vô hạ
Nước ở thể lỏng, có tỉ trọng nhẹ hơn cơ thể con người. Bình thường, ai không biết lội (bơi) mà rớt xuống nước thì bị chìm và dễ chết ngộp lắm. Nhưng trong bài Phúc Âm Chúa Nhật ngày 09.08.2020 năm A nầy, Tông Đồ Phêrô xin Chúa Giêsu cho lệnh đi trên nước tới với Thầy. Rồi Ông nhảy ra khỏi thuyền tới với Chúa. Chuyện gì xảy ra sau đó. Xin đọc cả 3 bài sau đây, riêng Phúc Âm bên dưới để thêm chi tiết.
BÀI ĐỌC I. Trích Sách Các Vua quyển I 19: 9a. 11-13a
Trong những ngày ấy, khi Êlia đã lên núi Horeb của Thiên Chúa, ông trú ẩn trong một cái hang… Có lời Chúa phán cùng ông rằng: “Hãy ra đứng trên núi trước tôn nhan Chúa”. Bỗng Chúa đi qua; có một cơn gió mạnh xé núi non và nghiền nát đá trước mặt Chúa; nhưng Chúa không ở trong gió bão. Sau trận gió bão thì đất động; Chúa cũng không ở trong cơn động đất. Sau cơn động đất thì có lửa; nhưng Chúa cũng không ở trong lửa. Sau lửa thì có tiếng gió hiu hiu. Vừa nghe thấy, Êlia liền lấy áo choàng che mặt lại, đi ra đứng ở cửa hang. Đó là lời Chúa.
BÀI ĐỌC II. Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma 9: 1-5
Anh em thân mến, tôi xin nói thật trong Đức Kitô, tôi không nói dối: Lương tâm tôi làm chứng cho tôi trong Thánh Thần: là tôi buồn phiền quá đỗi, lòng tôi hằng đau đớn luôn. Chính tôi đã ao ước được loại khỏi Đức Kitô vì phần ích anh em của tôi, là những thân nhân của tôi về phần xác. Họ đều là người Israel, họ được quyền làm nghĩa tử, được vinh quang, giao ước, lề luật, việc phượng tự và lời hứa: Các tổ phụ cũng là của họ, và bởi các đấng ấy mà Đức Kitô sinh ra phần xác, Người là Thiên Chúa trên hết mọi sự, đáng chúc tụng muôn đời.Amen.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu 14: 22-33
Khi dân chúng đã ăn no, lập tức Chúa Giêsu giục môn đệ trở xuống thuyền mà qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng. Giải tán họ xong, Người lên núi cầu nguyện một mình. Đến chiều, Người vẫn ở đó một mình. Còn thuyền thì đã ra giữa biển, bị sóng đánh chập chờn vì ngược gió.
Canh tư đêm tối, Người là Thiên Chúa quyền năng, đi trên mặt biển mà đến với các ông. Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hồn mà nói rằng: “Ma kìa!”, và các ông sợ hãi kêu la lớn tiếng. Lập tức, Chúa Giêsu nói với các ông rằng: “Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ!” Phêrô thưa lại rằng: “Lạy Thầy, nếu quả là Thầy, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy”. Chúa phán: “Hãy đến!” Phêrô xuống khỏi thuyền, bước đi trên mặt nước mà đến cùng Chúa Giêsu. Khi thấy gió mạnh, ông sợ hãi và sắp chìm xuống nên la lên rằng: “Lạy Thầy, xin cứu con!” Lập tức, Chúa Giêsu giơ tay nắm lấy ông mà nói: “Người hèn tin, tại sao mà nghi ngờ?” Khi cả hai đã lên thuyền thì gió liền yên lặng. Những người ở trong thuyền đến lạy Người mà rằng: “Thật, Thầy là Con Thiên Chúa”. Đó là lời Chúa.
Đôi điều nhận xét và cảm nghiệm.
- Đại ý của bài đọc 1 và Phúc Âm bên trên là nhận ra Chúa và tin tưởng nơi Người.
- Chính Cựu Ước đã ghi lại nhiều cảnh tượng oai hùng khi Chúa hiện ra, thường trong cơn gió mạnh, cơn bão, cột lửa, sấm xét, động đất, núi đồi rung chuyển, tiếng Chúa thổi trụi lá rừng … Nhưng lần nầy Chúa lại hiện diện trong cơn gió hiu hiu hòa dịu với tiên tri Êlia, dạy con rằng những sự kiện bình thường trong đời đều có Chúa và trong mỗi con người bình dân nhỏ bé cũng có Chúa hiện diện. Nên từ đó mà nhìn ra sức mạnh của Chúa trong đời mình mà đối nhân xử thế sao cho hợp ý Chúa.
- Ý chính thứ hai là Tông Đồ Phêrô cùng cảnh ngộ với các môn đệ khác, chống chọi sóng gió nhiều giờ trên biển hồ Galilê. Khoảng canh tư, chừng 3 giờ sáng, Chúa đi trên nước mà đến. Các môn đệ đều kinh hoàng, tưởng là ma. Lập tức Chúa trấn an: “Thầy đây, đùng sợ”. Lúc nầy, chỉ mình Phêrô nhận ra Chúa trước nhất và xin lệnh đi trên nước đến với Thầy. Ông nhanh lẹ nhảy ra khỏi thuyền, bước trên nước tới với Chúa. Nhưng thấy gió mạnh, ông sinh nghi, nên bị chìm xuống. Điều nầy dạy rằng lúc nào mất tin tưởng vào Chúa thì bị thất bại.
