Bỏ Qua Lỗi Người Để Chúa Tha Tội Mình | Chúa Nhật 24 TN A | Vô Hạ

979

vô hạ

https://stoicheia.files.wordpress.com/2019/10/cain-killing-abel-unknown-19th-century.jpg?w=900Theo Thánh Kinh Do Thái và Kitô Giáo, tội lỗi đã xâm nhập vào thế gian trước tiên qua tội của hai Ông Bà Nguyên Tổ Adam và Eva, làm cho trật tự tốt lành ban đầu bị đảo lộn. Từ lúc đó, con người lương hảo như thiên thần, bỗng dưng trở nên hung dữ và ham thích xằng bậy. Thí dụ: Ngay người anh cả trong nhà là Cain đã ghen tức và trong cơn thịnh nộ không buông bỏ được, đã giết em ruột của mình là Abêlê (ST. 4:1-8). Coi như đó là cái chết đầu tiên của nhân loại, hậu quả khủng khiếp của tội nguyên tổ làm cho sinh ra các thứ tội ác khác. Và con người tiếp tục làm khốn cho nhau từ đó, thời nầy qua thời khác, mọi cách.

Nhưng con người biết ăn năn hối lỗi, nên Thiên Chúa đã cho nhiều bậc Tiên Hiền, từng thời kỳ đến để giáo hóa, khuyến dụ như một đoạn trong sách Huấn Ca khuyên ta biết thứ tha, để dọn đường cho Chúa Giêsu sau cùng lại đến. Ngài là tình thương vô biên trong mẩu gương tha thứ vô điều kiện trên hết mọi nơi, mọi thời. Để được Chúa soi sáng thêm, xin đọc ba bài Lời Chúa chân thật và khôn ngoan, theo Lịch Phụng Vụ Chúa Nhật 24 Thường Niên A, ngày 13.09.2020 nầy.

Bài Ðọc I: Trích sách Huấn Ca 27,30 – 28,9 

Thịnh nộ và giận dữ, cả hai đều đáng ghê tởm, người có tội đều mắc cả hai. Ai muốn báo thù, sẽ bị Chúa báo thù, và Chúa nghiêm trị tội lỗi nó. Ngươi hãy tha thứ cho kẻ làm hại ngươi, thì khi ngươi cầu nguyện, ngươi sẽ được tha. Người này tích lòng giận ghét người kia, mà dám xin Chúa cứu chữa sao? Nó chẳng thương xót người đồng loại với nó, mà còn cầu xin tha thứ tội lỗi nó làm sao? Nó là xác thịt mà tích lòng thịnh nộ, thì dám xin Chúa tha thứ làm sao? Ai sẽ khẩn cầu cho tội ác nó?

Ngươi hãy nhớ đến điều sau hết, và chấm dứt hận thù: Hãy nhớ đến sự hư nát và sự chết, hãy trung thành với các giới răn. Hãy nhớ kính sợ Thiên Chúa, và đừng giận ghét kẻ khác. Hãy nhớ đến giao ước của Ðấng Tối Cao, và hãy bỏ qua sự lầm lỗi của kẻ khác.

Bài Ðọc II: Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma, Rm 14,7-9 

Anh em thân mến, không ai trong anh em được sống cho mình, và cũng không ai chết cho mình. Vì nếu chúng ta sống, là sống cho Chúa; nếu chúng ta chết, là chết cho Chúa. Vậy, dù sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa. Vì lẽ ấy, nếu Ðức Kitô đã chết và sống lại, là để cai trị kẻ sống và kẻ chết.

Phúc Âm: Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu 18,21-35. 

Khi ấy, Phêrô đến thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần. Có phải đến bảy lần không?” Chúa Giêsu đáp: “Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy.

“Về vấn đề này, thì Nước Trời cũng giống như ông vua kia muốn tính sổ với các đầy tớ. Trước hết, người ta dẫn đến vua một người mắc nợ mười ngàn nén bạc. Người này không có gì trả, nên chủ ra lệnh bán y, vợ con và tất cả tài sản của y để trả hết nợ. Người đầy tớ liền sấp mình dưới chân chủ và van lơn rằng: “Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn và tôi sẽ trả cho ngài tất cả”. Người chủ động lòng thương, trả tự do và tha nợ cho y.

As we have been forgiven, so we forgive - Matthew 18:21-35 - 22nd Sunday after Trinity - November 16, 2014“Khi ra về, tên đầy tớ gặp một người bạn mắc nợ y một trăm bạc: Y tóm lấy, bóp cổ mà nói rằng: “Hãy trả nợ cho ta”. Bấy giờ người bạn sấp mình dưới chân và van lơn rằng: “Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, tôi sẽ trả hết nợ cho anh”. Y không nghe, bắt người bạn tống giam vào ngục, cho đến khi trả nợ xong.

“Các bạn y chứng kiến cảnh tượng đó, rất khổ tâm, họ liền đi thuật với chủ tất cả câu truyện. Bấy giờ chủ đòi y đến vào bảo rằng: “Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta; còn ngươi, sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như ta đã thương ngươi?” Chủ nổi giận, trao y cho lý hình hành hạ, cho đến khi trả hết nợ.

