi nhóm họp sinh hoạt xã hội nhiều lần, mình có hỏi thử nhiều bậc phụ huynh hay phàn nàn về những đứa con bất trị. Chúng rất thường hay làm  phiền lòng mẹ cha, rồi lại bỏ nhà ra đi biệt tích. 

Nhưng trong những đêm khuya khoắt lạnh lẽo mưa tuyết bão bùng, thì chính cha mẹ lại nhớ đứa con ngang tàng ngổ nghịch đó trước, giờ nầy chúng có lạnh không, rồi mới nghĩ tới đứa con ngoan, sau chót là ông  nhắc bà, bà đặn dò ông cẩn thận mặc thêm áo ấm. Nên trên cơ sở đó, những ai đã có con rồi, có thể dễ hiểu hơn, khi dùng phương thức loại suy nầy,  mà tri kiến được chút nào tấm lòng xót thương của Chúa đối với chúng nhân dẫy đầy yếu đuối. 

9. Nhưng rồi một người bạn thân của mình, nhà tận Biên Hoà, Đồng nai, mấy chục năm trước có qua 2 năm Trường  Cao Đẳng Sư Phạm của Chính Phủ Việt Nam. Bạn đã năm lần bảy lượt nêu lên thắc mắc: Người Công Giáo tệ hại ở chổ nghỉ rằng cứ phạm tội đi – tin Chúa một cách lạm dụng – rồi xưng tội thì sẽ khỏi. Đó đây cũng có những lời thuyết giảng vang vang trong những khóa tu học và trên youtube: ” … Đạo gì kỳ cục quá, cứ phạm tội đại đi, rồi ta ẩm ngươi lên thiên đàng…” 

10. Từ đó mình mới nhận ra rằng quí thầy dạy và cả người bạn học trò sư phạm trên,  chưa có dịp qua lớp giáo lý Công Giáo hay Thánh Kinh căn bản. Chúa tha tội chết cho phần hồn, nhưng còn nợ nần hậu quả của tội phải trả. Trả cách nào? Giáo lý dạy, trả trong luyện ngục. Nhưng hãy kiểm nghiệm cho kỷ lại coi, ít là chung quanh,  ngay cõi đời nầy, “cứ xem quả thì cũng biết được cây”, như lời Chúa nói (Mt. 7: 15-20). Cũng xin thêm một thí dụ nữa:  khi bạn có dịp xem phim tuồng tích lịch sử triều đại vua chúa Á Đông, bạn có để ý? Có những nhà vua nhân từ, tha thứ tội chết cho hạ thần đang xụp lạy hối hận, ăn năn, van xin, nhưng tội sống thì vài ba chục trượng trở lên, phải đền.

Mở mắt mà nhìn, có những khi Lời Chúa cũng khó hiểu và khó thực hiện lắm, vì lúc đó mình phải vật lộn với bản tánh mỏng dòn yếu đuối của mình.  Nhưng Lời Ngài vẫn tồn tại và đi tới trong Giáo Hội của Ngài, theo những phương cách và đường hướng mà mình  không hiểu nổi, vì sống quá ngắn.  

11. Đạo nào cũng vậy, có học mới nên khôn theo lẽ của đạo ấy. Có thể nói hay coi đạo cũng như chiếc đèn; đèn nhà ai, nhà ấy sáng. Thêm nữa, cũng tội nghiệp thay! Trong lịch sử cũng đã có thiếu gì lời xuyên tạc, cố ý vì quyền lợi thế gian hoặc do vô tri vô giác hiểu lầm, từ bên trời Tây rồi lại lây lan sang trời Đông.

12. Trên thực tế, ở đâu cũng vậy. Là con người còn hơi thở và còn con tim rực nóng như mình, thì mấy ai thập toàn. Nhưng nhờ có lòng tin vào đạo chân chính, mà Quyền Lực thế gian,  được Bên Trên ban cho, chấp nhận cho sinh hoạt, nên mình gắng sức. 

