“Ai ngắt đóa quỳnh hương dưới trăng” | Chuyện phiếm Đạo/Đời

1238

Chuyện Phiếm đọc trong tuần 34 Thường niên năm B 25-11-2018

“Ai ngắt đóa quỳnh hương dưới trăng”

“Đêm lắng mơ hồ tai gió nghe, dạt về
Tiếng mưa buồn rơi có khi, tình cờ
Giữa dòng trí nhớ.”
(Hoàng Quốc Bảo – Tango xanh)

(Tv 94: 17)

Tango Xanh” hôm ấy, lại thấy đóa quỳnh hương bị ngắt dưới trăng. Thế còn, Tango vàng/đỏ dẫu có bị ngắt nhiều đoạn cách nào đi nữa, lại cũng tương-tự lời ca còn hát mãi, như sau:  

“Đời vắng mấy cung nguyệt cầm cũng chẳng ai hay.
Đời cách xa bao ngày vui, thơ ấu
Rồi…
Ai cười ai giữa đêm mùa trăng long lanh
Ai cười vỡ tiếng đàn trầm mỏng manh…
Rừng lá khua bốn mùa
Đời gió đi không về … tựa đời ta
Quê hương biếc xanh là nhớ
Trăng khuya rớt xô hiên nhà.
Mênh mang tiếng thơ chuông ngày cũ ,
Ai qua áo bay (bước chân) cơ hồ
Ngỡ là mơ……! 

 

Ai ngắt đóa quỳnh hương dưới trăng
Đêm lắng mơ hồ tai gió nghe, dạt về
Tiếng mưa buồn rơi có khi, tình cờ
Giữa dòng trí nhớ.
Đời vắng mấy cung nguyệt cầm
cũng chẳng ai hay.
Đời cách xa bao ngày vui, thơ ấu
Rồi…
Ai cười ai giữa
đêm mùa trăng long lanh
Ai cười vỡ tiếng đàn trầm mỏng manh…
Rừng lá khua bốn mùa
Đời gió đi không về … tựa đời ta
Quê hương biếc xanh là nhớ
Trăng khuya rớt xô hiên nhà
Mênh mang tiếng thơ chuông ngày cũ
Ai qua áo bay (bước chân) cơ hồ
Ngỡ là mơ……!”
(Hoàng Quốc Bảo – bđd)

Vâng. Văn thơ, nhạc tình có là giòng chảy mạnh/nhẹ thế nào đi nữa, thì người nghệ sĩ lại vẫn biểu-lộ qua văn hoa, trữ tình rất thần sầu. Còn, nhà Đạo khi bàn về cõi đời đi Đạo cũng thấy khó mà dùng ảnh/hình cho hợp với lẽ đạo.

Vâng. Nhà Đạo bàn về thần-học tu-đức, tức: học hỏi về đấng bậc thần thiêng thánh hóa trên thiên quốc, vẫn thấy những điều mà người viết hôm nay, ở đây hay ở đó, có nhận-định đích-xác như sau:

“Chúa mà chẳng thương phù trợ,
thì hồn tôi đã vào chốn thinh lặng ngàn thu.”
(Tv 94: 17)

Chốn thinh-lặng ngàn thu” ấy, nay là chốn vắng êm đềm để nguyện-cầu như đấng thánh hiền từng khuyên bảo:

“Còn anh em, khi cầu nguyện,
hãy vào phòng, đóng cửa lại,
và cầu nguyện cùng Cha của anh em,
Đấng hiện diện nơi kín đáo.
Và Cha của anh em,
Đấng thấu suốt những gì kín đáo,
sẽ trả lại cho anh em.”
(Mt 6: 6)

Xem thế thì, lặng thinh chốn vắng êm đềm nhà Đạo không chỉ là chốn thinh-lặng để nguyện cầu hoặc để làm những việc cần thiết cho mình và cho người. Nghĩ thế rồi, nay mời/bạn mời tôi, ta nghe thêm xác-quyết của đấng bậc nổi-cộm ở Sydney từng giải đáp các thắc-mắc, như bên dưới:

“Có người bạn rất thân từng nói với tôi rằng: một trong các đấng bậc được Đức Phanxicô tấn phong thành bậc hiển thánh hôm 14 tháng 10 năm 2018 trong những ngày có Thượng Hội Đồng Giám Mục ở Rôma bàn về giới trẻ, lại là một thiếu niên ở độ tuổi “tin” (tức “teenagers”) qua đời hồi còn khá trẻ. Bạn ấy là ai, xin Cha cho biết thêm chi tiết.” (Một người từng hỏi và hỏi).

