Chuyện Phiếm đọc trong tuần 28 Thường niên năm B 14-10-2018
“Chiều thơm, ru hồn người bồng bềnh”
“Chiều không, im gọi người đợi mong
Chiều trông cho mềm mây ươm nắng
Nắng đợi chiều nắng say
Nắng nhuộm chiều hây hây.”
(Vũ Thành An – Bài Không Tên Số 8)
(2 Thessalônikê 3: 3)
Mùi thơm của buổi chiều vàng, cũng “ru hồn người bồng bềnh” được thế sao? Thế còn, các hiện-tượng ở đời lâu nay vẫn ru hồn người vào chốn phù du, khó thấy thì thế nào?
Thế đó, là hiện-tượng của cái gọi là “fake news”, tức: tin dỏm, tin giả, hoặc tin ngụy-tạo toàn những chuyện nhảm-nhí trong đời người, rất chán ngán. Vừa qua, có một nhận định cũng “cháng ngán” được diễn-tả bằng các ngôn-từ như sau:
“Fake news” = tin giả, tin dỏm, tin đồn, tin nhảm, tin ngụy tạo… – đang bùng nổ trong kỷ nguyên thông tin không biên giới. Fake news đang như một đại dịch toàn cầu. Khi có thể ảnh hưởng cả cuộc bầu cử tổng thống thì vấn đề fake news không phải là chuyện nhỏ vô hại như bề ngoài nhảm nhí của nó…
Vượt phạm vi gây nhiễu xã hội với những tin đồn mua vui vô thưởng vô phạt, “fake news” còn đang được sử dụng cho mục đích chính trị. Có thể nói đây là biến tướng mang tính xu hướng của thời đại thông tin nằm dưới những ngón tay lướt chạm màn hình.”
Thế đấy, là những sự-kiện trải dài trong đời người, hệt như lời nghệ sĩ từng phát-biểu ở nhạc-bản được hát tiếp, sau đây:
“Ngày đi qua vài lần buồn phiền.
Người quen với cuộc tình đảo điên.
Người quên một vòng tay ôm nhớ.
Có buồn nhưng vẫn chưa bao giờ bằng hôm nay.
Vắng nhau một đêm, càng xa thêm nghìn trùng.
Tiếc nhau một đêm, rồi mai thêm ngại ngùng.
Mai sau rồi tiếc, những ngày còn ấu thơ.
Lần tìm trong nụ hôn lời nguyện xưa mặn đắng.
Về đâu, tâm hồn này bềnh bồng.
Về đâu, thân này mòn mỏi không.
Về sau và nhiều năm sau nữa.
Có buồn nhưng vẫn chưa bao giờ bằng hôm nay”.
(Vũ Thành An – bđd)
Hôm nay, ngồi buồn theo dõi những lời ca, tiếng hát của người nghệ sĩ đã “ru hồn” tôi, hồn người vào chốn miền rất nhung nhớ. Nhớ, cả khung trời kỷ niệm từng hằn in nơi ký-ức nhiều người, mãi đến hôm nay.
Hôm nay và mai rày, vẫn còn đó niềm vui/nỗi buồn làm lung-lạc cả người nghe lẫn người hát, rất khủng khiếp. Mai ngày hoặc hôm nay, còn thấy mãi khung trời kỷ niệm miên man ấy. Cũng một “lũ kỷ niệm” từ đâu đó, giờ đây về “ru hồn người” chốn phù du xuyên suốt. Bềnh bồng, nhưng không nhiêu khê, khó tả. Hôm nay và mai ngày, người người sẽ còn ru như thế đến muôn đời, rất khôn nguôi.
Hôm nay đây, lại đã thấy một thứ “ru hồn người” cũng khá “chuẩn” qua một số câu chuyện hoặc sự việc khiến lòng người tỉnh-táo với những lời từng được trích-dẫn như sau:
“Ngày xưa, có nhóm 138 học giả đạo Hồi từ 43 nước trên thế giới có thư ngỏ gửi cộng đồng tín hữu Đức Kitô vốn đề cập và đề nghị đưa tình thương yêu vào vị trí ưu tiên cao nhất cho hai Đạo.
