Biển Galilê: Cá và lưới

5041

Scarlett Le | Tam Le | Đời sống thời Kinh Thánh

Luoi-Ca_01Người ta tin rằng có từ 18 đến 24 loài cá bản địa khác nhau trong biển hồ Galilê.

Luoi-Ca_02

Cá Musht là một trong những loài cá được ưa thích nhất để ăn. Musht theo tiếng Ả rập có nghĩa là “chiếc lược”, mô tả vây lưng gai tua tủa. Cá mình dẹp nên rất tiện để vào chảo chiên. Chúng cũng có ít xương nhỏ và xương sống dễ dàng gỡ ra khỏi phần thịt.

Luoi-Ca_03Con cá được biết đến nhiều nhất trong loài cá Musht là cá Tilapia Galilee, còn gọi là Con Cá của Thánh Phêrô. Vào mùa đông, nước mát lạnh, cá Musht là loài cá lớn duy nhất di chuyển thành đàn đi vào vùng nước nông gần bờ.

Luoi-Ca_04Những tông đồ của Chúa Giêsu đã bắt được những con cá như thế này khi nghe theo lời Người bảo quăng lưới bên phải mạn thuyền. (Ga 21,6)

Luoi-Ca_05

Còn một loại cá quan trọng khác nữa là cá Biny. Những con cá này rất dễ dàng nhận dạng nhờ vào bộ ria quanh mép. Chúng cũng được ưa thích để dùng cho những bữa tiệc vào ngày Sabbath.

Luoi-Ca_06Loại cá quan trọng thứ ba là cá mòi tức một loại cá nhỏ thường có xu hướng bơi chung lại với nhau thành những đàn lớn.

Luoi-Ca_07

Có lẽ cá mòi là thức ăn Chúa Giêsu đã dùng để đãi đám đông dân chúng 5.000 người ăn no nê.

Luoi-Ca_08Luật Do Thái cấm dân chúng ăn bất cứ loại cá nào không có vảy, bao gồm các loại sinh vật biển có vỏ cứng như tôm cua sò ốc, các loại cá da trơn, lươn, cá đuối và cá chình. “Còn tất cả những loài không có vây, không có vảy, ở sông hay ở biển, trong số mọi vật nhỏ sống dưới nước và mọi sinh vật sống dưới nước, thì các ngươi phải coi chúng là loài kinh tởm. Các ngươi phải coi chúng là loài kinh tởm: thịt của chúng, các ngươi không được ăn, xác chết của chúng, các ngươi phải coi là vật kinh tởm. Tất cả những loài sống dưới nước mà không có vây, không có vảy, các ngươi phải coi là loài kinh tởm…” (Lv 11,9-12).

Luật còn cấm cả một số “loài vật ô uế” trông giống như con rắn và có lẽ điều này liên quan đến lời Chúa phán: “Có người nào trong anh em, khi con mình xin cái bánh, mà lại cho nó hòn đá? Hoặc nó xin con cá, mà lại cho nó con rắn?” (Mt 7,9-10).
“Mọi con vật bò bằng bụng, mọi thứ đi bằng bốn chân hay nhiều chân hơn, tóm lại mọi loài vật lúc nhúc trên mặt đất, các ngươi không được ăn, vì chúng là vật kinh tởm.” (Lv 11,42)

Luoi-Ca_09

Ngư dân dùng nhiều loại ngư cụ như lưỡi câu, dây câu và cả cần câu khi đánh bắt cá ven bờ, hoặc sử dụng lưới giăng khi đánh bắt cá ngoài biển sâu. Trong hình trên là hai lưỡi câu làm bằng đồng từ thế kỷ thứ nhất sau Công Nguyên được tìm thấy ở Galilê.

Luoi-Ca_10Có một lần Chúa Giêsu bảo người tông đồ Phêrô thả lưỡi câu xuống biển Galilê. Hãy thử tưởng tượng sự kinh ngạc của Thánh Phêrô khi ông bắt lên được một con cá và còn tìm thấy cả một đồng tiền bằng bạc trong miệng cá – chính xác bằng với số tiền ông đang cần để đóng thuế cho đền thờ (Mt 17,27)

CaPhero

“Nhưng để khỏi làm gai mắt họ, anh ra biển thả câu; con cá nào câu được trước hết, thì bắt lấy, mở miệng nó ra: anh sẽ thấy một đồng tiền bốn quan; anh lấy đồng tiền ấy, nộp thuế cho họ, phần của Thầy và phần của anh.” (Mt 17,27)

Luoi-Ca_11Có 2 phương pháp chính khi dùng lưới để bắt cá – tung chài và kéo lưới. Có lẽ các tông đồ đã sử dụng một cái lưới quăng, tức cái chài khi Chúa Giêsu bảo họ quăng lưới bên mạn thuyền “Người bảo các ông: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá.” Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá. (Ga 21,6).

Luoi-Ca_12

Chài là cái lưới tung hình tròn có đường kính khoảng 15 bộ Anh với những vật nặng treo ở chân lưới và một sợi dây dài cột vào phần chính giữa của lưới. Có 2 loại chài, một loại có mắt lưới nhỏ dùng bắt cá mòi và một loại có mắt lưới to hơn dùng bắt cá lớn.

