Tại sao chúng ta nhắc tên Phongxiô Philatô trong Kinh Tin Kính trong Thánh Lễ?

1644
Public Domain

Philip Kosloski | 30 tháng Ba, 2019

Ông ta không phải là một “kẻ xấu” sao? Tại sao ông ta lại được nhắc đến mà không nhắc những người khác, chẳng hạn Giuđa Ítcariô?

Vào các ngày Chúa nhật và những lễ trọng đặc biệt theo lịch Giáo hội Công giáo, tín hữu đọc một Kinh với tên thường gọi là Nicene Creed (Kinh Tin Kính Nicêa). Trong các lời của Kinh Tin Kính này (cũng như trong Kinh Tin Kính các Tông đồ) những tên duy nhất được nhắc đến là Mẹ Maria Đồng trinh và Phongxiô Philatô. Kỳ cục, phải không các bạn?

Tại sao chỉ hai tên này được nhắc trong Kinh Tin Kính? Và đặc biệt, tại sao một “kẻ hung ác” lại được cho một vị trí nổi bật trong bản tóm tắt đức tin của Giáo hội như vậy?

Việc đưa tên Phongxiô vào trong Kinh Tin Kính có thể truy nguyên từ thuở sơ khai của Giáo hội Công giáo. Đoạn này trong bản kinh đã được đưa ra bởi Tertullian vào đầu thế kỷ thứ 3. Đối với những Ki-tô hữu tiên khởi, việc đưa tên Phongxiô vào là vô cùng quan trọng.

Một trong những lý do chính mà Giáo hội giữ lại phần này là để củng cố tính lịch sử của Cuộc Khổ nạn của Chúa Giê-su. Có thể thẩm định sự hiện hữu của Phongxiô Philatô theo những nguồn bên ngoài Tin mừng và tên của ông ta là một sự nhắc nhở mạnh mẽ rằng cái chết của Chúa Giê-su xảy ra trong bối cảnh dưới sự thống trị của người Roma và tại một thời điểm xác định trong lịch sử loài người.

Cũng vậy, kinh Tin Kính được soạn trong vài thế kỷ đầu của Giáo hội, trong thời điểm khi người Ki-tô hữu vẫn nằm dưới sự thống trị của Đế quốc Roma. Việc đưa tên của Philatô vào là một cách để đặt Chúa Giê-su vào trong lịch sử của Đế quốc Roma, một cách đặc biệt là đối với người Roma Dân ngoại.

Về mặt khác, Cha Gioan Hardon tin rằng việc đưa tên của Philatô vào có ý trở thành biểu tượng của những nhà lãnh đạo chính trị đã bách hại người Ki-tô hữu qua các thế kỷ. Cha Hardon viết, “Không phải trùng khớp ngẫu nhiên mà Phongxiô Philatô được nói đến trong Kinh Tin Kính các Tông đồ. Philatô biểu trưng cho những đau khổ và sự bách hại của Giáo hội, đó là Nhiệm Thể của Đức Ki-tô.”

Có ba sự cáo buộc chính mà người Do thái đưa ra để chống lại Chúa Giê-su. Họ khẳng định, “Chúng tôi đã phát giác ra tên này sách động dân tộc chúng tôi, và ngăn cản dân chúng nộp thuế cho hoàng đế Xê-da, lại còn xưng mình là Mê-si-a, là Vua nữa” (Luca 23:2). Tất cả họ đều biết rằng những cáo buộc này là cố tình làm hại. Trong bản chất họ cũng đầy tính chính trị. Tuy nhiên họ có đủ lực để gây ảnh hưởng đối với Philatô nhát gan để kết án tử cho Chúa Giê-su. Kể từ đó điều này trở thành lịch sử của Giáo hội Công giáo. Cho đến nay hàng triệu triệu tín hữu tin theo Đức Ki-tô đã đổ máu mình ra vì sự trung thành với Đấng Cứu Thế. Cũng chẳng phải ngoại lệ, chính là những Philatô thuộc mọi thời đại đã bị những kẻ thù của Đức Ki-tô sử dụng để đàn áp Giáo hội mà Người thành lập.

Việc sử dụng tên của Philatô cũng được nhiều người xem là tượng trưng cho sự tham gia của chúng ta trong Cuộc Khổ Nạn và cái chết của Chúa Giê-su. Theo một ý nghĩa nào đó, chúng ta chính là Philatô, kết án tử cho Chúa Giê-su, như Giáo lý Giáo hội Công giáo nói đến.

Trong giáo huấn theo Huấn quyền về đức tin của mình và trong những chứng tá của các Thánh, Giáo hội không bao giờ quên rằng “những tội nhân là tác giả và là người thực hiện tất cả những sự đau đớn mà Đấng Cứu Thế phải gánh chịu.” Xét đến sự thật rằng các tội của chúng ta làm ảnh hưởng đến chính Đức Ki-tô, Giáo hội không ngần ngại gán cho người Ki-tô hữu trách nhiệm lớn nhất đối với những khổ hình Chúa Giê-su phải chịu.

Cuối cùng, Philatô được đưa vào Kinh Tin Kính không phải là đổ tất cả gánh nặng về cái chết của Chúa Giê-su lên vai ông ta, nhưng như là một cái tên đại diện cho những sự thật về tâm linh và thế tục khác nhau. Tội của chúng ta là nguyên nhân chính cho cái chết của Chúa Giê-su trên thập giá. Chúa Giê-su hiến mạng mình một cách nhưng không cho tất cả chúng ta để chúng ta có thể trải nghiệm được vẻ đẹp của sự phục sinh.

[Nguồn: aleteia]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 31/3/2019]