Và, các vị đã đồng thuận ký thư trên để tỏ bày rằng tình thương yêu vẫn là và phải là mẫu-số-chung cho sinh hoạt của hai Đạo. Mẫu-số-chung ấy, là nền tảng và mục tiêu để hai đạo đặt ra cho mình thực hiện. Mẫu-số-chung, là mẫu số rất chung về lòng mến Chúa và yêu người đồng loại, cả hai gộp lại làm một. Một mục tiêu, một điểm nhấn ngõ hầu ta phụng thờ chỉ một Chúa, thôi.
Bởi, Ngài là Tình Yêu đích thật để ta biến nó thành hiện thực, với mọi người. Chính đó, là lòng mến mà tỏ ra với Chúa và với nhau để tôn vinh, kiến tạo cùng một chí hướng. Đức Chúa của Tình Yêu luôn đi bước trước trong sáng tạo và trao ban Tình Yêu cho ta theo cung cách cả hai Đạo đưa ra cho mọi người. Các học giả đạo Hồi ở trên lâu nay nới rộng vòng tay thân thương/hợp tác để cùng với cộng đoàn tín-hữu Chúa Kitô, coi đó như sáng kiến quả cảm, đặc biệt.
Để phúc đáp, nhóm đối-tác bên Đạo là các học-giả từng đặt cơ-sở ở đại học Yale, Hoa Kỳ cũng nới rộng vòng tay yêu thương của Đạo, với người anh em bên đó. Nhưng, trước khi hồi đáp bằng động-thái thương yêu, các vị trong nhóm nói đây đã yêu cầu anh em đạo Hồi “hãy thứ tha các động-thái mà tiền-nhân mình xử sự trong quá-khứ. Các đấng bậc trên cũng xin cộng-đồng người Hồi và các vị trong tổ chức “Xót-Xa-Tình-Nên-Một” hãy thứ tha cho các lầm lỡ mà anh em bên Đạo Chúa mắc phạm.
Điều mà tiền-nhân xưa từng sơ-xuất, người thời đó gọi là “Thánh chiến”, nay đổi lại bằng tên gọi rất mới và cũng rất thời thượng, đó là: “Chiến tranh chống khủng bố”, nhưng thực sự chỉ nhắm vào anh em Hồi giáo, mà thôi. Bằng việc này, các học-giả Đạo Chúa đã xưng thú lỗi lầm mình sai phạm với người anh em đạo Hồi và mong là những việc như thế sẽ không tái-diễn.
Học-giả Đạo Chúa công-nhận rằng: ngay từ đầu, sự xung-đột giữa hai đạo, dù được gán cho cái tên nào thánh thiêng đi nữa, vẫn không mang tính đạo-giáo và hàm-ẩn tầm-kích chỉ biết chống/phá thương yêu, mà thôi. Và, các vị lại cũng công-nhận, rằng: vấn-đề gây ưu-tư, trăn trở ở nhiều thời, đã tạo ảnh hưởng xấu lên phân nửa số dân trên thế giới. Và, các ngài lại khẳng định: việc này ảnh-hưởng không ít lên viễn-tượng hoà-bình và công-chính, cho thế-giới.
Từ đó, các học giả nói trên đã dùng mẫu-số-chung “yêu thương” với lời lẽ làm nền cho mọi hành-xử để các vị không còn đặt nặng tính cá-biệt giữa hai đạo, mà chỉ tập-trung lên mấu-số chung căn-bản của Đạo. Bởi, cuối cùng thì: trọng-tâm của mọi nhóm/hội đoàn-thể vẫn nhắm vào tình thương yêu trải dài với mọi người. Thương yêu, là lòng kính-sợ Chúa, mến mộ Đạo và cảm thông với hết mọi người bằng mẫu-số-chung của hai đạo.
Thương yêu, là lòng sủng-mộ ta có với Chúa và với người đồng-loại, bất kể người đó là ai? Theo tôn giáo nào? Về điểm này, hai nhóm trên đều cố lướt thắng hết mọi sự, ngõ hầu đạt cùng đích là cảm-thông/yêu thương, xoá bỏ mọi khác biệt dễ gây hận thù.
