Nhiếp ảnh gia người Pháp mở Bảo tàng bảo tồn di sản các dân tộc thiểu số Việt Nam

692

Trong dự án Precious Heritage của mình, Réhahn thực hiện nhiệm vụ chụp ảnh tất cả 54 dân tộc anh em trên lãnh thổ Việt Nam và chia sẻ vẻ đẹp di sản phong phú đó đến khắp thế giới.

Trong nhiều năm, nhiếp ảnh gia người Pháp Réhahn đã gọi Việt Nam là nhà. Và trong 7 năm qua, anh đã nỗ lực làm việc để bảo vệ di sản đa dạng của các dân tộc thiểu số trên khắp đất nước.

Theo Tổ chức công tác quốc tế về các vấn đề bản địa (IWGA), 14,6% dân số Việt Nam là dân tộc thiểu số, chiếm khoảng 13,4 triệu người. Trong lúc tỉ lệ hộ nghèo của các dân tộc thiểu số cao hơn hẳn so với phần còn lại, các bước tiến nhằm cải thiện sự bình đẳng sẽ giúp chúng ta gìn giữ di sản lâu dài.

Em bé dân tộc M’Nông

Đối với Réhahn, người đến nay đã chụp ảnh 51 trong số 54 dân tộc, Precious Heritage có giá trị hơn cả một bộ ảnh. Bằng cách thu thập trang phục truyền thống và các hiện vật khác từ mỗi dân tộc, cũng như ghi lại những câu chuyện sử thi trong các chuyến thăm, ông đang góp phần không nhỏ để bảo tồn các nền văn hóa của dân tộc thiểu số. Năm 2017, ông mở bảo tàng Precious Heritage Museum, một không gian miễn phí tại Hội An, nơi chúng ta có thể thưởng thức những bức ảnh và trang phục ông sưu tầm được, đồng thời tìm hiểu sâu hơn về phong tục của các dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam.

Trang My Modern Met đã có cơ hội nói chuyện với Réhahn về những động lực đằng sau dự án, kinh nghiệm khi tiếp sức với các dân tộc thiểu số và những khó khăn khi thành lập một bảo tàng.

Dân tộc Chăm

ĐIỀU GÌ TRUYỀN CẢM HỨNG ĐỂ ANH THỰC HIỆN DỰ ÁN PRECIOUS HERITAGE?

Mặc dù chuyên môn của tôi không phải là dân tộc học nhưng tôi luôn bị cuốn hút bởi con người và các nền văn hóa. Khi chuyển đến Việt Nam, một trong những nơi đầu tiên tôi ghé thăm là Sapa. Tôi chỉ dự đinh chụp ảnh thiên nhiên, phong cảnh. Nhưng sau đó, tôi đã bị cuốn hút bởi nét đẹp của các dân tộc thiểu số nơi đây như Dao Đỏ hay H’Mông, những người gọi vùng rừng núi hoang sơ này là nhà. Tôi bắt đầu loạt ảnh chân dung của mình và dần dần dấn thân vào thu thập các trang phục và hiện vật truyền thống. Nhưng cũng phải mất thêm vài năm mới hình thành nên ý tưởng cho Bảo tàng Precious Heritage.

ĐIỀU GÌ KHIẾN ANH NGẠC NHIÊN NHẤT TRONG HÀNH TRÌNH KHÁM PHÁ CÁC LÀNG DÂN TỘC THIỂU SỐ?

Nghi lễ tại Đak Lak

Tôi thực sự kinh ngạc nhưng cũng được truyền cảm hứng rất nhiều bởi một buổi lễ của đồng bào M’nông ở Đăk Lăk. Người M’nông có mối gắn kết đặc biệt với voi, đến mức trong buổi lễ, họ chào đón những chú voi vào làng như một thành viên thực sự trong gia đình. Tôi đã có vinh hạnh chứng kiến xuyên suốt ​​nghi lễ được thực hiện mỗi năm một lần này.

Dân làng tắm rửa cho voi và sau đó đặt một hỗn hợp gồm máu lợn, lòng đỏ trứng và rượu gạo lên con voi để ban phước cho nó. Sau đó, con voi sẽ đứng trước nhà rông truyền thống của người M’nông trong khi đồng bào bên trong chơi cồng chiêng để chào đón và chúc nó khỏe mạnh.