Và cứ có người hỏi là đấng bậc nhà mình lại xung phong đáp trả bằng những lời sau đây:

“Đúng thế. Vị thánh trẻ vừa được Đức Phanxicô tấn phong thành bậc hiển-thánh có tên là: Nunzio Sulprizio, một thanh niên người Ý sinh tại Pescosansonesco, tỉnh Pescara hồi tháng Tư năm 1817. Khi mới lên 3, thân phụ em đã qua đời và em gái của em sau đó vài tháng cũng theo chân người cha ruột về với Chúa. Hai năm sau, mẹ của em thành gia-thất với người cha ghẻ có tuổi đời khá cao từng đối xử với em Nunzio một cách quá quắt. Khi ấy, Nuxzio về với mẹ và gần gũi bà ngoại em hơn bao giờ hết.

Kịp đến tuổi đi học ở trường địa phương, tại đó em bắt đầu tập đọc và tập viết cũng rất hăng. Thời thơ ấu, em vẫn đi nhà thờ dự thánh lễ đều đặn và đã biết yêu thương Đức Giêsu cùng bậc thánh hiền là những vị mà em hết lòng muốn bắt chước.      

Một tháng trước ngày sinh thứ sáu của mình, Nunzio lại mất mẹ nên em đành phải về sống với bà ngoại là người có niềm tin rất mạnh mẽ đã đưa em đến nhà thờ dự thánh lễ rất đều đặn. Nhưng, bà ngoại lại cũng theo chân người thân đi về nhà Cha lúc Nuzio chỉ mới lên 9.

Lúc này thì Nunzio lại phải về sống với cậu ruội là người đưa em đến lò rèn để học việc nhưng ông lại đối xử với Nunzio rất tàn tệ bắt em làm việc nhiều giờ trong điều kiện thời tiết giá băng hoặc nóng khủng khiếp và còn buộc em phải khiêng đồ nặng đem giao cho khách ngoài sức chịu đựng của con trẻ.

Vốn là người khai-thác sức lao-động một cách triệt-để, người cậu này không cho phép Nunzio đến trường học-hành gì hết, đôi khi còn bắt em đi giao hàng đến vùng sâu vùng xa mà chẳng cho em thức ăn đi đường làm thực-phẩm. Đàng khác, ông còn la mắng/chửi rủa em đến thậm tệ mỗi khi phật ý bất cứ chuyện gì. Lúc ấy, Nunzio đành phải tìm cách ẩn náu phía sau Nhà Tạm chính là nơi em được tiếp xúc với Đức Giêsu như người bạn tri kỷ.

Cộng với cung cách hành-xử bất nhân như thế, kịp đến khi em tròn 14 tuổi, Nunzio mắc phải căn bệnh ngặt nghèo khi bị ông cậu bắt em phải làm một số công việc vặt vãnh bên ngoài trời đông lạnh để rồi chiều tối hôm ấy chân em bị sưng tấy lên vì phù thủng. Dù vậy, em vẫn không cho người cậu biết rõ sự thể cho đến sáng ngày hôm sau em không còn sức đứng vững được nữa, nhưng ông cậu vẫn chẳng bận tâm về sự đau đớn này.

Do đôi chân bị sưng vù phù thủng, Nunzio bèn phải chạy ra giòng suối gần làng mà rửa cho sạch vết mưng, rồi cứ thế em lần chuỗi Mân Côi xin Đức Mẹ cầu bàu cho mau khỏi. Và ít lâu sau đó, em buộc phải nhập-viện mới phát giác ra là mình bị chứng hoại-tử nơi chân. Em cắn răng chịu đựng cơn đau điếng và phó dâng mọi sự cho Chúa.