Nhóm anh em đạo Hồi cũng nói đến tình thương yêu từ Đấng Thánh Vô Giới Hạn luôn xót thương mọi người. Trong khi Đạo Chúa, dưới tầm nhìn của người Do thái giáo, cũng nói nhiều về Thiên-Chúa-là-Tình-Yêu, Đấng làm cho mặt trời toả sáng trên mọi thứ tốt/xấu. Ngài là Đấng khiến cho mưa rơi trên đầu người công-chính cũng như những kẻ bất-lương, chia rẽ. Mưa vẫn rơi, cho thế giới đạo Hồi và Đạo Chúa, suốt mọi thời.
Hai bên đã tôn trọng nhau qua kinh-nghiệm về Thiên-Chúa-Đầy-Lòng-Yêu-Thương đã đi bước trước trong việc thương yêu loài người, dù người đó là nam hay nữ, già hay trẻ, Công giáo hay đạo Hồi. Không thể nói: mình tin Thiên-Chúa-Là-Tình-Yêu cho đến khi nào mình nhận ra rằng: mọi người đều đã xích gần nhau bằng tình thương-yêu Ngài ban tặng ta, cùng một kiểu. Điều này sẽ cải biến ý-tưởng về “người đồng loại”. Ta thương yêu người đồng-loại như Chúa dạy rằng: tất cả phải nên một, gom gộp lại. Không thể nói là mình thật sự tin vào Chúa mà lại không ưa thích những gì mà đồng-loại mình mong ước hoặc không thực-thi hành-động những gì mình muốn cho đồng-loại của mình có được.
Ngày 4/11/2008, một nhóm các lãnh-đạo và thần-học-gia từ các nước theo đạo Hồi đã đến Rôma để đối-thoại với thủ-lãnh và các thần-học-gia Công giáo về “Giới Lệnh” Chúa ban. Mỗi nhóm gồm 24 vị đã đích-thân hội-kiến Đức đương-kim Giáo-Hoàng nhằm tái-lập mẫu-số-chung thương-yêu từng để lạc mất.
Ngay ngày đầu, các vị trao đổi về nền-tảng Giới Lệnh thương-yêu theo truyền-thống của cả hai bên. Những ngày sau đó, các vị cũng bàn về phẩm-giá con người, về việc tôn trọng phẩm-giá đã nẩy mầm từ nền-tảng yêu thương Chúa tạo cơ-sở cho hiệp-nhất.
Ngày cuối cùng mở ra cho mọi người, cả chúng dân ngoài nhóm nữa. Tất cả như một, đều nguyện-cầu để mọi người trở nên một trong Yêu-thương do Chúa đề xuất. Đây là bước ngoặc lịch-sử sẽ dẫn dắt cả hai đạo tiến xa/tiến mạnh đem hoà-bình đến cho thế-giới. Điều thú-vị, là các thần-học-gia Công giáo cũng nhấn-mạnh sự quan-ngại về hành-xử của tín-đồ Đạo Chúa đối với đồng loại, nói chung. Trong khi đó, các thần-học-gia đạo Hồi tập-trung nhiều vào Tình thương yêu Chúa.
Cách đây 150 năm, chức sắc nọ trong chính quyền Hoa-Kỳ đến gặp Joseph, một lãnh tụ Da Đỏ có tên là “Lỗ Mũi Xỏ” của Hoa Kỳ. Chức sắc này, nói nhiều về lợi-ích ban tặng người sắc-tộc nếu họ chấp-nhận mở trường học tại khu-vực họ sinh-sống. Ngay lúc ấy, tộc trưởng Joseph nói: “Chúng tôi thật chẳng muốn có trường học nào ở đây hết”. Khi được hỏi lý-do sao lại thế, thì trưởng tộc Joseph cho biết đơn-giản chỉ vì: “Làm thế, người Mỹ sẽ chỉ lo mỗi chuyện dạy con em chúng tôi cách xây nhà thờ mà thôi.”
