Chúa Giêsu chịu Phép Rửa | Chúa Nhật 1 Thường Niên, B | Vo Ha

615

vo ha

Mùa Giáng sinh 2020 đã qua sau Lễ Ba Vua. Hôm nay Chúa Nhật I Thường Niên B, Lịch Phụng Vụ Công Giáo Roma muốn con cái mình sống đạo bằng cách đồng hành với Chúa Giêsu trong những sự kiện quan trọng kế tiếp, là Lễ Chúa chịu phép rửa của Gioan Tẩy Giả tại sông Giođan, bắt đầu cuộc đời công khai.

Khi Chúa Giêsu từ dưới nước lên, thì Thánh Thần ngự xuống trên Ngài, coi như bước chính “khởi nghiệp” dẩn Ngài trên đoạn mới, để hoàn thành Lời Thiên Chúa đã hứa trước kia. Ta cùng đọc những bài Thánh Kinh bên dưới và xin Chúa trợ lực thêm.

BÀI ĐỌC I: Is 42, 1-4. 6-7
“Này là tôi tớ Ta, Ta hài lòng về người”.
Bài trích sách Tiên tri Isaia.
Ðây là lời Chúa phán: “Này là tôi tớ Ta mà Ta nâng đỡ, là người Ta chọn, Ta hài lòng về người. Ta ban Thần trí Ta trên người. Người sẽ xét xử chư dân. Người sẽ không lớn tiếng, không thiên vị ai; không ai nghe tiếng người ở công trường. Người không bẻ gãy cây lau bị giập, không dập tắt tim đèn còn khói. Người trung thành đem lại lẽ công bình. Người sẽ không buồn phiền, không nao núng, chỉ lo đặt công lý trên địa cầu, vì trăm đảo mong đợi lề luật người.

Ta là Chúa, Ta đã gọi con trong công lý, đã cầm lấy tay con, đã gìn giữ con, đã đặt con thành giao ước của dân, và nên ánh sáng của chư dân, để con mở mắt cho người mù, đưa ra khỏi tù những người bị xiềng xích, đưa ra khỏi ngục những người ngồi trong tối tăm”.

BÀI ĐỌC II: Cv 10, 34-38
“Chúa dùng Thánh Thần mà xức dầu tấn phong cho Người”.
Bài trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, Phêrô mở miệng nói rằng: “Quả thật, tôi nghiệm biết rằng Thiên Chúa không thiên tư tây vị, nhưng ở bất cứ xứ nào, ai kính sợ Người và thực hành sự công chính, đều được Người đón nhận. Thiên Chúa đã sai Lời Người đến cùng con cái Israel, loan tin bình an, nhờ Chúa Giêsu Kitô là Chúa muôn loài. Như anh em biết, điều đã xảy ra trong toàn cõi Giuđa, khởi đầu từ Galilêa, sau khi Gioan đã rao giảng phép rửa: ấy là Chúa Giêsu thành Nadarét. Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong cho Người. Người đi qua mọi nơi, ban bố ơn lành và chữa mọi người bị quỷ ám, bởi vì Thiên Chúa ở với Người”. Ðó là lời Chúa.

PHÚC ÂM: Mc 1, 6b-11
“Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha”.

Minh họa: Sathish Paul sdb | Tiếng Việt: Franc Lee

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Gioan rao giảng rằng: “Có Đấng đến sau tôi, nhưng quyền lực hơn tôi, tôi không xứng đáng cúi xuống cởi dây giày cho Người. Phần tôi, tôi đã rửa anh em trong nước, nhưng Người, Người sẽ rửa anh em trong Thánh Thần.” Và đã xảy ra là trong những ngày đó, Chúa Giêsu từ Nadarét xứ Galilêa đến và chịu phép rửa bởi Gioan ở sông Giođan. Khi vừa lên khỏi nước, Người liền thấy trời mở ra, thấy Thánh Thần như chim bồ câu ngự xuống trên mình. Và có tiếng từ trời phán: “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha”. Ðó là lời Chúa.