Luoi-Ca_13

Chài được tung ra với độ bung tròn rộng theo độ quét của cánh tay, phủ chụp xuống vùng nước cạn gần bờ nơi có thể nhìn thấy đàn cá lội.

Luoi-Ca_14

Chài được tung ra theo một cách để cho phần rìa lưới tức phần chân chài tạo nên cái đáy của một hình nón, phần chóp là phần trung tâm của cái chài được ngư dân nắm giữ trong tay. Phần lưới hình nón vây cá lùa vào bên trong. Khi sợi dây ở chóp chài được kéo lên, những vật nặng treo dưới chân chài kéo lưới túm lại làm cá bị mắc kẹt trong lưới.

Luoi-Ca_15Có khi người đánh cá phải nhảy xuống biển điều chỉnh lưới để có thể kéo lưới vào. Ông Phêrô có lẽ cũng đã nhảy xuống biển chỉnh lưới vừa quay lại thuyền. Khi biết Chúa Giêsu đứng trên bờ, ông vội mặc chiếc áo rồi lội vào bờ. “Ông Si-môn Phê-rô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần một trăm thước.” (Ga 21,7)

Luoi-Ca_16

Phương pháp thứ hai để sử dụng lưới bắt cá là lưới kéo hay lưới vây. Một cái lưới dài có thể được  kéo vây giữa một chiếc thuyền và một đầu lưới cố định ở bờ biển, hoặc ở những vùng nước sâu hơn, lưới cũng có thể được kéo bởi 2 chiếc thuyền.

Luoi-Ca_17

Lưới kéo có thể dài đến 1.000 bộ Anh (300m), phần lưới thả xuống theo chiều đứng có thể sâu đến 25 bộ Anh (8m) với phần dây kéo được gắn vào mỗi đầu lưới. Đây là hình chiếc lưới kéo hiện đại đang được sử dụng tại hồ Galilê ngày nay.

Luoi-Ca_18

Phao được gắn vào phần trên của lưới giúp cho nó nổi trên mặt nước, trong khi phần dưới của lưới được gắn vật nặng giúp kéo nó chìm xuống. Trong một cái lưới có thể gồm 3 lớp. Hai lớp lưới ngoài cùng có mắt lưới rộng để cá có thể dễ dàng bơi vào, nhưng giữa 2 lớp lưới này là một lớp lưới có mắt lưới khít hơn, có vai trò như một cái bẫy làm cá mắc dính lại.

Luoi-Ca_19

Có khả năng là Simon Phêrô và Anrê ở trên một chiếc thuyền, cùng làm việc với Giacôbê và Gioan trên một chiếc thuyền khác để giăng một cái lưới dài giữa hai chiếc thuyền. Sau đó, hai chiếc thuyền sẽ chèo theo hai hướng để lưới vây lấy một khoảng tròn, đến khi 2 chiếc thuyền gặp nhau, lưới được kéo lên.

Luoi-Ca_20

Đôi khi lưới có cá bị vây bên trong được đưa vào vùng nước cạn trước khi được kéo lên. Theo chuyện kể trong  Kinh Thánh, các tông đồ đã dùng cách này để bắt cá (Mt 4,18 ; Mc 1,16 ; Lc 5,2-10 ; Ga 21,3-11). “Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy ông Si-môn với người anh là ông An-rê, đang quăng lưới xuống biển, vì họ làm nghề đánh cá” (Mc 1,16)

Luoi-Ca_21Lưới kéo hay lưới vây còn có thể sử dụng theo cách cho một nhóm ngư dân ở trong bờ giữ một đầu lưới trong khi nhóm khác  chèo thuyền đưa lưới ra biển. Thuyền được chèo vòng trở lại bờ để lưới tạo thành một cái bẫy nhốt cá kẹt bên trong. Rồi lưới sẽ được kéo lên từ phía trong bờ.

Luoi-Ca_22

Ngư dân phải thường xuyên vá lưới. Simon Phêrô, Anrê, Giacôbê và Gioan cũng đang ở trên bờ biển vá lưới khi Chúa Giêsu tìm ra họ và gọi họ đi theo Người làm tông đồ. “Đi một quãng nữa, Người thấy hai anh em khác con ông Dê-bê-đê, là ông Gia-cô-bê và người em là ông Gio-an. Hai ông này đang cùng với cha là ông Dê-bê-đê vá lưới ở trong thuyền.” (Mt 4,21)

Luoi-Ca_23

Việc đánh cá thường được làm vào ban đêm, đôi khi ngọn đuốc cháy sáng được dùng để thu hút đàn cá về hướng chiếc thuyền. Ngư dân còn dậm chân và khua mái chèo để tạo ra càng nhiều tiếng động càng tốt. Tại sao vậy? Vì ngư dân đã thả lưới ở vùng nước mà họ đoán khi cá hoảng sợ vì tiếng động sẽ đâm đầu bơi thẳng vào bẫy. “Ông Simon đáp: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả.” (Lc 5,5)

Luoi-Ca_25

Nướng cá trên ngọn lửa là cách thông dụng để làm chín cá, Chúa Giêsu sau khi từ cõi chết sống lại đã dùng cách này để làm bữa sáng cho các tông đồ. “Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa. Đức Giê-su bảo các ông: “Đem ít cá mới bắt được tới đây! “ (Ga 21,9).

Scarlett Le | Tam Le