Chức sắc kia lại hỏi: “Vậy thì, các ông không muốn có nơi phụng thờ sao?” Câu trả lời thật dễ hiểu: “Không! Chúng tôi không muốn nhà thờ! Tại sao ư? Thì, có nhà thờ rồi, bọn tôi chỉ mải mê tranh-cãi về Thượng Đế, đến độ không bao giờ chấm-dứt. Và chúng tôi chẳng muốn cãi nhau về Thượng Đế, bởi con người chúng ta chỉ rành rẽ cãi tranh những gì thuộc con người, thôi. Chúng tôi chẳng muốn học và biết những chuyện như thế!”
Ai giỏi vi-tính, hãy vào “Google” mà đánh chữ “linh thiêng” sẽ thấy hơn một chục trang diễn-giải từ-ngữ này. Có trang, còn nói cả tuồng vọng cổ do nghệ-sĩ Hương Lan thủ vai nữa. Có trang, lại bàn về tính thánh-thiêng cao cả, nơi con người. Có trang, cũng đề-cập đến cách sống mật-thiết với Tình Yêu “lành thánh” vẫn rất thực.
Sống mật thiết với Chúa bao gồm ba lãnh-vực. Thứ nhất, về bản-chất của kinh-nghiệm, tức: bản-chất niềm-tin đích-thực, của con người. Thứ hai, gợi kinh-nghiệm của con người về tôn-giáo vốn diễn-giải sự thể lâu nay gọi là triết/thần. Một khi con người tìm ra ngôn-ngữ chung cho lãnh-vực thứ nhất, sẽ không cần gì hơn cho hai lãnh vực kia.
Tóm lại, chỉ một lĩnh-vực duy-nhất cần-thiết cho mọi người, là “yêu thương người đồng-loại”, mà thôi.” (X. Lm Kevin O’Shea DCCT, Suy niệm Lời Ngài Chúa Nhật 22 Thường Niên năm B 2/9/2018)
Thật ra, nếu bảo rằng các linh mục Đạo Chúa lại cứ giảng rao Tin Mừng bằng lời lẽ hoặc tư-tưởng hệt như kiểu “ru hồn người bồng bềnh” với sóng dồn, thì chắc chắn người nghe cũng đi vào Nước Trời im ắng, chẳng cần thưa thốt.
Thật ra thì, giảng rao Tin Mừng ở đâu đi nữa, cũng chẳng là chuyện “ru hồn người” theo cách sao đó, mà chỉ là chuyển-tải cho nhau, đến với nhau bằng một tình huống êm-ru bà rù, rất nghe quen.
Quả thật, có nhiều cách “ru hồn người” vào chốn miền nào đó, nhưng vẫn không làm người được ru cứ thế đắm chìm trong chốn tối tăm mịt mù “đợi nắng nhuộm chiều hây hây” đâu. Quả thật, đời người cũng có nhiều tình-huống rất “ru hồn người” bằng câu truyện kể cũng đáng nể nhưng khá buồn như câu truyện ở bên dưới còn giữ lại:
“Truyện rằng,
Tại trước khu chợ Phúc Lộc Thọ, CA, Phuc Jean cũng đã gặp một bà già Việt Nam lụ khụ ngả nón ăn mày. Không biết bà sang Mỹ đã lâu hay bây giờ mới qua? Tại sao bà lại phải ăn mày ở cái xứ người già có tiền trợ cấp xã hội đàng hoàng? Ôi, vì sao? tại sao? làm sao?
Trong giờ lễ Chủ Nhật, tại nhà thờ Saint Columban, linh mục T. đã làm nhiều người nghe phải nhỏ lệ khi ông kể một câu chuyện về một người Mẹ đã nuôi cả mười đứa con thành công về tài chánh, đứa bác sĩ, đứa kỹ sư, dược sĩ, nhưng rồi cả mười đứa con ấy, không nuôi nổi một bà Mẹ già. Đứa nào cũng có lý do để từ chối không muốn ở với Mẹ.