Vào những lần cơn đau lên quá mức chịu đựng, người trẻ Nunzio cũng biết thưa thốt sự việc với nhiều người rằng: “Đức Giêsu từng đau đớn cam lòng chịu đựng vì con người chúng ta nhờ công-trạng của Ngài nên ta sẽ chờ đợi sự sống vĩnh cửu. Giả như chúng ta có chịu đau một chút ít, ta cũng sẽ nếm mùi hạnh-phúc chốn thiên-đường.” Hoặc:

– Đức Giêsu từng đau khổ nhiều vì tôi, nên tại sao tôi lại không chịu đau chịu cực vì Ngài?

– Tôi những muốn chết đi để cứu rỗi dù chỉ một linh hồn cũng đủ.

Và, khi có người hỏi: Ai là người lo lắng chăm sóc em, thì Nunzio bèn nhanh chóng trả lời:

– Có Chúa quan phòng mọi sự, em chẳng muốn gì hơn.

Trong lúc ở bệnh viện, Nunzio có gặp một người chú họ muốn giới thiệu em với một vị đại tá trong quân-đội để nhờ ông coi ngó em như cha đẻ và chấp-nhận trang-trải mọi tổn-phí thuốc men cùng việc chữa trị. Năm 1835, khi Nunzio được 18 tuổi, các bác sĩ đành phải quyết định cắt cụt ống chân của em, nhưng cơn đau vẫn tiếp-tục hành hạ, không suy giảm chút nào.

Sức khỏe của Nunzio cứ thế tiều tụy dần và cơn sốt vẫn cứ gia-tăng, nhưng Nunzio lại vẫn phó mặc mọi sự trong tay Chúa, biết rõ giây phút cuối đời đã gần kề. Anh yêu cầu các đấng ban cho mình một cây thập-tự và đã lãnh-nhận các phép bí tích trước khi phó dâng linh-hồn mình trong tay Chúa, vào tháng Năm 1836 hưởng dương 19 tuổi. Anh chết vì ung-thư xương. Một trong những việc cuối cùng anh nói với viên đại-tá đã trở-thành bạn chí thân rằng: “Hãy cứ vui lên đi anh bạn. Từ chốn thiên-đường, tôi sẽ hộ phù anh luôn mãi.”

Thế đó, là danh tiếng tên tuổi nổi cộm về sự thánh thiện của người trẻ tên Nunzio đã được coi là thân thế/sự nghiệp để được phong chân phước được mở ra năm 1843, tức chỉ 7 năm sau khi anh qua đời. Năm 1891, Đức Giáo Hoàng Lêô 13 đã chấp-thuận ký sắc lệnh về các nhân-đức anh-hùng của người trẻ và tuyên-bố Nunzio là ‘Tôi tớ Chúa’ và đề-nghị anh làm quan thày gương mẫu cho bậc thợ thuyền. 

Tháng 12 năm 1963, Đức Giáo Hoàng Phaolô đệ Lục đã phong á thánh cho anh. Tháng 10 năm 2018 vừa qua, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cùng lúc phong thánh cho Đức Phaolô Đệ Lục và Nunzio Sulprizio. Ngoài ra, trong buổi phong thánh hôm ấy, Đức Phanxicô đã gọi Nunzio là đấng thánh can đảm, một người trẻ khiêm tốn từng giáp mặt với Đức Giêsu trong cơn khổ đau kéo dài, trong thinh lặng và trong việc phó thác toàn thân cho Chúa.”

Trong buổi phong á thánh hôm ấy, Đức thánh Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục có nói: Nunzio Sulprizio sẽ nói cho mọi người chúng ta biết rằng ta không nên coi thời trẻ như tuổi tự do đam mê, sa ngã không tránh khỏi hoặc thời thử thách khó vượt qua hoặc cơn suy đồi khủng hoảng, cũng chẳng là thời kỳ ích kỷ đầy tệ hại. Đúng hơn ngài sẽ kể cho ta biết tuổi trẻ còn là ân-huệ Chúa ban… Ngài sẽ chỉ cho ta biết, hỡi các bạn trẻ, không có tuổi nào khác ngoài tuổi trẻ của các bạn lại thích hợp với lý-tưởng cao cả, với đặc-trưng anh-hùng cao-thượng luôn dính liền với các đòi hỏi về tư-tưởng và hành động.

