Bài viết của Cha Stêphanô Huỳnh Trụ có sự đóng góp ý kiến và sửa lỗi của anh Tâm Thành và bà Bernadette Pauline Ngọc Tuyết.
_______
Vào Lúc 20 giờ 12 ngày 13 tháng 3 năm 2013 (giờ Rôma), Đức Hồng y Jean Louis Tauran tuyên bố: “Annuntio vobis gaudium magnum: Habemus Papam! Eminentissimum ac reverendissimum dominum, dominum Jorge Mario, Sanctæ Romanæ Ecclesiæ Cardinalem Bergoglio, qui sibi nomen imposuit Franciscum.” (Tôi thông báo cho anh chị em một niềm vui lớn lao: Chúng ta đã có một vị giáo tông! Người khả kính và đáng tôn trọng của Thiên Chúa, Hồng y của Hội Thánh Rôma, Jorge Mario Bergoglio, ngài sẽ gọi mình là Phanxicô). Đa số các bản tin tiếng Việt đều dịch “nomen pontificale” là tên gọi, tông hiệu… Vậy nomen pontificale phải dịch thế nào?
1. Nghĩa của nomen pontificale.
(Tiếng Anh: The pontifical name).
1.1. Nomen: (dt.) Một chữ, từ hay nhóm chữ dùng để gọi người, nơi chốn, hay sự vật, tên gọi.
1.2. Pontificalis: (tt.) Thuộc về Chúa, thuộc về đức giáo tông, thuộc về giám mục hay thượng tế.
1.3. Nomen pontificale: Còn gọi là nomen papa (Tiếng Anh: papal name) Thường người ta chỉ dịch là tên gọi của đức giáo tông, cũng có người dùng tông hiệu.
1.4. Tông hiệu là danh xưng mới gắn với chức vụ giáo tông trong nhiệm kỳ của ngài. Ở những thế kỷ đầu, sau khi nhậm chức, đức giáo tông vẫn dùng tên khai sinh của mình cho nhiệm kỳ giáo tông, sau này mới có việc chọn một tên khác. Vị đầu tiên thực hiện việc này là Đức Giáo tông Gioan II vào năm 533. Tên khai sinh của ngài là Mercurius (sao Thuỷ), là tên của vị thần ngoại giáo, nên ngài đổi tên này. Từ đó hình thành thói quen dùng tông hiệu. Vị cuối cùng dùng tên khai sinh của mình làm tông hiệu là Đức Giáo tông Marcellus II vào năm 1555. Thông thường, tông hiệu được chuyển sang tiếng địa phương. Ví dụ ĐTC Franciscus (Latinh) tiếng Ý là Francesco, tiếng Tây Ban Nha là Francisco, tiếng Pháp là François, tiếng Anh là Francis, tiếng Việt là Phanxicô, tiếng Hoa là Phương Tế Các[1]. Kể từ Đức Gioan XXIII, tông hiệu trở thành cách nhấn mạnh về đường hướng mục vụ ngài nhắm tới, mà không nhắm đến mục đích khác. Ví dụ Đức Giáo tông Phanxicô, Ngài sẽ ưu tiên lo cho người nghèo và bệnh tật. Một khi được bầu làm giáo tông, quyết định quan trọng đầu tiên của ngài là chọn tông hiệu, việc này đã trở thành truyền thống, mặc dù không có luật hay quy tắc yêu cầu một vị giáo tông chọn một tên khác làm tông hiệu. Sự lựa chọn này phản ảnh linh đạo cá nhân của ngài. Tông hiệu mới cũng cho thấy khuynh hướng thần học ngài muốn áp dụng trong nhiệm kỳ của ngài.
2. Nghĩa của tông hiệu.
2.1. Tông: có nhiều chữ Hán 縱(纵),宗,嵏,騣,騌(骔),鬆,鬉,鬃,淙,琮,嵕,悰,棕,椶,豵,鬷. Trong trường hợp này là chữ 宗, thuộc loại chữ hội ý, có bộ miên 宀 và chữ thị 示. Miên 宀 nghĩa là nhà, thị 示 nghĩa là thần, là tế tự tổ tiên trong nhà. Chữ này theo phiên thiết là tác 作 đông東, lấy âm “t” của chữ “tác” nối với âm “ông” của chữ “đông” nên phải đọc là tông. Vốn chữ này trước thời triều Nguyễn vẫn đọc là tông, sau vì kiêng huý vua Thiệu Trị (Nguyễn Phúc Miên Tông) mới đọc là tôn, vì vậy thuật từ nào có liên quan đến chữ này đều đọc là tôn, như: tôn giáo, nhưng lại nói tông đường. Tông hay tôn có những nghĩa sau đây: (dt.) (1) Tổ tiên: liệt tông; (2) Ông tổ, người sáng lập; (3) Trưởng tử: tông huynh; (4) Miếu thờ tổ tiên: tông miếu; (5) Họ hàng: đồng tông; (6) Căn bản, cái gốc, đáng làm mẫu: tông sư (người được người khác noi theo), nhất đại thi tông (nhà thơ giỏi nhất đương thời); (7) Nhóm theo cùng một thuyết: chính tông; tông giáo (chủ thuyết dạy lối phải tin tưởng và hành động: religion); (8) Họ Tông; (9) Danh hiệu của vua. (đt.) (10) Kính trọng; (11) Tôn sùng; (tt.) (12) Cùng họ với nhau; (13) Chủ yếu: tôn chỉ. (lgt.) (14) Từ giúp đếm (sự, món, kiện, vụ): nhất tông sự (một việc), đại tông hoá vật (số hàng lớn), án kiện tam tông (ba vụ án).
