Bản sao 3D giống như Chúa Giêsu thật được phục dựng dựa vào tấm khăn liệm Turin

1750

Scarlett Le
Lucandrea Massaro | Mar 28, 2018

Giáo sư Giulio Fanti thuộc Đại học Padua cho biết: “Chúng tôi tin rằng chúng ta có được hình ảnh chính xác Chúa Giêsu trông như thế nào khi Ngài còn trên thế gian này”.

“Bức tượng này là sự thể hiện theo không gian ba chiều kích thước thực sự của Người nằm trong Tấm khăn liệm, được tạo ra theo các phép đo, tính toán chính xác căn cứ từ tấm vải bao bọc thân thể Chúa Kitô sau khi bị đóng đinh trên thập tự giá.” Giulio Fanti giải thích, ông là giáo sư chuyên ngành cơ khí và đo lường nhiệt tại Đại học Padua, người đã nghiên cứu Tấm khăn liệm. Dựa trên các phép đo của mình, giáo sư tuyên bố đã tạo ra một “bản sao giống như thật” trong không gian ba chiều, cho phép ông khẳng định đây là những đặc điểm thực sự của Chúa Kitô bị đóng đinh.

Images: YouTube/TgPadovaTelenuovo

“Vì vậy, chúng tôi tin tưởng rằng cuối cùng chúng ta cũng có được hình ảnh chính xác Chúa Giêsu trông như thế nào  trên thế gian này. Từ nay về sau, người ta có thể sẽ không còn mô tả Chúa mà không xem xét đến công trình nghiên cứu này.” Giáo sư cho phép tờ tuần san Chi được độc quyền đưa tin về công trình nghiên cứu của ông, trong đó ông còn tiết lộ thêm: “Theo nghiên cứu của chúng tôi, Chúa Giêsu là một người đàn ông có nét đẹp vô cùng đặc biệt, tay chân dài, rất cường tráng, cao khoảng 5 feet 11 inch, trong khi chiều cao trung bình của người vào thời điểm đó chỉ khoảng 5 feet 5 inch. Người có dáng vẻ uy nghi và tôn quý.” (theo Vatican Insider)

Qua nghiên cứu và phép chiếu hình không gian ba chiều, giáo sư Fanti có thể đếm được vô số vết thương trên cơ thể người đàn ông nằm trong Tấm khăn liệm. Giáo sư giải thích: “Trên Tấm khăn liệm, tôi đã đếm được 370 vết thương bị đánh bằng roi, không kể đến những vết thương ở hai bên mạn sườn không in lại dấu lên khăn liệm vì khăn liệm gói xác, chỉ tiếp xúc nhiều với thân thể ở phần phía sau lưng và phía trước ngực.  Vì thế, chúng tôi giả thuyết có tổng cộng ít nhất 600 cú đánh. Hơn nữa, việc tái thiết hình ảnh không gian ba chiều giúp phát hiện vào thời điểm trước lúc chết, người đàn ông trong Tấm vải liệm nghiêng lệch xuống dưới ở phía bên phải, bởi vì vai phải của ông bị trật khớp quá nghiêm trọng làm tổn thương dây thần kinh.”

Vẫn còn nguyên nhiều nghi vấn xung quanh bí ẩn của Tấm khăn liệm; nhưng chắc chắn bên trong khăn là một người đàn ông chịu nhiều nhục hình, chúng ta không chỉ nhìn thấy những dấu hiệu chịu đựng đau đớn, qua đó chúng ta như tìm thấy một phần của chính mình, mà còn nhìn thấy bằng đôi mắt của đức tin – hy vọng rằng người đàn ông này không chỉ là một người bình thường nào đó, mà “Nầy là Người”, Người đã xuất hiện một cách phục tùng trước Pilate, sau khi bị tra tấn khủng khiếp bằng đòn roi, Người đã bị đóng đinh trên thập tự giá như một người vô tội; không phải vô tội mà là tự gánh lấy tội lỗi của cả nhân loại.

Không ai bắt buộc chúng ta phải đặt niềm tin vào Tấm khăn liệm, ngay cả đối với Kitô hữu. Sự khác thường của mảnh vải liệm vẫn còn đó như thách thức sự hiểu biết, sư xác nhận chắc chắn của chúng ta, như một Jesus thành Nazareth, người thách thức sự xác nhận của chúng ta bằng cách yêu thương những kẻ bắt bớ tra tấn mình, từ trên thập tự giá, Người đã tha thứ cho họ và đã chiến thắng sự chết, 2.000 năm trước…

 

Scarlett Le