“Vậy Cha Ta trên trời cũng xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình”.

Đôi dòng ghi chú và tâm tình.

  • Nhân cơ hội nầy, cũng nên có ít hàng về sách Huấn Ca.
    Trong hiểu biết hạn hẹp,  Sách nầy được sưu tập vào bộ Thánh Kinh Công Giáo, mà không có tên trong một số Thánh Kinh của nhiều chi nhánh Kitô giáo khác. Đó việc phân định chuyên môn của những vị hữu trách.
  • Thánh Kinh Công Giáo Việt Nam đặt tên cho Sách như Bài Đọc I bên dưới, một trích đoạn từ “Sách Huấn Ca” là dựa vào Ý hay Nghĩa của Sách. Sách nầy là của Tác Giả Jesus con của Eleazar, con của Sirach. Còn gọi là Jesus Ben Sirach (Ông Jesus con của Ông Sirach).  Hầu hết các ngôn ngữ, riêng Anh Ngữ dùng tên Tác Giả để gọi tên sách, là Book of Sirach: Sách của Ông Sirach.
  • Cuộn hay cuốn Sách được sưu tập trên da thuộc hay giấy papyrus khoảng năm 200 -175 BC. Thời sau Chúa Giêsu, cuốn nầy còn gọi là “Sách của Giáo Hội” dùng để giáo huấn tân tòng, người mới theo đạo. Đây là cả bộ sưu tập thi ca nhiều điều khôn ngoan trong vùng cộng thêm việc tuân giữ lề luật Cựu Ước liên quan tới Thiên Chúa, bản thân và người khác.
  • Mong ước sao Ông Sirach trở lại cõi trần, để những lời lẽ huấn dụ của ông trực tiếp, không chỉ được khẩu phục mà còn làm tâm phục và đem ra thực hành vào cái thời kỳ mà gian dối hận thù đầy tràn mặt đất, từ trong nhà ra tới ngoài ngõ, từ trong nước ra tới hải ngoại. Chúa Nhật 24 A hôm nay, chỉ trích dẩn đôi dòng tích cực tác động trong số 51 chương sách của Ông:

Khi tha cho người thì lúc cầu nguyện, mới đáng được Chúa tha.

Đang giận ghét người, mà dám xin Chúa cứu mình? Không thương xót người đồng loại được, mà cầu Chúa thương xót mình? Giữ lòng giận dữ mà dám xin Chúa tha thứ sao? Hãy quán chiếu đến điều sau cùng là cái chết, để chấm dứt hận thù. Nghĩ đến giao ước yêu thương của Chúa, để bỏ qua lầm lỗi của kẻ khác.

  • Qua tới Bài Phúc Âm, Chúa Giêsu đưa ra dụ ngôn một người, đầy tới, quan chức mắc nợ vua mười ngàn (10.000) nén bạc, chỉ vì không trả nổi. Ra khỏi hoàng cung, hắn túm lấy người bạn thiếu hắn chỉ 100 nén bạc (100 quan tiền)  rồi bỏ tù người nầy tới khi trả hết nợ.
    “Mười ngàn (10.000) nén bạc” là nguyên văn được dùng bên trên trong Phúc Âm.

Riêng Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ ghi “mười ngàn yến vàng”. Một yến (nén/lượng) vàng = 6.000 quan = 6.000 ngày lao động.

Bản “ESV” English Standard Version của Crossway viết: “Ten thousand talents” bằng 20 năm lương của một người lao động.

Bản Catholic Bible Thánh Kinh Công Giáo Anh Ngữ thì diễn ý qua  từ ngữ:”A huge amount”: Một số tiền khổng lồ, mười ngàn lượng, tùy theo phẩm chất vàng, bạc hay đồng của nguồn phát hành.

Nhưng con số chỉ là biểu tượng hay phương tiện, còn nội dung hay bài học ý Chúa qua đó, mới là đỉnh điểm quan trọng.

Con số 10.000 bên trên là cách nói thậm thâm, nói quá mức đi thôi, mà Thánh Kinh hay dùng để diễn tả một việc lớn lao cả thể. Ý nói mình được Trời tha cho những tội tầy đình, vì mình không đền trả nổi. Mà mình không biết đoái thương anh em chỉ vì một chút nợ nhỏ, 100 đồng bạc, thì Trời không tha cho mình đâu.