TỪ KHI NÀO ANH QUYẾT ĐỊNH THU THẬP CÁC HIỆN VẬT CŨNG NHƯ TRANG PHỤC TRUYỀN THỐNG VÀ ANH CẢM THẤY ĐIỀU NÀY BỔ TRỢ CHO CÔNG VIỆC NHIẾP ẢNH NHƯ THẾ NÀO?

Người Dao Đỏ

Vào năm 2012, tôi đã mua bộ trang phục đầu tiên từ người Dao Đỏ. Bộ trang phục ấn tượng của đồng bào Dao Đỏ là một trong những trang phục nổi tiếng trên toàn thế giới và tôi nhận ra rằng nó sẽ có ý nghĩa hơn khi được trình bày bắt mắt trong một phòng trưng bày. Vào thời điểm đó, tôi chưa có một phòng trưng bày nào, nhưng nó đã khơi dậy niềm mong mỏi trong tôi. Sau đó, tôi có cơ hội tiếp xúc với người Cơ Tu và họ đã tặng tôi một bộ trang phục làm quà. Từ đó tôi có hai bộ trang phục của dân tộc thiểu số.

Ý tưởng thành lập một bảo tàng, trong đó các bức ảnh, trang phục và đồ tạo tác của 54 dân tộc anh em bắt đầu hiển hiện ngày càng rõ ràng trong đầu tôi. Tôi biết đây sẽ là một dự án ngốn nhiều thời gian và tâm sức, thậm chí tôi cũng không chắc mình có thể hoàn thành nó hay không. Vì vậy, tôi đã lặng lẽ thực hiện một mình để xem có thể tự đi được bao xa. Bây giờ, tôi đang trong hành trình thu thập hình ảnh cho ba dân tộc cuối cùng!

Trang phục và đồ tạo tác là một phần thiết yếu trong bảo tàng của tôi. Tôi muốn có những hiện vật hữu hình để giới thiệu với bạn bè năm châu, rằng người dân tộc đã tạo ra những tác phẩm thủ công mỹ nghệ này bằng chính đôi tay của họ. Hy vọng qua đó có thể tôn vinh di sản độc đáo của các dân tộc anh em.

ANH CÓ THỂ CHIA SẺ MỘT CHÚT THÔNG TIN VỀ MỘT SỐ DÂN TỘC YÊU THÍCH MÀ ANH ĐÃ CHỤP KHÔNG?

Người đàn ông Cơ Tu trong bộ trang phục truyền thống.

Một dân tộc mà tôi cảm thấy đặc biệt kết nối là đồng bào Cơ Tu. Tôi sống ở miền trung Việt Nam tại Hội An và người Cơ Tu cũng sinh sống gần đó. Vì vậy, tôi có thể ghé thăm họ thường xuyên. Họ có một nền văn hóa rất mạnh mẽ, lâu đời và luôn tìm cách để duy trì những di sản văn hóa đó. Gần đây, tôi đã hoàn thành việc xây dựng một bảo tàng dành riêng cho người Cơ Tu để họ có một nơi để bảo tồn các hiện vật, trang phục, âm nhạc và chân dung chính mình. Bảo tàng miễn phí cho du khách nhưng cũng sẽ mở cửa để người Cơ Tu sử dụng như một trung tâm cộng đồng cho các sự kiện của dân làng. Bảo tàng Cơ Tu sẽ chính thức ra mắt vào năm 2019.

NHỮNG DÂN TỘC THIỂU SỐ NÀY PHẢI ĐỐI MẶT VỚI NHỮNG THÁCH THỨC NÀO?

Chân dung bà cụ dân tộc Lào

Chân dung ông cụ người Xơ Đăng

Nhiều làng dân tộc đang phải đối mặt với sự tiếp cận mới với thế giới hiện đại, khi những con đường được xây dựng ngày càng gần với vùng đất họ ngàn đời sinh sống. Thách thức cho các nhóm dân tộc là cố gắng tìm ra sự cân bằng giữa công nghệ như điện thoại thông minh và internet với những truyền thống cũ trong văn hóa của họ. Một số truyền thống xa xưa của các dân tộc cũng đang trên đà biến mất.