Đôi dòng ghi chú và tâm tình. 

Trước hết, đoạn Thánh Kinh Cựu Ước nầy được trích dẫn từ Sách I-sa-i-a thuộc phần đệ nhị (ch. 40-55) do một đệ tử thân cận biên soạn và sưu tập trong khoảng thời gian (550-530 TCN) khi lưu đày bên Babylon và chừng chục năm sau khi hồi hương, để ai ủi dân đồng thời cũng tạo thêm niềm hi vọng về một tương lai tươi sáng, hướng về Đức Kitô sẽ đến.

Sáu câu đầu của chương 42, thuộc bài ca thứ I về người tôi tớ, được hoàn tất trong Đức Giêsu Kitô. Trong Thánh kinh, khi chọn ai thì Thiên Chúa ban Thánh Thần kèm theo những ơn đạc biệt, để giúp hoàn thành sứ mệnh nặng nề như đã ban cho Đavit và những Thủ Lãnh xưa kia. Người tôi tớ trong Sách Isaia, ở đây, được nhìn nhận như một ngôn sứ cao trọng hơn các vị khác, vì chính Người là hiện thân của Giao Ước, và cũng là ánh sáng (c. 6) sẽ hoàn tất công việc giải thoát và cứu dân (C. 7). Đó là Chúa Giêsu Kitô.

Người tôi tớ nầy mới chính là hi vọng duy nhất của mọi quốc gia. Ngài cai trị trong công chính, nghĩa là kiện toàn bộ luật của Chúa để thăng tiến tinh thần, từ đó cũng giúp tạo nên xã hội nhân loại hoàn hảo trên mặt đất.

Nhiệm vụ của người tôi tớ nầy cũng là chính công việc ủy thác của Đấng Thiên Sai Messia (được Thiên Chúa xức dầu) với 3 sứ mệnh vua, tư tế và tiên tri cũng để giúp thiết lập nên nền công chính viên mãn giữa các vua Chúa trần gian.

Trong thời gian lưu đày, dân Do Thái bại nhược, rệu rã như cây sậy bị giập, như tim đèn bốc khói. Nhưng Thiên Chúa, không như vua chúa trần gian tham lam, mà qua người tôi tớ, luôn bảo vệ dân. Cuộc giải thoát ra khỏi Babylon, cũng là giải thoát tinh thần. Đây là hi vọng duy nhất còn lại cho những người tin vào lẽ công chính của Chúa Tể Trời Đất trong thời đại mà cỏ dại đang lan tràn vào mọi nơi ngoài đời, tới tân thánh cung nhiều tôn giáo.

Kế đến là phần Phúc Âm. Cũng nên biết phần lớn Trung Đông và đất Do Thái thường bị núi đồi, sa mạc bao phủ, nên rất khô và nóng. Người dân phải dùng y phục đủ dầy để cách nhiệt nóng từ bên ngoài,nên thân thể thường ẩm ướt mồ hôi. Do đó mà dùng nước rửa sạch tay trước khi ăn và giải nhiệt từ bàn chân khi vào nhà, là tập tục phổ thông lâu đời trong vùng. Thánh Gioan Tẩy Giả cũng dùng phương cách quen thuộc nầy, bằng hình thức dìm hẳn thân thể vào trong nước, để tỏ lòng dứt khoát ăn năn hối lỗi.

https://media.mutualart.com/Images/2009_07/24/0264/640886/d24d1cc6-49f3-4eb3-be97-c5a428420ec3_g_570.JpegNói cách khác, Thánh Marcô, cho biết Gioan Tẩy Giả, kêu gọi sự sám hối công cộng qua nghị thức phép rửa, khi dìm/nhận chìm cả người hối nhân xuống dòng nước tại sông Giorđan, coi như từ bỏ con người tội lỗi tệ hại cũ, và khi nhô lên khỏi nước là bắt đầu cuộc sống tinh thần mới.