  • “Mắt đền mắt, răng đền răng”. 
    Cố Linh Mục Giáo Sư Thánh Kinh Nguyễn Huy Lịch OP (1932-2000) có ghi chú rằng thời kỳ trước  Abraham (-2000-1800) Tổ Phụ dân Do Thái, dân vùng Lưỡng Hà Địa Mesopotamia, tuy có văn minh và sung túc vật chất, nhưng lại  thường lấy một tội vi phạm, phải đền bằng bảy lần. Khi Vua Hammurabi (1792-1750 BC) cai trị nước Babylon (Irac hôm nay) nổi tiếng với những luật lệ được viết thành văn, trong đó có luật một đền một “Mắt đền mắt, răng đền răng” và luật Môisen có ghi lại trong Thánh Kinh Cựu Ước, XH. 21:24, Lê-vi 24:20 và Nhị Luật 19:21. Tức là oán thù có vay có trả vừa đủ và công bằng. Rồi sau đó, tha thứ 7 lần là quá tiệm tiến rộng lượng.

Nhưng khi Chúa Giêsu tới, Ngài dạy tha 70 lần 7 = 490 lần, có nghĩa là tha mãi. Giới bình dân gian Việt Nam hay nói trong giao tế với người ngoài hoặc trong nhà cho con cháu rằng cái gì tha được thì tha, bỏ được thì bỏ. Y như trên thánh giá, Chúa Giêsu xin Chúa Cha tha cho những kẻ giết mình.

  • Một khó khăn không nhỏ của thời đại.  

Ông bà cha mẹ thế hệ trước luôn dạy con cháu “thương người như thể thương thân”. Rộng lượng với lầm lỗi của người và nghiêm khắc với sai phạm của chính mình. Coi như văn hóa bình dân Việt cũng dạy thương yêu và tha thứ. Nhưng mới hơn 40 năm qua, những tuồng tích kungfu kiếm hiệp trên băng nhựa Video, dĩa DVD và Youtube lan tràn hôm nay. Vì muốn tuồng tích kéo dài hàng trăm tập để mần tiền, những cây viết truyện phim phải đưa ra lời răn dạy tồi tệ cho thế hệ trẻ: Quân tử trả thù 10 năm chưa muộn. Họ quên hẳn lời dạy khôn ngoan của Đức Cồ Đàm hơn 2.500 năm trước trong Kinh Pháp Cú: Hận thù không thể hóa giải hận thù, mà tình yêu và độ lượng mới diệt oán thù. Đó là chân lý muôn đời. Nên ở đâu mê phim kiếm hiệp oán thù thì thấy trồng người mới vài chục năm, mà tệ nạn thù oán lan tràn. Do đó Lời Chúa hôm nay thật là cần thiết hơn hết mọi thời cho mọi người.

Tóm lại. 

Vài mẫu gương tha thứ để đời. Cần học theo.

  • Thánh Phó Tế Stêphanô thời Giáo Hội Sơ khai, trước khi lìa đời, đã xin Chúa tha  cho những kẻ ném đá Ngài vì rao giảng Chúa Kitô.
  • Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng đã vào nhà tù thăm và tha thứ cho Ali Agcar người ám sát Ngài 1981. Sau đó mỗi năm, Ngài đều gởi quà cho Agar.
  • Đi vào cửa chính nhà thờ Santa Maria della Scala, Roma, Nước Ý, mộ phần đầu tiên bên phải là của Thánh Maria Goretti (1890-1902). Thánh nữ mới 12 tuổi, đã tha thứ cho kẻ dùng dao đâm mình trước khi qua đời.
  • Kế tiếp bên cạnh là nơi yên nghĩ của Đức Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận (1928-2001) luôn tha thứ và yêu thương cả đời hết mọi người  thuận nghịch, cách riêng trên bước đường 13 năm lao tù.

Đôi dòng tâm kinh. 

Thiên Chúa như người Cha nhân từ và thương xót. Lúc nào cũng  tha thứ mọi lỗi lầm khi con người ăn năn sám hối thật lòng.   

Nhưng với con, nói tha thứ thì dễ, còn thực hành thì khó lắm Chúa ơi.  

Cứ sự thường, những điều sau đây, không nhiều, nhưng có thực trong xóm đạo của con. Con chỉ muốn được tha thứ mà thôi. Còn ai xúc phạm con, thì sống để bụng, chết đem theo. Nếu có bị xuống hỏa ngục thì chịu, chớ tha cho nó, chúng nó không nổi. Bộ ngu sao tha cho họ. Sống làm sao – mưu mô quỉ quyệt mọi cách công tư – cho hơn người, kẻo thương yêu tha thứ thì bị thiệt thòi lắm đó.  

Xin Chúa cho tinh thần tha thứ của Chúa là mẫu gương hướng dẩn mọi sinh hoạt thường ngày trong đời sống chúng con. 

Xin giúp sức cho chúng con biết tha thứ, được như Chúa đã dạy, từng bước một và từng bước, từng bước thầm. 

Xin cho các vị lãnh đạo tinh thần luôn rộng lòng bỏ qua, tha thứ mọi xúc phạm, mọi đau khổ khi bị hiểu lầm trong lúc thành tâm phục vụ. 

Xin cho cộng đoàn/giáo xứ chúng con luôn tha thứ lỗi lầm của người, để đáng lãnh nhận ơn thứ tha của Chúa. 

Xin ban ơn giúp sức để chúng con có thể sống như Chúa mong muốn trong kinh Lạy Cha.