Thánh Nunzio sẽ dạy cho các bạn biết cách phục-hưng thế-giới trong đó Chúa quan phòng sẽ gọi các bạn đi vào đó để sống. Thế nên, cũng tùy các bạn có biết cống hiến chính mình cho việc cứu rỗi xã hội đang cần đến các linh hồn mạnh mẽ, không sợ hãi điều gì. Thánh Nunzio sẽ dạy cho các bạn biết rằng lời lẽ cao cả của Đức Kitô là: sự hy sinh hãm mình, là thập giá để cứu rỗi chính mình và cứu độ thế giới. Lớp trẻ là những người hiểu biết ơn gọi cao cả này, hơn ai hết.” (X. Lm John Flader, Pain became youth’s path, The Catholic Weekly 11/11/2018 tr. 21)

Xem thế thì, lớp người trẻ đầy sức sống hoặc đám cao niên đang ngày càng lão-hóa rất nhiều thứ, cuộc đời vẫn cần nhiều hỗ trợ từ các đấng bậc hiền lành ở mọi nơi, mọi thời, rất thông thoáng. Trẻ hay già, vẫn là lớp người mạnh mẽ sẽ đứng lên lập lại trật tự thế-giới như nhân-loại đòi hỏi và mong đợi.

Thế đó, là yêu cầu và là mong đợi của mọi người, rất hôm nay. Nhằm hỗ trợ nhận-định này trên thực tế, cũng nên đi vào vùng trời truyện kể có các câu truyện dân gian nhiều kể lể làm đoạn kết như sau:

“Truyện rằng,
Suốt năm qua, Dan Andy đau khổ và bất lực nhìn vợ bị một chứng bệnh kỳ lạ dày vò: Betty luôn luôn sợ hãi khi đi tới nơi nào trống trải hoặc đông người. 

Bác sĩ bảo đó là chứng sợ bãi rộng và môi trường lạ. Do bệnh tật, Betty phải nghỉ việc, chỉ ở nhà làm một số việc nhẹ. Tuy thế, bệnh tình không vì vậy mà chuyển biến tốt. Thậm chí có hôm chị phát bệnh ngay khi đang mua sắm ở siêu thị. Đi đâu chị cũng phải có chồng kèm bên, nếu không thì chẳng dám ra khỏi nhà.

Một hôm Dan nhận được điện thoại của anh bạn, hỏi xem Dan có cần nuôi một chú lợn làm cảnh không: 

– Con lợn này tên là Rode, 4 tháng tuổi, thông minh hơn bất cứ con chó nào. Nó thích sống với người. Nếu Betty có con Rode bên cạnh, chắc hẳn cô ấy và nó sẽ trở thành đôi bạn thân đấy!

Betty đứng bên cạnh nghe được câu chuyện điện thoại ấy, chị nhìn Dan nguây nguẩy lắc đầu. Dan khuyên vợ: 

– Em thử nghĩ xem, có lẽ một con vật đặc biệt đáng yêu sẽ giúp em được gì chăng ? 

Betty nhớ lại một cuốn sách tâm lý học chị từng đọc nói rằng một số loài vật có thể giúp con người vượt qua các trục trặc về tâm lý. 

– Một con lợn sao lại có thể giúp làm em bớt căng thẳng được nhỉ? Nhưng nếu chúng mình không thích nó nữa thì chắc là bà con nông dân sẽ vui lòng nhận nuôi nó đấy, chị nói.

Con lợn được chở đến ngay. Trông nó hãy còn nhỏ, nặng chừng 10 cân, vẻ mặt rất nghịch ngợm, cứ như một thùng nước có 4 cái cọc thòi ra ấy. Dan không nhịn được cười. 