Nghĩa Nôm: Giống nòi qua các thế hệ: “Yêu nhau yêu cả đường đi; Ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng”.
2.2. Hiệu: có nhiều chữ Hán: 校,效,効,號(号),恔,斆,斅(敩),皎,顥,颢,傚, trong trường hợp này là chữ 號, nghĩa là: (dt.) (1) Tên: quốc hiệu; (2) Biệt danh: biệt hiệu (tên tự chọn); (3) Mệnh lệnh: hiệu lệnh; (4) Cơ sở làm ăn: phân hiệu (chi nhánh); (5) Cỡ: đại hiệu (cỡ lớn); (6) Dấu: ký hiệu; (7) Dấu trong toán học: gia hiệu (dấu cộng); (8) Số sắp theo thứ tự: điện thoại hiệu mã (số điện thoại); (9) Chủng, loại: giá hiệu nhân vật (loại người này); (10) Kèn lệnh: quân hiệu. (đt.) (11) Kêu gọi: hiệu triệu toàn dân (kêu gọi toàn dân); (12) Lệnh: phát hiệu; (13) Tuyên bố, khoe: hiệu xưng thiện hạ đệ nhất (tuyên bố nhất thế giới); (14) Gọi là: hiệu Trương Sở (gọi là Trương Sở); (15) Bắt mạch: hiệu mạch. (lgt.) (16) Người, lượt, chuyến: y sanh kim thiên dĩ khán liễu tam thập hiệu bệnh nhân (bác sĩ hôm nay đã khám được ba chục người bệnh).
Nghĩa Nôm: (1) Tiệm: hiệu buôn; (2) Ra dấu: làm hiệu.
Ngoài tên gọi đã có, đặt thêm tên thì gọi là hiệu, tức là biệt hiệu, biệt danh. Hiệu trên thực tế rất quan trọng, thời xưa những văn sĩ viết văn chỉ dùng hiệu, nếu không biết hiệu của họ, thì cũng không biết tác giả là ai. Thời Xuân Thu Chiến Quốc (770-221 TCN) bên Trung Quốc đã có hiệu, như Đào Uyên Minh[2], hiệu là Ngũ Liễu Tiên Sinh. Thi sĩ Tô Thức[3], có hiệu là Đông Ba, nhiều người chỉ gọi ông là Tô Đông Ba. Gọi bằng hiệu là tôn trọng người ta. Trong văn hoá xưa, trực tiếp gọi tên người là vô lễ, nên khi cần gọi, thì gọi bằng hiệu. Hiệu có khi phản ảnh tình hình thời đại, có khi thể hiện tình cảm của mình đối với đất nước hay nói lên ý chí của mình.
2.3. Tông hiệu: Tên mới gắn với chức vụ của giáo tông. Sau khi được bầu lên làm giáo tông, theo truyền thống, giáo tông sẽ có tên riêng khác với tên đã có sẵn, tiếng Latinh cũng chỉ dùng lại chữ nomen (Anh: name), tức là tên thôi. Trong tiếng Việt có thể dùng chữ hiệu, dùng chữ hiệu ở đây rất hay.
3. Kết luận.
Lựa chọn tông hiệu không chỉ là một quyết định mang tính truyền thống và lịch sử, mà còn có ý nghĩa biểu tượng. Theo truyền thống của Hội Thánh, tân giáo tông sẽ chọn một tông hiệu để thể hiện bản thân mình trong suốt quá trình lãnh đạo Giáo Hội. Truyền thống này đã được duy trì trong suốt nhiều thế kỷ qua, mặc dù không có điều luật hoặc quy định nào buộc đức giáo tông phải lựa chọn một tên gọi mới (tông hiệu).
Khi đức giáo tông có tông hiệu rồi, người ta sẽ gọi ngài bằng tông hiệu, để tỏ lòng tôn trọng, giống như tên hiệu của người xưa. Nên trong thuật từ Nomen pontificale chữ nomen dịch là hiệu thì rất đúng. Mà thuật từ Nomen pontificale cũng có người dịch là danh hiệu, thánh hiệu, như vậy thì không diễn tả được đặc thù của chức vụ giáo tông, nên thiết nghĩ, thuật từ tông hiệu là đúng nhất.
__________________________
[1] Franciscus: Người Hoa tại Trung Quốc, Hồng Kông và Việt Nam vẫn dịch là Phương Tế Các. Riêng tại Đài Loan dịch là Phương Tế, nên đương kim giáo tông được gọi là Giáo tông Phương Tế. Ngày 08/04/2013, Phủ Quốc Vụ Khanh Toà Thánh yêu cầu Hội đồng Giám mục Đài Loan phải thống nhất dịch là Giáo tông Phương Tế Các. Việc làm này rất hiếm thấy trong Hội Thánh, nhưng cho thấy tông hiệu rất quan trọng.
[2] Nhà thơ lớn Trung Quốc thời Đông Tấn (365 – 427).
[3] Văn hào và thi sĩ thời Bắc Tống (1037-1101).