Linh mục T. cũng kể lại lúc ông còn ở Chicago, có một lần trong thời tiết lạnh giá, đến thăm một bà Mẹ, thấy căn nhà rộng mông mênh, không có ai, vì hai vợ chồng đứa con đi làm cả. Điều ông quan tâm là thấy trong nhà rất lạnh, bà Mẹ phải mặc hai áo nhưng vẫn lạnh cóng. Ông có hỏi bà mẹ tại sao không mở máy sưởi, thì bà Mẹ cho biết là không dám mở vì sợ khi con đi làm về, sẽ càm ràm là “tốn tiền điện quá!” Những đứa con sang trọng kia, có thể chờ đến ngày Lễ Mẹ, thì đưa mẹ ra ăn tô phở, hoặc gọi điện thoại về nhà, nói: “I love you, mom!” Thế là đủ bổn phận của một đứa con thành công ở Mỹ đối với người mẹ yêu dấu của mình.
Những Bà Mẹ ở đây là hiện thân của Mẹ Việt Nam đau khổ, đã hy sinh cả cuộc đời cho con cái, nhưng khi con cái phụ rẫy, bỏ bê, cũng im lặng chấp nhận cho đến hết cuộc đời.
Có biết bao nhiêu trường hợp như thế trong cộng đồng Việt Nam hải ngoại? Biết bao nhiêu bà mẹ âm thầm, lặng lẽ chịu đựng tất cả những đau khổ từ khi lấy chồng, sinh con, rồi ráng nuôi dạy con nên người, sau đó lại chấp nhận những đứa con bất hiếu như một định mệnh mà không hề thốt lời than vãn?
Một bà mẹ đã dành dụm bao năm buôn gánh bán bưng để cho con vượt biên một mình, sau đó, khi qua đến Mỹ, thằng con sợ vợ quá, không dám để mẹ ngủ trong phòng, mà bảo mẹ phải ngủ dưới đất trong phòng khách. Một lần, con chó xù của hai vợ chồng đứng đái ngay vào đầu mẹ. Bà mẹ kêu lên, thì đứa con dâu cười, trong khi chồng đứng yên, chẳng dám nói gì.
Bà mẹ khác, không được ở chung với con trai, phải thuê một phòng của người bạn, vì sức khoẻ yếu, lúc nào cũng lo là chết không có ai chôn. Khi nghe nói về bảo hiểm nhân thọ, bà có năn nỉ thằng con trai đứng tên mua giùm, để bà bớt chút tiền già và đóng hàng tháng để mai sau, con có tiền lo hậu sự cho bà, nhưng đứa con dâu nhất định không chịu, cho rằng “tốn tiền vô ích, chết thì thiêu, liệng tro xuống biển là xong, chôn làm gì cho mất thời giờ đi chăm sóc.” Bà cụ uất quá, phát bệnh và qua đời. Không biết rồi bà có được chôn cất đàng hoàng theo ý muốn, hay lại bị cô con dâu vứt tro ra biển.
Không thiếu những bà mẹ khi đến thăm con trai, phải ngồi nhìn vợ chồng ăn uống ríu rít với nhau, vì con dâu không chịu dọn thêm một chén cơm mời mẹ. Một bà mẹ nhớ con nhớ cháu quá, đến thăm con, nhưng sợ con dâu sẽ nhiếc móc thằng chồng, nên vừa vào tới cửa đã vội thanh minh: “Mẹ không ăn cơm đâu! Mẹ vừa ăn phở xong, còn no đầy bụng. Mẹ chỉ đến cho thằng cháu nội món quà thôi!”
Không thiếu những bà mẹ vì lỡ đánh đổ một chút nước trên thảm mà bị con nhiếc móc tơi bời. “Trời đất ơi! Cái thảm của người ta cả vài ngàn bạc mà đánh đổ đánh tháo ra thế thì có chết không?”
Có bà mẹ bị bệnh ung thư, biết là sắp chết, mong được con gái đưa về Việt Nam, nhưng con đổ thừa cho chồng không cho phép về, rồi biến mất tăm, sợ trách nhiệm.. Mẹ phải nhờ người đưa ra phi trường, nhờ người dưng đi cùng chuyến bay chăm sóc cho đến khi về tới nhà. Từ lúc đó đến lúc mẹ mất, cả con gái lẫn con rể, cháu chắt cũng chẳng hề gọi điện thoại hỏi thăm một lần.