– Trông cái mũi nó kìa, chắc là chạy nhanh quá đâm vào tường nên mới bẹt dí thế. Dan nhìn vợ vui vẻ nói. Betty không tỏ thái độ gì, chỉ lạnh nhạt bảo:  

– Ôi dào, lèo tèo vài sợi lông, có lẽ lông cái bàn chải của em còn nhiều hơn nó đấy. 

Dan mở cái cũi nhốt con lợn. Rode vẫy đuôi chạy ra. Nó liếc nhìn xung quanh một tý rồi chạy tới chỗ Betty. Chị ngạc nhiên ngồi thụp xuống ngắm kỹ chú lợn con. Rode tiến lại, giơ hai chân trước lên và áp đầu vào lưng Betty, rồi lấy mũi hôn lên mặt chị. Betty bất giác cười thành tiếng. Đã lâu lắm chị không cười rồi. 

Sau đấy chú lợn con bắt đầu bận rộn chạy đi chạy lại khắp mọi chỗ, ra vẻ như đi tuần tra lãnh địa của mình. Chạy chán rồi nó nằm bệt dưới sàn nhà nhìn Betty tỏ ý xin ăn. Khi Dan bế nó lên đặt trên đùi mình, chú ỉn con thân thiết thè cái lưỡi ra liếm bộ râu của anh. 

Rode rất ngoan. Mỗi khi nghe thấy Dan hoặc Betty huýt sáo, nó liền chạy ngay tới chỗ chủ nhân. Tối hôm ấy, khi Betty và Dan chuẩn bị lên gác đi ngủ, Rode bám theo sau cũng muốn lên gác, nhưng cái bụng bự của nó quá to nên dù đã cố hết sức, Rode vẫn không thể leo lên cầu thang được. Betty kê một cái giường trong bếp cho nó nằm rồi vỗ vỗ nó:

– Thế này được rồi ! Chào chú mày nhé!

Betty mọi hôm đều thấp thỏm sợ một ngày mới, thế mà sáng nay khi ngủ dậy chị bỗng dưng vội ra khỏi giường chạy xuống bếp xem con vật cưng của mình. Nghe thấy tiếng chân bà chủ, Rode lập tức chạy ra đón. Nó cứ cọ cọ mãi cái mũi của mình vào chân Betty khiến chị cảm thấy khoan khoái chẳng khác gì được xoa bóp. Từ hôm ấy trở đi, trò xoa bóp trở thành tiết mục thường xuyên hàng ngày mỗi sáng khi Betty và Rode gặp nhau. Chị cảm thấy mình như đắm chìm trong cảm giác khoan khoái do sự “xoa bóp” ấy đem lại. Ăn sáng xong, Rode theo Betty đi vào phòng làm việc của chị. Nó lặng lẽ duỗi người ra nằm sấp bên cạnh bàn. Khi nào Betty cảm thấy thần kinh căng thẳng, chị lại nghỉ tay bế Rode lên, thì thầm vài câu với nó, nhờ thế cảm giác bình tĩnh nhanh chóng trở lại với chị. 

Rode nhanh chóng hòa nhập với cái gia đình nhỏ này, trở thành một thành viên trong nhà. Dan mua cho nó một cái giường mới, kê ngay cạnh giường Betty. Chú ỉn con nhìn thấy giường mới của mình bèn nghĩ cách “cải tạo”: nó cắn rách chiếc gối dạ hoa Scotland, lôi các vật lót trong gối ra rồi khoái trá nằm lên đống lót mềm ấy. 

Một buổi tối, Dan và Betty kê ghế ngồi xem truyền hình. Con Rode cũng dùng mũi đẩy một chiếc ghế đến bên họ, chễm chệ ngồi lên đó xem truyền hình, dường như nó muốn nói:  

– Ê kìa, chớ có quên cháu đấy nhé! Nó rất chăm chú xem, mỗi khi thấy người trên màn hình chuyển động, đầu nó cũng lắc lư theo. 