Chính Ông khiêm tốn nhìn nhận có Đấng đến sau, quyền lực hơn. Ngài là con người thật sự, vì có “đi giày” mà cũng là vị Cao Nhân sẽ rửa nhân loại trong Thánh Thần, chính là để cải tạo tâm hồn con người về mặt tôn giáo (Is. 40: 3).

Đây cũng là dấu chỉ cho sự hoàn tất Lời Chúa hứa trong Cựu Ước (Is. 32:15). Thánh nhân rất khiêm tốn khi nhìn nhân mình không đáng cởi dây giày là việc của của tôi tớ mà người Do Thái bình dân cũng không làm, nhưng Ngài chịu làm.

Qua nghi thức “dìm xuống” trên, Chúa Giêsu, không tội, lại đến hòa nhập vào dòng người có tội, nhưng thiện chí, và đã nhận phép rửa của Gioan. Khi vừa lên khỏi nước, thì Thánh Thần qua chim câu đậu xuống trên Ngài, cùng Lời của Chúa Cha, như Lễ Đăng Quang, để công bố với nhân loại rằng đây là Người mà thế nhân đã trông đợi từ bao đời.

Đó là Người Con yêu quí nầy, luôn làm đẹp lòng Cha, kể cả vâng phục đến chết trên thập giá, như tội nhân, để đền tội thế cho loài người. Và cũng qua Lời Kinh Thánh “Con là Con yêu quí của Cha” Thiên Chúa đã mở bức màng cho loài người biết sơ lược về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi.

Trở lại bài đọc 2 trong sách Tông Đồ Công Vụ, đôi khi mới gặp có đại ý chính như hai bài trên. Thánh Phêrô gốc dân chài lưới, bình dân, không tài ăn nói, nhưng khi nhận được Thánh Thần, thì cũng rao giảng như những vị Ngôn Sứ thông thái chuyên nghiệp.

Trước kia dân Do Thái tự coi mình là con riêng của Thiên Chúa, với đặc quyền đặc lợi để thống trị thế giới về vật chất trước nhất. Nhưng Thiên Chúa cho Chúa Giêsu đến để loan tin bình an về tinh thần là căn bản, để rồi từ đó giúp con người xây dựng bình an vật chất cho nhau. Nên ngày nay bất cứ ai, làm điều công chính đều được đón nhận làm con Chúa, vì Ngài không thiên vị. Nên đạo Chúa mở rộng cho hết mọi người.

Kinh nguyện chung

Chúa Giêsu nhận phép rửa của Thánh Gioan Tiền Hô và được Chúa Cha yêu quí, cũng được Thánh Thần tấn phong làm Đấng Cứu chuộc trần gian. Chúng con hết lòng cảm tạ và xin dâng lời cầu:

  • Xin cho những Kitô hữu, đã được Chúa Thánh Thần xức dầu, luôn cộng tác với Hội Thánh đem ơn cứu độ đến mọi người.
  • Xin cho mọi người lương thiện đang tìm kiếm hạnh phúc thật, gặp Đức Giêsu là Đấng Cứu độ và là Đường dẫn tới hạnh phúc đó.
  • Xin cho những người đang áy náy khổ đau trước cuộc sống bất công bất chính, biết mở rộng tâm hồn đón nhận ơn của Chúa 
  • Xin cho mọi người trong xứ đạo chúng con, đã lãnh nhận bí tích Rưa Tội và Thêm sức, biết thi hành sứ mệnh truyền giáo cho anh em chung quanh.
  • Xin rửa nhân loại chúng con ngày nay, trong dòng nước tại Êđên nguyên thủy của Chúa (St. 1: 6, 10) để chúng con biết yêu thương và sinh ích lợi cho nhau.