Một bà mẹ già trên 70 tuổi rồi, có thằng con trai thành công lẫy lừng, bốn năm căn nhà cho thuê, nhưng bà mẹ phải lụm cụm đi giữ trẻ, nói đúng ra là đi ở đợ vì phải lau nhà, rửa chén, nấu cơm, để có tiền tiêu vặt và để gộp với tiền già, đưa cả cho… con trai, một thanh niên ham vui, nhẩy nhót tung trời, hai, ba bà vợ. Mỗi khi gặp bà con, chưa cần hỏi, bà đã thanh minh: “Ấy, tôi ngồi không cũng chả biết làm gì, thôi thì đi làm cho nó qua ngày, kẻo ở nhà rộng quá, một mình buồn lắm!”
Trong một cuộc hội thoại, một bà mẹ đã khóc nức nở vì chỉ đứa con gái phụ rẫy, bỏ bà một mình cô đơn. Bà chỉ có một đứa con gái duy nhất, chồng chết trong trại cải tạo. Trong bao nhiêu năm, bà đã gồng gánh nuôi con, rồi cùng vượt biên với con, tưởng mang hạnh phúc cho hai mẹ con, ai ngờ cô con chờ đúng 18 tuổi là lẳng lặng xách vali ra đi.. Nước mắt bà đã chảy cho chồng, nay lại chảy hết cho con.
Tại những nhà dưỡng lão gần trung tâm Thủ Đô Tị Nạn, có biết bao nhiêu bà mẹ ngày đêm ngóng con đến thăm nhưng vẫn biệt vô âm tín. Một bà cụ suốt ba năm dài, không bao giờ chịu bước xuống giường, vì biết rằng chẳng bao giờ có đứa con nào đến thăm. Bà đã lẳng lặng nằm suốt ngày trên giường như một sự trừng phạt chính mình vì đã thương yêu con cái quá sức để đến tình trạng bị bỏ bê như hiện tại..
Sau ba năm, bà mất vì các vết lở, vì nỗi u uất, mà những người chăm sóc bà vẫn không biết gia cảnh bà như thế nào, vì bà không hề nhắc đến. Có điều chắc chắn là khi bà còn là một thiếu nữ, bà phải là một mẫu người làm cho nhiều người theo đuổi, quyến luyến, tôn sùng. Chắc chắn bà đã trải qua bao năm tháng thật tươi đẹp, vì cho đến khi mất, khuôn mặt bà, những ngón tay bà, và dáng dấp bà vẫn khoan thai, dịu dàng, pha một chút quý phái. Nhưng tất cả những bí ẩn đó đã được bà mang xuống mồ một cách trầm lặng.
Một buổi chiều tháng 5, tại một tiệm phở Việt Nam, một mẹ già đứng tần ngần bên cánh cửa. Khi được mời vào, mẹ cho biết mẹ không đói, nhưng chỉ muốn đứng nhìn những khuôn mặt vui vẻ, để nhớ đến con mình, đứa con đã bỏ bà đi tiểu bang khác, để mẹ ở với đứa cháu là một tên nghiện rượu, đã hăm doạ đánh mẹ hoài. Hắn đã lấy hết tiền trợ cấp của mẹ, lại còn xua đuổi mẹ như cùi hủi. Hôm nay, hắn lái xe chở mẹ đến đầu chợ, đẩy mẹ xuống và bảo mẹ cút đi! Mẹ biết đi đâu bây giờ?