Rode không thích tiếng động lớn, nhất là tiếng chuông điện thoại. Cu cậu khám phá ra một điều là mỗi khi Betty cầm lấy ống nghe thì chuông hết kêu. Thế là mỗi khi Betty không có mặt mà nghe thấy chuông điện thoại kêu thì Rode bèn lấy mõm giằng lấy dây điện thoại, ống nghe bị nó lôi xuống nằm chỏng chơ trên sàn, còn nó thì liên tục kêu ư ử vào cái ống nghe ấy. 

Hôm ấy có một vị khách đến thăm Betty, thấy chú lợn con, ông ta thích quá. Từ đó trở đi hàng xóm láng giềng ai cũng biết nhà Betty có một con vật cưng rất hay, mỗi lần có dịp đi qua nhà chị, bao giờ họ cũng ghé vào xem con Rode. Để tiện gọi hơn, lũ trẻ con hàng xóm gọi chú ỉn ấy bằng một cái tên mới là Pick. Chẳng bao lâu ai cũng biết cái tên này. 

Người ta thường kéo đến nhà Betty để xem con Pick. Mới đầu thấy mọi người túm năm tụm ba ở nhà mình, Betty có chút căng thẳng, nhưng khi biết họ đến chỉ để xem con Pick, chị dần dần bớt cảm giác ấy, lâu ngày lại còn thích có nhiều người đến nhà mình nữa. Dan bảo vợ: 

– Bây giờ anh cảm thấy mỗi lần về nhà thật là vui. Gặp em, câu đầu tiên em hỏi anh là ‘Anh thử đoán xem hôm nay con Pick làm những trò gì không nào? Chúng mình luôn luôn nói về con Pick, cười cười nói nói thật là vui. Anh có cảm tưởng như chúng ta đang trở lại cái thời mới cưới ấy.

– Đúng thế! Betty nói:

– Anh biết con Pick hôm nay làm gì không nào? Suýt nữa thì em hết dở vì nó đấy. 

Thì ra mọi khi Pick ta rất thích bám theo chân bà chủ ra ra vào vào, nó trông thấy Betty lúc thì mở cửa, lúc thì đóng cửa. Sáng nay, Betty ra khỏi phòng mà Pick không đi theo, nó bắt chước tự đóng cửa lấy. Thế là cửa bị khóa ở trong. May sao Betty có mang theo chìa khóa nên mới không xảy ra rắc rối. 

Từ hôm ấy trở đi, Betty ngày càng thấy con Pick này đúng là chuyên gia siêu hạng về khoản bắt chước. Nó có thể nhanh chóng học được mọi động tác của bà chủ. Betty lắc đầu, nó cũng lắc đầu theo. Betty xoay người, nó cũng xoay theo. Thế là chị bắt đầu dạy nó học một số động tác mà chỉ những con chó thông minh nhất mới học được. 

Có Pick bên mình, Betty bắt đầu tìm lại con người đích thực của chị. Ông bố Betty thấy con Pick cũng rất thích, nhiều lần ông khuyên con gái mang Pick đến cuộc họp mặt của những người cao tuổi trong khu phố để giúp các cụ ông cụ bà được vui vẻ khuây khỏa. 

Một buổi tối, Dan về nhà mang theo một chiếc xe nôi. Betty hỏi: “Anh định làm gì thế? … À, em hiểu rồi: một chiếc xe đẩy dành cho chú ỉn con. Anh định dùng xe này để đưa con Pick đi dự cuộc gặp của những người cao tuổi chứ gì!” 

Được người nhà khuyến khích động viên, rốt cuộc Betty quyết tâm đem con Pick đi dự cuộc gặp mặt của chi hội người cao tuổi khu phố. Khi ngồi trên xe taxi, chị cảm thấy mình căng thẳng quá, thậm chí có chút run run. Con Pick ấp người nó vào chị. Betty nhè nhẹ vuốt ve nó, dần dà tâm trạng chị trở lại bình tĩnh.  

Lúc xuống taxi, chị đặt con Pick lên xe nôi rồi đẩy nó vào hội trường. Dọc đường, các ông bà già ai cũng hỏi:  

– Cái gì ở trong xe thế? Vào đến nơi, Betty đặt con Pick xuống, nó lập tức chạy tới một bà cao tuổi nhất và cọ cọ mũi lên mặt bà. Những người khác xúm lại xem chú lợn con. Ai nấy vừa cười vui vừa trêu nó. Họ hỏi Betty nhiều câu. Lúc mới đầu chị còn có chút do dự khi trả lời, về sau càng nói chị càng hưng phấn.