Đạo Chúa  có các Bí Tích làm phương tiện nâng đở, giúp cho những người tin Chúa cố gắng mỗi ngày, mỗi tiến gần mức mà Chúa đòi hỏi là hoàn thiện như Cha trên trời (Mt. 5:48) dù xưa nay chưa từng nghe có người nào, giáo sĩ các cấp hay tiện dân như kẻ nầy, dám vổ ngực xưng hô mình đạt tới quả vị đó.

13. Một trong những nét đặc trưng về  lòng Chúa Thương Xót không thể thiếu, mà Chúa muốn tôi đọc lại và suy nghĩ thật kỷ trong mùa Phục Sinh tại gia nầy, do dịch bệnh Côrôna 19-20 đang hoành hành khắp thế giới, để cùng sống lại qua con người mới với Chúa,  đó là dụ ngôn người mắc nợ vua 10 000 yến vàng trong Sách Tin Mừng  Mat.18:23 – 35.

14. Vào thứ Sáu tuần Thánh mỗi năm, có nghi thức hôn kính gổ thánh giá là nơi chở mình hay treo Đấng Cứu chuộc trần gian.  Rõ hơn đó là cây gổ hình chữ thập  十 gần như chữ hoa T, có thanh dọc và thanh ngang. Thanh dọc tượng trưng cho lòng thương xót của Chúa với trần gian đã được ghi rõ khắp nơi trong Thánh Kinh. Còn thanh ngang coi như lời mời gọi đối nhân xử thế theo mẩu gương của Chúa.

15. Trở lại dụ ngôn trên, Chúa như vị vua, đã tha thứ cho mình là kẻ mắc nợ 10.000 talents/yến/nén/lượng vàng ròng, chỉ vì mình không trả nổi. Bài học đơn giản thế thôi. Trong khi bạn mình thiếu mình chỉ 100 pence/quan tiền thì mình nắm áo và bỏ tù nó. Ai có lòng thương xót người, mới được Chúa xót thương.(Mt. 5:7).

Giả thử hôm nay Tiên Tri Nathan có dịp trở lại cõi trần. Ông tới thăm và đem dụ ngôn trên, nhấn nhá với mình. Ông kể chưa hết, thì mình đã nổi cơn thịnh nộ vấn kế cho Ông:  cho mọt gông cái tên ngụy quân tử  xiết nợ và bỏ tủ nguời bạn thiếu hắn 100 quan tiền. Nhưng rồi Tiên Tri ôn tồn chỉ thằng vào mặt mình rằng: Tên kia chính là nhà ngươi đó.

Ôi con người! Mình rất dễ dàng rộng lượng tha thứ cho mình dữ lắm. Tội to nhỏ nào, mình cũng vo tròn và đánh verni cho thơm. Còn tội của người thì nhỏ, xé ra to, hôi hám,  dơ dấy bẩn thiểu l lắm.

16. Tới đây mình cũng thấy mình qua câu chuyện của Ngôn Sứ Giona. Ông cải lệnh Chúa, vượt biên trên biển,  bị cá voi nuốt vào bụng và đưa tới bờ, ói ông ra tại thành Ninivê thủ đô của Assyria là chủ nô. Chúng đã bắt Do Thái làm nô lệ từ năm – 721 suốt từ đó tới nay. Bài học Giona cho thấy Chúa là Cha chung của mọi người Do thái và cả lương dân, thương xót mọi người, muốn cho mọi người  được sống thuận phần xác và an phần hồn. Điều đó Tiên Tri ích kỷ Giona không  muốn.  Nên ông tránh né lệnh Chúa sai Ông đi rao giảng cho dân cải tà qui chính. Ông muốn để cho dân Ninivê, kẻ thù tôn giáo, chủng tộc và chính trị không có cơ hội ăn năn mà bị Chúa phạt nhản tiền; ông và cả mình nữa, mới vui.