Trong một căn phòng điều trị tại bệnh viện Ung Thư, một bà cụ đã gào lên nức nở khi người bệnh nằm bên được chuyển đi nơi khác. “Bà ơi! Bà bỏ tôi sao? Bà ơi! Đừng đi! Đừng bỏ tôi nằm một mình! Tôi sợ lắm, bà ơi!” Những tiếng kêu, tiếng khóc nấc nghẹn đó lặp đi lặp lại làm người bệnh sắp chuyển đi cũng khóc theo. Người y tá cũng khóc lặng lẽ. Anh con trai của người sắp đi xa, không cầm được giọt lệ, cũng đứng nức nở. Cả căn phòng như ngập nước mắt. Mầu trắng của những tấm trải giường, mầu trắng của tấm áo cánh của bà cụ như những tấm khăn liệm, tự nhiên sáng lên, buồn bã. Bà cụ nằm lại đó đã không có đứa con nào ở gần đây. Chúng đã mỗi đứa mỗi nơi, như những cánh chim không bao giờ trở lại.
Trên đại lộ Bolsa, thỉnh thoảng người ta thấy một bà mẹ già, đẩy chiếc xe chợ trên chứa đầy đồ linh tinh. Mẹ chỉ có một cái nón lá để che nắng che mưa. Khuôn mặt khắc khổ của mẹ như những đường rãnh bùn lầy nước đọng, đâu đó ở chợ Cầu Ông Lãnh, Thủ Thiêm, gần bến Ninh Kiều, Bắc Mỹ Thuận hay ở gần cầu Tràng Tiền, Chợ Đông Ba? Mẹ đi về đâu, hỡi Mẹ? Những đứa con của mẹ giờ chắc đang vui vầy…” (Chu Tất Tiến – trích gia đình NAZARETH)
Cuối cùng thì, có “ru hồn người” cách êm ả thế nào đi nữa, thì hồn người/lòng người vẫn “tỉnh như sáo sậu”, đến khôn nguôi.
Cuối cùng thì, “ru hồn người” theo cách nào đi nữa, cũng chỉ ru bằng những câu ca rất ư êm ả qua các hát ở trên, vẫn thêm thắt một đoạn kết, những hát rằng:
“Chiều thơm, ru hồn người bồng bềnh”
“Chiều không, im gọi người đợi mong
Chiều trông cho mềm mây ươm nắng
Nắng đợi chiều nắng say
Nắng nhuộm chiều hây hây.
Ngày đi qua vài lần buồn phiền.
Người quen với cuộc tình đảo điên.
Người quên một vòng tay ôm nhớ.
Có buồn nhưng vẫn chưa bao giờ bằng hôm nay.
Vắng nhau một đêm, càng xa thêm nghìn trùng.
Tiếc nhau một đêm, rồi mai thêm ngại ngùng.
Mai sau rồi tiếc, những ngày còn ấu thơ.
Lần tìm trong nụ hôn lời nguyện xưa mặn đắng.
Về đâu, tâm hồn này bềnh bồng.
Về đâu, thân này mòn mỏi không.
Về sau và nhiều năm sau nữa.
Có buồn nhưng vẫn chưa bao giờ bằng hôm nay”.
(Vũ Thành An – bđd)
Và, dù tôi/dù bạn có hát những lời ru miên-man như thể bảo: “Về sau và nhiều năm sau nữa, có buồn nhưng vẫn chưa bao giờ bằng hôm nay”, câu hát này vẫn không thể nào sánh kịp lời đấng thánh hiền từng bảo ban, như sau:
“Nhưng Chúa là Đấng trung tín:
Ngài sẽ làm cho anh chị em được vững mạnh,
và bảo vệ anh chị em khỏi ác thần.
Trong Chúa, chúng tôi tin tưởng vào anh chị em:
anh chị em đang làm
và sẽ làm những gì chúng tôi truyền.
Xin Chúa hướng dẫn tâm hồn anh chị em,
để anh chị em biết yêu mến Thiên Chúa
và biết chịu đựng như Đức Kitô.”
(2Thess 3: 3)
Xem thế thì, niềm tin của tôi và của bạn cũng sẽ chắc-nịch hơn “lời buồn thánh” những hát lên câu “Chiều thơm, ru hồn người bềnh bồng”… mỏi mòn, mãi về sau.
Trần Ngọc Mười Hai
Và những điệu ru hơi buồn
về cuộc đời người.
Rất hôm nay.