Mọi thứ đều có hai mặt. Du lịch có thể giúp các làng dân tộc có thêm thu nhập nhưng nó cũng có thể thay đổi, thậm chí xóa bỏ văn hóa bản địa. Tôi không phải là một chuyên gia trong lĩnh vực nhân chủng học hay xã hội học nên tôi chỉ có thể nhắc đến vài điều mắt thấy tai nghe.

CÁC DÂN TỘC ĐÃ TIẾP ĐÓN NHƯ THẾ NÀO KHI ANH ĐẾN?

Phần lớn, các dân tộc đã vô cùng chào đón và tò mò khi tôi đến. Cũng có đôi chút do dự ở một vài nhóm dân tộc, nhưng một khi tôi tiết lộ mục đích của mình, họ dần dần mở lòng và chào đón những câu hỏi cũng như ống kính của tôi. Họ thường háo hức nói về văn hóa và sẵn sàng trình bày nó cho một người nước ngoài chân thành quan tâm đến như tôi. Khi họ nhìn thấy những tấm chân dung tôi chụp cho, có lúc họ cười, khi thì vui mừng nhảy múa, đó luôn là một trải nghiệm đặc biệt, cho tôi thêm rất nhiều động lực.

Chân dung bà cụ dân tộc La Hủ

ANH HY VỌNG LƯU GIỮ ĐƯỢC GÌ TRONG NHỮNG BỨC ẢNH VỀ CÁC NHÓM DÂN TỘC NÀY?

Tôi muốn tôn vinh vẻ đẹp của các làng dân tộc thiểu số để có thể bộc lộ sức mạnh, sự khác biệt, niềm tự hào của họ. Từ những chuyến đi của mình tôi cũng biết rằng Việt Nam đang trong quá trình thay đổi và phát triển nhanh chóng. Tôi tin rằng điều quan trọng là tạo ra một kỷ lục của Việt Nam bây giờ. Thật là một khoảnh khắc hiếm hoi trong lịch sử khi tìm thấy một đất nước hòa nhập với thế giới nhưng vẫn chứa đựng sự đa dạng đáng kinh ngạc về dân tộc và thiên nhiên hoang sơ.

Chân dung bà cụ dân tộc Khơ Mú

THÀNH LẬP MỘT BẢO TÀNG KHÔNG PHẢI LÀ VIỆC DỄ DÀNG. PHẦN KHÓ KHĂN NHẤT TRONG VIỆC TẠO RA BẢO TÀNG DI SẢN LÀ GÌ?

Nhiệm vụ khó khăn nhất từ ​​trước đến nay là lặn lội Bắc Nam để gặp gỡ và chụp ảnh tất cả các nhóm dân tộc này! Tôi đã mất hơn 8 năm để thực hiện được công việc này và mặc dù đã gần hoàn thành, tôi vẫn không biết nó thực sự sẽ kéo dài bao lâu nữa.

Bà Cụ người Mông Đen

Thách thức khác là làm sao để nơi này được công nhận là một bảo tàng thực thụ chứ không chỉ đơn giản là một cửa hàng hay một phòng trưng bày. Tôi rất tự hào về bảo tàng. Trải rộng một trong một không gian 500 mét vuông ở Phố cổ Hội An, nó chứa đầy hàng trăm hiện vật đại diện cho văn hóa của các dân tộc khác nhau. Mỗi bộ trang phục đi kèm một bức chân dung và một đoạn chuyện ngắn về trải nghiệm của tôi khi tiếp xúc với làng.

ANH HY VỌNG MỌI NGƯỜI NHẬN ĐƯỢC ĐIỀU GÌ TỪ DỰ ÁN NÀY?

Thêu trang phục truyền thống

Điều quan trọng đối với tôi là làm sao để bảo tàng luôn duy trì miễn phí cho công chúng. Tôi muốn truyền bá thông tin về các dân tộc thiểu số này đến càng nhiều người càng tốt, để họ có thể hiểu được bản sắc văn hóa đa dạng của các dân tộc được đại diện. Tôi cũng cảm thấy rằng, trước đây, người dân tộc thiểu sổ cũng không có nhiều hứng thú với câu chuyện của chính họ. Nhìn thấy những người khác lưu ý đến truyền thống của mình có thể giúp họ duy trì chúng tốt hơn.

Bảo tàng Precious Heritage tại Hội An

Theo Elle.vn