17. Gói lại. Qua chủ đề trên,  từ ngữ Tây Phuơng Misericordia, Miséricorde, Mercy mang hai nghĩa cùng lúc. Có thể hiểu Lòng Chúa Thương Xót, đưa dẩn Chúa tới việc tình nguyện cam chịu đau khổ  và cái Chết,  làm nên món quà ân sủng cho con người. Cũng cùng một thể thức ấy, mà từ ngữ sau đây,  nội tại từ bên trong, hai ý nghĩaluôn: victima, victime, victim: vừa là nạn nhân, vừa là của lễ . Chúa là nạn nhân vì tội của mình, đã trở thành lễ tế thay cho mình. 

Thế hệ ông bà cha mẹ từ ngàn xưa đã hiểu rõ và đã dạy con cháu cho đến ngàn sau  Lòng Lân Tuất bao la của Chúa, cụ thể  qua câu kinh trong Sách Mục Lục, gẩm mầu nhiệm năm sự vui, chục thứ 3  …  Chúa trời đất muôn vật rất sang trọng phú quới hiển vang, đã trở nên người khó khăn mọi bề vì lòng yêu dấu chúng ta.  

Dù còn rất nặng nề yếu đuối, mình cũng phải ráng với ơn Chúa nâng đỡ,  ngày tháng năm, bắt chước mẩu gương Chúa dạy một chút, một ít, thêm hơn, thêm nữa. Là dân Á Đông, năm 2020 nầy, ráng làm sao học thuộc và làm chút ít, lần hồi, một câu trong Sách Khổng Tử: Người quân tử nghiêm khắc với chính mình, rộng lượng (đồng thương cảm,  lòng trắc ẩn) với người, để trở nên con người mới, tạo vật mới trong Chúa Kitô Phục Sinh.  

Sau hết, ngồi viết mấy dòng trên,  làm mình thêm nhớ lại, nhiều lời cao quí của những vị Thầy cũ, mà mình luôn nhớ ơn,  đã bao lần nhắc tới nhắc lui cho thế hệ học sinh hơn mấy chục năm qua, trong những lớp “Yêu Mến Sự Khôn Ngoan Đông Phuơng” Orient Philosophy.  Nhắc gì? Xin thưa,  một trong những nét cao đẹp của Nền Văn Minh và Văn Hóa Á Đông,  đó là ” văn dĩ tải đạo” đem đời vào đạo cũng như đưa đạo vào đời, như Cha Matteo Ricci. SJ. (1552-1610) đã làm trên đất Trung Hoa.  Ấy là nhìn thấy Thánh Thần hiện diện trong các nền văn hóa.  Ơn Thánh Thần đã dọn đường từ ngàn năm xưa, qua những chữ ghi trên chậu tắm  của Vua Thành Thang (a) “nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân“: ngày được mới, ngày ngày thêm mới, rồi ngày lại mới.(b, c). Tắm là dùng nước vật lý, làm cho sạch cho mới thể xác, cũng nhắc tới ý nghĩa sạch và mới  tinh thần.  

———–

(a).Vua Thành Thang, Bộ Tộc Bách Việt,  1675-1588 trước Công Nguyên, diệt vua Trụ, khai sáng Triều Thương).

(b). Thánh Phaolô,  1. Côrintô 3:3.  Thật vậy, anh em đã chết, và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Kitô nơi Thiên Chúa.

(c). Sách Ngôn Sứ Ezekiel 11:19-20.
Ta sẽ ban cho chúng một trái tim và đặt thần khí mới vào lòng chúng.

36: 25Và trên các ngươi, Ta sẽ rảy nước trong sạch. Và các ngươi sẽ được trong sạch. Ta sẽ làm cho các ngươi sạch khỏi mọi uế nhơ và mọi thần dơ dáy của các ngươi. 26Ta sẽ ban cho các ngươi một tấm lòng mới. Bên trong các ngươi, Ta sẽ ban xuống một thần khí mới, Ta sẽ cất tấm lòng đá khỏi thịt các ngươi. Ta sẽ ban cho các ngươi tấm lòng thịt