- Nhưng Chúa ra tay kéo Phêrô lên và trách nhẹ ông hèn tin. Cũng vậy, con người đa số thời nào cũng kém lòng tin, chìm đắm trong yếu đuối và tội lỗi, nhưng Chúa tự nguyện làm thân con người để đến với chúng con, lôi kéo tất cả lên cùng Chúa. Chúa thương yêu và tha thứ trưóc khi con người biết hối hận ăn năn quay về.
- Trong Tân Ước, nhiều lần Chúa Giêsu bảo “đừng sợ”. Lời răn dạy nầy đã trở thành nguồn sức mạnh cho bao sứ giả của Chúa các thời, mà đa số đều vào sinh ra tử, vì dám làm chứng cho lẽ công chính và sự thật, nên luôn àm mất lòng vua chúa quan quyền của thế gian. Con còn tham sinh úy tử lắm Chúa ơi, chưa dám liều mạng làm chứng cho Chúa, mà có khi còn xu nịnh con cái của bóng tối chỉ vì một chút danh lợi thú phù vân nào đo đó.
- Trở ba câu đầu của bài Phúc Âm, Chúa giục các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia, sau phép lạ cả thể hoá bánh cho dân chúng no nê, vì Chúa không muốn dân chúng tung hô Mình và các môn đệ. Thêm nữa, cũng có thể để tránh ảo ảnh tự phụ, tự mãn, vì Chúa thi ơn bất cầu báo. Trong khi đó, mỗi lần con làm được chút gì, thì cho rằng mình tài ba trên hết. Hoặc làm cho ai sự gì thì lại trông chờ bõng lộc phản hồi, không chỉ cho con, mà còn cho “một người làm quan cả họ được nhờ” nữa, và hay nặng lời phê bình chí trích ai báo đáp chậm trễ, quà cáp nhỏ nhoi.
- Trong Tân Ước, Chúa Giêsu cũng nhiều lần cầu nguyện cùng Chúa Cha là để vinh danh Cha và làm gương cho loài người. Vì thực Ngài cũng là Ngôi Vị Thiên Chúa, quyền năng như Cha và Thánh Thần, trực tiếp liên kết, thông hiệp làm một.
- Trong Bài Đọc 2, thư gởi tín hữu Roma 9:1-5, Thánh Phaolô buồn phiền nhiều đồng bào Do Thái kiều sống tại Roma, chưa nhận biết Đức Kitô là Đấng Cứu Thế của họ như lời hứa cho các tổ phụ xưa. Xin Chúa soi sáng cho 90% Do Thái hiện nay, còn đang trông chờ Đấng Cứu Thiên Sai trần tục, nhận ra Chúa Giêsu đã đến cứu linh hồn họ từ hai ngàn năm rồi.
Tóm lại.
Nhận ra Chúa và tin theo Ngài là ưu tiên số một.
Vài năm trước đây, bạn tôi lần đầu tiên có dịp may đến nước Ý và kính viếng mộ phần của Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận tại Nhà Thờ Santa Maria della Scala, Roma. Quỳ cầu nguyện trước di ảnh của Đức Hồng Y, bạn mình nhớ lại câu chuyện rất ý nghĩa và tác động chính mình hơn hết, được ghi trong tập sách Năm Chiếc Bánh và Hai Con Cá của Ngài.
Trong thời gian bị cầm giữ tại vùng ngoại ô Nha Trang 1976, lúc đó là Tổng Giám Mục, mỗi sáng khi nghe tiếng chuông, Ngài định vị được là chuông của nhà thờ nào. Rồi Ngài cũng tự nghĩ, sau 10 năm làm Giám Mục có kinh nghiệm, công việc đang trôi chảy, với nhiều chương trình giáo dục và xây dựng cho Địa Phận cũng như những chương trình khác ngoài Giáo Phận. Vậy mà bỗng chốc những công việc tốt đẹp đó vuột ra khỏi tầm tay. Buồn chăng? Có chứ.
Nhưng một đêm nọ, Ngài nghiệm ra đâu là việc Chúa và đâu là chính Chúa. Làm mục vụ và bí tích thì tốt lắm, nhưng Chúa bảo hãy để người khác làm, có khi tốt hơn con. Phần con, hãy theo Thầy. Nên Ngài cảm thấy rất an bình.
Ngài đã vác thánh giá đáng kể 13 năm ròng tại nhiều nhà tù và đã trở nên nguồn an ủi cũng như hi vọng cho nhiều tù nhân, hầu hết là cựu quân nhân viên chức Việt nam Cộng Hòa sau ngày 30.04.1975 có duyên lành gặp hoặc sống chung quanh Ngài.
Xin cho con biết nhận ra Chúa không phải chỉ khi con ở tại bàn tiệc mà ngay cả khi trong vườn cây dầu, trên thập tự giá và ngay tại mồ đá nữa, với niềm tin kiên định rằng có Chúa, mọi sự sẽ an vui tốt đẹp. Việc Chúa có tốt lành, nhưng không cao trọng bằng chính Chúa. Ý Ngài trọng đại hơn ý con.