Chị bảo: 

– Thật ra, con lợn này ngoan hơn chó. Nó rất ưa sạch sẽ, nó thích nhất tắm đấy ạ! 

Để chứng minh điều đó, chị gọi con Pick và bảo nó rằng nó là một chú lợn rất đẹp. Nghe thế, Pick ta lắc lư mình chạy tới, ra vẻ tự hào lắm. Lúc đó, Betty lại trách nó trông nhếch nhác quá. Thế là nó xấu hổ cúi đầu xuống; rồi để tỏ ý thành thật, nó còn lè lưỡi ra. Mọi người thấy thế đều ôm bụng cười. 

Sau lần ấy, Betty quyết định đưa con Pick đến thăm viện dưỡng lão gần nhà để góp vui cho nhiều cụ già hơn. Chị đẩy chiếc xe nôi chở con Pick đến thăm từng nhà. Tại nhà nọ, chị trông thấy một bà già gục đầu ngồi trên xe lăn, chăm chăm nhìn hai bàn tay mình không nói năng gì. Khi con Pick hiện ra trước mắt, bà bỗng dưng ngửng đầu lên, khuôn mặt nở một nụ cười. Bà giơ tay đan chéo trước ngực, hỏi:  

– Gì thế?”

Betty hỏi lại: 

– Thưa bà, bà có muốn ôm nó không ạ? Chị y tá bảo: 

– Bà ấy từ ngày chồng chết đến giờ chưa nói một câu nào, chưa cười một lần nào, chẳng quan tâm đến bất cứ cái gì cả.  

Betty bế con Pick đưa cho bà. Nó ngoan ngoãn ngồi trên đùi bà, lim dim mắt, nhếch cái miệng, dường như mỉm cười với bà lão. 

Từ hôm ấy trở đi, mỗi lần Betty và Pick vừa đến cổng nhà dưỡng lão đã có người reo lên: “Con Pick đến đây kìa!” Rồi mọi người nhao nhao chạy ra để xem chú ỉn con láu lỉnh. 

Sau mỗi lần đi thăm những người già không nơi nương tựa ấy trở về, Betty đều cảm thấy bệnh tình của mình thuyên giảm một chút. Chị bảo Dan:  

– Trước kia em rất hận mình, nhưng bây giờ em bắt đầu cảm ơn mỗi một ngày Thượng Đế ban tặng cho em; mà tất cả những cái đó đều là nhờ có Pick. 

Nhờ có con Pick mà cả thị trấn đều biết Dan và Betty. Có lần hai vợ chồng chị đang mua sắm ở siêu thị, mấy đứa trẻ tinh nghịch reo lên:  

– Ô, bố và mẹ của chú lợn con cũng đang ở đây kìa! 

Nghe thấy thế, Dan và Betty ngượng nghịu vẫy tay chào lũ trẻ.

Có người hỏi Dan: 

– Vậy rốt cuộc con Pick là gì thế nhỉ? 

Dan nói: 

– Đối với chúng tôi, nó là một con lợn. Nhưng Pick thì lại nghĩ nó là một con người. 

Có lần Dan còn dẫn một câu nói của văn hào kiêm cựu Thủ tướng Anh Churchill: 

– Chó bao giờ cũng nhìn chúng ta từ dưới lên. Mèo nhìn chúng ta từ trên xuống. Còn loài lợn thì nhìn chúng ta với con mắt bình đẳng. Nếu lúc ấy có con Pick ở bên thì nó nhất định sẽ liên tục kêu ư ử, như để xác nhận câu nói ấy là đúng.”  (Nguồn: Reader’s Digest (Mỹ) Nguyễn Hải Hoành dịch qua bản Trung văn của Haiwai Wenzhai) 

Trần Ngọc Mười Hai
Vẫn cứ trông mong đợi chở
hết mọi người
làm như thế.